Sự khác nhau giữa liệu pháp proton và xạ trị truyền thống


Liệu pháp proton là một trong những phương pháp xạ trị mới nhất được áp dụng ở Singapore tại trung tâm trị liệu proton mới của Bệnh viện Mount Elizabeth Novena. Vậy đây là phương pháp gì, và nó hoạt động như thế nào?

Các bác sĩ xạ trị ung thư: Bác sĩ Lee Kim Shang, Bác sĩ Edward Yang, Bác sĩ Lee Kuo AnnBác sĩ Ivan Tham sẽ cùng trả lời 5 câu hỏi hóc búa về phương pháp điều trị mới nhất này.

1. Liệu pháp proton là gì?

Liệu pháp proton là một loại liệu pháp hạt sử dụng chùm hạt proton năng lượng cao mà có thể được điều biến để chiếu xạ các bệnh như ung thư.

Việc sử dụng proton trong y học xạ trị đã xuất hiện trong thập kỷ gần đây nhờ những tiến bộ trong công nghệ, năng lực tính toán và chẩn đoán hình ảnh. Trong liệu pháp proton, proton là các hạt điện tích dương được tách ra từ các nguyên tử hydro, sau đó được đưa vào máy gia tốc hạt cyclotron hoặc synchrotron.

Cyclotron hoặc synchrotron sử dụng trường điện từ để tăng tốc các proton lên mức năng lượng 70–250 triệu electron vôn, đủ để đưa các proton đến khối u ở bất kỳ độ sâu nào trong cơ thể bệnh nhân.

Sau đó, các nam châm siêu dẫn sẽ di chuyển các proton được gia tốc này thông qua hệ thống vận chuyển chùm tia khi chúng rời cyclotron hoặc synchrotron để tiếp cận bệnh nhân.

2. Sự khác biệt giữa liệu pháp proton và xạ trị truyền thống (RT) là gì?

Tia xạ được đưa đến các tế bào ung thư bằng cách hoặc sử dụng các tia photon (bao gồm tia X và tia gamma năng lượng cao) hoặc các hạt (bao gồm proton, electron, neutron và ion carbon nặng).

Xạ trị truyền thống sử dụng các tia photon, phân tán những tia xạ nhỏ dọc theo đường đi đến khối u được nhắm tới.

Thật không may, các mô và cơ quan khỏe mạnh xung quanh khối u có thể bị tổn thương do tia xạ và gây ra nhiều tác dụng phụ lâu dài.

Sử dụng liệu pháp proton giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn vùng mà các chùm proton giải phóng tia xạ trong cơ thể bệnh nhân. Khi các proton giảm tốc nhanh hơn so với photon, chúng tích tụ nhiều năng lượng hơn khi chuyển động chậm lại, tập hợp năng lượng lên đến đỉnh điểm và giải phóng năng lượng ở mức cao nhất. Đây được gọi là 'đỉnh Bragg' được tạo ra trùng với vị trí của khối u được nhắm mục tiêu.

Các tế bào nằm ngoài đỉnh Bragg sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này có nghĩa là có rất ít hoặc không có tia xạ trong mô khỏe mạnh và các cơ quan bên ngoài khối u, dẫn đến việc tiếp xúc với tia xạ ít hơn nhiều và các tác dụng phụ lâu dài thấp hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn.

3. Lợi ích của liệu pháp proton so với xạ trị truyền thống là gì?

Nhờ tính chất phân tử của liệu pháp proton nên chúng ta có thể truyền liều bức xạ cực cao đến một vị trí cục bộ, đạt được nhiều lợi ích và ít tác dụng phụ hơn so với xạ trị truyền thống bao gồm:

  • Hạn chế tia xạ ảnh hưởng đến mô khỏe mạnh
  • Giảm nguy cơ ung thư thứ phát
  • Tăng liều an toàn giúp tỷ lệ sống sót cao hơn
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh ác tính do tia xạ ở bệnh nhân trẻ tuổi
  • Nguy cơ tác dụng phụ và độc tính thấp hơn đáng kể

Trong trường hợp u não, độ chính xác của liệu pháp proton cao hơn và làm giảm tác dụng phụ như suy giảm IQ. Trong trường hợp bệnh nhi, liệu pháp proton có thể giải quyết tác động của các tác dụng phụ lâu dài do xạ trị gây ra, bao gồm lo ngại về giảm khả năng sinh sản, rối loạn tăng trưởng, ung thư thứ pháp và rối loạn chức năng nội tiết.

4. Liệu pháp proton hiệu quả như thế nào?

Liệu pháp proton mang lại lợi ích cho cả người lớn và trẻ em ở nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư não, thực quản, đường tiêu hóa, đầu và cổ, gan, ung thư hạch, tuyến tiền liệt, mô mềm và ung thư ở cột sống.

Liệu pháp proton cũng có thể kết hợp với các phương thức điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nội tiết tố.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không phải bệnh nhân nào cũng được hưởng lợi từ liệu pháp proton. Những bệnh nhân có nhiều khả năng hưởng lợi từ liệu pháp proton là những người có khối u lớn hoặc sâu nằm quanh các cơ quan nhạy cảm hoặc bệnh nhân nhi nhạy cảm cao với tia xạ.

5. Liệu pháp proton sẽ thay thế xạ trị truyền thống?

Liệu pháp proton thường được sử dụng để điều trị khối u ở những vùng nhạy cảm khi mà xạ trị truyền thống không đạt được kết quả khả thi, chẳng hạn như u não ở trẻ em.

Tuy nhiên, liêu pháp proton không phải lúc nào cũng có lợi cho tất cả các bệnh ung thư, chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân có khối u nhỏ và nông (tức là khối u không xâm lấn ảnh hưởng đến các tế bào trên bề mặt) như ung thư biểu mô tế bào vảy nông. Hiệu quả và tác dụng phụ của liệu pháp proton phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, liều lượng bức xạ, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Cách tiếp cận đa ngành trong việc chăm sóc, điều trị ung thư là chìa khóa quyết định liệu pháp proton có thể kết hợp cùng các phương án khác như nào để đảm bảo bệnh nhân nhận được lựa chọn điều trị phù hợp và tối ưu nhất theo tình trạng môi bệnh nhân.

Nhìn chung, liệu pháp proton là một phương pháp xạ trị với độ chính xác cao, mang lại kết quả điều trị tốt hơn và tỷ lệ sống sót lâu hơn cho bệnh nhân.

Sự kiện khai trương trung tâm trị liệu proton mới tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena vào năm 2023 sẽ mang đến những cơ hội mới cho các bác sĩ cũng như bệnh nhân. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng có thể điều trị cho nhiều bệnh nhân bằng liệu pháp proton kết hợp cùng dịch vụ chăm sóc, điều trị đa ngành cho từng bệnh nhân.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư
GẮN THẺ surgery, các khối u, các phương pháp điều trị ung thư mới, các tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, chiến thắng ung thư, đột phá mới nhất về ung thư, Đốt sóng cao tần (RF), liệu pháp hooc môn, liệu pháp miễn dịch, xạ trị
Đọc thêm Ung thư dạ dày , Ung thư đầu và cổ, Ung thư hạch bạch huyết hodgkin, Ung thư thực quản, Ung thư tuyến tiền liệt
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Giêng 2023