Tổng Quan

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là sự phát triển các tế bào bất thường trong niêm mạc dạ dày tạo thành khối u hoặc gây lở loét dạ dày.

đồ họa thông tin về ung thư dạ dày

Phân loại ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày được phân loại dựa trên loại tế bào ung thư nguyên phát1:

  • Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư biểu mô tuyến dạ dày bắt nguồn từ lớp niêm mạc trong cùng của dạ dày, bên trong các tế bào tuyến sản sinh chất nhầy. Đây là loại ung thư dạ dày phổ biến nhất, chiếm 90-95% các trường hợp bệnh2.
  • U mô đệm đường tiêu hóa (GIST): GIST có nguồn gốc từ tế bào ở thành ống tiêu hóa hay tế bào Cajal. U có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiêu hóa, nhưng chủ yếu được tìm thấy ở dạ dày và ruột non.
  • U thần kinh nội tiết (NET): NET có nguồn gốc từ các tế bào thần kinh nội tiết (một loại tế bào giống như tế bào thần kinh và tế bào tạo ra hormone) lót đường tiêu hóa. U carcinoid là một loại u có nguồn gốc từ các tế bào thần kinh nội tiết.
  • U lympho: U lympho có nguồn gốc từ các tế bào miễn dịch. U lympho đôi khi có thể bắt nguồn từ dạ dày nếu cơ thể gửi các tế bào miễn dịch đến dạ dày để chống lại nhiễm trùng. Hầu hết các u lympho bắt đầu ở dạ dày thường là u lympho không Hodgkin, bao gồm u lympho mô bạch huyết liên quan đến niêm mạc (MALT) và u lympho tế bào B lớn lan tỏa.

Trong phần còn lại của nội dung này, ung thư dạ dày chủ yếu là nói đến ung thư dạ dày biểu mô tuyến.

Mức độ phổ biến của ung thư dạ dày?

Ở Singapore, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 8 ở nam giới và thứ 10 ở nữ giới. Đây là nguyên nhân thứ 6 và thứ 7 gây tử vong do ung thư ở nam giới và nữ giới. Trên toàn thế giới, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 5 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư xếp thứ 44. Có khoảng 75% tổng các ca bệnh mới và tử vong do ung thư dạ dày khảo sát tại Châu Á, loại ung thư này đang dần trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động trong khu vực Châu Á và toàn thế giới4.

Trong 50 năm vừa qua, số ca bệnh ung thư dạ dày đã có xu hướng giảm dần đều do nhiều yếu tố tác động, bao gồm: thay đổi chế độ ăn uống, cải thiện khả năng tiếp cận thực phẩm tươi sống và ít phụ thuộc vào thực phẩm chế biến sẵn, các biện pháp can thiệp và phòng ngừa khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)4. Số ca tử vong do ung thư dạ dày cũng đã giảm đi nhiều, đặc biệt là ở các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc với tỷ lệ phát hiện sớm ung thư và kết quả điều trị tích cực gia tăng đáng kể sau khi triển khai chương trình tầm soát ung thư dạ dày cấp quốc gia đối với nhóm dân số có nguy cơ ung thư cao4.

Nguyên nhân & Triệu chứng

Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày bắt đầu khi có thứ gì đó kích hoạt các tế bào ở lớp lót bên trong dạ dày phát triển đột biến (thay đổi) trong DNA của chúng khiến chúng phát triển bất thường và phát triển thành khối u. Nguyên nhân chính xác gây ra đột biến vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Các yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ung thư dạ dày vẫn còn là ẩn số, các yếu tố sau đây có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày1,5,6:

  • Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori): Nhiễm khuẩn H.pylori mạn tính tại lớp trong của dạ dày là một nguy cơ chính gây ra ung thư dạ dày, chiếm hơn 60% tổng số ca bệnh trên toàn cầu4. Loại khuẩn này lây lan từ người qua người thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, bãi nôn, phân và đa số thường mắc phải khuẩn H.pylori ngay từ khi còn nhỏ. Loại khuẩn này có thể làm viêm niêm mạc dạ dày lâu dài, lở loét và cuối cùng là ung thư dạ dày.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn nhiều muối, thực phẩm bảo quản, chế biến sẵn, hun khói và ít trái cây, rau xanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ở nhiều nước phát triển hiện nay đã bắt đầu tiêu thụ nhiều thực phẩm tươi hơn nên tỷ lệ mắc ung thư dạ dày đã giảm dần trong những năm vừa qua.
  • Rượu bia: Nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao nhất ở những người uống rượu bia từ 3 ly trở lên mỗi ngày7.
  • Hút thuốc:Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp đôi ở những người hút thuốc so với những người không hút thuốc7. Những người bỏ thuốc lá sẽ giảm đi nguy cơ mắc ung thư dạ dày theo thời gian.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt là các loại ung thư phát triển ở phần trên của dạ dày.
  • Môi trường làm việc: Những người làm việc trong ngành cao su, kim loại hoặc than đá và những người đã tiếp xúc với mức độ tia xạ cao sẽ có nguy cơ ung thư cao hơn.
  • Chủng tộc: Người gốc Á có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
  • Độ tuổi: Ung thư dạ dày phổ biến hơn với đối tượng hơn 50 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nhiều khả năng mắc ung thư dạ dày hơn nữ giới.
  • Viêm teo dạ dày mạn tính: Tình trạng viêm niêm mạc dạ dày dai dẳng có thể gây ra đột biến DNA trong các tế bào.
  • Polyp tuyến dạ dày: Polyp tuyến, còn được gọi là u tuyến đôi khi có thể phát triển thành ung thư.
  • Tiền sử phẫu thuật dạ dày:Ung thư dạ dày có nhiều khả năng phát triển ở những người đã cắt bỏ một phần dạ dày để điều trị các bệnh không phải ung thư như loét dạ dày.
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày: Những người có một hoặc nhiều họ hàng bậc một (cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái) mắc ung thư dạ dày sẽ có khả năng mắc bệnh này cao hơn.
  • Tiền sử gia đình mắc hội chứng di truyền: Một số người di truyền đột biến gen (biến đổi gen) làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày và các loại ung thư khác, chẳng hạn như ung thư dạ dày lan tỏa di truyền, hội chứng Lynch, hội chứng polyp vị thành niên, hội chứng Peutz-Jeghers và polyp tuyến gia đình. Tuy nhiên, các hội chứng di truyền này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các trường hợp ung thư dạ dày trên toàn thế giới7.

Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ trên không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn bị ung thư dạ dày. Nhiều người có yếu tố nguy cơ nhưng lại không bao giờ bị ung thư dạ dày, trong khi một số người không có nguy cơ lại mắc bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày là gì?

Loại ung thư này có ít hoặc không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn. Khi bệnh xuất hiện, các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày có thể là1:

Hầu hết các triệu chứng có nhiều khả năng là do các bệnh lý phổ biến hơn gây ra như nhiễm vi-rút hoặc viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là nếu chúng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị.

Chẩn đoán & Đánh giá

Chẩn đoán ung thư dạ dày

Nếu bạn có các triệu chứng hoặc dấu hiệu cho thấy ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định chẩn đoán ung thư. Ung thư dạ dày có thể phát hiện thông qua các thủ thuật và xét nghiệm sau1,5,8:

  • Tiền sử bệnh lý và lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bản thân, gia đình và tiến hành khám tìm khối u trong ổ bụng.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe tổng quát bao gồm cả chức năng thận và gan. Đôi khi sẽ có xét nghiệm máu chuyên biệt để tìm kiếm các thành phần tế bào ung thư trong máu gọi là ADN khối u lưu hành, xét nghiệm này được chỉ định nếu có nghi ngờ ung thư nhưng không thể sinh thiết để xác định chẩn đoán. Các xét nghiệm DNA tế bào ung thư cũng có thể hỗ trợ lập kế hoạch điều trị.
  • Nội soi dạ dày (nội soi vùng trên): Ung thư dạ dày thường được chẩn đoán thông qua nội soi dạ dày. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi (ống dài mềm có gắn camera và đèn ở đầu) luồn vào miệng và đi xuống dạ dày. Có thể lấy mẫu sinh thiết (mẫu mô) bằng các dụng cụ chuyên dụng nếu nhìn thấy bất kỳ vùng bất thường nào.
  • Nội soi siêu âm (EUS): Siêu âm là sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh. Kiểm tra này có thể cho thấy ung thư đã phát triển đến đâu trong thành dạ dày. Tương tự như thủ thuật nội soi dạ dày, ống nội soi được luốn qua cổ họng vào dạ dày. Công cụ siêu âm đặc biệt sẽ tái tạo hình ảnh dạ dày, các cơ quan lân cận và các hạch bạch huyết. Có thể lấy mẫu sinh thiết bất kỳ khu vực đáng ngờ nào dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
  • Chụp X-quang có thuốc cản quang bari: Bệnh nhân sẽ nuốt một viên có chất cản quang dạng lỏng (bari) để phủ lớp niêm mạc bên trong thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non, sau đó chụp X-quang. Phương pháp này ít được sử dụng hơn nội soi dạ dày để tìm kiếm ung thư dạ dày hoặc các vấn đề về tiêu hóa khác vì nó có thể bỏ sót một số vùng bất thường và không thể lấy mẫu sinh thiết. Nhưng phương pháp này ít xâm lấn hơn nội soi và có thể hữu ích trong một số trường hợp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Có thể chụp CT hoặc MRI bụng để tái tạo hình ảnh ba chiều của dạ dày và các cơ quan xung quanh. Phương pháp này giúp xác định kích thước và vị trí của khối u, mạch máu và liệu ung thư đã di căn đến nơi khác hay chưa.
  • Xét nghiệm mẫu sinh thiết: Các mẫu tế bào ung thư sau khi sinh thiết sẽ được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để phân loại ung thư dạ dày. Ngoài ra còn có xét nghiệm dấu ấn sinh học dùng để tìm kiếm các gen, protein và các chất khác (gọi là dấu ấn sinh học hoặc chỉ điểm khối u) mà các tế bào ung thư có thể có. Kết quả dấu ấn sinh học sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị ung thư.

Quy trình đánh giá ung thư dạ dày?

Sau khi chẩn đoán ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ xác định mức độ (giai đoạn) bệnh. Phân loại giai đoạn thường được đánh giá thông qua chụp CT, chụp PET-CT hoặc MRI để tìm hiểu xem ung thư đã di căn hay chưa, và nếu có thì di căn đến những bộ phận nào của cơ thể. Ung thư dạ dày thường di căn đến các hạch bạch huyết lân cận và gan. Ung thư cũng có thể di căn đến lớp niêm mạc xung quanh các cơ quan trong ổ bụng, được gọi là phúc mạc.

Nội soi đánh giá giai đoạn bệnh dùng để xác định mức độ ung thư dạ dày và liệu có thể cắt bỏ ung thư hay không. Trong quá trình làm thủ thuật, bác sĩ sẽ rạch vài vết cắt nhỏ trên bụng bệnh nhân và luồn một ống dài có gắn camera ở đầu (ống nội soi ổ bụng) vào trong. Sau đó bác sĩ sẽ quan sát bên trong ổ bụng và tìm kiếm các bất thường hoặc dấu hiệu di căn ung thư. Trong quá trình nội soi có thể lấy mẫu sinh thiết hoặc dịch ổ bụng.

Các giai đoạn ung thư dạ dày5:

  • Giai đoạn 0: Các tế bào bất thường được tìm thấy trong niêm mạc (lớp trong cùng của thành dạ dày). Những tế bào bất thường này có thể trở thành ung thư và lan vào các mô bình thường lân cận. Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
  • Giai đoạn I: Ung thư đã hình thành trong niêm mạc và có thể đã lan đến lớp dưới niêm mạc (lớp thứ hai của thành dạ dày) +/- lan đến 1-2 hạch bạch huyết lân cận hoặc đến lớp cơ.
  • Giai đoạn II: Ung thư đã lan vào các thành sâu hơn của dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn III: Ung thư đã lan đến các lớp sâu nhất của thành dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận nhưng không lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan, các hạch bạch huyết vùng xa và phúc mạc (mô lót thành bụng). Giai đoạn IV còn được gọi là ung thư di căn.
  • Ung thư dạ dày tái phát: Ung thư đã tái phát (quay trở lại) sau khi đã được điều trị. Ung thư dạ dày có thể tái phát ở dạ dày, hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như gan, phổi hoặc xương

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch điều trị, có một cách hữu ích khác để phân loại ung thư dạ dày là dựa trên việc khối u có thể cắt bỏ ( loại bỏ bằng phẫu thuật) hay không9:

  • Ung thư giai đoạn rất sớm:Ung thư nằm ở lớp trong cùng của thành dạ dày. Có cơ hội chữa khỏi cao nhất khi cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật (cắt bỏ khối u).
  • Ung thư có khả năng cắt bỏ: Ung thư đã phát triển sâu hơn vào thành dạ dày và có thể đã lan sang các khu vực lân cận hoặc hạch bạch huyết nhưng chưa lan đến các bộ phận xa của cơ thể. Phẫu thuật vẫn có thể thực hiện được để cố gắng loại bỏ hoàn toàn ung thư.
  • Ung thư cục bộ hoặc khu vực không thể cắt bỏ: Ung thư chưa di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, nhưng không thể phẫu thuật hoặc quá rủi ro. Ví dụ: ung thư có thể quá gần các khu vực quan trọng hoặc người bệnh không đủ khỏe để làm phẫu thuật lớn.
  • Ung thư di căn: Ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể và phẫu thuật sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn ung thư khỏi cơ thể.

Điều trị

Các lựa chọn điều trị ung thư dạ dày

Khi cân nhắc phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau1,10:

  • Phân loại, kích thước và vị trí của khối u
  • Giai đoạn bệnh khi phát hiện ung thư
  • Liệu khối u có thể được cắt bỏ bằng phẫu thuật hay không
  • Ung thư mới được chẩn đoán hay tái phát (quay trở lại)
  • Tuổi tác, sức khỏe và tiền sử điều trị bệnh lý khác
  • Yêu cầu của bệnh nhân

Ung thư dạ dày có thể điều trị bằng các phương pháp thường được kết hợp như sau1,11:

  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp hiệu quả duy nhất để điều trị ung thư dạ dày. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị tiếp theo được gọi là liệu pháp bổ trợ. Liệu pháp bổ trợ sẽ gồm có hóa trị hoặc xạ trị.

    Các phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày bao gồm:

    • Nội soi cắt bỏ niêm mạc: cắt bỏ các khối ung thư giai đoạn 0 hoặc giai đoạn 1 rất nhỏ khỏi lớp niêm mạc bên trong dạ dày. Để cắt bỏ ung thư, ống nội soi được luồn qua cổ họng và tiến vào dạ dày. Các dụng cụ chuyên cắt đốt sẽ luồn qua ống soi để tiến hành cắt bỏ vùng ung thư.
    • Cắt bỏ một phần (bán phần) dạ dày: Chỉ cắt bỏ phần dạ dày bị ung thư và một số mô khỏe mạnh xung quanh. Sau đó, phần dạ dày còn lại được nối lại để tái tạo đường tiêu hóa.
    • Cắt bỏ toàn bộ dạ dày: Cắt bỏ toàn bộ dạ dày, các mô xung quanh và các cơ quan có tế bào ung thư khác ở gần. Sau đó, thực quản được nối với ruột non để thức ăn có thể di chuyển qua hệ tiêu hóa.

    Nếu ung thư đã lan rộng và không thể cắt bỏ, phẫu thuật giảm nhẹ sẽ được chỉ định để làm giảm đi các triệu chứng, biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví dụ, phẫu thuật ngăn ngừa các biến chứng ung thư như tắc nghẽn dạ dày hoặc chảy máu do ung thư gây ra.

  • Hóa trị: sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phân chia. Có thể điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật. Hóa trị thường được chỉ định trước phẫu thuật để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2 và giai đoạn 3 giúp thu nhỏ khối u để dễ dàng cắt bỏ hơn.
    • Hóa trị trước phẫu thuật được gọi là hóa trị tân hỗ trợ. Hóa trị cũng được chỉ định sau phẫu thuật nếu có nguy cơ còn sót tế bào ung thư.
    • Hóa trị sau phẫu thuật được gọi là hóa trị bổ trợ. Hóa trị cũng giúp giảm bớt các triệu chứng hoặc kéo dài sự sống cho những bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển và không thể phẫu thuật.

  • Xạ trị: sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u hoặc sau khi phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại và có thể kết hợp với hóa trị. Ở những bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển, xạ trị có thể làm giảm nguy cơ tắc nghẽn dạ dày, giảm đau và cầm máu do ung thư không thể phẫu thuật được.

  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Một số bệnh ung thư dạ dày có quá nhiều protein thúc đẩy tăng trưởng gọi là HER2 trên bề mặt tế bào ung thư. Các khối u có mức HER2 tăng cao được gọi là HER2 dương tính. Trastuzumab là một kháng thể nhân tạo nhắm vào protein HER2. Việc sử dụng trastuzumab cùng với hóa trị có thể giúp một số bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển với HER2 dương tính sống sót lâu hơn so với hóa trị riêng lẻ11. Ngoài ra còn có một loại liệu pháp nhắm mục tiêu khác dành cho ung thư dạ dày là thuốc kháng VEGF, là một loại protein giúp khối u sinh ra mạch máu mới để phát triển. Các loại thuốc nhắm vào VEGF (hoặc các thụ thể VEGF trên bề mặt tế bào ung thư) sẽ giúp ngăn chặn một số loại bệnh ung thư dạ dày phát triển11.

  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư bằng cách tăng cường khả năng tấn công tế bào ung thư. Trong những năm gần đây, các loại thuốc liệu pháp miễn dịch được gọi là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đã được chấp thuận để điều trị ung thư dạ dày tiến triển ở một số bệnh nhân, thường là sau khi các phương pháp điều trị khác đã được sử dùng11.

Tỷ lệ sống sót sau ung thư dạ dày

Chẩn đoán sớm ung thư dạ dày có thể cứu sống bệnh nhân. Phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Mặc dù có hơn 50% trường hợp ung thư dạ dày chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển (Giai đoạn III/IV), số lượng ca bệnh chẩn đoán sớm hơn (Giai đoạn 1) đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây13. Điều này có nghĩa là tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày đang có xu hướng tăng cao hơn.

Cần lưu ý rằng số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót thường sẽ khảo sát 5 năm một lần. Điều này có nghĩa là con số này không thực sự phản ánh những tiến bộ chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày trong vòng 5 năm qua. Những bệnh nhân ung thư dạ dày hiện nay sẽ có tiên lượng (kết quả điều trị) tốt hơn so với thống kê. Hơn nữa, những đột phá trong nghiên cứu ung thư đang diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh, cung cấp nhiều thông tin mới và phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn để cải thiện kết quả và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư dạ dày.

Ngăn ngừa & Tầm soát

Tầm soát ung thư dạ dày

Tầm soát là tìm kiếm dấu hiệu ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng. Mục tiêu của tầm soát là phát hiện sớm ung thư dạ dày khi ung thư còn khu trú và có nhiều khả năng chữa khỏi. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia mà ung thư dạ dày là bệnh rất phổ biến, chương trình tầm soát quốc gia để phát hiện ung thư dạ dày được sử dụng rộng rãi hơn. Tầm soát bao gồm làm nội soi dạ dày hàng năm và chụp X-quang có cản quang. Việc này giúp tăng tỷ lệ chẩn đoán và điều trị ung thư giai đoạn đầu khi ung thư có khả năng chữa khỏi cao nhất4.

Tại Singapore, hiện không có chương trình tầm soát ung thư dạ dày định kỳ cho người dân. Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu hợp tác tại Singapore đã phát triển một xét nghiệm máu gọi là GASTROClear để phát hiện ung thư dạ dày sớm thông qua xét nghiệm ít xâm lấn và tiết kiệm chi phí. Xét nghiệm này đo lường các dấu ấn sinh học microRNA (các sợi nhỏ của vật liệu di truyền) thường ở mức cao trong máu của bệnh nhân ung thư dạ dày, ngay cả khi ung thư đang ở giai đoạn đầu (giai đoạn I và II). Trong các thử nghiệm lâm sàng gần đây, xét nghiệm phát hiện 87,5% trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn I và 89,5% là ung thư dạ dày giai đoạn II14. Kết quả xét nghiệm bao gồm điểm số nguy cơ ung thư dạ dày để xác định nguy cơ ung thư dạ dày thấp, trung bình hay cao so với dân số chung. Những người có nguy cơ cao và trung bình sau khi xét nghiệm GASTROClear sau đó sẽ cần kiểm tra thêm như nội soi dạ dày hoặc chụp chiếu có cản quang.

Xét nghiệm GASTROClear dành cho người trưởng thành trên 40 tuổi và có nguy cơ mắc ung thư dạ dày trung bình với các yếu tố nguy cơ sau14:

  • Tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày.
  • Tiền sử nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori).
  • Tiền sử u lympho dạ dày và polyp dạ dày.
  • Viêm dạ dày dai dẳng (viêm dạ dày mạn tính).
  • Chế độ ăn nhiều đồ chiên, đồ hun khói, cá muối, thịt chế biến sẵn và đồ ngâm chua.
  • Chế độ ăn nhiều nitrit và nitrat thường có trong thịt ướp muối.
  • Chế độ ăn ít trái cây và rau xanh.

Ngăn ngừa ung thư dạ dày

Mặc dù không có cách nào đảm bảo có thể ngăn ngừa ung thư dạ dày, nhưng có một số biện pháp có thể làm giảm nguy cơ1,6,15:

  • Ăn uống lành mạnh: Giảm ăn thực phẩm chế biến sẵn, muối chua, ướp muối và hun khói. Ăn nhiều trái cây và rau xanh mỗi ngày. Không có bằng chứng khoa học chắc chắn nào ủng hộ sử dụng thực phẩm chức năng hoặc trà (đặc biệt là trà xanh) để giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Cần có thêm thông tin nghiên cứu về vấn đề này.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và nhiều loại ung thư khác. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm cách bỏ thuốc lá.
  • Duy trì vận động: Tập thể dục thường xuyên có lợi cho sức khỏe và giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng:Duy trì cân nặng lý tưởng giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư dạ dày.
  • Đi khám tầm soát thường xuyên nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao.

Câu hỏi thường gặp

Collapse All
Expand All

Tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm ở Singapore đối với người mắc ung thư dạ dày là khoảng 40% (3). Điều này có nghĩa là khoảng 40 người trong số 100 người mắc ung thư dạ dày vẫn sống sót trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán bệnh. Lý do là vì hầu hết các loại bệnh ung thư dạ dày không biểu hiện triệu chứng cho đến khi đi đến giai đoạn tiến triển. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm (Giai đoạn 1), tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm là hơn 80%12.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng những số liệu thống kê này được lấy từ một nhóm người có cùng chẩn đoán để đại diện cho mức trung bình. Mỗi cá nhân có thể có trải nghiệm khác nhau. Tốt nhất là bạn nên trao đổi về tiên lượng (kết quả) của mình với bác sĩ điều trị, người có thể cung cấp cho bạn thông tin cụ thể hơn dựa trên tình trạng của bệnh nhân.

Hầu hết các bệnh ung thư dạ dày không phải do gen ung thư di truyền gây ra mà là do đột biến DNA tự phát (biến đổi gen) xuất hiện trong vòng đời của một người. Các hội chứng di truyền chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số các ca bệnh ung thư dạ dày trên toàn thế giới.

Ung thư dạ dày lan tỏa di truyền (HDGC) là một tình trạng di truyền hiếm gặp với nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao đáng kể. Hội chứng không phổ biến này thường do đột biến di truyền ở gen CDH1 gây ra. Điều quan trọng là phải xác định những người và gia đình mắc hội chứng di truyền này, vì hầu hết những người mắc hội chứng này sẽ tiếp tục phát triển ung thư dạ dày, thường ở độ tuổi trẻ hơn15. Các bác sĩ thường giới thiệu những người có thể mắc HDGC để tư vấn về di truyền. Nếu xét nghiệm di truyền cho thấy một người có đột biến (thay đổi bất thường) ở gen CDH1, các bác sĩ thường khuyên họ nên cân nhắc cắt bỏ dạ dày trước khi ung thư phát triển (thường ở độ tuổi từ 20 đến 30)15.

Một số hội chứng ung thư di truyền khác cũng có khả năng làm gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày, bao gồm hội chứng Lynch, bệnh polyp tuyến gia đình (FAP), hội chứng Li-Fraumeni và hội chứng Peutz-Jeghers. Thông thường, phương án cắt bỏ dạ dày không được chỉ định cho những ai mắc các hội chứng này vì nguy cơ ung thư dạ dày của họ không cao bằng HDGC15. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này nên tầm soát sức khỏe thường xuyên.

Ung thư dạ dày và phương pháp điều trị sẽ làm thay đổi thói quen ăn uống. Bạn có thể bị chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, lở loét miệng khiến ăn uống khó khăn, khó tiêu, tất cả những triệu chứng này đều ảnh hưởng đến lượng thức ăn bạn nạp vào cơ thể.

Bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống như sau:

  • Tránh các loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng: Nếu có thể, hãy chọn các thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng thay vì các loại thực phẩm chứa calo rỗng/nghèo dinh dưỡng như đồ uống có đường, đồ ăn chế biến sẵn và món tráng miệng có carbohydrate.
  • Tránh các loại thực phẩm gây khó tiêu: Các loại thực phẩm như đồ uống có ga, rượu bia, đồ cay nóng, muối chua, trái cây họ cam quýt và caffeine sẽ gây khó tiêu.
  • Tránh ăn bữa lớn: Thay vì ăn ba bữa lớn, hãy thử ăn sáu bữa nhỏ mỗi ngày, đặc biệt là nếu bạn chán ăn hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ một phần/hoặc toàn bộ dạ dày.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng: Một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, ít thực phẩm bảo quản, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn sẽ giảm đi nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác ngoài ung thư dạ dày.

Chuyên gia dinh dưỡng sẽ cho bạn những lời khuyên cụ thể nếu bạn muốn được hỗ trợ nhiều hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được chuyển đến bác sĩ dinh dưỡng chuyên về chăm sóc ung thư.

Ung thư dạ dày và các phương pháp điều trị có thể gây ra tình trạng mệt mỏi và thiếu năng lượng. Bạn có thể thấy mình dễ mệt mỏi hơn nhiều và không thể duy trì hoạt động trong thời gian dài. Hãy dành thêm thời gian để hoàn thành một hoạt động và tránh làm quá nhiều việc trong ngày. Đảm bảo rằng bạn có thời gian nghỉ ngơi giữa các hoạt động. Áp dụng bài tập tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp cải thiện sức bền. Thói quen hàng ngày của bạn cũng cần thay đổi để phù hợp với những thay đổi trong chế độ ăn uống. Ví dụ, bạn có thể cần ăn nhiều bữa nhỏ hơn thay vì ăn ba bữa chính.

Tiếp nhận chẩn đoán ung thư sẽ rất khó khăn. Bạn có thể có những thay đổi tâm trạng như cảm thấy lo âu, chán nản hoặc tuyệt vọng, phá hỏng đi niềm tin và dự định về tương lai của bản thân. Nếu bạn cảm thấy sức khỏe tinh thần đang xuống dốc và muốn trốn tránh giao tiếp xã hội thì hãy nhanh chóng trao đổi với bác sĩ về vấn đề này.

Cuộc sống hàng ngày sẽ bị gián đoạn bởi nhiều cuộc hẹn khám bệnh tại bệnh viện trong và sau quá trình điều trị ung thư. Tái khám định kỳ sẽ tiếp tục trong thời gian dài để theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và phát hiện sớm nguy cơ ung thư tái phát.

Nguồn tham khảo

  1. Mayo Clinic. Stomach Cancer. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438 on 6 June 2024.
  2. American Cancer Society. What is Stomach Cancer? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/about/what-is-stomach-cancer.html on 6 June 2024.
  3. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry Annual Report 2021. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  4. Ilic, M., Ilic, I. Epidemiology of Stomach Cancer. World Journal of Gastroenterology. 2022 March: 28(12): 1187–1203.
  5. National Cancer Institute. What is Stomach Cancer? Accessed at https://www.cancer.gov/types/stomach on 6 June 2024.
  6. Gleneagles Hospital Singapore. Stomach (Gastric) Cancer. Accessed at https://www.gleneagles.com.sg/conditions-diseases/stomach-cancer/symptoms-causes on 6 June 2024.
  7. American Cancer Society. Stomach Cancer Risk Factors. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html on 6 June 2024.
  8. American Cancer Society. Tests for Stomach Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html on 6 June 2024.
  9. American Cancer Society. Treatment Choices Based on the Extent of Stomach Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/treating/by-stage.html on 6 June 2024.
  10. SingHealth. Stomach Cancer. Accessed at https://www.singhealth.com.sg/patient-care/conditions-treatments/stomach-cancer on 6 June 2024.
  11. American Cancer Society. What’s New in Stomach Cancer Research? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/about/new-research.html on 6 June 2024.
  12. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph – Appendices. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  13. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph 1968-2017. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  14. Mirxes. Healthcare Professionals: Discover the GASTROClear Test. Accessed at https://gastroclear.mirxes.com/gastroclear-for-hc-professionals/ on 6 June 2024.
  15. American Cancer Society. Can Stomach Cancer be Prevented? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/stomach-cancer/causes-risks-prevention/prevention.html on 6 June 2024.