Các bài tập sàn chậu đơn giản tại nhà


Bạn có cơ sàn chậu yếu do ung thư hoặc điều trị ung thư không? Sau đây bác sĩ khách mời - Dr Esther Lim sẽ giải thích một số tác dụng phụ phổ biến của cơ sàn chậu yếu và chia sẻ một vài bài tập sàn chậu đơn giản tại nhà.

Bệnh nhân có cơ sàn chậu yếu do ung thư hoặc điều trị ung thư thường gặp các vấn đề như rò nước tiểu khi ho, hắt hơi, chạy nhảy. Họ thậm chí có thể bị rò nước tiểu khi cúi người để nhặt đồ vật.

Vấn đề rò nước tiểu này còn được gọi là tiểu không tự chủ do căng tức (SUI). Khi bệnh nhân gặp phải tình trạng này thì đó là dấu hiệu rõ ràng báo hiệu cơ sàn chậu bị yếu. Khi tình trạng chuyển nặng thì bệnh nhân sẽ phải ngừng hoạt động thường xuyên để tránh bị rò nước tiểu.

May mắn thay, có nhiều cách để làm giảm triệu chứng, giảm khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân.

Phục hồi chức năng sàn chậu

Phục hồi chức năng sàn chậu không chỉ là tập “Kegels”. Bài tập chú trọng cải thiện cố định vùng chậu và các hoạt động chức năng liên quan.

Quá trình phục hồi chức năng bao gồm đánh giá chuyên sâu về thói quen đại tiểu tiện và sức khỏe tình dục. Các xét nghiệm đặc biệt dành riêng cho sàn chậu, hông và xương chậu để xác định thêm những khu vực cần điều trị. Bác sĩ sau đó sẽ xây dựng kế hoạch điều trị với mục tiêu phục hồi chức năng của từng bệnh nhân.

Các mục tiêu phục hồi chức năng sàn chậu bao gồm:

  • Bình thường hóa nhu cầu tiểu tiện, tần suất tiểu tiện và rò nước tiểu.
  • Thực hiện các hoạt động chức năng mà không có triệu chứng.
  • Giảm táo bón.
  • Quan hệ tình dục không đau và đạt được cực khoái.

Theo tôi, mục tiêu số một của phục hồi chức năng sàn chậu là nhận thức – đó là các chức năng của cơ và cơ thể là “không nhìn thấy” và do đó “không để tâm”.

Các bài tập sàn chậu: 3 điều cần biết trước khi bắt đầu

Bệnh nhân bị yếu sàn chậu có thể tăng cường cơ sàn chậu bằng các bài tập đơn giản tại nhà.

Trước khi bắt đầu các bài tập này, có 3 điều cần biết như sau:

  • Cơ sàn chậu nằm ở đâu?

    Bệnh nhân cần phải biết cơ sàn chậu của mình nằm ở đâu. Nghe có vẻ đơn giản nhưng hầu hết mọi người đều không biết vị trí cơ sàn chậu ở đâu và không biết rằng họ tiếp xúc với nó hàng ngày khi tiểu tiện hay đại tiện.

    Biết được vị trí của các cơ sàn chậu là rất quan trọng vì nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong việc phân biệt nhóm cơ này. Khi được yêu cầu kích hoạt các cơ sàn chậu, nhiều bệnh nhân có xu hướng kích hoạt mọi cơ khác trừ sàn chậu.

    Là một chuyên gia vật lý trị liệu sức khỏe vùng chậu, tôi dùng các công cụ trực quan như mô hình vùng chậu, sơ đồ màu và thậm chí cả video để hướng dẫn cho bệnh nhân. Vì các cơ sàn chậu gắn với các điểm xương và dễ sờ thấy như khớp mu ở phía trước và xương cụt ở phía sau, đôi khi tôi bắt đầu bằng cách giúp bệnh nhân cảm nhận các điểm cơ này bằng ngón tay của họ. Thông thường, bệnh nhân có thể gần như ngay lập tức nhận thấy sàn chậu của họ không phải là một phần cơ nhỏ.

  • Chức năng là gì?

    Sàn chậu đóng vai trò quan trọng vào các chức năng hàng ngày, chẳng hạn như:

    • Chức năng tình dục (duy trì cương cứng, đạt cực khoái)
    • Chức năng ruột và bàng quang
    • Hỗ trợ các cơ quan vùng chậu
    • Hình thành cơ sâu trọng tâm

    Cơ sàn chậu khi co thắt có cảm giác giống như cơ thể đang 'bóp' hoặc 'nâng'. Nữ giới có thể cảm thấy giống như thắt chặt ở phía sau, ở giữa và trước như thể đang ngăn dòng nước tiểu. Nam giới có thể cảm thấy giống như dương vật bị rút ngắn, vùng bìu nâng lên, cơ hậu môn đóng lại như thể đang ngăn dòng nước tiểu.

  • Luyện tập thôi!

    Cần tập cùng với chuyên gia được đào tạo vật lý trị liệu sức khỏe vùng chậu để giúp sửa lỗi thường gặp khi tập như giữ hơi thở hoặc dùng các cơ khác như cơ khép hông, cơ mông và cơ bụng thay vì cơ sàn chậu.

    Hãy nhớ rằng 30% phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu không thể thực hiện bài tập chính xác mặc dù được hướng dẫn riêng. Vì thế bài tập 'Kegel' thường rất khó để tập. Vì vậy các bệnh nhân cần phải tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia được đào tạo.

Các bài tập đơn giản tại nhà

Cơ sàn chậu được tạo thành từ hai loại sợi cơ: (1) co giật chậm 66% và (2) co giật nhanh 34%. Các cơ co giật chậm tạo nhịp nghỉ và hỗ trợ các cơ quan vùng chậu. Các cơ co giật nhanh được kích hoạt khi áp lực trong ổ bụng tăng đột ngột, chẳng hạn như khi ho hoặc hắt hơi. Chúng ta sẽ cần tập luyện cả hai sợi co giật chậm và nhanh để làm khỏe cơ sàn chậu.

Bài tập sức bền – cải thiện sức mạnh và độ bền

  • Tư thế: Nằm ngửa, gập gối, hoặc nằm nghiêng. Chú ý để cơ thể thoải mái và thư giãn để tập trung vào việc kết hợp với các cơ sàn chậu.
  • Kỹ thuật: Co thắt cơ sàn chậu như thể bạn đang gồng để ngăn dòng tiểu hoặc khí. Giữ nguyên trong vòng 1-5 giây.
  • Thả lỏng trong 5 giây.
  • Làm lại động tác 10 lần.

Co thắt nhanh - cải thiện sức mạnh

  • Tư thế: Nằm ngửa, gập gối, hoặc nằm nghiêng.
  • Kỹ thuật: Co thắt cơ sàn chậu như thể bạn đang gồng để ngăn dòng tiểu hoặc cuộn chặt như thể bạn đang cố nhặt một quả việt quất.
  • Thực hiện 10 lần với tốc độ nhanh nhất có thể.

Đối với những người mới bắt đầu, tôi sẽ để họ nằm ngửa, gập đầu gối. Ở vị trí này, các cơ sàn chậu sẽ dễ dàng co lại mà không bị ảnh hưởng bởi trọng lực.

Nếu tham khảo thông tin trên Google về bài tập 'Kegels' hoặc 'bài tập sàn chậu' sẽ có các hình ảnh nữ giới thực hiện động tác uốn cong như cây cầu. Chúng ta không tập bài này vì bài tập không hướng trực tiếp vào sàn chậu. Thông thường, tôi chỉ đưa ra bài tập này kết hợp với các bài tập hông khác nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc phân biệt cơ sàn chậu.

Tần suất tập cơ sàn chậu

Bệnh nhân có thể bắt đầu bài tập với tần suất 30 lần một ngày. Có thể chia 10 lần vào buổi sáng, 10 lần vào buổi chiều và 10 lần vào buổi tối, hoặc 30 lần liền luôn nhưng cần nghỉ một chút sau 10 lần.

Đối với một số bệnh nhân, có thể tăng mức tập lên 60 lần một ngày. Cường độ tập luyện sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân.

Khi các triệu chứng giảm bớt, chúng ta sẽ trao đổi về kết hoạch điều trị giảm dần và cách kết hợp các bài tập sàn chậu vào cuộc sống hàng ngày.

Các bài tập sàn chậu không phải là giải pháp nhanh chóng để khắc phục sàn chậu yếu. Bệnh nhân cần tập luyện ít nhất từ 6–8 tuần để vùng cơ hồi phục được chức năng. Đôi khi có thể mất đến 6 tháng tập luyện hàng ngày mới thấy được kết quả. Ngay cả khi bạn cảm thấy rằng các bài tập không giúp ích gì nhiều, hãy cố gắng duy trì tập luyện.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Cuộc sống sau điều trị ung thư, Tập thể dục
GẮN THẺ ung thư và tập luyện
Đọc thêm Ung thư buồng trứng , Ung thư cổ tử cung , Ung thư nội mạc tử cung
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG NĂM 2023