Liệu Pháp Đích
Tổng Quan
Liệu pháp đích là gì?
Liệu pháp đích là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng các loại thuốc đặc hiệu nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư, hạn chế tác động đến các tế bào bình thường. Mục đích điều trị chính là ngăn chặn các mục tiêu phân tử cụ thể, thường là đột biến gen hoặc protein đặc trưng của ung thư đang thúc đẩy tế bào ác tính phát triển. Những biến đổi phân tử này diễn ra trên bề mặt, bên trong tế bào ung thư hoặc ở khu vực xung quanh khối u. Hình thức điều trị này còn gọi là “y học chính xác” vì nó nhắm vào những thay đổi hoặc hoạt chất cụ thể trong tế bào ung thư.
Tiêu biểu trong liệu pháp đìch là Imatinib, một loại thuốc ngăn chặn hoạt động của một gen đột biến gọi là gen BCR-ABL được tìm thấy trong bệnh bạch cầu dòng tủy mạn (CML). Việc phát triển và sử dụng Imatinib sau đó đã thay đổi hoàn toàn cục diện điều trị bệnh bạch cầu, từ một căn bệnh hiểm nghèo khó tránh khỏi án tử nay đã đạt được 95% tỷ lệ bệnh nhân sống sót trên 5 năm.
Kể từ đó, hiểu biết tốt hơn về các loại ung thư và tìm ra các loại thuốc mới đã nhanh chóng mang đến thêm lựa chọn điều trị cho nhiều loại bệnh ung thư. Hầu hết các bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp đích cũng trải qua các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị để đạt được kết quả tốt hơn.
Bệnh nhân nào thích hợp điều trị bằng liệu pháp đích?
Liệu pháp đích đã thành công điều trị nhiều loại ung thư, bao gồm phổi, vú, đại trực tràng, da và bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, liệu pháp chỉ phù hợp với một số dạng ung thư, vì không phải tất cả các loại bệnh đều có mục tiêu phân tử. Ngay cả trong trường hợp cùng loại ung thư vẫn xuất hiện các mục tiêu phân tử khác nhau tùy theo tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Vì lý do đó, điều quan trọng nhất trong việc đánh giá khả năng phù hợp với liệu pháp là làm xét nghiệm phân tử để tìm những đột biến gen hoặc protein có thể hoạt động cụ thể. Các xét nghiệm này tìm kiếm sự tồn tại của các gen cụ thể hoặc những thay đổi trong cấu trúc protein trên tế bào ung thư mà có thể dùng thuốc điều trị. Yếu tố này sẽ quyết định phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật hoặc sinh thiết – là thủ thuật cắt bỏ một phần khối u để làm xét nghiệm. Ngoài ra, trong giai đoạn ung thư tiến triển, các tế bào ung thư có thể tiết ra các đoạn tế bào ung thư DNA bất thường vào hệ tuần hoàn máu. Vì vậy có thể lấy những mẫu này và phân tích biến đổi phân tử. Xét nghiệm phân tử đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Nhiều đột biến có thể được xét nghiệm đồng thời trên các mẫu bệnh phẩm nhỏ, và cho ra kết quả trong thời gian ngắn hơn.
Bác sĩ sẽ là người xem xét liệu pháp đích có phù hợp với bệnh nhân hay không.
Điều Trị Liệu Pháp Đích
Liệu pháp đích hoạt động như thế nào?
Các loại liệu pháp đích khác nhau hoạt động trên các mục tiêu phân tử có liên quan đến ung thư khác nhau. Chúng ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển bằng cách:
- Làm gián đoạn các tín hiệu tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển và phân chia của các tế bào ung thư
- Thay đổi protein trong tế bào ung thư làm chết tế bào
- Bám vào các tế bào ung thư và tấn công trực tiếp
- Chặn nguồn dinh dưỡng nuôi tế bào ung thư để tế bào chết dần
- Bám vào các tế bào ung thư để hệ thống miễn dịch “tìm kiếm và tiêu diệt” tế bào dễ dàng hơn
- Ngăn chặn hình thành các mạch máu mới để nuôi các tế bào ung thư đang phát triển
Một số liệu pháp đích hoạt động theo nhiều cách để ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
Điều trị bằng liệu pháp đích như thế nào?
Liệu pháp đích được điều trị theo nhiều cách khác nhau:
- Tiêm hoặc truyền vào tĩnh mạch (nhỏ giọt)
- Tiêm dưới da
- Uống dưới dạng viên nén hoặc viên nang
Mỗi phương pháp điều trị được thực hiện theo các cách cụ thể. Nếu bác sĩ chỉ định liệu pháp bằng đường uống thì nên lưu ý về liều lượng, tần suất sử dụng, thời gian dùng thuốc theo bữa ăn và thời gian nghỉ sau mỗi chu kỳ. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu muốn sử dụng cùng với các loại thuốc khác hoặc thực phẩm chức năng cho những tình trạng sức khỏe không liên quan tới ung thư. Một số phương pháp điều trị có thể cần dùng thuốc hỗ trợ thường xuyên như kem dưỡng ẩm hoặc thuốc trị tiêu chảy.
Tính an toàn của liệu pháp đích
Bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi điều trị liệu pháp đích để bảo vệ người thân và bạn bè không tiếp xúc với thuốc điều trị ung thư.
Nếu bệnh nhân dùng thuốc đường uống tại nhà, thì không nên để các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè tiếp xúc với thuốc. Đôi khi cũng bao gồm cả tiếp xúc với dịch cơ thể của bản thân khi đang điều trị (hoặc trong một thời gian sau khi hoàn thành điều trị).
Ví dụ về liệu pháp đích
Liệu pháp đích hiện được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư. Dưới đây là một vài ví dụ:
- Trastuzumab nhắm vào các khối u có đột biến gen ERBB2, còn được gọi là HER2, gen này kích thích tế bào phân chia và tăng trưởng. Trastuzumab được sử dụng để điều trị ung thư dương tính với HER2 bao gồm ung thư vú, dạ dày và đại tràng.
- Osimertinib nhắm vào các tế bào ung thư phổi có đột biến thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) là gen dẫn dắt sự phát triển của ung thư.
- Bevacizumab được sử dụng để điều trị nhiều bệnh ung thư khác nhau, bao gồm ung thư ruột kết, phổi, não và thận. Thuốc có tác dụng ngăn chặn hình thành các mạch máu mới.
- Bortezomib được sử dụng để điều trị ung thư máu (đa u tủy), ngăn chặn sự phân hủy của một protein cụ thể được gọi là proteasomes. Tích tụ proteasomes phá hủy tế bào ung thư.
- Olaparib là một thuốc ức chế poly ADP-ribose polymeras (PARP). Khi thuốc ức chế PARP xuất hiện, tế bào ung thư đột biến gen sửa chữa DNA sẽ không thể sửa chữa tổn thương DNA khiến tế bào ung thư chết dần. Olaparib được sử dụng để điều trị ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt và tuyến tụy.
- Liệu pháp nội tiết là một loại liệu pháp đích được sử dụng để ngăn chặn estrogen hoặc testosteron gắn kết với các thụ thể dẫn dắt sự phát triển của ung thư. Ví dụ, các loại thuốc như anastrozol, fulvestrant và tamoxifen được sử dụng để điều trị ung thư vú, trong khi abirateron và enzalutamid được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Tác Dụng Phụ Của Liệu Pháp Đích
Liệu pháp đích được phân thành nhiều loại. Các tác dụng phụ tiềm ẩn của liệu pháp đích phụ thuộc vào loại thuốc điều trị và mục tiêu sử dụng thuốc. Một số liệu pháp đích có tác dụng phụ trong khi những liệu pháp đích khác có thể dẫn đến các vấn đề không phổ biến nhưng khá nghiêm trọng. Tác dụng phụ cũng khác nhau ở mỗi người.
Tác dụng phụ của các liệu pháp đích bao gồm:
- Nhạy cảm với ánh nắng - da trở nên khô, đỏ hoặc ngứa
- Phát ban trên da trông giống như mụn trứng cá
- Đau rát và phát ban ở lòng bàn tay và bàn chân (được gọi là hội chứng tay-chân)
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- buồn nôn
- Tiêu chảy
- Tổn thương gan
- Đau cơ, xương và khớp
- Cao huyết áp
- Giảm số lượng tế bào trong máu
- Xuất huyết hoặc hình thành cục máu đông
- Vết thương lâu liền
- Rối loạn chức năng tim
Một số liệu pháp đích có thể có các tác dụng phụ không có trong liệt kê trên. Bác sĩ sẽ theo dõi và hỗ trợ bệnh nhân khi gặp các tác dụng phụ này.
Điều quan trọng cần lưu ý không phải bệnh nhân nào cũng sẽ gặp mọi tác dụng phụ, mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ này tùy thuộc vào tình trạng mỗi bệnh nhân. Hầu hết tác dụng phụ này có thể kiểm soát bằng các biện pháp hỗ trợ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể giảm liều lượng thuốc đang dùng. Cần theo dõi tình trạng bệnh và báo cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
Các tác dụng phụ của liệu pháp đích kéo dài bao lâu?
Hầu hết các tác dụng phụ của liệu pháp đích như phát ban, cao huyết áp và tiêu chảy sẽ sớm cải thiện sau khi ngừng thuốc. Một số tác dụng phụ không phổ biến nhưng nghiêm trọng hơn như hình thành cục máu đông và biến đổi chức năng tim có thể gây ảnh hưởng lâu dài hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu lo lắng về các tác dụng phụ và phải đảm bảo thông cáo tất cả các thay đổi về các tác dụng phụ cho bác sĩ.
Dùng Thực Phẩm Chức Năng Khi Điều Trị Thuốc Đích
Bệnh nhân có thể muốn dùng liệu pháp đích cùng với thảo dược hoặc thực phẩm chức năng. Nhưng trước khi dùng, cần phải trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ vì một số thực phẩm chức năng có thể tương tác với liệu pháp điều trị.
Một số thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến nồng độ thuốc chống ung thư trong máu. Điều này xảy ra do thực phẩm chức năng can thiệp vào quá trình chuyển hóa thuốc hoặc điều chỉnh hoạt động của một số enzym quan trọng.
Ví dụ, thực phẩm chức năng phổ biến St. John's Wort tương tác với imatinib làm tăng tốc độ thải thuốc khỏi cơ thể. Dùng hai loại này cùng nhau sẽ làm giảm hiệu quả của imatinib.
Ngoài ra, nhân sâm (Panax ginseng) đã được chứng minh có tương tác với imatinib, và có thể gây độc cho gan. Vì nhân sâm có tác dụng estrogenic, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu đang mắc bệnh ung thư nhạy cảm với hormone.
Câu Hỏi Thường Gặp
Bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp đích khi các xét nghiệm cho thấy khối u có một số chỉ điểm mà sẽ đáp ứng với thuốc đích. Một số bệnh ung thư có các chỉ điểm cụ thể nhưng vẫn chưa có loại thuốc phù hợp, vì vậy không phải tất cả các bệnh ung thư đều có thể được điều trị bằng liệu pháp đích.
Các liệu pháp đích dạng uống ngày càng được sử dụng nhiều hơn để điều trị ung thư vì bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Sử dụng thuốc uống tương đối đơn giản hơn các loại thuốc tiêm truyền khác, nhưng điều đó không có nghĩa là các liệu pháp đích dạng uống kém hiệu quả trong việc chống lại ung thư, vì mỗi loại thuốc có tác dụng riêng.
Trong các lần khám định kỳ, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu và chụp chiếu để kiểm tra xem ung thư có đáp ứng với liệu pháp hay không. Nếu đáp ứng điều trị tốt, chẩn đoán hình ảnh sẽ cho thấy khối u đã thu nhỏ hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn. Đôi khi khối u có thể vẫn giữ nguyên kích thước (không tiến triển, bệnh ổn định), điều này cũng cho thấy bệnh đã đáp ứng với điều trị.
Bệnh nhân gần như chắc chắn sẽ bị rụng tóc khi hóa trị, nhưng liệu pháp đích chỉ làm cho tóc mỏng đi.