Tổng Quan

Điều trị ung thư là gì?

Điều trị ung thư là việc sử dụng phẫu thuật, xạ trị, thuốc men và các liệu pháp để điều trị ung thư trong cơ thể. Các phương thức điều trị khác nhau có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng nhau.

Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, mục đích của phương pháp điều trị có thể là:

  • Chữa khỏi.
  • Kiểm soát ung thư, ngăn chặn ung thư phát triển.
  • Kiểm soát các triệu chứng bệnh.
  • Ngăn ngừa biến chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp điều trị ung thư có thể được sử dụng như là1,2:

  • Điều trị chính: Mục tiêu của điều trị chính là chữa khỏi bệnh, loại bỏ hoàn toàn ung thư hoặc tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư. Phương pháp này thường áp dụng cho các loại bệnh ung thư ở giai đoạn đầu trước khi di căn. Phương pháp điều trị ung thư chính phổ biến nhất là phẫu thuật. Xạ trị hoặc hóa trị cũng có thể trở thành phương pháp điều trị chính đối với các loại ung thư đặc biệt nhạy cảm với hóa chất và xạ trị.

  • Điều trị bổ trợ: Mục đích của điều trị bổ trợ là tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau điều trị chính nhằm hạn chế nguy cơ ung thư tái phát. Các liệu pháp bổ trợ phổ biến bao gồm hóa trị, xạ trị và liệu pháp hormon. Đôi khi các phương pháp điều trị này có thể áp dụng trước liệu pháp điều trị chính để tăng tính hiệu quả hoặc giúp quá trình điều trị chính dễ dàng hơn - phương pháp này còn được gọi là điều trị tân bổ trợ.

  • Điều trị giảm nhẹ: Mục đích của điều trị giảm nhẹ là làm giảm tác dụng phụ của phương pháp điều trị hoặc các triệu chứng do ung thư gây ra. Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp hormone đều có thể áp dụng để giảm nhẹ các triệu chứng. Các loại thuốc khác cũng được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng như đau, buồn nôn và khó thở. Chăm sóc giảm nhẹ có thể áp dụng ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình điều trị ung thư.

Các phương pháp điều trị ung thư được phân loại dựa trên tình trạng bệnh khu trú hay lan rộng (toàn thân)3:

  • Điều trị cục bộ: là điều trị một vùng trong cơ thể để loại bỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các vùng còn lại. Ví dụ, phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ khối u, xạ trị chiếu tia vào vùng ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư và bảo tồn các vùng còn lại trong cơ thể. Các phương pháp điều trị cục bộ thường phù hợp với các bệnh ung thư giai đoạn đầu chưa di căn.

  • Điều trị toàn thân: là dùng các loại thuốc như hóa trị, thuốc sẽ di chuyển khắp cơ thể qua đường máu để tiêu diệt các tế bào ung thư đã lan ra ngoài khối u nguyên phát và di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Trong tất cả trường hợp, việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, đặc điểm của khối u (ví dụ: kích thước, vị trí, phân loại, giai đoạn bệnh) cũng như sức khỏe tổng thể và nhu cầu của bệnh nhân. Cần lưu ý rằng kế hoạch điều trị của bệnh nhân có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào phân loại ung thư và đáp ứng của cơ thể đối với phương pháp điều trị hiện tại.

Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư

Phẫu thuật

Phẫu thuật là một phương pháp hiệu quả và có khả năng chữa khỏi bệnh, giúp loại bỏ các tế bào ung thư khỏi cơ thể nếu ung thư chỉ khu trú ở một khu vực cụ thể, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của nhiều loại ung thư.

Tùy thuộc vào loại bệnh ung thư và mức độ tiến triển của bệnh, có thể phẫu thuật để4:

  • Cắt bỏ toàn bộ khối u: Phẫu thuật cắt bỏ khối u nằm trong một khu vực và có khả năng chữa khỏi bệnh.

  • Cắt bỏ một phần khối u: Phẫu thuật này được chỉ định khi phương án cắt bỏ toàn bộ khối u là không thể vì có nguy cơ gây ra nhiều tổn thương cho các cơ quan hoặc mô lân cận. Khi đó phương án sẽ là cắt bỏ một phần khối u. Thông thường, phương án này sẽ được kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác như hóa trị hoặc xạ trị để điều trị phần ung thư còn sót lại.

  • Xoa dịu các triệu chứng ung thư: Phẫu thuật được chỉ định để cắt bỏ các khối u có thể gây đau hoặc chèn ép xung quanh.

Các phương pháp phẫu thuật phổ biến trong điều trị ung thư bao gồm5:

  • Phẫu thuật nội soi (phẫu thuật lỗ khóa), đây là một thủ thuật ít xâm lấn.
  • Phẫu thuật bằng robot, có độ chính xác cao hơn.
  • Phẫu thuật mở, một thủ thuật với mức độ xâm lấn nhiều hơn .

Nhấp vào đây để tìm hiểu thêm về Phẫu thuật ung thư.

Hóa trị

Hóa trị là việc sử dụng thuốc chống ung thư (thuốc gây độc tế bào) để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển. Thuốc đi vào máu để tác động đến các tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Bác sĩ chuyên khoa ung thư (chuyên gia về ung thư) có thể đưa ra phác đồ hóa trị cho các bệnh ung thư ở mọi giai đoạn. Hóa trị có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với xạ trị hoặc phẫu thuật để cải thiện kết quả điều trị. Hóa trị đóng vai trò quan trọng trong việc “dọn sạch” các tàn dư ung thư (vi di căn) quá nhỏ không nhìn thấy trên các hình ảnh chụp chiếu tiêu chuẩn nhưng cực kỳ quan trọng để loại bỏ.

Các tế bào ung thư có xu hướng phát triển nhanh hơn các tế bào bình thường, do đó, thuốc gây độc tế bào là loại thuốc rất hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, thuốc cũng làm tổn thương các tế bào bình thường trong cơ thể với tốc độ phân chia nhanh chóng và gây ra tác dụng phụ. Bác sĩ sẽ cân bằng giữa việc tiêu diệt các tế bào ung thư để chữa khỏi hoặc kiểm soát ung thư và bảo vệ các tế bào bình thường để giảm tác dụng phụ. Tin tốt là hầu hết các tế bào bình thường trong cơ thể bệnh nhân sẽ phục hồi sau các tác động của thuốc gây độc tế bào theo thời gian.

Ung thư có thể điều trị bằng thuốc hóa trị đơn lẻ, nhưng một số loại thuốc thường có nhiều tác dụng và được kết hợp sử dụng cùng nhau theo một thứ tự nhất định hoặc theo phương pháp kết hợp để tiêu diệt nhiều tế bào ung thư hơn và cũng làm giảm khả năng ung thư bắt đầu kháng thuốc3.

Hóa trị thường được điều trị theo chu kỳ:

  • Mỗi chu kỳ hóa trị gồm có giai đoạn điều trị, nghỉ ngơi và phục hồi.
  • Mỗi chu kỳ thường kéo dài từ 1-4 tuần (thời gian điều trị thay đổi tùy thuộc vào loại hóa trị sử dụng)
  • Mỗi đợt điều trị kéo dài khoảng từ 4-6 chu kỳ.

Nhấp vào đây để tìm hiểu thêm về Hóa trị.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng các chùm tia hoặc sóng năng lượng cao, chẳng hạn như tia X, tia gamma, chùm tia electron và proton để tiêu diệt hoặc tổn thương các tế bào ung thư, thu nhỏ khối u. Tia xạ liều cao sẽ làm tổn thương đến DNA của tế bào ung thư. Các tế bào ung thư có DNA bị phá hủy không thể phục hồi sẽ ngừng phân chia hoặc chết đi, sau đó bị phân hủy và loại bỏ bởi cơ thể6.

Xạ trị không tiêu diệt tế bào ung thư ngay lập tức. Phương pháp này đòi hỏi nhiều ngày hoặc nhiều tuần điều trị lặp lại trước khi phá hủy hoàn toàn DNA để giết chết các tế bào ung thư. Sau đó, các tế bào tiếp tục chết đi trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi xạ trị hoàn tất6.

Xạ trị có thể đi vào từ bên ngoài cơ thể (xạ trị chùm tia ngoài) hoặc có thể đặt vào trong cơ thể (xạ trị áp sát)1. Loại xạ trị sử dụng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm6:

  • Phân loại ung thư
  • Kích thước của ung thư
  • Vị trí của ung thư trong cơ thể
  • Khoảng cách của ung thư với các mô bình thường nhạy cảm với tia xạ
  • Bệnh nhân có được điều trị bằng các phương pháp khác không
  • Độ tuổi, sức khỏe tổng thể và tình trạng bệnh lý khác

Với những tiến bộ y học gần đây, các phương pháp điều trị như liệu pháp Proton và liệu pháp xạ trị điều biến cường độ (IMRT) có thể nhắm mục tiêu chọn lọc để chiếu một liều tia xạ cao trực tiếp vào các tế bào ung thư5. Các mô khỏe mạnh xung quanh chỉ tiếp xúc với một lượng bức xạ tối thiểu, do đó làm giảm thiểu đáng kể các tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị.

Nhấp vào đây để tìm hiểu thêm về Xạ trị.

Liệu pháp miễn dịch

Các tế bào ung thư có khả năng 'ngụy trang' theo cách mà hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể phát hiện ra những 'tế bào bất hảo' này để tiêu diệt chúng.Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Điều này có thể được thực hiện như sau7:

  • Kích thích hoặc tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của hệ thống miễn dịch để tìm kiếm và tấn công các tế bào ung thư hiệu quả hơn.
  • Tạo ra các thành phần tương tự với hệ thống miễn dịch trong phòng thí nghiệm và sử dụng chúng để giúp phục hồi hoặc cải thiện khả năng tìm kiếm, chống lại các tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch.

Trong khi thuốc hóa trị tác động trực tiếp lên các tế bào ung thư, thuốc miễn dịch lại tác động gián tiếp lên hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Ung thư có thể đáp ứng với hóa trị rất nhanh, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn để thấy được tác dụng điều trị nếu áp dụng liệu pháp miễn dịch đơn lẻ.

Điều quan trọng cần hiểu rằng không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều đủ điều kiện để điều trị liệu pháp miễn dịch và không phải tất cả các loại ung thư hiện nay đều có thể được chữa trị bằng liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, hiện nay những tiến bộ trong lĩnh vực điều trị ung thư vẫn đang phát triển và thay đổi nhanh chóng. Các phương pháp điều trị miễn dịch mới hứa hẹn sẽ mở rộng và cải thiện việc điều trị ung thư trong tương lai7.

Nhấp vào đây để tìm hiểu thêm về Liệu pháp miễn dịch.

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu là một phương pháp điều trị được thiết kế riêng (đôi khi được gọi là y học chính xác) nhắm vào những thay đổi hoặc các chất cụ thể trong tế bào ung thư đang thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Thuốc nhắm mục tiêu có thể ngăn chặn, dập tắt các tín hiệu khiến tế bào ung thư phát triển hoặc có thể kích thích tế bào ung thư tự tiêu diệt chính mình. Do tác động có mục tiêu lên tế bào ung thư nên những loại thuốc này hầu như không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh bình thường8.

Một số liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ có tác dụng với những người có tế bào ung thư mang các đột biến gen nhất định. Tế bào ung thư sẽ được xét nghiệm để tìm kiếm các gen cụ thể hoặc những thay đổi trong cấu trúc protein trên tế bào ung thư có thể bị thuốc tác động. Việc tìm ra mục tiêu cụ thể giúp bệnh nhân có khả năng kết hợp các phương pháp điều trị chính xác hơn hoặc cá nhân hóa hơn8.

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu phát hiện ra mục tiêu tế bào ung thư mới đang tăng dần theo cấp số nhân, giúp thúc đẩy quá trình phát triển và phê duyệt nhiều loại thuốc điều trị ung thư hơn ngày trước. Vai trò của liệu pháp nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư sẽ tiếp tục mở rộng hơn trong tương lai không xa.

Nhấp vào đây để tìm hiểu thêm về Liệu pháp nhắm mục tiêu.

Liệu pháp hormone

Một số loại ung thư được kích thích bởi hormone trong cơ thể bệnh nhân. Do đó, việc loại bỏ các hormone này khỏi cơ thể hoặc kiểm soát nghiêm ngặt sẽ khiến các tế bào ung thư ngừng phát triển1.

Liệu pháp hormone sẽ đi theo vòng tuần hoàn khắp cơ thể để tìm kiếm và nhắm mục tiêu vào các hormone. Các loại liệu pháp hormone khác nhau sẽ có quy trình hoạt động khác nhau, bao gồm9:

  • Ngăn cơ thể sản xuất hormone
  • Ngăn chặn hormone bám vào các tế bào ung thư
  • Thay đổi hormone để không còn hoạt động như bình thường

Liệu pháp hormone chủ yếu được sử dụng để làm chậm sự phát triển của một số loại ung thư vú, tuyến tiền liệt và nội mạc (tử cung), những loại ung thư này thường phát triển khi bị kích thích bởi các hormone sinh dục tự nhiên trong cơ thể9.

Cấy ghép tủy xương (hoặc tế bào gốc)

Cấy ghép tế bào gốc tạo máu giúp bệnh nhân tiếp nhận hóa trị và/hoặc xạ trị liều cao . Điều trị liều cao sẽ tiêu diệt cả tế bào ung thư và tế bào máu khỏe mạnh trong tủy xương, sau đó ghép tế bào gốc mới, khỏe mạnh cho phép cơ thể "bắt đầu xây dựng lại"10.

Tế bào gốc có thể lấy từ chính cơ thể bệnh nhân (được gọi là ghép tế bào gốc tự thân) hoặc từ người hiến tặng khỏe mạnh, phù hợp (được gọi là ghép tế bào gốc đồng loại)11.

Cấy ghép tủy xương thường được áp dụng để điều trị ung thư máu và ung thư nguyên phát từ hạch bạch huyết2.

Thăm Khám Bác Sĩ

Điều chỉnh phương pháp điều trị ung thư phù hợp thường hướng đến tính cân bằng. Cảm thấy choáng ngợp và bối rối trước vô vàn thông tin là điều bình thường. Tại Trung tâm Ung thư Parkway, chúng tôi làm việc cùng đội ngũ chuyên gia ung thư tận tâm, luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trong suốt hành trình chiến đấu với ung thư thông qua các dịch vụ chăm sóc hiện đại. Từ đó bệnh nhân và bác sĩ có thể cùng nhau trao đổi về lợi ích và nguy cơ của từng phương pháp điều trị ung thư để xác định phương pháp nào là tốt nhất cho bệnh nhân.

Đặt lịch hẹn

Các Câu Hỏi Thường Gặp

Collapse All
Expand All

Chi phí điều trị ung thư rất khác nhau, phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm: phương pháp điều trị và mức độ phức tạp của liệu pháp / thủ thuật, và nơi điều trị là bệnh viện tư hay bệnh viện công có hỗ trợ chi phí. Bạn có thể ước tính hoặc so sánh chi phí của các thủ thuật cụ thể trên trang web của Bộ Y tế.

Mặc dù chi phí của các phương pháp điều trị ung thư có thể gia tăng đáng kể, nhưng chúng ta vẫn có nhiều phương án hỗ trợ khác nhau giúp chi trả các khoản chi phí này, bao gồm trợ cấp của chính phủ Singapore, MediShield Life, Integrated Shield Plans, bảo hiểm công ty, MediSave Account, các chương trình bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và MediFund. Để tìm hiểu thêm về điều kiện tham gia bảo hiểm và các quyền lợi cho từng gói hỗ trợ, hãy truy cập trang web của Bộ Y tế hoặc liên hệ với bên cung cấp bảo hiểm y tế.

Singapore nổi tiếng với hệ thống chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới và các cơ sở nghiên cứu hiện đại. Cả hệ thống bệnh viện công và tư đều cung cấp các dịch vụ điều trị ung thư toàn diện, từ tầm soát ung thư, chẩn đoán, điều trị đến chăm sóc giảm nhẹ, với các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm, mong muốn mang đến dịch vụ chăm sóc chất lượng hàng đầu và cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.

Đã có nhiều đột phá thú vị trong lĩnh vực điều trị ung thư những năm gần đây, cung cấp nhiều lựa chọn hiệu quả hơn cho nhiều loại ung thư. Liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu hiện đang đóng vai trò lớn hơn trong việc kiểm soát ung thư vì các loại thuốc mới vẫn đang tiếp tục được phát triển dựa trên các thông tin nghiên cứu mới nhất về tế bào ung thư và cơ thể con người. Phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa, hay còn gọi là y học chính xác, cho phép áp dụng phương pháp điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân ung thư để mang lại kết quả tốt nhất với ít tác dụng phụ nhất.

Khi các khám phá mới được thực hiện liên tục, thì khả năng tìm ra phương pháp chữa khỏi nhiều loại ung thư đang dần trở thành hiện thực. Singapore, với sứ mệnh là quốc gia đi đầu trong tiêu chuẩn y tế toàn cầu, đang sẵn sàng đón nhận những tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư.

Có nhiều lựa chọn điều trị ung thư khác nhau. 3 phương pháp điều trị phổ biến nhất dành cho phần lớn các loại ung thư là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Các phương pháp có thể chỉ định điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp để chữa khỏi bệnh hoặc kiểm soát ung thư.

Khả năng chữa khỏi ung thư phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm phân loại, đặc điểm của ung thư và giai đoạn bệnh (hoặc mức độ xâm lấn của ung thư) tại thời điểm chẩn đoán. Kết quả điều trị ung thư có xu hướng tích cực hơn khi bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh ở giai đoạn sớm, khu trú thường có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u và hóa trị và/hoặc xạ trị bổ trợ để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.

Những bệnh nhân mà ung thư đã lan rộng, tiến triển sẽ có cơ hội sống sót thấp hơn. Tuy nhiên, các phát hiện liên tục và những tiến bộ thú vị liên quan tới các lựa chọn điều trị mới giúp cải thiện hơn tỷ lệ sống sót, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển.

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Mayo Clinic. Cancer Treatment. Accessed at https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cancer-treatment/about/pac-20393344 on 10 May 2024.
  2. Centers for Disease Control and Prevention. Cancer Treatments. Accessed at https://www.cdc.gov/cancer/survivors/patients/treatments.htm on 10 May 2024
  3. American Cancer Society. How is Chemotherapy Used to Treat Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/treatment-types/chemotherapy/how-is-chemotherapy-used-to-treat-cancer.html on 10 May 2024.
  4. National Cancer Institute. Surgery to Treat Cancer. Accessed at https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/surgery on 10 May 2024.
  5. Mount Elizabeth. Cancer Treatment. Accessed at https://www.mountelizabeth.com.sg/conditions-treatments/cancer-care/cancer-treatment on 10 May 2024.
  6. National Cancer Institute. Radiation Therapy to Treat Cancer. Accessed at https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/radiation-therapy on 10 May 2024.
  7. American Cancer Society. How Immunotherapy is Used to Treat Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/treatment-types/immunotherapy/what-is-immunotherapy.html on 10 May 2024.
  8. American Cancer Society. How Targeted Therapy is Used to Treat Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/treatment-types/targeted-therapy/what-is.html on 10 May 2024.
  9. American Cancer Society. Hormone Therapy. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/treatment-types/hormone-therapy.html on 10 May 2024.
  10. American Cancer Society. How Stem Cell and Bone Marrow Transplants Are Used to Treat Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/managing-cancer/treatment-types/stem-cell-transplant/why-stem-cell-transplants-are-used.html on 10 May 2024.
  11. National Cancer Institute. Stem Cell Transplants in Cancer Treatment. https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/stem-cell-transplant. Accessed on 10 May 2024.