Tin tức & Bài báo
Khi u sarcom ập đến: nhận biết và điều trị căn bệnh ung thư này
Tìm hiểu thông tin về căn bệnh ung thư hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.
Chân tay sưng, đau xương dai dẳng và u cục ở bụng không đau là những triệu chứng khiến bệnh nhân phải đi khám bác sĩ và được chẩn đoán là bệnh ung thư sarcom. Loại ung thư này phát sinh ở các mô liên kết, bao gồm: cơ, tế bào mỡ, mạch máu, dây thần kinh, xương và sụn.
Không giống như các loại ung thư phổ biến hơn như ung thư đại tràng, phổi hoặc vú,ung thư sarcom tương đối hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được phát hiện. . Ung thư sarcom có hơn 70 phân nhóm và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ đầu đến chân. Các loại sarcoma phổ biến gồm có: U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) trong hệ tiêu hóa và u mỡ sarcom trong các tế bào mỡ ở chân, tay hoặc bụng.
Để tìm hiểu chuyên sâu hơn về ung thư sarcom, bác sĩ Richard Quek Chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa thuộc Trung tâm Ung thư Parkway (PCC); giáo sư Melissa Teo - bác sĩ phẫu thuật đa khoa và phẫu thuật ung thư đến từ Phòng khám Melissa Teo Surgery; bác sĩ Gurpal Singh, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đến từ Trung tâm chỉnh hình và phẫu thuật hông và đầu gối; và bác sĩ Lee Kuo Ann - Chuyên gia tư vấn cấp cao, khoa xạ trị ung thư thuộc Trung tâm Ung thư Parkway (PCC) đã cùng nhau chia sẻ thông tin chuyên môn tại buổi tọa đàm “Trao đổi chuyên sâu vể u sarcom của PCC” được tổ chức vào ngày 18 tháng 5 năm 2024 tại phòng thuyết trình Bệnh viện Gleneagles.
Căn bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi
"Ung thư Sarcom không phân biệt đối tượng và tất cả mọi người từ trẻ nhỏ đến người già đều có thể mắc bệnh", bác sĩ Quek giải thích. Các nhóm tuổi khác nhau sẽ có nguy cơ mắc các loại ung thư sarcom khác nhau bao gồm:
- Sarcoma cơ vân (RMS) - Thường xuất hiện ở cơ xương của cánh tay và chân, đối tượng mắc bệnh đa số là trẻ em và thanh thiếu niên
- Sarcoma xương - xuất hiện ở xương, phổ biến nhất ở đối tượng thanh thiếu niên
- U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) - Loại ung thư Sarcom phổ biến nhất ở đường ruột, đối tượng mắc bệnh là nhóm người lớn tuổi trung niên
- U mạch máu ác tính - Có nguồn gốc từ lớp lót của mạch máu và mạch bạch huyết, thường xuất hiện ở nhóm người lớn tuổi
- Sarcoma sụn - Bắt nguồn từ các tế bào sụn và thường phát bệnh ở nhóm người cao tuổi
Nhận biết các triệu chứng
Nếu bạn phát hiện một khối u không đau trên cơ thể, hãy đi khám bác sĩ vì đó có thể là một dạng ung thư sarcom. Bác sĩ Quek chỉ ra "các khối u có thể phát triển rất lớn với kích thước hơn 5cm". Mặt khác, u sarcom xương có thể gây đau vì xương có khả năng bị gãy. Tuy nhiên, thông thường bệnh nhân không gặp bất kỳ triệu chứng nào.
Các bác sĩ thường nghi ngờ ung thư sarcom ở thanh thiếu niên hoặc người trẻ tuổi khi thấy u cục lớn ở các vùng như: chân tay, sau bụng và xương chậu, và là một khối u mô mềm đáng ngờ. Những người bị ung thư sarcom xương thường có cảm giác đau dai dẳng, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi. "Nếu một người trẻ tuổi có những triệu chứng này, đó không phải là chấn thương thể thao thông thường".
Điều trị ung thư sarcoma
Đối với các trường hợp nghi ngờ ung thư sarcom, bệnh nhân cần phải chụp chiếu toàn diện và cần lấy mẫu mô để chẩn đoán và làm xét nghiệm phân tử nhằm xác định loại bệnh, kích thước, mức độ xâm lấn và mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư. Kết quả phân tích mô bệnh học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra phương án điều trị. Đội ngũ đa ngành bao gồm bác sĩ ung thư nội khoa, bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ xạ trị sau đó sẽ thảo luận và quyết định kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Do các phân nhóm sarcom rất đa dạng nên các phương án điều trị sẽ thay đổi khác nhau và có thể bao gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và phẫu thuật.
Ca bệnh điển hình: "Tôi nghĩ mình chỉ đang béo lên"
Giáo sư Teo đã gặp những bệnh nhân nhầm khối u với 'bụng bia' hoặc chướng bụng. Thật không may, trong một số trường hợp này, nguyên nhân ẩn giấu là do u sarcom lớn sau phúc mạc (RPS), phát triển trong khoang bụng. Các cơ quan bị ảnh hưởng bởi u sarcom sau phúc mạc có thể bao gồm tụy, thận, một phần đại tràng hoặc ruột non và mạch máu. Giáo sư Teo cho biết, không giống như khối u rõ hơn ở tay và chân, u sarcom sau phúc mạc có thể không được phát hiện là khối u ác tính ngay, dẫn đến chẩn đoán chậm và ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ sống sót.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các u sarcom và trong trường hợp u sarcom sau phúc mạc, sẽ khó hơn khi các cơ quan hoặc những phần bị ảnh hưởng khác phải được cắt bỏ cùng với các khối ung thư. Giáo sư Teo giải thích: “Chúng ta phải xem xét cẩn thận cách loại bỏ các cơ quan liên quan một cách an toàn để có thể cắt bỏ hoàn toàn khối u, đồng thời bảo vệ được các cơ quan quan trọng để duy trì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân”. Bác sĩ nhấn mạnh rằng việc loại bỏ hoàn toàn khối u với rìa cắt sạch là rất quan trọng, như vậy sẽ làm tăng đáng kể cơ hội sống sót lâu dài của bệnh nhân.
Ca bệnh điển hình: “Tôi đã đi leo núi với một chi giả”
Khi nói đến phẫu thuật u sarcom xương, bác sĩ Singh chia sẻ phẫu thuật có thể phải cắt bỏ cơ, dây thần kinh, xương và các mô khác. “Tôi không thể mạo hiểm để lại bất kỳ tế bào u nào trong cơ thể,” bác sĩ cho hay.
Tìm hiểu về liệu pháp proton
Xạ trị, hay còn gọi là liệu pháp xạ trị sử dụng các chùm tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư và phương pháp này có thể áp dụng điều trị trước hoặc sau phẫu thuật. Tuy nhiên, xạ trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau khi tia xạ tiếp xúc với các cơ quan xung quanh. Trẻ em và thanh thiếu niên nói riêng có nguy cơ cao bị rối loạn phát triển và suy giảm chức năng nhận thức, cũng như rủi ro mắc bệnh ung thư do xạ trị trong tương lai. Bác sĩ Lee cho biết: " càng ít tia xạ tiếp xúc với các mô khỏe mạnh càng tốt".
Liệu pháp proton đã mang đến giải pháp khắc phục những vấn đề này. Khi được chính thức ra mắt tại Singapore vào năm 2023, liệu pháp proton là sự tiến bộ tinh vi trong lĩnh vực xạ trị. Liệu pháp này nhắm vào các tế bào ung thư chính xác hơn và ít gây tổn thương hơn cho các mô khỏe mạnh. Không giống như xạ trị thông thường - khi các chùm tia đi qua mục tiêu và tiếp tục thoát ra ngoài và gây ra tác hại tiềm ẩn - các chùm tia proton giải phóng năng lượng cụ thể tại vị trí khối u rồi dừng lại. Bác sĩ Lee cho biết: "Không có tia thoát ra nên có thể bảo vệ các mô bình thường".
Bác sĩ Lee đã minh họa hiệu quả của liệu pháp proton bằng ca bệnh điển hình của một bệnh nhân 25 tuổi có khối u không thể phẫu thuật nằm ở cơ miệng, được chẩn đoán là u sarcoma cơ vân. Khối u này ảnh hưởng đến vòm miệng và lưỡi. Khi điều trị bằng proton, bệnh nhân đã có đáp ứng tích cực. "Cô ấy đã trải qua quá trình điều trị mà không bị sụt cân, mất vị giác hoặc lở loét miệng - đây là những tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng phương pháp xạ trị truyền thống."
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Các phương pháp điều trị ung thư, Phòng ngừa Ung thư |
GẮN THẺ | chất lượng sống của bệnh nhân ung thư, chiến thắng ung thư, sacôm, ung bướu, ung thư hiếm gặp, ung thư xương nguyên phát |
Đọc thêm | Sarcoma |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Tám 2024 |