Tổng Quan

Ung thư buồng trứng là gì?

Ung thư buồng trứng là căn bệnh mà các tế bào bất thường trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng phát triển không kiểm soát và hình thành khối u. Buồng trứng là một phần của hệ sinh sản nữ giới và là nơi trứng phát triển, sản sinh hormone nữ (estrogen và progesterone). Ống dẫn trứng là đường đi của trứng từ buồng trứng đến tử cung (dạ con).

Phân loại bệnh ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng được phân loại dựa trên loại tế bào mà ung thư bắt nguồn1,2:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng: Loại ung thư này phát sinh từ bề mặt ngoài (biểu mô) của buồng trứng và chiếm khoảng 90% ca bệnh ung thư buồng trứng 3. Loại ung thư này còn có một vài phân nhóm, bao gồm ung thư biểu mô thanh dịch, nội mạc tử cung, tế bào sáng, thể nhầy và không biệt hóa.
  • U mô đệm: Những khối u hiếm gặp này phát sinh từ các tế bào mô liên kết trong buồng trứng nơi sản sinh hormone. Bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn so với các loại ung thư buồng trứng khác và có tiên lượng tốt.
  • U tế bào mầm. Những loại ung thư buồng trứng hiếm gặp này xuất hiện ở các tế bào sản sinh trứng (tế bào mầm) và có xu hướng phát bệnh ở nữ giới trẻ tuổi. Kết quả sau khi điều trị thường rất tốt.

Mức độ phổ biến của ung thư buồng trứng?

Top 10 các bệnh ung thư phổ biến và nhiều ca tử vong nhất Singapore

Ung thư buồng trứng là nguyên nhân gây ung thư phổ biến thứ sáu, chiếm 4,3% trong tổng số các trường hợp ung thư được chẩn đoán ở Singapore4. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ sáu (4). Số ca bệnh đã tăng gấp đôi trong năm mươi năm qua, có thể là do những thay đổi trong mô hình sinh sản bao gồm sinh con muộn và sinh ít con hơn, tăng cường sử dụng liệu pháp thay thế hormone và các yếu tố lối sống như giảm hoạt động thể chất5.

Nguyên Nhân & Triệu Chứng

Nguyên nhân gây bệnh ung thư buồng trứng?

Ung thư buồng trứng hình thành khi các tế bào trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng bị biến đổi (đột biến) ở DNA khiến các tế bào buồng trứng phát triển bất thường và sinh ra khối u. Nguyên nhân chính xác gây ra đột biến vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Nguy cơ gây ra ung thư buồng trứng

Nguyên nhân chính xác gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được nghiên cứu, các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng bao gồm1,2,6:

  • Đối tượng cao tuổi: Ung thư buồng trứng thường hiếm gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Hầu hết các loại bệnh ung thư buồng trứng thường phát triển sau thời kỳ mãn kinh 7, với nguy cơ cao nhất ở những người từ 75-79 tuổi 6. Bệnh nhân cao tuổi khi được chẩn đoán thường sẽ có tiên lượng điều trị kém hơn.

  • Đột biến gen di truyền: Một tỷ lệ nhỏ (khoảng 5-15% 6) ung thư buồng trứng là do đột biến gen (biến đổi gen) được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

    • Đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 chiếm phần lớn các loại ung thư buồng trứng di truyền7. Nữ giới có đột biến này sẽ có khoảng 70% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng7. Những gen đột biến này cũng làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác như ung thư vú, tử cung (dạ con), tuyến tụytuyến tiền liệt.

    • Các tình trạng di truyền hiếm gặp khác như ung thư đại tràng không polyp di truyền (HNPCC, còn được gọi là hội chứng Lynch), hội chứng Peutz-Jeghers do đột biến các gen khác và có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều loại ung thư bao gồm cả ung thư buồng trứng.

  • Tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng: Nữ giới có quan hệ cấp một (mẹ, chị gái hoặc con gái ruột) được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng sẽ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao gấp khoảng ba lần so với người không có tiền sử gia đình6.

  • Chưa từng mang thai hoặc đã từng mang thai: Sinh con làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và càng sinh nhiều con thì nguy cơ ung thư càng thấp. Cho con bú cũng góp phần làm giảm nguy cơ vì quá trình mang thai và cho con bú không làm rụng trứng (quá trình giải phóng trứng khỏi buồng trứng). Số lần rụng trứng càng ít thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng thấp6. Phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với những phụ nữ mang thai khi còn trẻ 7.

  • Độ tuổi bắt đầu và mãn kinh: Có kinh sớm, mãn kinh muộn hoặc cả hai đều làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng do làm tăng số chu kỳ kinh nguyệt (gây rụng trứng) trong suốt cuộc đời của nữ giới.

  • Liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh: Sử dụng liệu pháp thay thế hormone để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, đặc biệt nếu sử dụng trong thời gian hơn 5 năm2.

  • Tiền sử ung thư vú: Những người sống sót sau ung thư vú, đặc biệt là những người được chẩn đoán khi còn trẻ tuổi hoặc có thành viên gia đình cũng bị ung thư vú thì sẽ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn (6). Những loại ung thư này có các yếu tố nguy cơ liên quan đến nội tiết tố và sinh sản.

  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô lót bên trong tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung. Bệnh làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng tế bào sáng và lạc nội mạc tử cung.

  • Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư buồng trứng như ung thư buồng trứng thể nhầy.

  • Thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa, đặc biệt là ở giai đoạn đầu tuổi trưởng thành sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng2.

Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư buồng trứng. Nhiều người có yếu tố nguy cơ không bao giờ bị ung thư buồng trứng, trong khi một số người không có yếu tố nguy cơ lại bị.

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng?

Loại bệnh ung thư này có ít/hoặc không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện bệnh sớm trở nên khó khăn. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng bao gồm1:

  • Chướng bụng hoặc khó chịu.
  • Đại tiện bất thường, chẳng hạn như táo bón.
  • Thường xuyên phải đi tiểu.
  • Chán ăn và nhanh no.
  • Đau vùng chậu.
  • Đau khi quan hệ.
  • Đau lưng.
  • Sụt cân bất thường.
  • Mệt mỏi dai dẳng không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Hầu hết các triệu chứng này có nhiều khả năng là do các bệnh lý thông thường gây ra như nhiễm khuẩn hoặc các vấn đề đường ruột. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là triệu chứng kéo dài hoặc trở nặng thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Chẩn Đoán & Đánh Giá

Chẩn đoán ung thư buồng trứng

Nếu nghi ngờ ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm để xác định chẩn đoán1,8,9:

  • Tiền sử lâm sàng và khám bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình cũng như khám lâm sàng và khám vùng chậu. Trong quá trình khám vùng chậu (còn gọi là khám âm đạo hoặc khám trong), bác sĩ sẽ kiểm tra bên trong âm đạo và cổ tử cung để tìm dấu hiệu bất thường. Kích thước và hình dạng của tử cung, buồng trứng cũng được kiểm tra xem có đau hoặc vùng phì đại không.

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể phát hiện một số protein gọi là dấu ấn khối u do tế bào ung thư sản sinh. Một xét nghiệm dấu ấn khối u được sử dụng trong chẩn đoán ung thư buồng trứng là CA-125. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phải lúc nào cũng chính xác để chẩn đoán ung thư buồng trứng vì một số ung thư buồng trứng không tạo ra CA-125 và kết quả cũng có khả năng là các bệnh lý khác, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung và viêm ruột thừa. Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư tế bào mầm, thì sẽ làm xét nghiệm các dấu ấn khối u khác, bao gồm gonadotropin màng đệm ở người (HCG), alpha-fetoprotein (AFP) và lactate dehydrogenase (LDH). Ngoài ra còn có thêm các xét nghiệm máu khác để kiểm tra sức khỏe tổng quát và chức năng gan thận.

  • Chẩn đoán hình ảnh: chẩn đoán hình ảnh dùng để chụp những hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Các xét nghiệm dành cho chẩn đoán ung thư buồng trứng bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) vùng bụng. Các hình ảnh sẽ cho thấy kích thước và vị trí của khối u, mạch máu và mức độ di căn của ung thư.

  • Lấy mẫu mô xét nghiệm:

    • Sinh thiết là lấy mẫu mô để kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm các dấu hiệu ung thư. Đối với ung thư buồng trứng, sinh thiết thường sẽ là cắt bỏ khối u trong quá trình phẫu thuật. Trong những trường hợp hiếm, ung thư buồng trứng nghi ngờ có thể được sinh thiết trong quá trình làm thủ thuật (thủ thuật phẫu thuật ít xâm lấn sử dụng camera và dụng cụ luồn qua các vết rạch nhỏ trên bụng) hoặc chọc hút kim trực tiếp vào khối u qua da bụng dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp CT.

    • Xét nghiệm này thường chỉ được thực hiện nếu bệnh nhân không thể phẫu thuật vì ung thư tiến triển hoặc không đủ điều kiện để phẫu thuật do có các bệnh lý nghiêm trọng khác vì lo ngại sinh thiết có thể làm ung thư lan rộng. Nếu bệnh nhân bị cổ trướng (tích tụ dịch bên trong ổ bụng), các mẫu dịch được lấy bằng cách chọc hút kim qua thành bụng dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc trong quá trình phẫu thuật để chẩn đoán ung thư. Sinh thiết mô hoặc dịch được phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định có tế bào ung thư không, và nếu có, là loại ung thư gì và cấp độ tế bào (tế bào trông bất thường như thế nào dưới kính hiển vi).

    • Ngoài ra, có thể làm xét nghiệm di truyền để tìm kiếm các gen, protein và các hoạt chất khác (được gọi là dấu ấn sinh học hoặc dấu ấn khối u) mà các tế bào ung thư mang trong mình. Có các đột biến gen này sẽ cung cấp thông tin để lựa chọn phương pháp điều trị ung thư.

Quy trình đánh giá ung thư buồng trứng?

Sau khi chẩn đoán ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ xác định mức độ (giai đoạn) của bệnh. Đánh giá giai đoạn bệnh để tìm hiểu xem ung thư đã di căn hay chưa và nếu có thì di căn đến những bộ phận nào của cơ thể. Các chụp chiếu như chụp CT, chụp PET-CT hoặc MRI có thể cho biết giai đoạn ung thư. Tuy nhiên bác sĩ chỉ có thể xác định giai đoạn bệnh chính xác tại thời điểm phẫu thuật. Ung thư buồng trứng thường di căn đến các hạch bạch huyết lân cận, bàng quang, tử cung và trực tràng, sau đó đến phúc mạc (lớp niêm mạc khoang bụng), ruột, dạ dày, ganphổi. Thật không may, phần lớn các trường hợp ung thư buồng trứng được chẩn đoán đều đã di căn ra ngoài buồng trứng.

Các giai đoạn của ung thư buồng trứng10:

  • Giai đoạn I: Ung thư chỉ khu trú ở buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
  • Giai đoạn II: Ung thư đã phát triển bên ngoài buồng trứng vào vùng chậu.
  • Giai đoạn III: Ung thư đã lan ra ngoài vùng chậu đến niêm mạc khoang bụng (phúc mạc). Ung thư cũng có thể đã lan đến các hạch bạch huyết ở phía sau bụng.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan đến các cơ quan khác cách xa buồng trứng, chẳng hạn như gan hoặc phổi.

Giai đoạn càng thấp khi chẩn đoán, cơ hội điều trị thành công và sống sót lâu dài càng cao.

Điều Trị

Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng

Khi cân nhắc kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau11:

  • Giai đoạn (mức độ) của ung thư.
  • Đặc điểm của khối u (loại bệnh, phân nhóm và cấp độ ung thư).
  • Tuổi tác, sức khỏe và tiền sử điều trị bệnh lý khác.
  • Kế hoạch sinh con
  • Yêu cầu cá nhân

Mục tiêu đầu tiên của điều trị ung thư buồng trứng là loại bỏ ung thư. Nếu không thể phẫu thuật thì sẽ tập trung vào kiểm soát ung thư để ngăn ngừa sự tiến triển càng lâu càng tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ung thư buồng trứng có thể được điều trị bằng các phương pháp sau, thường được điều trị kết hợp1,12,13,14:

  • Phẫu thuật: Để xác định mức độ xâm lấn thực tế của ung thư, bệnh nhân sẽ cần phải làm phẫu thuật thăm dò hoặc đánh giá giai đoạn bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra phúc mạc là lớp lót bên trong ổ bụng. Sau đó tiến hành làm sinh thiết (lấy mẫu xét nghiệm) các hạch bạch huyết và các khu vực khác nhau bên trong khoang bụng, vùng chậu cũng như lấy dịch ở các khoang này, và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư.

    Ngoài ra mục tiêu quan trọng khác của phẫu thuật là cắt bỏ càng nhiều khối u càng tốt. Hầu hết phụ nữ sẽ cần cắt bỏ tử cung (cắt bỏ tử cung hoàn toàn), cắt bỏ vòi trứng và ống dẫn trứng (cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng và ống dẫn trứng), nạo vét hạch (cắt bỏ các hạch bạch huyết). Nếu ung thư đã lan rộng khắp vùng chậu và bụng thì sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn để loại bỏ càng nhiều ung thư càng tốt.

    Nếu bạn bị ung thư giai đoạn đầu, cấp độ thấp và mong muốn sinh con sau khi điều trị, bạn có thể lựa chọn chỉ cắt bỏ buồng trứng có tế bào ung thư và ống dẫn trứng ở cùng một bên, bảo tồn buồng trứng và phần tử cung không bị ảnh hưởng để có thể mang thai.

    Đối với những ung thư ở giai đoạn rất sớm và có độ ác tính thấp, thì phẫu thuật có thể chữa khỏi ung thư và có thể không cần điều trị thêm. Đối với các loại ung thư tiến triển và độ ác tính cao, bệnh nhân sẽ cần phải hóa trị sau khi (và đôi khi cũng có thể là trước khi) phẫu thuật.

  • Hóa trị: là dùng thuốc điều trị ung thư (gây độc tế bào) để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phân chia. Thuốc được đưa vào qua tĩnh mạch (truyền tĩnh mạch) hoặc đường uống (dạng uống), sau đó sẽ lưu thông qua đường máu để đến hầu hết các vùng trong cơ thể. Thuốc thường được sử dụng sau phẫu thuật đối với các loại ung thư tiến triển và cấp độ cao để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị cũng có thể sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u làm cho phẫu thuật dễ dàng hơn. Đôi khi, thuốc hóa chất có thể được làm nóng và truyền qua ống thông (ống nhỏ) trực tiếp vào bụng (được gọi là hóa trị gia nhiệt phúc mạc).

  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Liệu pháp nhắm mục tiêu là thuốc ngăn chặn sự phát triển của ung thư bằng cách can thiệp vào các phân tử có trong tế bào ung thư liên quan đến sự mở rộng và lan rộng của khối u. Liệu pháp nhắm mục tiêu có xu hướng ít gây hại hơn cho các tế bào bình thường so với hóa trị hoặc xạ trị, do tác động cụ thể của thuốc lên các tế bào ung thư. Thuốc thường được kết hợp với hóa trị để điều trị ung thư buồng trứng tiến triển có đột biến gen cụ thể.

  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách biến đổi gen các tế bào miễn dịch của chính cơ thể để chống lại các tế bào ung thư nội mạc tử cung hoặc sử dụng các loại thuốc giúp các tế bào hệ miễn dịch xác định và tấn công các tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch được sử dụng trong điều trị một số loại ung thư buồng trứng di truyền tiến triển có đột biến cụ thể.

  • Liệu pháp nội tiết tố: Liệu pháp nội tiết tố là phương pháp điều trị ung thư ngăn chặn tác động của estrogen đối với một số loại ung thư buồng trứng phụ thuộc estrogen để phát triển.

  • Xạ trị: là sử dụng các chùm tia năng lượng cao, mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Xạ trị hiếm khi được chỉ định để điều trị ung thư buồng trứng.

Tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư buồng trứng

Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm chung cho tất cả các trường hợp ung thư buồng trứng ở Singapore là khoảng 43%4. Tuy nhiên, ung thư được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Khoảng 45% ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở Giai đoạn I4, có tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm gần 90%15.

Thật không may, khoảng 20% ​​bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển (Giai đoạn IV)4 và tiên lượng của nhóm này kém khả quan hơn với tỷ lệ sống sót là 19%15. Cần lưu ý là số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót được thống kê 5 năm một lần và do đó có thể không phản ánh những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư buồng trứng. Những người được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển hiện nay có tiên lượng (kết quả điều trị) tốt hơn so với con số thống kê.

Tỷ lệ sống sót được phân loại dựa trên giai đoạn bệnh (mức độ lan rộng của ung thư), nhưng các yếu tố khác như tuổi tác, sức khỏe và mức độ đáp ứng điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến tiên lượng (kết quả điều trị) của bệnh nhân. Tiên lượng mà bác sĩ dự đoán còn dựa trên số liệu thống kê về những trường hợp được chẩn đoán giống vậy. Và quá trình điều trị của mỗi người cũng sẽ khác nhau với cùng một bệnh.

Ngăn Ngừa & Tầm Soát

Tầm soát ung thư buồng trứng

Tầm soát đề cập đến việc tìm kiếm dấu hiệu ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng. Hiện tại không có xét nghiệm tầm soát định kỳ nào được khuyến nghị dành cho ung thư buồng trứng vì không có cách nào hoành toàn chuẩn xác để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu16. Tuy nhiên, phụ nữ có đột biến di truyền như đột biến gen BRCA, hội chứng Lynch hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao và cần được theo dõi chặt chẽ.

Ngăn ngừa ung thư buồng trứng

Tuy hiện tại vẫn chưa có phương án đảm bảo ngăn ngừa ung thư buồng trứng, nhưng có một số biện pháp có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh1,17,18:

  • Cân nhắc dùng thuốc tránh thai đường uống: Thuốc tránh thai đường uống giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống trong năm năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn khoảng 50% so với phụ nữ chưa bao giờ sử dụng thuốc tránh thai đường uống 18. Nhưng những loại thuốc này có một số nguy cơ và tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú. Bạn nên trao đổi với bác sĩ xem liệu lựa chọn này có phù hợp với bạn không.

  • Cân nhắc các nguy cơ và lợi ích của liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh: Giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, liệu pháp estrogen để điều trị các triệu chứng mãn kinh nên được sử dụng ở liều cần dùng thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể. Nên theo dõi thường xuyên và khám vùng chậu trong thời gian dùng liệu pháp thay thế hormone.

  • Cân nhắc tư vấn và xét nghiệm di truyền: Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng hoặc các tình trạng di truyền khiến bạn có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng và các loại ung thư khác, hãy trao đổi với bác sĩ về những lợi ích có thể có của việc tư vấn và xét nghiệm di truyền. Nếu phát hiện có đột biến gen như đột biến BRCA, bạn có thể được khuyên phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng trước khi chúng trở thành ung thư. Phụ nữ tiền mãn kinh có đột biến gen BRCA và đã cắt bỏ buồng trứng có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng từ 85 đến 95% cũng như nguy cơ ung thư vú từ 50% trở lên18.

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần của bạn. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn mới tập thể dục, hãy bắt đầu tập nhẹ nhàng như đi dạo quanh công viên và tăng dần cường độ. Có chế độ ăn cân bằng, ít chất béo, đường, thịt đỏ và thực phẩm chế biến nhiều, ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý và ung thư. Nếu bạn hút thuốc thì hãy trao đổi với bác sĩ để giúp cai thuốc, có thể bao gồm dùng các nhóm hỗ trợ, thuốc và liệu pháp thay thế nicotine.

Các Câu Hỏi Thường Gặp

Collapse All
Expand All

Ung thư buồng trứng và phương pháp điều trị có thể khiến việc ăn uống khó khăn hơn. Bạn có thể bị chán ăn, buồn nôn, nôn, loét miệng gây khó nhai và khó tiêu, làm giảm đi lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Bạn có thể thay đổi chế độ ăn như sau:

  • Tránh dùng thực phẩm nghèo dinh dưỡng: Nếu có thể, hãy chọn thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng thay vì thực phẩm chứa calo rỗng/nghèo dinh dưỡng như đồ uống có đường, đồ ăn đóng gói và món tráng miệng giàu carbohydrate.
  • Tránh các bữa ăn lớn: Nếu bạn chán ăn, hãy thử chia khẩu phần thành 6 bữa nhỏ trong một ngày thay vì ăn 3 bữa lớn.
  • Tránh các thực phẩm gây khó tiêu: Các thực phẩm như đồ uống có ga, rượu bia, đồ ăn cay, đồ chua, trái cây họ cam quýt và caffeine gây khó tiêu.
  • Có chế độ ăn lành mạnh và cân bằng: Chế độ ăn uống cân bằng bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, ít thực phẩm bảo quản, thịt đỏ và thịt chế biến sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác ngoài ung thư buồng trứng.

SMột số phương pháp điều trị ung thư có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các bệnh thông thường như cúm và COVID-19, cũng có thể khiến bạn dễ cảm thấy mệt. Bạn có thể cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống, bao gồm:

  • Hạn chế những nơi đông người: Tránh xa những nơi đông người, những nơi thông gió kém càng nhiều càng tốt. Nếu phải ra ngoài thì nên hạn chế tiếp xúc như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay cẩn thận.
  • Cho phép bản thân có thời gian nghỉ ngơi: Bạn sẽ dễ mệt mỏi hơn nhiều và không thể duy trì hoạt động trong thời gian dài. Hãy hoạt động chậm rãi và tránh làm quá nhiều việc trong một ngày. Cần có thời gian nghỉ giữa các hoạt động.

Việc đón nhận chẩn đoán ung thư sẽ khá khó khăn. Bệnh nhân sẽ trải qua thay đổi tâm trạng từ lo âu, chán nản cho đến tuyệt vọng làm ảnh hưởng đến niềm tin và hy vọng cho tương lai. Đừng nên kìm nén cảm xúc của bản thân. Nếu bạn thấy tâm trạng đang trên đà xuống dốc hoặc đang tách biệt bản thân với xã hội thì hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Tham gia nhóm hỗ trợ, nơi có thể gặp gỡ những bệnh nhân khác có chẩn đoán tương tự có thể mang lại lợi ích lớn.

Ung thư buồng trứng nếu được chẩn đoán sớm (Giai đoạn 1) thì có tiên lượng kết quả điều trị tốt. Khoảng 90% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn I có khả năng chữa khỏi bệnh sau khi điều trị bằng phẫu thuật và hóa trị nếu cần.

Ung thư buồng trứng thường phát triển trong nhiều năm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một khi các triệu chứng xuất hiện thì bệnh sẽ bắt đầu tiến triển nhanh chóng. Ung thư buồng trứng cấp độ cao có xu hướng phát triển và lan rộng nhanh hơn ung thư cấp độ thấp. Khoảng 50% ca bệnh ung thư buồng trứng thường được chẩn đoán sau khi ung thư đã lan rộng.

Một số loại ung thư buồng trứng tế bào mầm và mô đệm (tham khảo Phân loại ung thư buồng trứng ở mục trên) thường khu trú hoàn toàn trong một bên buồng trứng và phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng bị ung thư sẽ mang lại cơ hội chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên phẫu thuật thường sẽ tiến hành cắt bỏ rộng hơn, bao gồm cắt bỏ cả hai buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và hạch bạch huyết để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn ung thư. Bệnh nhân có thể cần phải hóa trị sau khi phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.

Yếu tố nguy cơ cần lưu ý nhất đối với ung thư buồng trứng là đột biến gen di truyền ở gen BRCA1 hoặc BRCA2. Đột biến di truyền ở những gen này chiếm khoảng 5 - 15 trong số tất cả các loại ung thư buồng trứng6. Những phụ nữ mang trong người đột biến này có tới 70% khả năng mắc ung thư buồng trứng7. Do những bệnh nhân này cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao, phẫu thuật thường được chỉ định để cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng trước khi hình thành ung thư. Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình có mang những đột biến gen trên thì nên cân nhắc tư vấn gen để trao đổi thêm nguy cơ mắc bệnh.

Nguồn Tham Khảo

  1. Mayo Clinic. Ovarian Cancer. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ovarian-cancer/symptoms-causes/syc-20375941 on 08 July 2024.
  2. Gleneagles Hospital. Ovarian Cancer. Accessed at https://www.gleneagles.com.sg/conditions-diseases/ovarian-cancer/symptoms-causes on 08 July 2024.
  3. Cancer Research UK. Epithelial Ovarian Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/types/epithelial-ovarian-cancers/epithelial on 08 July 2024.
  4. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry Annual Report 2021. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  5. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  6. Cancer Research UK. Risks and Causes of Ovarian Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/risks-causes on 08 July 2024.
  7. American Cancer Society. Ovarian Cancer Risk Factors. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/ovarian-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html on 08 July 2024.
  8. Cancer Research UK. Tests for Ovarian Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/getting-diagnosed/tests-ovarian-cancer on 08 July 2024.
  9. American Cancer Society. Tests for Ovarian Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/ovarian-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html on 08 July 2024.
  10. Cancer Research UK. Stages and Grades of Ovarian Cancer. Accessed at https://about-cancer.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/stages-grades on 08 July 2024.
  11. Cancer Research UK. Stage I Ovarian Cancer. Accessed at https://about-cancer.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/stages-grades/stage-1 on 08 July 2024.
  12. Cancer Research UK. Treatment Decision for Ovarian Cancer. Accessed at https://about-cancer.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/treatment/treatment-decisions on 08 July 2024.
  13. American Cancer Society. Surgery for Ovarian Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/ovarian-cancer/treating/surgery.html on 08 July 2024.
  14. American Cancer Society. Chemotherapy for Ovarian Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/ovarian-cancer/treating/chemotherapy.html on 08 July 2024.
  15. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph – Appendices. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  16. Cancer Research UK. Screening for Ovarian Cancer. Accessed at https://about-cancer.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/getting-diagnosed/screening on 08 July 2024.
  17. Cleveland Clinic. Ovarian Cancer. Accessed at https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4447-ovarian-cancer on 08 July 2024.
  18. American Cancer Society. Can Ovarian Cancer Be Prevented? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/ovarian-cancer/causes-risks-prevention/prevention.html on 08 July 2024.