Tổng Quan

Ung thư thận là gì?

"Ung thư thận là một loại ung thư bắt nguồn từ thận. Bệnh thường chỉ ảnh hưởng đến một quả thận, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi sẽ phát triển ở cả hai quả thận. Thận là hai cơ quan có hình dáng giống hạt đậu, kích thước bằng nắm tay nằm sau các cơ quan vùng bụng, mỗi quả thận nằm ở mỗi bên cột sống. Thận được kết nối với bàng quang thông qua hai ống được gọi là niệu quản. Vai trò chính của quả thận là1,2:

  • Loại bỏ nước, muối và chất thải dư thừa khỏi máu dưới dạng nước tiểu.
  • Sản xuất một loại hormon gọi là renin giúp điều hòa huyết áp.
  • Sản xuất một loại hormon gọi là erythropoietin kích thích tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu.
  • Sản xuất một loại hormon gọi là calcitriol (một dạng vitamin D) giúp ruột hấp thụ canxi.

Các loại ung thư thận

Ung thư thận được phân loại dựa trên loại tế bào của ung thư nguyên phát3:

  • Ung thư biểu mô tế bào thận (RCC):: Loại ung thư thận phổ biến nhất ở người lớn là ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư xuất phát từ các tế bào niêm mạc ống thận (các ống nhỏ lọc máu). Ung thư biểu mô tế bào thận (RCC) chiếm 85% trong các ca bệnh ung thư thận. Có nhiều phân nhóm ung thư biểu mô tế bào thận (RCC), phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào sáng chiếm khoảng 80% các trường hợp ung thư biểu mô tế bào thận4.

  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC): Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (còn được gọi là ung thư biểu mô tiết niệu) thường xuất phát từ các tế bào niêm mạc bể thận, là khu vực nơi thận nối với niệu quản. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC) chiếm khoảng 7% trong các ca bệnh ung thư thận và cũng có thể xuất hiện ở niệu quản hoặc bàng quang. Loại ung thư này thường được điều trị tương tự như ung thư bàng quang.

  • U Wilms: U Wilms, hay còn gọi là u nguyên bào thận, là loại ung thư thận phổ biến nhất ở trẻ em nhưng hiếm gặp ở người lớn. Bệnh chiếm khoảng 5% trong các ca bệnh ung thư thận.

  • U sarcoma thận: Đây là dạng ung thư thận hiếm gặp, chiếm khoảng 1% các trường hợp ung thư thận. Bệnh hình thành ở các mô liên kết của thận.

Mức độ phổ biến của ung thư thận?

Ở Singapore, ung thư thận là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ 7 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến thứ 8 ở nam giới 5. Bệnh ung thư này ít phổ biến ở nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh (số ca bệnh) ung thư thận đã tăng dần đều trong 50 năm qua và được cho là có liên quan đến sự giàu có và công nghiệp hóa phát triển dẫn đến tăng tỷ lệ hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất gây ung thư trong môi trường làm việc, tăng huyết áp (huyết áp cao) và béo phì, đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư thận (Xem mục "Yếu tố nguy cơ ung thư thận")6.

Ngoài ra, thường xuyên làm chụp chiếu hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng góp phần làm tăng số lượng các ca được chẩn đoán ung thư thận. Những kiểm tra này thường được chỉ định để đánh giá các tình trạng bệnh lý khác nhưng lại vô tình phát hiện ra ung thư thận không triệu chứng (chưa biểu hiện triệu chứng)7.

Tin tốt là phân lớn các ca bệnh ung thư thận đều có thể phát hiện ở giai đoạn đầu trước khi di căn đến các cơ quan xa. Việc điều trị ung thư ở giai đoạn đầu sẽ có nhiều khả năng chữa khỏi hơn.

Nguyên nhân & triệu chứng

Nguyên nhân gây ra ung thư thận?

Ung thư thận xuất hiện khi các tế bào trong thận bị biến đổi (đột biến) DNA khiến các tế bào thận phát triển bất thường và hình thành khối u. Nguyên nhân chính xác gây ra đột biến vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Yếu tố nguy cơ ung thư thận

Các bác sĩ không phải lúc nào cũng giải thích được tại sao người này mắc ung thư thận mà người khác lại không. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư thận, bao gồm3,8,9:

  • Đối tượng cao tuổi: Ung thư thận hiếm gặp ở những người dưới 50 tuổi. Khoảng 2/3 số ca ung thư thận được chẩn đoán ở những người có độ tuổi trên 65-707.

  • Giới tính: Ung thư thận phổ biến gấp đôi ở nam giới so với nữ giới10.

  • Hút thuốc: Hút thuốc được cho là nguyên nhân gây ra hơn 30% các ca ung thư thận11. Nguy cơ mắc ung thư thận tăng dần theo thời gian đi cùng số lượng thuốc lá đã tiêu thụ. Nhưng nguy cơ sẽ giảm đi nếu bạn ngừng hút thuốc và giảm xuống gần bằng với những người không hút thuốc sau 10 năm bỏ thuốc9.

  • Béo phì: Thừa cân hoặc béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận so với những người có cân nặng trong phạm vi khỏe mạnh. Một người càng thừa nhiều cân thì nguy cơ ung thư càng cao. Có khoảng 25% các ca bệnh ung thư thận liên quan đến tình trạng béo phì và rối lọan cân bằng hormon do béo phì gây ra9.

  • Huyết áp cao (tăng huyết áp): Huyết áp cao làm tăng nguy cơ ung thư thận. Huyết áp càng tăng cao thì nguy cơ ung thư càng lớn.

  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương thận lâu dài và ung thư thận. Nguy cơ có thể cao hơn ở những người sử dụng insulin để kiểm soát bệnh đái tháo đường so với những người sử dụng thuốc uống9.

  • Bệnh lý thận tiến triển cần phải chạy thận: Những người bị suy thận phải chạy thận lâu dài (lọc máu bằng thận nhân tại) có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn bình thường.

  • Sử dụng thuốc giảm đau liều nhẹ trong thời gian dài: Sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thận7.

  • Tiếp xúc với hóa chất trong môi trường làm việc: Tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với hóa chất tại nơi làm việc như thuốc nhuộm dệt, amiăng, asen hoặc cadmium trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận.

  • Tiền sử gia đình mắc ung thư thận: Có người thân cấp độ 1 (cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc ung thư thận sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của các thành viên còn lại. Nguy cơ có thể là gen di truyền, sinh hoạt trong cùng môi trường sống hoặc cả hai10.

  • Một số tình trạng di truyền: Một số người mang đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận và các loại ung thư khác, như bệnh von Hippel-Lindau, hội chứng Birt-Hogg-Dube, bệnh u xơ cứng củ, ung thư biểu mô tế bào thận nhú di truyền hoặc ung thư thận gia đình. Tuy nhiên, các hội chứng di truyền này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số các loại ung thư thận. Những người mắc các tình trạng di truyền này sẽ phát triển ung thư thận có nhiều khối u ở cả hai quả thận, và bệnh sẽ xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn so với những người mắc ung thư không di truyền.

Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn mắc bệnh ung thư thực quản. Nhiều người có yếu tố nguy cơ nhưng lại không bao giờ bị ung thư thận, trong khi một số người không có các yếu tố nguy cơ lại mắc ung thư.

Dấu hiệu và triệu chứng ung thư thận?

Ung thư thận thường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thận khi xuất hiện bao gồm8,12:

  • Máu lẫn trong nước tiểu (có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu)
  • Đau vùng hông hoặc lưng dưới
  • Mọc u ở một bên bụng
  • Chán ăn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi không cải thiện sau khi nghỉ ngơi
  • Sốt dai dẳng không phải do nhiễm trùng
  • Huyết áp cao
  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)

Nhiều triệu chứng trong số này có nhiều khả năng là do các bệnh không phải ung thư gây ra như viêm bàng quang/ nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị nếu cần.

Chẩn đoán & đánh giá bệnh

Chẩn đoán ung thư thận

Nếu bạn có các triệu chứng hoặc dấu hiệu cho thấy ung thư thận, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm để xác định chẩn đoán. Ung thư thận có thể phát hiện thông qua các thủ thuật và xét nghiệm sau3,13,14:

  • Tiền sử bệnh và khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cá nhân, gia đình và tiến hành khám lâm sàng để tìm kiếm khối u ở bụng.

  • Xét nghiệm nước tiểu: Mẫu nước tiểu sẽ được xét nghiệm để kiểm tra viêm nhiễm, máu và protein. Xét nghiệm tế bào nước tiểu là xét nghiệm để tìm kiếm tế bào ung thư trong nước tiểu.

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu bao gồm nồng độ urê, chất điện giải và creatinine (để kiểm tra chức năng thận) và công thức máu toàn phần (để kiểm tra nồng độ tế bào máu).

  • Siêu âm bụng: Siêu âm là kiểm tra hình ảnh sử dụng sóng âm để tái tạo hình ảnh của thận và ổ bụng. Siêu âm giúp xác định khối u ở thận là u nang chứa dịch hay khối u rắn.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp CT hoặc MRI bụng tái tạo hình ảnh ba chiều của thận và các cơ quan xung quanh. Trên hình chụp có thể quán sát được kích thước và vị trí của khối u, mạch máu và liệu ung thư đã lan đến nơi khác hay chưa.

  • Sinh thiết thận: Sinh thiết (lấy một mẫu nhỏ mô ung thư) thường không chỉ định dành cho ung thư thận vì chụp CT hoặc MRI sẽ có hiệu quả hơn trong việc xác định xem khối u thận có phải là ung thư hay không. Nếu không chắc chắn về kết quả chụp, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết. Mẫu sinh thiết được phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định tế bào ung thư, và nếu có thì là loại ung thư thận nào và cấp độ là gì (được mô tả thêm bên dưới). Xét nghiệm di truyền cũng có thể thực hiện trên các tế bào ung thư để tìm kiếm protein hoặc đột biến gen cụ thể giúp bác sĩ dễ dàng lựa chọn điều trị.

Quy trình đánh giá ung thư thận?

Sau khi ung thư thận được chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định mức độ di căn (giai đoạn) của bệnh. Đánh giá giai đoạn bệnh thường được thực hiện thông qua chụp CT, chụp PET-CT hoặc MRI để xem liệu ung thư đã di căn chưa, và nếu có thì đã di căn đến những bộ phận nào trong cơ thể. Ung thư thận thường di căn đến phổi, xương, hạchs bạch huyết, gan và não.

Các giai đoạn của ung thư thận được mô tả như sau3,15:

  • Giai đoạn I: Ung thư có kích thước 7cm hoặc nhỏ hơn và khu trú ở thận.
  • Giai đoạn II: Ung thư lớn hơn 7cm nhưng vẫn khu trú hoàn toàn bên trong thận.
  • Giai đoạn III: Ung thư đã phát triển vào mô xung quanh thận hoặc lan đến các hạch bạch huyết lân cận, các mạch máu chính (tĩnh mạch thận và tĩnh mạch chủ dưới). Giai đoạn III còn được gọi là ung thư thận tiến triển tại chỗ.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan ra ngoài thận đến tuyến thượng thận (một tuyến nhỏ nằm trên đỉnh thận), các hạch bạch huyết xa hoặc các cơ quan khác như phổi, xương và gan. Giai đoạn IV còn được gọi là ung thư thận tiến triển hoặc di căn.

Ung thư thận cũng được phân loại theocấp độ. Cấp độ của ung thư thận được đánh giá dựa trên mức độ bất thường của các tế bào ung thư dưới kính hiển vi (từ cấp độ 1 với các tế bào trông giống như các tế bào thận bình thường, đến cấp độ 4 với các tế bào ung thư có hình thái bất thường) và khả năng lây lan. Ung thư cấp độ cao có xu hướng phát triển và lan rộng nhanh hơn ung thư cấp độ thấp và thường có tiên lượng (kết quả điều trị) kém hơn13.

Giai đoạn và cấp độ càng thấp khi chẩn đoán thì cơ hội điều trị thành công và sống sót lâu dài càng cao.

Phương pháp điều trị

Các lựa chọn điều trị ung thư thận

Khi cân nhắc kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau8,16:

  • Giai đoạn bệnh (mức độ xâm lấn) của ung thư (kích thước khối u và liệu ung thư đã di căn hay chưa).
  • Vị trí của khối u trong thận.
  • Đặc điểm của khối u (phân loại và cấp độ ung thư).
  • Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và tiền sử điều trị các bệnh lý khác.
  • Yêu cầu cá nhân.

Mục tiêu đầu tiên của điều trị ung thư thận là loại bỏ ung thư. Khi không thể đạt được mục tiêu loại bỏ thì trọng tâm sẽ chuyển sang kiểm soát ung thư trong thời gian càng lâu càng tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các lựa chọn điều trị ung thư thận bao gồm4,7,8,17:

  • Theo dõi tích cực: Trong một số trường hợp, vì ung thư thận có thể mất nhiều năm để đi đến giai đoạn tiến triển và việc điều trị có những nguy cơ, bác sĩ có thể chọn theo dõi khối u thay vì điều trị ngay lập tức. Phương án này gọi là "theo dõi tích cực" và có thể là lựa chọn trong trường hợp khối u nhỏ có kích thước dưới 3 cm hoặc trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe yếu, có nhiều bệnh lý khác không đủ điều kiện để phẫu thuật7. Trong quá trình theo dõi tích cực, xét nghiệm máu và chụp CT sẽ tiến hành theo lịch hẹn định kỳ để theo dõi chặt chẽ tình trạng ung thư. Bệnh nhân có thể bắt đầu điều trị nếu các xét nghiệm cho thấy ung thư đang bắt đầu tiến triển.

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho phần lớn các trường hợp ung thư thận. Đối với ung thư giai đoạn đầu thì đây chính là phương pháp điều trị duy nhất. Nếu ung thư ở cấp độ cao (hình thái bất thường dưới kính hiển vi) hoặc đã lan ra ngoài thận thì cần phải điều trị bổ sung sau phẫu thuật để ngăn ngừa nguy cơ ung thư tái phát. Hình thức phẫu thuật gồm có phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi (phẫu thuật lỗ khóa) (phẫu thuật nội soi ổ bụng/hoặc phẫu thuật nội soi ổ bụng hỗ trợ bằng robot). Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

    • Cắt bỏ hoàn toàn thận: Bao gồm cắt bỏ thận, tuyến thượng thận và các mô xung quanh. Sau khi cắt bỏ một quả thận bằng phẫu thuật, quả thận khỏe mạnh còn lại vẫn có thể duy trì hoạt động của cả hai thận.

    • Cắt bỏ bán phần thận (còn gọi là phẫu thuật bảo tồn thận): Bao gồm cắt bỏ khối u và một phần nhỏ mô khỏe mạnh xung quanh thay vì toàn bộ quả thận. Đây là phương pháp điều trị phổ biến dành cho các khối u nhỏ có kích thước dưới 4 cm và có thể cân nhắc dành cho những bệnh nhân bị ung thư cả hai quả thận và những người chỉ còn một quả thận khỏe mạnh. So với phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn thận, cắt bỏ bán phần thận giúp bảo tồn chức năng thận và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng về sau như bệnh thận mạn tính và cần lọc máu, cũng như bệnh tim mạch và mạch máu.

    • Loại bỏ di căn: Nếu ung thư đã di căn đến một số vị trí hạn chế, phẫu thuật để cắt bỏ các khối u này vẫn thực hiện được giúp các phương pháp điều trị tiếp theo đạt hiệu quả hơn.

    • Phẫu thuật giảm nhẹ: Nếu ung thư đã lan rộng và không thể cắt bỏ, phẫu thuật giảm nhẹ sẽ được chỉ định để giảm thiểu các triệu chứng, nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

  • Cắt đốt nhiệt: thủ thuật này có thể sử dụng trong một số trường hợp như: ung thư giai đoạn đầu kích thước nhỏ hoặc bệnh nhân mắc các bệnh lý khác khiến họ không đủ điều kiện làm phẫu thuật. Thủ thuật cắt lạnh (hay kỹ thuật nhiệt động) là phương pháp làm đông lạnh vùng thận bị ung thư bằng khí nitơ lỏng rồi sau đó rã đông theo chu kỳ lặp lại để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thủ thuật đốt sóng cao tần sử dụng năng lượng nhiệt để tiêu diệt khối ung thư.

  • Nút mạch: Thủ thuật này đưa vật liệu vào động mạch thận (nguồn cung cấp máu chính cho thận) để chặn lưu lượng máu đi đến khối u, làm chậm sự phát triển của ung thư và cải thiện các triệu chứng như đau hoặc chảy máu từ thận.

  • Xạ tr: Xạ trị là sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Phương pháp này không được sử dụng thường xuyên để điều trị ung thư thận. Đôi khi xạ trị được chỉ định để điều trị ung thư thận giai đoạn đầu nếu bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật hoặc chỉ còn một quả thận. Xạ trị cũng làm giảm các triệu chứng gây ra do ung thư di căn đến các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như xương và não.

  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Liệu pháp nhắm mục tiêu là dùng thuốc ngăn chặn sự phát triển của ung thư bằng cách can thiệp vào các phân tử cụ thể có trong tế bào ung thư mà liên quan tới sự phát triển của khối u. Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được chỉ định trong trường hợp ung thư thận giai đoạn tiến triển không thể phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát. Phần lớn các loại thuốc nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư thận đều có cơ chế ngăn chặn các protein gọi là tyrosine kinase mà thường kích thích tế bào ung thư phát triển hoặc giúp chúng sản sinh mạch máu mới. Những loại thuốc này được gọi là chất ức chế tyrosine kinase.

  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể chống lại ung thư. Trong những năm gần đây, chúng ta có các loại thuốc liệu pháp miễn dịch như chất ức chế PD-1 và PD-L1 nhắm vào một loại protein trên tế bào T để điều trị ung thư giai đoạn I, II và III cấp độ cao sau phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ tái phát và đây chính là phương pháp điều trị đầu tiên trong trường hợp ung thư tiến triển (giai đoạn IV). Liệu pháp miễn dịch có thể kết hợp với các loại thuốc nhắm mục tiêu.

  • Hóa trị: Hóa trị không phải là phương pháp điều trị chính dành cho ung thư thận. Phương pháp này sẽ được chỉ định nếu các phương án điều trị khác không hiệu quả.

Tỷ lệ sống sót của ung thư thận

Tỷ lệ sống sót chung trong vòng 5 năm đối với ung thư thận ở Singapore là khoảng 70%6. Tuy nhiên, ung thư phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Tin tốt có là gần 50% ca bệnh ung thư thận được chẩn đoán ở giai đoạn I, đạt tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm khoảng 90%18.

Có khoảng 25% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư thận tiến triển (giai đoạn IV) thì tiên lượng điều trị sẽ ít khả quan hơn và tỷ lệ sống sót là 13%18. Tuy nhiên cần lưu ý rằng số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót được khảo sát 5 năm một lần và không thể phản ánh những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư thận. Những người được chẩn đoán mắc ung thư thận tiến triển hiện nay có thể có tiên lượng điều trị tốt hơn so với số liệu thống kê.

Điều quan trọng là những số liệu thống kê này được khảo sát trên một nhóm người có cùng chẩn đoán bệnh. Mỗi cá nhân sẽ có diển biến bệnh khác nhau. Tốt nhất là bạn nên trao đổi về tiên lượng (kết quả điều trị) với bác sĩ điều trị, người có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin cụ thể hơn dựa trên tình trạng của bạn.

Ngăn Ngừa & Tầm Soát Bệnh

Tầm soát ung thư thận

Tầm soát là đề cập đến việc tìm kiếm dấu hiệu ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng. Hiện tại chưa có phương pháp tầm soát ung thư thận dành cho các đối tượng chung. Xét nghiệm nước tiểu (phân tích nước tiểu) thường được thực hiện trong quy trình kiểm tra sức khỏe tổng quát, đôi khi có thể phát hiện một ít máu lẫn trong nước tiểu ở một số người bị ung thư thận giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ung thư thận có thể không xuất hiện tình trạng máu lẫn trong nước tiểu cho đến khi khối ung thư lớn hơn hoặc đã tiến triển, và máu lẫn trong nước tiểu cũng có thể là do các nguyên nhân khác gây ra như nhiễm trùng đường tiết niệu/bàng quang, ung thư bàng quang hoặc sỏi thận 19. Nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ (xem mục "Yếu tố nguy cơ ung thư thận"), thì cần phải cảnh giác và đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kịp thời nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư thận, đặc biệt là những người có tiền sử mắc các bệnh lý di truyền hoặc bệnh thận mạn tính phải chạy thận lâu dài thì cần được theo dõi chặt chẽ thông qua khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm nước tiểu và chụp chiếu hình ảnh. Những xét nghiệm này có thể phát hiện ung thư thận ở giai đoạn đầu khi ung thư còn khu trú và còn khả năng cao chữa khỏi bằng phẫu thuật.

Ngăn ngừa ung thư thận

Mặc dù không có cách nào đảm bảo để ngăn ngừa ung thư thận, nhưng có một số biện pháp có thể thực hiện để giảm nguy cơ4,8:

  • Tránh hoặc bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng và nhiều loại ung thư khác. Bỏ thuốc lá sẽ rất khó vì vậy hãy tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ bao gồm các nhóm hỗ trợ, dùng thuốc và liệu pháp thay thế nicotin.

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư thận. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy trao đổi với bác sĩ về các cách giúp giảm cân theo cách an toàn.

  • Kiểm soát tình trạng huyết áp cao: Nếu bạn bị huyết áp cao, các thói quen lành mạnh như tập thể dục, giảm cân và thay đổi chế độ ăn có thể giúp giảm huyết áp. Cần dùng thuốc nếu huyết áp rất cao hoặc không đáp ứng với các thay đổi lối sống. Hãy trao đổi các lựa chọn điều trị với bác sĩ.

  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Nếu bạn bị tiểu đường, hãy đảm bảo kiểm soát nồng độ đường trong máu và gặp bác sĩ định kỳ để được kiểm soát tốt.

  • Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau: Tránh sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol và thuốc chống viêm không steroid càng nhiều càng tốt. Nếu bạn bị đau dai dẳng thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thêm và điều trị.

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại trong môi trường làm việc: Tuân thủ quy định phòng ngừa phơi nhiễm và các hướng dẫn an toàn nếu bạn làm việc với các chất gây ung thư tiềm ẩn như thuốc nhuộm vải, amiăng, asen hoặc cadmium.

Các Câu Hỏi Thường Gặp

Collapse All
Expand All

Ung thư thận có tiên lượng điều trị tốt nếu được điều trị sớm. Ung thư thận giai đoạn I và II khu trú trong thận thường được chữa khỏi chỉ bằng phẫu thuật. Ngay cả khi bệnh đi vào giai đoạn III, trường hợp ung thư tiến triển nhưng khu trú cũng có khả năng chữa khỏi nếu có thể cắt bỏ toàn bộ vùng ung thư trong quá trình phẫu thuật, sau đó tiếp tục điều trị bằng thuốc sau phẫu thuật.16

Ung thư thận tiến triển (di căn hoặc giai đoạn IV) đã lan ra ngoài hạch bạch huyết và đến các vùng khác của cơ thể như phổi thường không thể chữa khỏi. Trong trường hợp này, phương pháp điều trị sẽ tập trung vào việc kiểm soát ung thư, làm giảm các triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống lâu nhất có thể.20

Mỗi loại ung thư thận sẽ có biểu hiện bệnh khác nhau. Một số loại độ ác tính cao hơn và lây lan nhanh hơn, trong khi những loại khác có thể phát triển chậm. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ lan rộng của ung thư bao gồm21:

  • Phân nhóm phụ ung thư: Phân nhóm phụ của ung thư thận liên quan đến tốc độ di căn (mức độ ung thư lan rộng). Ung thư biểu mô tế bào thận loại tế bào sáng là phân nhóm phụ phổ biến nhất của ung thư thận có xu hướng hung hăng và lan nhanh.
  • Cấp độ ung thư:Các tế bào ung thư cấp độ cao hơn nhìn bất thường dưới kính hiển vi và có nhiều khả năng phát triển nhanh hơn và độ ác tính cao hơn.
  • Di truyền: Một số đột biến gen trong các tế bào ung thư có thể khiến ung thư lan nhanh hơn.
  • Kích thước khối u: Các khối u lớn hơn có nhiều khả năng lan rộng hơn các khối u nhỏ.

Có khoảng 50% ca ung thư thận được phát hiện tình cờ (ngẫu nhiên) khi làm chụp chiếu hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT ổ bụng với mục đích khác. Các trường hợp khác có thể được phát hiện sau khi xuất hiện các triệu chứng và làm xét nghiệm máu, chụp chiếu hình ảnh để chẩn đoán ung thư.

Những thực phẩm không tốt cho thận và có nguy cơ gây tổn thương thận nếu tiêu thụ quá nhiều trong thời gian dài bao gồm22:

  • Rượu bia: Uống nhiều rượu trong thời gian dài có thể gây tổn thương thận. Hãy uống rượu bia ở mức độ vừa phải, nếu có thể.
  • Muối: Chế độ ăn nhiều muối không tốt cho thận và tim. Hãy cố gắng giảm muối khi nấu ăn. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, vì vậy điều quan trọng là hạn chế ăn những thực phẩm này.

Ngoài ra, có thể thay đổi chế độ ăn như sau23:

  • Tránh các thực phẩm nghèo dinh dưỡng: Nếu có thể, hãy chọn các thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng thay vì thực phẩm ít calo/nghèo dinh dưỡng như đồ uống có đường, đồ ăn nhẹ đóng gói và đồ ngọt chứa thành phần carbohydrate.
  • Tránh những bữa ăn lớn: Nếu bạn chán ăn, hãy chia thành sáu bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ăn ba bữa lớn.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng: Chế độ ăn hợp lý, cân bằng, bổ sung nhiều trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, protein lành mạnh, chất béo lành mạnh, sữa và đủ nước giúp cơ thể đối phó với điều trị tốt hơn, phục hồi nhanh hơn, chống lại nhiễm trùng và có nhiều năng lượng hơn.

Nguồn Tham Khảo

  1. American Cancer Society. What is Kidney Cancer? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/kidney-cancer/about/what-is-kidney-cancer.html on 05 August 2024.
  2. Cancer Research UK. What is Kidney Cancer? Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/kidney-cancer/about on 05 August 2024.
  3. Cleveland Clinic. Kidney Cancer. Accessed at https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9409-kidney-cancer-overview on 05 August 2024.
  4. National Kidney Foundation. Kidney Cancer. Accessed at https://www.kidney.org/atoz/content/kidney-cancer on 05 August 2024.
  5. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry Annual Report 2021. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  6. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph 1968-2017. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  7. SingHealth. Kidney Cancer. Accessed at https://www.singhealth.com.sg/patient-care/conditions-treatments/kidney-cancer on 05 August 2024.
  8. Mayo Clinic. Kidney Cancer. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kidney-cancer/symptoms-causes/syc-20352664 on 05 August 2024.
  9. Cancer Research UK. Risks and Causes of Kidney Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/kidney-cancer/risks-causes on 05 August 2024.
  10. American Cancer Society. Risk Factors for Kidney Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/kidney-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html on 05 August 2024.
  11. Cancer Council. Kidney Cancer. Accessed at https://www.cancer.org.au/cancer-information/types-of-cancer/kidney-cancer on 05 August 2024.
  12. American Cancer Society. Kidney Cancer Signs and Symptoms. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/kidney-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-and-symptoms.html 05 August 2024.
  13. American Cancer Society. Tests for Kidney Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/kidney-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html on 05 August 2024.
  14. National Cancer Institute. Renal Cell Cancer Treatment (PDQ®)-Patient Version. Accessed at https://www.cancer.gov/types/kidney/patient/kidney-treatment-pdq on 05 August 2024.
  15. Cancer Research UK. Number Stages of Kidney Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/kidney-cancer/stages-types-grades/number-stages on 05 August 2024.
  16. Cancer Research UK. Treatment Options for Kidney Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/kidney-cancer/treatment/decisions on 05 August 2024.
  17. Gleneagles Hospital Singapore. Kidney Cancer. Accessed at https://www.gleneagles.com.sg/conditions-diseases/kidney-cancer/symptoms-causes on 05 August 2024.
  18. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph – Appendices. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  19. Can Kidney Cancer Be Found Early? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/kidney-cancer/detection-diagnosis-staging/detection.html on 05 August 2024.
  20. Cancer Research UK. What is Advanced Kidney Cancer? Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/kidney-cancer/advanced/about on 05 August 2024.
  21. Medical News Today. How Does Metastatic Renal Cell Carcinoma Spread? Accessed at https://www.medicalnewstoday.com/articles/how-does-metastatic-renal-cell-carcinoma-spread#how-quickly-it-spreads on 05 August 2024.
  22. Life After Surgery for Kidney Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/kidney-cancer/living-with/daily-life on 05 August 2024.
  23. Cancer Research UK. What Should I Eat to Prepare for Cancer Treatment? Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/treatment/prehabilitation/eat-varied-diet on 05 August 2024.