Liệu Pháp Miễn Dịch
Tổng Quan
Liệu pháp miễn dịch là gì?
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị khai thác hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh ung thư. Hệ thống miễn dịch của con người đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và các mầm bệnh khác, bao gồm cả ung thư.
Tế bào ung thư có các phân tử trên bề mặt (được gọi là kháng nguyên) có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch truy tìm và tiêu diệt chúng, nhưng một số tế bào ung thư có thể ngụy trang để qua mắt hệ thống miễn dịch theo những cách như:
- Xóa biểu hiện cấu trúc kháng nguyên trên bề mặt tế bào của chúng.
- Giải phóng các chất hóa học vào môi trường xung quanh tế bào ung thư nhằm cản trở tế bào miễn dịch tấn công.
- Điều chỉnh biểu hiện của các phân tử điểm kiểm soát miễn dịch để thoát khỏi hệ thống miễn dịch.
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp tăng cường hệ thống miễn dịch hoặc giúp hệ thống truy tìm, tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc trong vài thập kỷ qua và trở thành trụ cột thứ tư trong điều trị ung thư sau phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Điều Trị Miễn Dịch
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch
Hệ thống miễn dịch thường ngăn các tế bào T (một loại tế bào của hệ thống miễn dịch) tấn công các tế bào bình thường trong cơ thể bằng cách sử dụng các protein được gọi là điểm kiểm soát miễn dịch. Các điểm này làm chậm lại hoặc kìm hãm các phản ứng của hệ miễn dịch.
Một số tế bào ung thư có thể bắt chước hành vi của các tế bào khỏe mạnh bằng cách tạo ra các điểm kiểm soát miễn dịch trên bề mặt tế bào của chúng. Nhờ đó, tế bào đã đánh lừa được hệ thống miễn dịch bằng cách gửi các tín hiệu “ngắt” để không bị tấn công. Và thế là các tế bào ung thư cứ thế tiếp tục ngụy trang qua mặt hệ thống miễn dịch và tiếp tục phát triển.
Có nhiều điểm kiểm soát miễn dịch khác nhau trong hệ thống miễn dịch của chúng ta. Các bác sĩ đã sử dụng thành công các kháng thể đơn dòng chống lại một số điểm này, chặn các tín hiệu “ngắt” giả và cho phép hệ thống miễn dịch duy trì ở trạng thái “kích hoạt” để tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đầu tiên - nhắm vào một điểm kiểm soát là CTLA-4 đã được phê duyệt vào năm 2011 để điều trị u ác tính (một loại ung thư da). Theo sau đó là sự phát triển của các kháng thể khác nhắm vào các điểm như PD-1 và PDL-1.
Hiện nay, các thuốc ức chế điểm kiểm soát khác nhau đã được chấp thuận là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho nhiều loại ung thư. Việc phê duyệt không chỉ giới hạn ở các bệnh ung thư tiến triển nhanh mà còn áp dụng rộng rãi với một số bệnh ung thư giai đoạn đầu có nguy cơ tái phát cao sau phẫu thuật.
Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể được sử dụng điều trị đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác như hóa trị, liệu pháp đích để cải thiện kết quả lâm sàng, kèm theo đáp ứng điều trị dài lâu.
Trong tương lai, các kháng thể mới ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch đang tích cực được nghiên cứu với hy vọng tăng cường thêm phương pháp lâm sàng hoặc cải thiện tỷ lệ điều trị an toàn.
Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch được sử dụng như thế nào?
Thuốc ức chế được đưa vào tĩnh mạch (truyền tĩnh mạch) dưới dạng truyền thuốc trong vòng 1-2 giờ. Bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú tại phòng khám.
Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thời gian tác dụng tương đối dài, bác sĩ sẽ tiếp tục chu kỳ sau mỗi 2-12 tuần tùy thuộc vào loại thuốc và liều lượng.
Thời gian điều trị thường giới hạn trong vòng 1 năm đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu và từ 2 năm trở lên đối với đa số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể chữa khỏi ung thư không?
Trong một số trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị, bệnh nhân sẽ thuyên giảm bệnh một thời gian dài sau liều điều trị cuối cùng. Những quan sát này đã thúc đẩy các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Tuy nhiên, quan trọng là phải hiểu rằng các thuốc ức chế điểm kiểm soát sẽ không hiệu quả hoàn toàn với tất cả các loại ung thư. Ngay cả khi trong cùng một loại ung thư (ví dụ như ung thư phổi không tế bào nhỏ), chỉ có một số bệnh nhân đáp ứng tốt các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.
Tóm lại là chưa có đáp ứng chỉ số sinh học hoàn hảo nào với các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Điều này là do sự tương tác giữa hệ thống miễn dịch và bệnh ung thư phức tạp hơn nhiều so với trạng thái “BẬT” và 'TẮT' mà các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đang cố gắng điều khiển.
Những bệnh ung thư nào được điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch?
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đã được sử dụng thành công cho nhiều loại ung thư khác nhau. Ngày nay, liệu pháp này thường được kết hợp với các phương pháp khác để cải thiện kết quả điều trị. Hiện đang có nghiên cứu và phát triển để mở rộng phạm vi áp dụng liệu pháp miễn dịch cho các bệnh ung thư.
Ví dụ về các bệnh ung thư được hưởng lợi từ các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch bao gồm:
- U sắc tố
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ
- Ung thư phổi tế bào nhỏ
- Ung thư thận
- Ung thư đầu cổ
- Ung thư bàng quang
- Ung thư vú
- Ung thư gan
- Ung thư thực quản
- Ung thư dạ dày
- Ung thư với các đặc điểm di truyền suy giảm khả năng sửa chữa AND (MMR-D)
- U Lympho và nhiều bệnh ung thư khác
Điều quan trọng là phải hiểu rằng không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, và không phải bệnh ung thư nào cũng điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Cần trao đổi với bác sĩ để xem liệu pháp điều trị có phù hợp với bệnh nhân hay không.
Các Tác Dụng Phụ Của Liệu Pháp Miễn Dịch
Các tác dụng phụ của thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là gì?
Hầu hết bệnh nhân thường dung nạp tốt các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, đặc biệt khi sử dụng đơn lẻ. Tuy nhiên, sẽ có các tác dụng phụ cần theo dõi.
Khi ức chế các protein điểm kiểm soát, những thuốc này sẽ dỡ bỏ “sự kìm hãm” để kích hoạt hệ thống miễn dịch nhắm vào các tế bào ung thư. Nhưng phản ứng miễn dịch 'hoạt động quá mức' không chỉ giới hạn ở các tế bào ung thư. Đôi khi phản ứng miễn dịch tấn công cả các cơ quan bình thường khác trong cơ thể, gây ra những vấn đề nghiêm trọng nhưng không phổ biến ở phổi, ruột, gan, các tuyến tạo hormon, thận, hệ thần kinh hoặc các bộ phận khác.
Quan trọng là phải thông báo ngay các tác ứng phụ mới như được liệt kê dưới đây cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, thì cần phải ngừng điều trị và sử dụng corticosteroid liều cao để ức chế hệ thống miễn dịch.
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Ho khan
- Khó thở
- Phát ban da
- Đau cơ và khớp
- Tay chân yếu
Rất hiếm khi gặp các phản ứng trong khi truyền những loại thuốc này (dùng qua đường truyền). Các phản ứng có thể là sốt, ớn lạnh, đỏ bừng mặt hoặc thở khò khè.
Cần lưu ý là các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch có xu hướng xuất hiện vài tuần hoặc vài tháng sau khi bắt đầu điều trị. Trong một số trường hợp, triệu chứng trở nên rõ ràng sau khi ngừng điều trị. Bác sĩ sẽ theo dõi và hướng dẫn bệnh nhân về vấn đề này trong và sau khi điều trị.
Các Loại Liệu Pháp Miễn Dịch Khác
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là loại liệu pháp miễn dịch ung thư chính trong thực hành lâm sàng hiện nay. Có nhiều loại phương pháp điều trị khác hoạt động trên hệ thống miễn dịch để điều trị ung thư. Những ví dụ bao gồm:
- Liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên dạng khảm ( CAR ) chỉnh sửa hàng triệu tế bào T được thu thập từ bệnh nhân bằng cách thêm vào các thụ thể kháng nguyên chimeric (CAR) trên bề mặt của chúng. Các thụ thể này sẽ nhận diện một kháng nguyên cụ thể (protein) được tìm thấy trong bệnh ung thư đang được điều trị. Sau khi điều chỉnh, các tế bào T sau đó được truyền lại cho bệnh nhân để chúng phát triển số lượng, tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư. Ví dụ bao gồm tisagenlecleucel (Kymriah) hoặc axicabtagene ciloleucel (Yescarta) để điều trị bệnh u lympho tế bào lớn lan tỏa tái phát hoặc khó điều trị (không đáp ứng với điều trị) (DLBCL).
- Các kháng thể đơn dòng nhắm vào các protein cụ thể biểu hiện trên các tế bào ung thư. Ví dụ: Rituximab hoạt động chống lại CD20 và trastuzumab hoạt động chống lại HER2. Các kháng thể này đánh dấu các tế bào ung thư để các tế bào miễn dịch tấn công.
- Các kháng thể đơn dòng liên hợp có hóa trị mạnh gắn vào chúng. Hóa trị mạnh được giải phóng khi các kháng thể đơn dòng liên hợp gắn kết với các tế bào ung thư biểu hiện các protein bất thường. Ví dụ bao gồm trastuzumab deruxtecan (kháng thể chống lại HER2) và enfortumab vedotin (kháng thể chống lại nectin-4 - thường xuất hiện trong ung thư bàng quang).
- Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu sử dụng cytokin (hóa chất) hoặc các chất khác để kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại ung thư. Interferon và Interleukin là những ví dụ về các cytokin được sử dụng để điều trị ung thư thận và u sắc tố trước khi tìm ra các thuốc ức chế điểm kiểm soát hiệu quả để thay thế điều trị. Bacillus Calmette-Guerin (BCG) là một loại vi khuẩn được chỉnh sửa vẫn đang được sử dụng cho ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu chưa xâm lấn bằng cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khi được đưa vào bàng quang.
- Thuốc điều biến miễn dịch tăng cường cho hệ miễn dịch như lenalidomid được sử dụng trong bệnh đa u tủy và một số bệnh ung thư hạch.