U HẮC TỐ
Tổng Quan
U hắc tố là gì?
U hắc tố là căn bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong một loại tế bào da tên là "tế bào hắc tố:. Tế bào hắc tố có chức năng sản xuất melanin là sắc tố tạo nên màu da. Các tế bào này có xu hướng sản xuất nhiều melanin hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để bảo vệ các tầng lớp sâu hơn bên dưới da khỏi tác hại của tia cực tím (UV)1.
Ở các nước phương Tây, u hắc tố thường phát sinh từ các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như ngực, trán và chân tay. Tuy nhiên, ở châu Á, u hắc tố lại xuất hiện ở tay và chân là những nơi ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngoài ra còn có cả niêm mạc bên trong miệng, đường mũi, trực tràng và âm đạo.2
U hắc tố ít phổ biến hơn nhiều so với các loại ung thư da khác như ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào đáy. Nhưng lại nguy hiểm hơn vì có khả năng lan đến các bộ phận khác của cơ thể nếu không được phát hiện và điều trị sớm.3
Phân loại u hắc tố
Phân lớn các loại bệnh u hắc tố bắt đầu hình thành ở da và được gọi là u hắc tố da. Có nhiều loại u hắc tố da khác nhau và các loại phổ biến nhất bao gồm3,4,5:
U hắc tố lan rộng bề mặt: Đây là loại u hắc tố phổ biến nhất ở phương Tây và chiếm phần lớn các ca bệnh. Loại u này có xu hướng phát triển chậm trên da trước khi xâm lấn vào các tầng lớp sâu hơn bên dưới da. Loại u này có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng đặc biệt là vùng thân (phần trung tâm của cơ thể) ở nam giới và vùng chân ở nữ giới.
U hắc tố dạng nốt: U hắc tố dạng nốt có xu hướng phát triển và xâm lấn nhanh xuống các tầng lớp sâu hơn bên trong da và thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển hơn. Loại u này thường xuất hiện dưới dạng một cục tròn, có màu sậm và nổi gồ (nốt sần) trên vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Có khoảng 15% ca bệnh u hắc tố thuộc phân loại này.
U hắc tố dạng Lentigo (nốt ruồi son): Loại u hắc tố này có thể phát triển chậm và nông trên bề mặt trong nhiều năm trước khi phát triển sâu hơn vào bên dưới lớp da. Loại u này chiếm tới 15% ca bệnh u hắc tố. Loại u này chủ yếu xuất hiện dưới dạng đốm sậm màu hoặc đốm nâu có hình dạng bất thường ở da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời trên mặt, tai, cổ hoặc đầu.
U hắc tố dạng Acral Lentiginous (nốt ruồi son đỉnh): Đây là dạng u hắc tố hiếm gặp ở phương Tây, nhưng lại là là loại bệnh phổ biến nhất ở những người có màu da tối, bao gồm cả những đối tượng gốc Á, Phi và Tây Ban Nha. Không giống như các loại u hắc tố khác, u hắc tố dạng Acral Lentiginous thường được tìm thấy ở những vùng không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như lòng bàn tay, lòng bàn chân và dưới móng tay. Nhìn chung, loại u này có tiên lượng kém hơn (kết quả điều trị) so với u hắc tố lan rộng nông trên bề mặt vì bệnh thường không được phát hiện cho đến khi đi vào giai đoạn tiến triển.
U hắc tố thể xơ cứng (desmoplastic): U hắc tố thể xơ cứng thường xuất hiện dưới hình dạng khối u cứng chắc và liên tục phát triển, u thường có cùng màu với da và có thể trông giống như một vết sẹo. Loại bệnh này chủ yếu phát hiện trên vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời ở đầu hoặc cổ.
Trong một vài trường hợp hiếm hoi, u hắc tố có thể hình thành ở các bộ phận cơ thể ít/hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trường hợp này được gọi là u hắc tố ẩn vì chúng xuất hiện ở những nơi ít được chú ý.
- U hắc tố niêm mạc xuất hiện ở niêm mạc (lớp lót bên trong) của mũi, miệng, họng, đường tiêu hóa và bộ phận sinh dục.
- U hắc tố mắt xuất hiện ở mắt, thường gặp nhất ở màng bồ đào (lớp giữa của nhãn cầu). Các trường hợp này sẽ được điều trị khác với u hắc tố da.
Mức độ phổ biến của u hắc tố?
Số lượng ca bệnh u hắc tố chỉ chiếm chưa đến 2% trong số tất cả các loại ung thư trên toàn thế giới (6). Loại bệnh phổ biến hơn ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở Úc và New Zealand. U hắc tố là bệnh hiếm gặp tại Singapore với chưa đến 0,5% các trường hợp ung thư được chẩn đoán7.
Nguyên nhân & triệu chứng
Nguyên nhân gây ra u hắc tố?
U hắc tố hình thành khi các tế bào melanocyte phát triển đột biến DNA khiến chúng phát triển bất thường và tạo thành khối u. Nguyên nhân chính xác gây ra các đột biến này vẫn chưa được nghiên cứu chuyên sâu, nhưng tia cực tím UV được xem là nguyên nhân gây ra phần lớn các bệnh u hắc tố trên da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ở những vùng không tiếp xúc với tia UV, nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh u hắc tố
Các bác sĩ không phải lúc nào cũng có thể giải thích được lý do tại sao người này mắc u hắc tố, còn người khác thì không. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc u hắc tố, bao gồm8,9,10:
Tiếp xúc với tia cực tím (UV):
khoảng 85% số ca bệnh u hắc tố trên toàn thế giới là do tia UV gây ra 11. Tia xạ UV thường sinh ra từ mặt trời và giường tắm nắng. Những người sống gần đường xích đạo hơn hoặc ở độ cao lớn hơn sẽ chịu nhiều tia mặt trời hơn và phải tiếp xúc với lượng tia UV cao. Chỉ số UV là thước đo cường độ tia UV của mặt trời trong suốt một ngày. Thang đo dao động từ thấp (Chỉ số UV từ 0 - 2), trung bình (3 - 5), cao (6 - 7), rất cao (8-10) và cực độ (trên 11). Ở Singapore, mức độ tiếp xúc với tia UV cao nhất là từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều và Chỉ số UV đạt mức rất cao và cực độ trong khoảng thời gian này12.
Da không được bảo vệ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời với chỉ số UV khoảng từ 3 trở lên có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến các tế bào da, đặc biệt là khi da tiếp xúc nhiều lần. Bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn, nắng gắt và bị cháy nắng, như vào cuối tuần và ngày nghỉ lễ, so với khi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi làm việc ngoài trời.
Da dễ bị cháy nắng: U hắc tố có thể ảnh hưởng đến tất cả đối tượng, nhưng những người có làn da trắng, tóc vàng hoặc đỏ, mắt sáng màu, tàn nhang thường có xu hướng dễ bị cháy nắng hơn.
Tiền sử u hắc tố hoặc bệnh ung thư da khác: Người đã từng mắc bệnh u hắc tố hoặc loại bệnh ung thư da khác sẽ có nguy cơ mắc thêm một phân loại u hắc tố khác.
Cơ thể có nhiều nốt ruồi/hoặc nốt ruồi không điển hình: Người có hơn 50 nốt ruồi trên cơ thể thường có nguy cơ mắc bệnh u hắc tố cao, đặc biệt nếu những nốt ruồi này có kích thước lớn, hoặc có hình dạng và màu sắc không đều.
Tiền sử gia đình mắc bệnh u hắc tố: Nếu họ hàng cấp độ 1 (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái) đang mắc bệnh / hoặc từng mắc bệnh u hắc tố, các thành viên còn lại sẽ có nguy cơ mắc cao hơn. Điều này có thể là do lối sống chung của gia đình thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, xu hướng di truyền có làn da sáng màu, một số đột biến gen di truyền trong gia đình hoặc tất cả các yếu tố này kết hợp lại 9. Nguy cơ ung thư đạt mức cao nhất nếu người thân bị u hắc tố ở độ tuổi dưới 30 hoặc có nhiều người thân cấp độ 1 được chẩn đoán mắc bệnh u hắc tố10.
Hệ thống miễn dịch yếu: Những người có hệ thống miễn dịch yếu bao gồm những người cần dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, chẳng hạn như sau khi ghép tạng hoặc mắc một số tình trạng bệnh lý, như nhiễm vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh u hắc tố cao hơn.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư hắc tố?
Tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo bệnh u hắc tố sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị trước khi u lan rộng. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh u hắc tố là nốt ruồi có thay đổi bất thường, hoặc phát hiện một khối sậm màu hoặc có hình thái bất thường trên da.
Để giúp phân biệt nốt ruồi lành tính (không phải ung thư) với u hắc tố, hãy kiểm tra theo quy tắc ABCDE characteristics8,11,13:
A là Không đối xứng: Hai nửa nốt ruồi có khác nhau không? U hắc tố có nhiều khả năng xuất hiện ở nốt ruồi với hình dạng bất thường, trong đó một nửa không khớp với nửa còn lại.
B là Đường viền: Nốt ruồi có bờ không đều, có hình vỏ sò hay có khía không? Hãy chú ý đến nốt ruồi có đường viền bất thường.
C là Màu sắc: Nốt ruồi có sắc thái và nhiều mảng màu khác nhau không? U hắc tố thường có màu sắc không đồng đều và pha trộn nhiều sắc thái khác nhau như đen, xám, nâu, hồng hoặc trắng. Nốt ruồi bình thường là những nốt đều màu.
D là Đường kính: Nốt ruồi lớn hơn 5mm, hay nhỏ hơn 5mm nhưng đang lớn dần? Nốt ruồi lớn hơn 5mm có nhiều khả năng là u hắc tố.
E là Phát triển: Nốt ruồi có thay đổi về ngoại hình hay kích thước không? Hãy chú ý đến những thay đổi theo thời gian như nốt ruồi lớn hơn, thay đổi về màu sắc hoặc hình dạng, bắt đầu lở loét và chảy máu.
Còn có một dấu hiệu quan trọng khác, được gọi là dấu hiệu "vịt xấu xí", nghĩa là nốt ruồi nhìn vào hoàn toàn nổi bật và trông khác biệt so với tất cả các nốt ruồi khác trên da.
Người châu Á cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu của u hắc tố dạng Acral Lentiginous, đây là loại u hắc tố phổ biến nhất được chẩn đoán ở nhóm đối tượng này. Những đặc điểm cần chú ý bao gồm14:
- Xuất hiện một đường sẫm màu hoặc đổi màu dưới móng chân/hoặc móng tay và làm tổn thương móng.
- Đốm lạ mọc trên bàn tay hoặc bàn chân.
- Có một mảng da dày, nổi lên ở lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay, có thể gây ngứa hoặc rỉ máu.
U hắc tố xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau. Một số loại có biểu hiện như được liệt kê ở trên, trong khi những nốt ruồi khác chỉ có một hoặc hai dấu hiệu cảnh báo. Nếu bạn có một hoặc nhiều nốt ruồi bất thường thì nên đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và điều trị nếu cần. U hắc tố có khả năng điều trị thành công và tỷ lệ chữa khỏi cao nếu được chẩn đoán sớm.
Chẩn đoán & đánh giá bệnh
Chẩn đoán U hắc tố
Nếu nghi ngờ u hắc tố, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra như sau5,8,15:
Tiền sử lâm sàng và khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình, kiểm tra da và xem có hạch phì đại không (nơi ung thư có thể đã di căn đến). Bác sĩ cũng sử dụng máy soi da là một dụng cụ phóng đại cầm tay để quan sát các cấu trúc bên dưới bề mặt da mà mắt thường không nhìn thấy được. Có thể chụp ảnh kỹ thuật số tại vùng khảo sát, sau đó phân tích bằng máy tính để giúp bác sĩ xác định nốt ruồi có phải là ung thư hay không.
Sinh thiết mô:
Nếu bác sĩ nghi ngờ một đốm trên da có nguy cơ là u hắc tố thì toàn bộ đốm này sẽ được cắt bỏ (sinh thiết) để phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết da có nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ chọn phương án tốt nhất dựa trên kích thước của vùng bất thường, vị trí của vùng đó trên cơ thể, khả năng để lại sẹo và các yếu tố khác.
Sinh thiết da là một thủ thuật đơn giản được thực hiện tại phòng khám và sử dụng thuốc gây tê tại chỗ. Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi đau khi tiêm thuốc gây tê, nhưng sẽ không cảm thấy đau trong quá trình sinh thiết. Sau đó, vết thương được khâu lại và băng bó. Nếu bệnh nhân có hạch phì đại, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết hạch đó.
Các mẫu mô được phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định xem có tế bào u hắc tố hay không. Nếu phát hiện thấy u hắc tố, bác sĩ giải phẫu bệnh (bác sĩ chuyên khoa làm việc trong phòng thí nghiệm) sẽ đánh giá một số đặc điểm quan trọng như độ dày và độ sâu của khối u, số lượng tế bào đang phân chia tích cực (được gọi là tốc độ nguyên phân) và liệu rìa cắt của mẫu sinh thiết có sạch tế bào ung thư hay không. Những đặc điểm này giúp bác sĩ xác định được mức độ ác tính của ung thư và cần điều trị theo phương án nào.
Ngoài ra còn có xét nghiệm di truyền các tế bào ung thư tìm kiếm các thay đổi về protein hoặc gen cụ thể (đột biến) như đột biến BRAF tìm thấy trong khoảng 40% bệnh nhân mắc bệnh u hắc tố, và ít phổ biến hơn là đột biến NRAS và C-KIT55.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe tổng quát, chức năng thận, gan và tủy xương. Có thể làm xét nghiệm đo nồng độ của một loại enzyme được gọi là lactate dehydrogenase (LDH) nếu khối u ác tính đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể. Nồng độ LDH cao cho thấy ung thư có nguy cơ khó điều trị.
Quy trình đánh giá bệnh u hắc tố?
Sau khi chẩn đoán u hắc tố, bệnh nhân có thể sẽ làm thêm các xét nghiệm để xác định mức độ (giai đoạn bệnh). U hắc tố thường lan đến hạch bạch huyết, phổi, gan, xương và não 16. Các xét nghiệm đánh giá giai đoạn bệnh có thể không cần thiết với phần lớn bệnh nhân u hắc tố ở giai đoạn sớm vì nguy cơ bệnh lan rộng là rất thấp. Các xét nghiệm có thể thực hiện bao gồm:
Chẩn đoán hình ảnh: Phân loại giai đoạn bệnh thông qua chụp xạ hình xương, chụp PET-CT FDG, chụp CT hoặc MRI để tìm hiểu xem ung thư đã di căn hay chưa, và nếu có thì di căn đến những bộ phận nào của cơ thể.
Sinh thiết hạch gác cửa: Nếu không có dấu hiệu di căn rõ ràng (các tế bào ung thư lan rộng) trên kết quả chụp chiếu/hoặc nghi ngờ di căn do các dấu hiệu nguy cơ cao, bệnh nhân sẽ được chỉ định sinh thiết hạch gác cửa để kiểm tra xem có di căn vi mô đến các hạch bạch huyết hay không. Trong quá trình sinh thiết hạch gác cửa, thuốc nhuộm phóng xạ được tiêm vào khu vực phát hiện ra khối u ác tính. Sau đó sử dụng một camera đặc biệt theo dõi dòng chảy của thuốc nhuộm vào các hạch bạch huyết lân cận. Các hạch đầu tiên hấp thụ thuốc nhuộm (được gọi là hạch gác cửa) sẽ được cắt bỏ và xét nghiệm tìm kiếm tế bào ung thư. Nếu không có tế bào ung thư thì có khả năng khối u ác tính chưa di căn và không cần vét thêm hạch.
- Giai đoạn 0: U hắc tố nằm ở lớp trên cùng của da (biểu bì). Giai đoạn 0 còn được gọi là u hắc tố tại chỗ.
- Giai đoạn I: U hắc tố nằm ở vị trí ban đầu và độ dày nhỏ hơn 1 mm có lở loét, hoặc độ dày nhỏ hơn 2 mm không lở loét.
- Giai đoạn II: U hắc tố nằm ở vị trí ban đầu và dày từ 1–2 mm có lở loét, hoặc dày hơn 2 mm có/hoặc không lở loét.
- Giai đoạn III: U hắc tố đã lan đến các hạch bạch huyết gần vị trí ban đầu, đến vùng da gần đó hoặc đến các mô dưới da.
- Giai đoạn IV: U hắc tố đã lan đến vùng da xa và/hoặc các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như hạch bạch huyết xa, phổi, gan, não hoặc xương. Giai đoạn IV còn được gọi là u hắc tố tiến triển hoặc di căn.
U hắc tố giai đoạn đầu có cơ hội chữa khỏi cao nhất và kết quả điều trị tốt nhất.
Phương pháp điều trị
Các lựa chọn điều trị u hắc tố
Khi cân nhắc kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau18:
- Vị trí và kích thước của u hắc tố
- Giai đoạn bệnh (mức độ bệnh phát triển hoặc lan rộng)
- Độ sâu hoặc độ dày của u hắc tố
- Ung thư có đột biến gen cụ thể hay không
- Sức khỏe tổng quát của bệnh nhân
- Yêu cầu cá nhân
Mục tiêu đầu tiên khi điều trị u hắc tố là loại bỏ ung thư. Bệnh nhân vẫn có khả năng cao chữa khỏi nếu phát hiện ung thư sớm. Kết quả điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh u hắc tố tiến triển đã được cải thiện đáng kể nhờ những tiến bộ gần đây trong điều trị. Tuy nhiên, ở một số trường hợp mắc u hắc tố tiến triển, việc điều trị sẽ tập trung vào kiểm soát ung thư, ngăn không cho ung thư tiến triển càng lâu càng tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống. U hắc tố có thể được điều trị bằng các phương pháp kết hợp như sau8,13,19:
Phẫu thuật: Đối với các khối u hắc tố nhỏ và mỏng, phẫu thuật sẽ là phương pháp điều trị duy nhất. Nếu khối u hắc tố đã phát triển sâu hơn vào da thì có nguy cơ là ung thư đã lan rộng. Do đó, các phương pháp điều trị khác sẽ bổ sung g sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị u hắc tố bao gồm:
Cắt bỏ khu trú diện rộng: là phẫu thuật cắt bỏ khối u hắc tố cùng với một phần mô khỏe mạnh xung quanh khối u để đảm bảo loại bỏ toàn bộ ung thư. U hắc tố mỏng thường có khả năng cao được chữa khỏi thông qua phẫu thuật cắt bỏ diện rộng.
Vét hạch: Nếu khối u hắc tố đã phát triển sâu hơn vào da hoặc đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận thì sẽ phẫu thuật để nạo vét hạch.
Phẫu thuật Mohs: Đây là một lựa chọn dành cho một số trường hợp u hắc tố giai đoạn rất sớm ở những vùng khó có thể cắt bỏ diện rộng chẳng hạn như mặt hoặc tai. Trong thủ thuật này, vùng da có tế bào ung thư được cắt bỏ từng lớp rất mỏng, sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu có tế bào ung thư, bác sĩ sẽ tiếp tục cắt bỏ một lớp da khác. Quá trình này được lặp đi lặp lại cho đến lớp da không còn tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch: là sử dụng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại ung thư bằng cách tăng cường khả năng của hệ miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị bệnh u hắc tố bao gồm:
Thuốc ức chế PD-1, PD-L1 và CTLA-4: Các loại thuốc này nhắm vào một số protein nhất định để tăng cường hệ thống miễn dịch và đã tạo ra bước đột phá trong điều trị bệnh u hắc tố tiến triển. Các loại thuốc này đã cải thiện kết quả điều trị của những bệnh nhân trước đây có tiên lượng xấu.
Virus diệt ung thư: Đây là những loại virus được biến đổi trong phòng thí nghiệm để khiến chúng phát triển trong tế bào ung thư và tiêu diệt chúng, bên cạnh đó tăng cường hệ thống miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư hiệu quả hơn. Virus đã biến đổi được tiêm trực tiếp vào u hắc tố và có thể sử dụng trong những trường hợp không thể phẫu thuật cắt bỏ u hắc tố/hoặc bệnh đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các vùng da khác.
Liệu pháp tế bào lympho xâm nhập khối u (TIL): Gần đây hơn, liệu pháp TIL đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt sử dụng trong trường hợp bệnh u hắc tố tiến triển. Đây là phương pháp điều trị ung thư đầu tiên sử dụng tế bào T miễn dịch của chính bệnh nhân có khả năng nhận biết và tấn công các tế bào ung thư. TIL được thu thập từ khối u của bệnh nhân, sau đó được nhân lên số lượng lớn trong phòng thí nghiệm trước khi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân sau một vài đợt hóa trị “làm suy giảm tế bào lympho”. Làm suy giảm tế bào lympho là quá trình làm giảm số lượng các tế bào miễn dịch khác trong cơ thể để tạo không gian cho các TIL hoạt động hiệu quả hơn.
Liệu pháp nhắm mục tiêu: là dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của ung thư bằng cách can thiệp vào các phân tử cụ thể có trong tế bào ung thư. Các liệu pháp này được chỉ định trong trường hợp tế bào u hắc tố chứa các đột biến ung thư cụ thể như đột biến BRAF. Phương pháp này cũng áp dụng cho trường hợp khối u ác tính đã di căn đến các cơ quan khác/hoặc tái phát sau khi điều trị, ngăn ngừa khối u ác tính tái phát sau phẫu thuật ở những bệnh nhân có nguy cơ cao (chẳng hạn như những người đã cắt bỏ khối u ác tính giai đoạn III).
Hóa trị: là phương pháp sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phân chia. Phương pháp này ít được sử dụng để điều trị khối u ác tính vì hiện nay đã có các loại thuốc miễn dịch và thuốc điều trị nhắm mục tiêu hiệu quả hơn. Phương pháp này có thể là một lựa chọn giúp kiểm soát khối u ác tính nếu như bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Xạ trị: Xạ trị sử dụng các chùm tia năng lượng cao, mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị được chỉ định tiếp theo để điều trị khối u ác tính đã di căn đến các hạch bạch huyết trong trường hợp khối u ác tính không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, giúp giảm đau và các triệu chứng khác do khối u di căn đến não hoặc xương gây ra.
Tỷ lệ sống sót của bệnh u hắc tố
Tiên lượng (kết quả điều trị) của bệnh u hắc tố phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm19,20,21:
- Đặc điểm khối u (phân loại ung thư hắc tố, độ dày của khối u, tốc độ phân chia của tế bào ung thư, có lở loét hay không).
- Vị trí của khối u trên cơ thể.
- Giai đoạn bệnh (mức độ lan rộng của ung thư) khi chẩn đoán.
- Nồng độ lactate dehydrogenase (LDH) trong máu.
- Ung thư có đột biến gen.
- Mức độ đáp ứng điều trị.
- Giới tính, độ tuổi và sức khỏe tổng quát.
Người châu Á được chẩn đoán u hắc tố có nhiều khả năng mắc u hắc tố dạng Acral lentiginous, khối u dày hơn và ở giai đoạn tiến triển hơn khi được chẩn đoán, dẫn đến tiên lượng chung kém hơn14,21. Hiểu biết ít về căn bệnh này cũng có thể dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị ở nhóm đối tượng bệnh nhân này.
Tỷ lệ sống sót ở phụ nữ cao hơn nam giới ở mọi giai đoạn của bệnh ung thư hắc tố. Lý do chính xác cho kết quả này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể là do phụ nữ có nhiều khả năng đi khám bác sĩ về bệnh ung thư hắc tố ở giai đoạn sớm hơn20.
So với hầu hết các loại ung thư khác, ung thư hắc tố có triển vọng tương đối tốt đối với hầu hết bệnh nhân, với tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 94%. Càng được chẩn đoán và điều trị sớm thì kết quả càng tốt.
Cần lưu ý rằng số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót được đo lường 5 năm một lần và do đó có thể không phản ánh những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư hắc tố. Những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hắc tố tiến triển hiện nay có tiên lượng (kết quả) tốt hơn so với những con số này. Hơn nữa, những đột phá trong nghiên cứu về ung thư đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, cung cấp nhiều hiểu biết sâu sắc hơn và dẫn đến sự phát triển của các phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Lưu ý, dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch kết hợp đã chứng minh tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 50% đối với bệnh ung thư hắc tố giai đoạn IV, đây là một cải thiện đáng kể đối với nhóm bệnh nhân này23. Bạn có thể muốn trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm hiểu xem liệu có thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp với tình trạng cá nhân của mình không.
Tỷ lệ sống sót được nhóm lại dựa trên giai đoạn bệnh (ung thư đã lan rộng đến đâu), nhưng các yếu tố khác như tuổi tác, sức khỏe tổng quát và mức độ đáp ứng điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến tiên lượng (kết quả điều trị) của bệnh nhân. Ngay cả khi tính đến những điều này, tiên lượng mà bác sĩ đưa ra dựa trên số liệu thống kê những người bệnh có chẩn đoán tương tự. Trong cùng một bệnh nhưng hành trình của bạn vẫn có thể khác với những người khác.
Ngăn Ngừa & Tầm Soát
Tầm soát ung thư hắc tố
Tầm soát là đề cập đến việc tìm kiếm dấu hiệu ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng. Hiện tại chưa có các tầm soát u hắc tố định kỳ dành cho người dân. Do đó điều quan trọng nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ (xem mục "Yếu tố nguy cơ u hắc tố" ở trên) thì cần cảnh giác và thăm khám bác sĩ để được kiểm tra kịp thời, đặc biệt là nếu phát hiện nốt ruồi hoặc đốm đáng ngờ.
Một số người có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn nhiều, là những người có24:
- Nhiều hơn 1 u hắc tố
- Có hơn 2 người thân cấp độ 1 (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái) có tiền sử mắc bệnh u hắc tố
- Tiền sử ghép tạng
- Hội chứng nốt ruồi loạn sản
- Hội chứng hoặc bất thường gen di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh u hắc tố
- Có 1 nốt ruồi rất lớn (lớn hơn 20cm) từ khi sinh ra
Nếu bạn có bất kỳ đặc điểm nào ở trên, bạn nên tự kiểm tra da hàng tháng cũng như có các cuộc hẹn khám da định kỳ với bác sĩ chuyên khoa da liễu (bác sĩ da liễu) để kiểm tra toàn bộ da và chụp ảnh (lập bản đồ nốt ruồi) để theo dõi chặt chẽ những thay đổi theo thời gian5.
Những người có tiền sử gia đình mắc khối u ác tính, tiền sử cá nhân mắc một số khối u ác tính hoặc có khối u ác tính khi còn nhỏ, có thể được khuyên nên đi tư vấn và xét nghiệm di truyền để xem có đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay không25.
Ngăn ngừa u hắc tố
Hạn chế tiếp xúc với tia UV giúp giảm nguy cơ u hắc tố và các loại ung thư da khác. Các biện pháp đơn giản có thể thực hiện bao gồm5,12:
Tránh nắng vào giữa trưa: Ở Singapore, chỉ số tia UV thường đạt mức rất cao và cực cao trong khoảng thời gian bốn giờ từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, đặc biệt là vào những ngày ít mây. Nên tránh ánh nắng mặt trời bằng cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng và các hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian này khi tia UV đang mạnh nhất. Nếu bạn phải ra ngoài, hãy di chuyển dưới bóng râm nếu có thể.
Thoa kem chống nắng thường xuyên: Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 30 trở lên mỗi ngày, ngay cả khi trời nhiều mây. Thoa kem chống nắng thật nhiều để đảm bảo che phủ mọi vùng da hở và cách 2 tiếng thì thoa thêm kem, hoặc thoa thêm kem thường xuyên hơn khi đi bơi hoặc đổ mồ hôi. Lượng kem chống nắng được khuyến nghị cho người lớn là 1 thìa cà phê cho mỗi cánh tay, mỗi cẳng chân, phía trước cơ thể, phía sau cơ thể và 1 thìa cà phê cho mặt, cổ và tai kết hợp, tương đương với 7 thìa cà phê kem chống nắng cho một lần thoa kem toàn thân. Nhớ bảo vệ môi bằng son dưỡng có thành phần chống nắng.
Mặc quần áo bảo hộ: Chỉ số tia UV từ 3 trở lên là mức độ đủ cao để gây tổn thương cho làn da không được bảo vệ, vì thế nên lưu ý sử dụng thêm nhiều loại kem chống nắng kết hợp. Khi ra ngoài vào ban ngày, hãy đội mũ rộng vành che đầu, cổ và tai, quần áo chống nắng che phủ da và đeo kính râm chặn tia UV.
Không nên dùng phòng tắm nắng: Giường tắm nắng và đèn tắm nắng phát ra bức xạ UV nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh u hắc tố, đặc biệt là ở những đối tượng dưới 30 tuổi.
Ghi nhớ đặc điểm da để phát hiện những thay đổi: Kiểm tra da thường xuyên để phát hiện khối u mới và theo dõi sự thay đổi của các nốt ruồi, tàn nhang, chấm và bớt hiện có trên người. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu có phát hiện bất thường trên da. (Xem mục "Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u hắc tố " để biết thêm thông tin)
Các Câu Hỏi Thường Gặp
Các dấu hiệu đầu tiên của ung thư hắc tố là sự thay đổi của nốt ruồi đã có hoặc mọc lên khối u mới sậm màu hoặc trông bất thường trên da. Việc theo dõi và ghi nhớ đặc điểm trên da sẽ giúp chúng ta phát hiện ra những thay đổi dễ dàng hơn.
Một số loại u hắc tố có thể phát triển nhanh trong nhiều tháng trong khi các loại khác thì phát triển chậm trong nhiều năm, tùy thuộc vào phân loại bệnh u hắc tố và mức độ tiến triển của bệnh. Bệnh u hắc tố dạng nốt có xu hướng phát triển nhanh lan xuống các tầng lớp sâu hơn dưới da và thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển. Mặt khác, ung thư hắc tố lan rộng bề mặt và ung thư hắc tố dạng Lentigo có xu hướng phát triển chậm và nông trên bề mặt da, sau đó mới xâm lấn vào các tầng lớp sâu hơn dưới da. (Xem mục "Phân loại bệnh u hắc tố" để biết thêm chi tiết về các loại bệnh ung thư hắc tố khác nhau)
U hắc tố là một trong số các bệnh ung thư có kết quả điều trị tốt nhất, đặc biệt là nếu được phát hiện và điều trị sớm. Một nghiên cứu của Úc cho thấy những bệnh nhân được chẩn đoán mắc u hắc tố mỏng (độ dày khối u 1mm hoặc nhỏ hơn) có tỷ lệ sống sót trong vòmg 20 năm là 96%. Điều này có nghĩa là 96 trong số 100 người mắc u hắc tố mỏng vẫn có khả năng sống trong vòng 20 năm kể từ khi được chẩn đoán bệnh21.
U hắc tố dạng Acral lentiginous là loại u hắc tố phổ biến nhất ở người Châu Á có tiên lượng (kết quả điều trị) kém hơn vì bệnh thường chỉ được phát hiện khi khối u dày hơn và đi vào giai đoạn tiến triển. Tỷ lệ sống sót trong vòng 20 năm của bệnh u hắc tố này thấp hơn ở mức 80%21, đây vẫn là kết quả khá tốt so với nhiều loại ung thư khác.
Cần lưu ý rằng tỷ lệ sống sót được khảo sát dựa trên giai đoạn bệnh (ung thư đã lan rộng đến đâu), nhưng các yếu tố khác như tuổi tác, sức khỏe tổng quát và mức độ đáp ứng điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến tiên lượng (kết quả điều trị) của bệnh nhân. Tốt nhất là nên trao đổi về tiên lượng của bạn với bác sĩ điều trị, người có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin cụ thể hơn dựa trên tình trạng của bạn.
U hắc tố có tiên lượng tốt nếu được điều trị sớm. Ung thư hắc tố giai đoạn I và II thường được chữa khỏi chỉ bằng phẫu thuật.
Nguồn Tham Khảo
- Cancer Research UK. What is Melanoma Skin Cancer? Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/about on 10 August 2024.
- Chang J, Guo J, Hung CY, et al. Sunrise in melanoma management: Time to focus on melanoma burden in Asia. Asia-Pacific Journal of Clinical Oncology. 2017; 13:423–427.
- American Cancer Society. What is Melanoma Skin Cancer? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/about/what-is-melanoma.html on 10 August 2024.
- Cancer Research UK. Types of Melanoma. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/stages-types/types on 10 August 2024.
- Cancer Council. Understanding Melanoma: A guide for people with cancer, their families and friends. Sydney, Cancer Council Australia; 2023.
- Sung H, Siegel RL, Laversanne M, et al. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries. CA: A Cancer Journal for Clinicians 2021; 71(3):209-49.
- The Global Cancer Observatory, International Agency for Research on Cancer, World Health Organization. Singapore Fact Sheet. Accessed at https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/702-singapore-fact-sheets.pdf on 10 August 2024.
- Mayo Clinic. Melanoma. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/melanoma/symptoms-causes/syc-20374884 on 10 August 2024.
- American Cancer Society. Risk Factors for Melanoma Skin Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html on 10 August 2024.
- Cancer Research UK. Risks and Causes of Melanoma Skin Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/risks-causes on 10 August 2024.
- Cleveland Clinic. Melanoma. Accessed at https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14391-melanoma on 10 August 2024.
- National Environment Agency. UV Radiation & UV Index. Accessed at https://www.nea.gov.sg/corporate-functions/weather/ultraviolet-index/uv-radiation-uv-index on 10 August 2024.
- Cancer Council. Melanoma. Accessed at https://www.cancer.org.au/cancer-information/types-of-cancer/melanoma on 10 August 2024.
- Melanoma Research Alliance. Acral Melanoma. Accessed at https://www.curemelanoma.org/about-melanoma/types/acral-melanoma on 10 August 2024.
- American Cancer Society. Tests for Melanoma Skin Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html on 10 August 2024.
- Cancer Research UK. About Advanced Melanoma. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/advanced-melanoma/about-advanced-melanoma on 10 August 2024.
- Cancer Research UK. Melanoma Stages and Types. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/stages-types on 10 August 2024.
- Cancer Research UK. Melanoma Treatment Options. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/treatment/treatment-decisions on 10 August 2024.
- National Cancer Institute. Melanoma Treatment (PDQ®)–Patient Version. Accessed at https://www.cancer.gov/types/skin/patient/melanoma-treatment-pdq on 10 August 2024.
- Cancer Research UK. Survival for Melanoma Skin Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/survival on 10 August 2024.
- Green A, Baade P, Coory M, et al. Population-Based 20-Year Survival Among People Diagnosed With Thin Melanomas in Queensland, Australia. Journal of Clinical Oncology 2012; 30(13):1462-1467.
- American Cancer Society. Survival Rates for Melanoma Skin Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates-for-melanoma-skin-cancer-by-stage.html on 10 August 2024.
- AIM at Melanoma Foundation. What are the Survival Rates for Melanoma? Accessed at https://www.aimatmelanoma.org/melanoma-101/how-melanoma-is-diagnosed/prognosis/ on 10 August 2024.
- Cancer Research UK. Screening for Melanoma Skin Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/melanoma/getting-diagnosed/screening on 10 August 2024.
- American Cancer Society. What Causes Melanoma Skin Cancer? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/melanoma-skin-cancer/causes-risks-prevention/what-causes.html on 10 August 2024.