Tổng quan

Ung thư phổi là gì?

Lung Cancer Anatomy

Ung thư phổi là bệnh ung thư bắt nguồn từ các mô của phổi. Hầu hết các bệnh lý ung thư phổi đều bắt đầu sinh sôi từ các tế bào lót trong đường dẫn khí.

Mức độ phổ biến của ung thư phổi?

Top 5 Cancers by Gender (2016-2020)

Tại Singapore, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán ở cả nam và nữ, chiếm hơn 13% tổng số ca ung thư ở nam và gần 8% tổng số ca ung thư ở nữ1. Ung thư phổi có nguy cơ cao phát bệnh khi cơ thể con người già đi. Hầu hết những người mắc bệnh này được chẩn đoán sau 65 tuổi2.

Số ca mắc bệnh và tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới phản ánh chặt chẽ vấn nạn hút thuốc lá vẫn còn dai dẵng qua nhiều thập kỷ2.Khi các thông điệp nâng cao sức khỏe cộng đồng được tuyên truyền đến cộng đồng, nhiều người giờ đây đã nhận thức được sự nguy hiểm của việc hút thuốc, giúp họ hạ quyết tâm bỏ thuốc hoặc không bắt đầu thói quen hút thuốc.

Số ca mắc bệnh ung thư phổi có xu hướng giảm dần đều trong vài thập kỷ qua khi số lượng người hút thuốc tiếp tục giảm2. Những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư phổi và sự phát hiện ung thư giai đoạn đầu tăng cũng góp phần cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư phổi2.

Phân loại ung thư phổi

Bệnh ung thư phổi có hai phân loại chính, bao gồm: ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Phân loại bệnh được chẩn đoán dựa trên hình thái các tế bào quan sát dưới kính hiển vi:

  • Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)

    NSCLC là loại ung thư phổi phổ biến hơn chiếm khoảng 80% ca bệnh ung thư phổi. Loại này có độ ác tính thấp hơn SCLC. Nếu được phát hiện sớm, điều trị bằng phẫu thuật và/hoặc xạ trị, hóa trị sẽ có cơ hội chữa khỏi bệnh3.

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)

    SCLC phát triển nhanh và lây lan nhanh chóng qua đường máu và bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh thường được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn tiến triển. Phương pháp điều trị bệnh bao gồm hóa trị hoặc kết hợp với xạ trị3.

Nguyên nhân & triệu chứng

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư phổi

Các bác sĩ không thể luôn giải thích được tại sao người này bị ung thư phổi còn người khác thì không. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng một người có các yếu tố nguy cơ nhất định có thể có nhiều khả năng mắc ung thư phổi hơn những người khác4,6:

  • Hút thuốc lá

    Những người hút thuốc là đối tượng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất. Nguy cơ ung thư tăng dần theo thời gian và số lượng thuốc lá đã hút. Xì gà, thuốc lào, thuốc lá có hàm lượng nicotin thấp hoặc thuốc lá 'nhẹ' và thuốc lá hương bạc hà đều có nguy cơ ung thư tương tự như hút thuốc lá bình thường.
  • Tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá

    Một người có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng nếu thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động, chẳng hạn như sống cùng thành viên trong gia đình có hút thuốc.
  • Tiếp xúc với hóa chất

    Một số chất như radon (một loại khí phóng xạ), amiăng, asen, crom và niken được tìm thấy trong các tòa nhà, nơi làm việc và môi trường xung quanh có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc lá.
  • Tiền sử xạ trị vùng ngực

    Những người đã từng xạ trị vùng ngực để điều trị các bệnh ung thư khác sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
  • Tiền sử bệnh cá nhân

    Nếu bệnh nhân có tiền sử từng bị ung thư phổi, họ có nhiều khả năng phát triển thêm loại bệnh ung thư phổi khác.
  • Tiền sử gia đình

    Những người có người thân thế hệ thứ nhất (cha mẹ, anh/chị/em hoặc con cái) mắc bệnh ung thư phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao, đặc biệt nếu người thân được chẩn đoán ở độ tuổi còn trẻ. Hiện nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng về nguy cơ ung thư do gen di truyền và do phơi nhiễm chung trong gia đình.

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi?

Ung thư phổi giai đoạn đầu thường không xuất hiện triệu chứng. Nhưng khi ung thư phát triển, các triệu chứng phổ biến bao gồm7:

  • Ho nặng hơn hoặc không hết
  • Khó thở, chẳng hạn như hụt hơi
  • Đau ngực liên tục
  • Ho ra máu
  • Khàn giọng
  • Nhiễm trùng phổi thường xuyên, chẳng hạn như viêm phổi
  • Lúc nào cũng cảm thấy rất mệt mỏi
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Những triệu chứng này không hoàn toàn là ung thư vì các vấn đề sức khỏe khác cũng gây ra những triệu chứng này. Tuy nhiên, bất cứ ai có những triệu chứng như trên kéo dài nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán & đánh giá

Chẩn đoán ung thư phổi

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng gợi ý ung thư phổi, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm chuyên sâu để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng. Bệnh nhân có thể cần làm xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc các chụp chiếu khác8.

  • Bệnh sử và khám lâm sàng

    Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình và khám lâm sàng để tìm kiếm dấu hiệu ung thư phổi.
  • X-quang ngực

    Chụp X-quang ngực thường là xét nghiệm đầu tiên để tìm kiếm dấu hiệu bất thườngo ở phổi. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm chuyên sâu để có thêm thông tin chi tiết.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)

    Chụp CT sử dụng một loại máy X-quang đặc biệt thu thập nhiều hình ảnh cắt lớp chi tiết của phổi. Chụp CT còn giúp phát hiện những khối nhỏ trong phổi không thấy được trên X-quang và kiểm tra những hạch bạch huyết bất thường.

Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để thu thập mẫu và xác nhận chẩn đoán nếu nghi ngờ khả năng cao là ung thư phổi8:

  • Nội soi phế quản

    Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ có đèn (ống soi phế quản) qua đường mũi hoặc miệng tiến vào phổi. Bác sĩ có thể lấy mẫu tế bào bằng kim, bàn chải hoặc dụng cụ khác và cũng có thể rửa sạch vùng nội soi bằng nước để thu thập tế bào trong nước.
  • Chọc dịch màng phổi

    Nếu có chất lỏng tích tụ xung quanh phổi (tràn dịch màng phổi), bác sĩ có thể lấy một ít chất lỏng bằng kim chọt hút qua da.
  • Sinh thiết dưới hướng dẫn của CT

    Bác sĩ sử dụng kim chọc hút để lấy mẫu mô hoặc dịch ở phổi theo hướng dẫn của hình ảnh chụp CT.
  • Sinh thiết mở

    Trong trường hợp khó lấy được mô khối u, có thể cần phải sinh thiết trực tiếp u phổi hoặc hạch bạch huyết thông qua vết mổ ở thành ngực.

Quy trình đánh giá bệnh ung thư phổi?

Sau khi được chẩn đoán ung thư phổi, bệnh nhân sẽ cần làm các xét nghiệm để xác định xem tế bào ung thư có lan từ phổi sang các bộ phận khác của cơ thể hay không.

Để lên kế hoạch điều trị tốt nhất, ngoài loại bệnh ung thư phổi, bác sĩ cần phải đánh giá mức độ (giai đoạn bệnh). Đánh giá giai đoạn bệnh thường được chỉ định chụp CT, chụp PET-CT hoặc MRI để kiểm tra mức độ lan rộng của ung thư và nếu có, thì ung thư đã lan đến bộ phận nào của cơ thể. Ung thư phổi thường lan đến các hạch bạch huyết, não, xương, gan và tuyến thượng thận.

Các giai đoạn bệnh của ung thư phổi tế bào nhỏ9

  • Giai đoạn khu trú

    Ung thư chỉ nằm ở một bên phổi và các mô lân cận.
  • Giai đoạn xâm lấn

    Ung thư nguyên phát ở phổi nhưng đã lan đến các mô bên ngoài phổi hoặc ở các cơ quan ở xa.
Stages of Small Cell Lung Cancer

Các giai đoạn bệnh của ung thư phổi không tế bào nhỏ10

  • Giai đoạn 0

    Tế bào ung thư chỉ khu trú ở lớp lót trong cùng của phổi. Khối u chưa phát triển vượt qua lớp lót này. Khối u Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
  • Giai đoạn I

    Ung thư chỉ khu trú tại phổi và chưa lan đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 2

    Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, thành ngực, cơ hoành, màng phổi hoặc màng ngoài tim.
  • Giai đoạn 3

    Ung thư đã lan rộng đến các hạch bạch huyết ở ngực giữa tim và phổi nhưng chưa lan sang các bộ phận xa trong cơ thể.
  • Giai đoạn 4

    Ung thư đã xâm lấn cả hai phổi, có dịch xung quanh phổi, tim hoặc các bộ phận xa trong cơ thể.
Stages of Non–Small Cell Lung Cancer

Điều trị ung thư phổi

Các lựa chọn điều trị ung thư phổi

Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư phổi, mục tiêu điều trị có thể là chữa khỏi bệnh, kiểm soát bệnh để kéo dài thời gian sống, chăm sóc giảm nhẹ và phòng ngừa biến chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ khu trú,phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật có hoặc không kết hợp hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp hóa trị và xạ trị11.

Đối với trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển phương pháp điều trị bao gồm hóa trị và xạ trị, bổ sung thêm liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch trong tùy từng trường hợp11.

Hầu hết các ca bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ đều được điều trị bằng hóa trị có hoặc không kết hợp xạ trị và liệu pháp miễn dịch. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tổng quát, lựa chọn của bệnh nhân và đặc điểm khối u (ví dụ: kích thước, vị trí, phân loại, giai đoạn). Các phương thức điều trị sau đây có thể được chỉ định đơn lẻ hoặc kết hợp cùng nhau13:

  • Phẫu thuật

    Phẫu thuật ung thư phổi là cắt bỏ các mô chứa khối u và các hạch bạch huyết gần đó. Phương pháp phẫu thuật sẽ là cắt nêm (cắt bỏ một phần phổi), cắt thùy (cắt bỏ toàn bộ thùy phổi) hoặc cắt bỏ phổi (cắt bỏ toàn bộ phổi).
  • Xạ trị (Radiotherapy)

    Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia xạ chỉ ảnh hưởng đến các tế bào ở vùng được điều trị. Đối với những người mắc bệnh tiến triển cục bộ, xạ trị có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật và thường được kết hợp với hóa trị.
  • Hóa trị

    Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách truyền vào cơ thể. Thuốc di chuyển vào đường máu và có thể tấn công các tế bào ung thư tại khắp nơi trên cơ thể.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu

    Liệu pháp nhắm mục tiêu tập trung vào những bất thường cụ thể có trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu có thể tiêu diệt và giết chết tế bào ung thư. Một số liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ có tác dụng ở những người có tế bào ung thư với đột biến gen nhất định. Bệnh nhân có thể được chỉ định làm xét nghiệm tế bào ung thư để đánh giá hiệu quả của các loại thuốc.
  • Liệu pháp miễn dịch

    Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Các tế bào ung thư có khả năng tự ‘ngụy trang’ và khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể khó phát hiện và tiêu diệt chúng.

Điều cần lưu ý chính là ung thư phổi có thể điều trị được ở bất kỳ giai đoạn nào và những phương pháp điều trị như trên đã chứng minh được khả năng duy trì sự sống cho bệnh nhân với cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn14. Những tiến bộ trong nghiên cứu ung thư phổi đang trong giai đoạn thực nghiệm sẽ cải thiện hiệu quả và kết quả điều trị ung thư phổi nhiều hơn nữa trong tương lai.

Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi

Chẩn đoán sớm ung thư phổi làm tăng khả năng chữa khỏi bệnh15.

Lung Cancer 5 Years Survival Rate by Stage

Điều quan trọng cần lưu ý là những tỷ lệ này chỉ là con số ước tính, và với những tiến bộ không ngừng trong điều trị cũng như các phương pháp tầm soát thì tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư phổi dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện.

Phòng ngừa & tầm soát

Tầm soát ung thư phổi

Tầm soát là tìm kiếm tế bào ung thư trước khi cơ thể xuất hiện triệu chứng. Mục đích là phát hiện sớm bệnh ung thư để có thể điều trị ở giai đoạn đầu. Xét nghiệm tầm soát là các xét nghiệm giúp bác sĩ phát hiện và điều trị ung thư sớm.

SMột số phương pháp phát hiện ung thư phổi đã được nghiên cứu như là các xét nghiệm chụp chiếu khả thi chẳng hạn chụp CT phổi liều thấp. Tuy nhiên, chụp chiếu này chỉ có hiệu quả ở những người có nguy cơ ung thư cao (chủ yếu là người hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc)16.

Do đó, điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ của bản thân, những lợi ích và tác hại của việc tầm soát ung thư phổi. Giống như các quyết định y khoa khác, quyết định đi tầm soát là quyết định do cá nhân lựa chọn. Quyết định có thể dễ dàng hơn sau khi tìm hiểu ưu và nhược điểm của việc tầm soát.

Phòng ngừa ung thư phổi

Mặc dù không có cách nào đảm bảo ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng có một số cách có thể làm giảm nguy cơ ung thư4:

  • Không hút thuốc lá

    Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc thì không nên thử. Hãy trao đổi với con cái về tác hại của việc hút thuốc trước khi chúng có ý định bắt chước bạn bè.
  • Bỏ hút thuốc lá

    Bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ ung thư phổi ngay cả khi bạn đã từng hút thuốc nhiều năm. Hãy trao đổi với bác sĩ về các cách giúp bạn cai thuốc thành công. Cách giúp cai thuốc có thể là sử dụng sản phẩm thay thế nicotine, uống thuốc và tham gia nhóm hỗ trợ.
  • Tránh hút thuốc thụ động

    Nếu bạn sống hoặc làm việc với người hút thuốc, hãy khuyến khích họ bỏ thuốc, hoặc ít nhất là hút thuốc bên ngoài phòng. Hãy chọn những khu vực sống không có khói thuốc và tránh những nơi có người hút thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc

    Hãy đề phòng và tuân thủ tất cả các hướng dẫn an toàn nếu công việc của bạn phải tiếp xúc với các chất gây ung thư như amiăng, silica, asen, crom và niken.
  • Kiểm tra mức radon trong nhà

    Nếu bạn sống ở khu vực có vấn đề phơi nhiễm radon, hãy kiểm tra kỹ môi trường nhà ở.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

    Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung nhiều trái cây và rau xanh.
  • Luyện tập thể dục đều đặn

    Cố gắng tập thể dục nhiều ngày trong tuần.

Câu hỏi thường gặp (FAQ)

Collapse All
Expand All

Mặc dù không có cách nào đảm bảo có thể ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng bạn có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi. Điều tốt nhất bạn có thể làm là không hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc nếu đã hút thuốc.

Tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động và các chất gây ung thư như radon, amiăng, silica, asen, crom và niken. Hãy đề phòng và tuân theo các hướng dẫn an toàn nếu công việc yêu cầu phải tiếp xúc với các hóa chất này (Xem Phòng chống ung thư phổi ở trên để biết thêm chi tiết).

Hút thuốc khiến phổi tiếp xúc với các chất carinogen (chất gây ung thư) làm tổn thương các tế bào lót trong phổi. Lúc đầu, cơ thể có thể sửa chữa được tổn thương này, nhưng nếu càng tiếp xúc nhiều lần thì những tế bào này càng bị tổn thương đến mức bắt đầu hoạt động bất thường và biến đổi thành tế bào ung thư4.

Ung thư phổi thường không xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Chụp CT phổi liều thấp là một xét nghiệm tầm soát có thể phát hiện ung thư phổi sớm và hiện nay được khuyến nghị cho những người có thói quen hoặc tiền sử hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao16.

Ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển và phân chia không kiểm soát. Hầu hết các trường hợp bệnh ung thư phổi đều bắt nguồn từ các tế bào lót trong đường dẫn khí.

Khả năng chữa khỏi bệnh ung thư phổi phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại bệnh ung thư phổi và giai đoạn chẩn đoán bệnh. Kết quả điều trị sẽ có xu hướng tích cực hơn khi ung thư được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh ở giai đoạn đầu và khu trú thường có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u.

Không phải tất cả trường hợp ung thư phổi đều có tiên lượng xấu và một số trường hợp vẫn có thể chữa khỏi. Những bệnh nhân ung thư ở giai đoạn xâm lấn, tiến triển thường có cơ hội sống sót thấp hơn. Tuy nhiên, những tiến bộ trong y học đang không ngừng nghiên cứu các phương pháp điều trị mới giúp cải thiện tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn tiến triển.

Ung thư phổi có thể được chữa khỏi ở giai đoạn đầu khi ung thư chỉ khu trú ở một vùng của phổi hoặc lan rộng ở mức độ tối thiểu.

Phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn khối u, sau đó hóa trị và xạ trị được chỉ định làm phương pháp điều trị tiếp theo sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư tiềm ẩn còn sót lại.

Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi tiếp tục được cải thiện nhờ có những tiến bộ trong phương pháp điều trị2.

Nguồn tham khảo

  1. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry Annual Report 2020. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  2. American Cancer Society. Cancer Facts & Figures 2023. Atlanta: American Cancer Society; 2023.
  3. American Cancer Society. What is Lung Cancer? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/about/what-is.html on 11 July 2023.
  4. Mayo Clinic. Lung Cancer Symptoms and Causes. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lung-cancer/symptoms-causes/syc-20374620 on 11 July 2023.
  5. American Cancer Society. What Causes Lung Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/causes-risks-prevention/what-causes.html on 11 July 2023.
  6. American Cancer Society. Lung Cancer Risk Factors. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html on 11 July 2023.
  7. Gleneagles Hospital Singapore. Lung Cancer. Accessed at https://www.gleneagles.com.sg/conditions-diseases/lung-cancer/symptoms-causes on 11 July 2023.
  8. American Cancer Society. Tests for Lung Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html on 11 July 2023.
  9. American Cancer Society. Small Cell Lung Cancer Stages. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/detection-diagnosis-staging/staging-sclc.html on 11 July 2023.
  10. American Cancer Society. Non-Small Cell Lung Cancer Stages. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/detection-diagnosis-staging/staging-nsclc.html on 11 July 2023.
  11. American Cancer Society. Treatment Choices for Non-Small Cell Lung Cancer, By Stage. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/treating-non-small-cell/by-stage.html on 11 July 2023.
  12. American Cancer Society. Treatment Choices for Small Cell Lung Cancer, By Stage. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/treating-small-cell/by-stage.html on 11 July 2023.
  13. Mayo Clinic. Lung Cancer Diagnosis and Treatment. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lung-cancer/diagnosis-treatment/drc-20374627 on 11 July 2023.
  14. American Society of Clinical Oncology Cancer.Net. Lung Cancer - Non-Small Cell: Statistics. Accessed at https://www.cancer.net/cancer-types/lung-cancer-non-small-cell/statistics on 11 July 2023.
  15. American Cancer Society. Lung Cancer Survival Rates. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/lung-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html on 11 July 2023.
  16. Centers for Disease Control and Prevention. Who Should be Screened for Lung Cancer. Accessed at https://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/screening.htm on 11 July 2023.
  17. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph – Appendices. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.