Các bệnh ung thư phụ khoa phổ biến
Ung thư phụ khoa chiếm 3 trong số 10 loại bệnh ung thư phụ nữ hàng đầu ở Singapore hiện nay. Bác sĩ Wong Chiung Ing thuộc Trung tâm Ung thư Parkway đưa ra cái nhìn cận cảnh hơn về ung thư tử cung, buồng trứng và cổ tử cung.
Ung thư tử cung
Ung thư tử cung, hay còn gọi là ung thư nội mạc tử cung, là loại ung thư phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ Singapore. Theo cơ quan Đăng ký Ung thư Singapore, đây là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ trong giai đoạn 2011 – 2015.
Ung thư xảy ra ở tử cung, nơi có sự phát triển của thai nhi, và bắt đầu hình thành khi các tế bào ở lớp lót bên trong của tử cung bắt đầu mất kiểm soát. Sự phát triển của các tế bào ung thư được kích thích bởi estrogen, đây là một loại hormone được sản sinh bởi buồng trứng cũng như các tế bào mỡ trong cơ thể.
Ung thư tử cung thường ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi đã trải qua thời kỳ mãn kinh, phụ nữ béo phì, không có con hoặc trải qua thời kỳ kinh nguyệt sớm và mãn kinh muộn. Những người đang điều trị thay thế hormone chỉ có estrogen cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ cao hơn. Một số điều kiện di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Tin tốt là, ung thư tử cung có khả năng điều trị cao. Nếu nó được phát hiện sớm và điều trị, cơ hội chữa khỏi có thể trên 90%.
Vì không có sàng lọc chuẩn hoặc thường quy cho ung thư tử cung nên phụ nữ nên đi kiểm tra thường xuyên đặc biệt là nếu họ có các yếu tố nguy cơ cao hơn hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư. Lưu ý tới dấu hiệu và triệu chứng cũng có thể giúp phát hiện ung thư càng sớm càng tốt.
Sàng lọc thường bao gồm siêu âm vùng chậu, kiểm tra này cho phép các bác sĩ kiểm tra tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, hoặc siêu âm qua âm đạo, giúp phát hiện bất kỳ khối u nào trong tử cung hoặc kiểm tra xem nội mạc tử cung có dày hơn bình thường không. Nếu nghi ngờ ung thư tử cung, chẩn đoán thường được thực hiện thông qua sinh thiết nội mạc tử cung, bao gồm lấy mẫu và kiểm tra các mô mẫu lấy từ tử cung.
- Căn bệnh ung thư phụ nữ phổ biến thứ 4 tại Singapore.
- Căn bệnh ung thư phụ nữ phổ biến thứ 6 trên thế giới.
Dấu hiệu và triệu chứng
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh
- Chảy máu nhiều hoặc kéo dài giữa các kỳ kinh
- Dịch tiết âm đạo có máu hoặc có mùi
- Đau vùng chậu
Ung thư buồng trứng
Tại Singapore, ung thư buồng trứng là bệnh ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ trong giai đoạn 2011 – 2015.
Ung thư buồng trứng xảy ra do sự phát triển ác tính từ buồng trứng. Chúng có thể là biểu mô - nghĩa là phát sinh từ da, hoặc biểu mô của buồng trứng - hoặc các bộ phận bên trong của buồng trứng, chẳng hạn như các tế bào trứng (u tế bào mầm) hoặc các tế bào hỗ trợ (tế bào đệm/dây sinh dục). Loại trước phổ biến hơn nhiều so với loại sau.
Ung thư buồng trứng thường ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi, mặc dù phụ nữ trẻ dễ mắc ung thư tế bào mầm của buồng trứng hơn so với các phụ nữ lớn tuổi. Phụ nữ sinh con ở độ tuổi lớn hơn hoặc không có con, trải qua kinh nguyệt sớm hoặc mãn kinh muộn cũng có nguy cơ gia tăng. Một số đột biến gen được di truyền cũng làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Thật không may, hiện tại không có xét nghiệm sàng lọc hiệu quả cho bệnh ung thư buồng trứng. Do đó, những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc
ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng nên đi tư vấn và xét nghiệm di truyền.
Sàng lọc thường bao gồm kiểm tra siêu âm vùng chậu. Xét nghiệm chỉ số CA-125 trong máu, giúp đo protein trong máu, cũng có thể được thực hiện
- Căn bệnh ung thư phụ nữ phổ biến thứ 5 tại Singapore.
- Căn bệnh ung thư phụ nữ phổ biến thứ 8 trên thế giới.
Dấu hiệu và triệu chứng
- Bụng trướng và căng đầy
- Khó tiêu dai dẳng, đầy hơi hoặc buồn nôn
- Mất cảm giác ngon miệng, giảm cân
- Thay đổi thói quen đại tiện như táo bón
- Chảy máu bất thường sau kỳ kinh nguyệt và mãn kinh
- Đau và khó chịu vùng chậu
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ 10 ở phụ nữ Singapore từ năm 2011 đến 2015. Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư ác tính hình thành trong các mô của cổ tử cung (cơ quan kết nối giữa tử cung và âm đạo).
Khoảng 80 đến 85 % bệnh ung thư cổ tử cung là do papillomavirus ở người (HPV) gây ra, lây truyền qua đường tình dục. HPV ảnh hưởng đến một nửa số phụ nữ có hoạt động tình dục.
Khi phơi nhiễm với vi-rút, hầu hết các nhiễm trùng có thể được loại bỏ bởi hệ thống miễn dịch cơ thể. Tuy nhiên, ở 20% phụ nữ, virus vẫn ở trong cổ tử cung, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cổ tử cung, cuối cùng có thể dẫn đến biến đổi tế bào và ung thư cổ tử cung.
Do đó, một người phụ nữ có thể bị nhiễm vi-rút HPV ở độ tuổi 20, phát triển những biến đổi tiền ung thư khi cô ấy ở độ tuổi 30, và dẫn đến ung thư khi cô ấy ở độ tuổi 40. Vì vậy kiểm tra cổ tử cung thường xuyên là rất quan trọng, bởi khi các triệu chứng rõ ràng được phát hiện thì có thể đã là quá muộn.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư có thể phòng ngừa, phát hiện và điều trị được nhiều nhất nếu được phát hiện đủ sớm. Phết tế bào âm đạo thường xuyên - lấy mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung - có thể phát hiện những biến đổi tiền ung thư ở cổ tử cung. Những sự thay đổi này sau đó có thể được điều trị dễ dàng.
Phết tế bào âm đạo Pap smear thường xuyên đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung tới 90%. Các xét nghiệm tìm virus HPV nguy cơ cao cũng có thể được thực hiện trên các tế bào này để kiểm tra loại virus HPV gây ung thư cổ tử cung.
Nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn ở những phụ nữ có nhiều bạn tình, bắt đầu quan hệ tình dục không được bảo vệ ngay từ khi còn rất trẻ, hoặc có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hút thuốc và suy yếu hệ thống miễn dịch cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên, có quan hệ tình dục hoặc hoạt động tình dục, nên đi kiểm tra cổ tử cung thường xuyên. Họ cũng có thể được chủng ngừa bằng vắc-xin HPV, điều này sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và do đó làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Căn bệnh ung thư phụ nữ phổ biến thứ 10 tại Singapore.
- Căn bệnh ung thư phụ nữ phổ biến thứ 4 trên thế giới.
Dấu hiệu và triệu chứng
- Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh
- Dịch có máu, tiết nhiều dịch hoặc dịch có mùi
- Đau vùng chậu hoặc đau lưng
- Đi tiểu đau hoặc khó khăn
- Táo bón mãn tính và cảm giác có phân mặc dù ruột đã trống rỗng