Hiểu về ung thư phổi ở nữ giới

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Chin Tan Min

Bác sĩ Chin Tan Min, chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa đã giải thích về cách phụ nữ có thể bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách nâng cao nhận thức về phòng ngừa, phát hiện và điều trị ung thư phổi, trong buổi hội thảo trực tuyến Trao quyền cho nữ giới.

Ung thư phổi là một căn bệnh phổ biến, với hơn 8.000 ca bệnh được chẩn đoán ở Singapore trong giai đoạn 2015–20191 và có hơn 2 triệu ca bệnh thống kê trên toàn thế giới2. Bệnh này được biết đến như một bệnh của người già, vì tỷ lệ mắc ung thư phổi gia tăng theo độ tuổi, trong đó những người từ 65 tuổi trở lên là có nguy cơ mắc bệnh cao nhất3.

Ung thư phổi có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào, gồm cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Mặc dù ta thường cho rằng bệnh này nhắm đến nam giới là chính, tuy vậy ung thư phổi vẫn có nguy cơ xuất hiện ở nữ giới. Trên thực tế, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ ba ở cả nam và nữ Singapore, và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư gây ra.

Dấu hiệu, triệu chứng và chẩn đoán ung thư phổi

Tương tự như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư phổi không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển và đã ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi ở nam và nữ đều giống như nhau. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Ho dai dẳng
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Sụt cân và chán ăn

Nếu các triệu chứng này xuất hiện dai dẳng (kéo dài khoảng 3–4 tháng), hoặc bạn là người hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thêm.

Các bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang, chụp CT và sinh thiết để xác nhận chẩn đoán ung thư phổi và xác định vùng nguyên phát của khối u. Sau đó, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh để xem xét liệu ung thư còn khu trú hay đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các lựa chọn điều trị ung thư phổi

Điều trị ung thư phổi thường không có khác biệt giới tính. Thay vào đó, kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào tiền sử bệnh của từng cá nhân.

Các phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư phổi là phẫu thuật, xạ trị và điều trị toàn thân như hóa trị.

Bệnh nhân bị ung thư giai đoạn khu trú thường được phẫu thuật để chữa khỏi, trong đó khối u được loại bỏ thông qua phương pháp phẫu thuật cắt hình chêm (cắt bỏ một mảnh nhỏ mô phổi hình chêm), cắt bỏ thùy phổi (một trong các thùy của phổi bị cắt bỏ) hoặc cắt bỏ phổi (một trong hai lá phổi bị cắt bỏ).

Trong những năm gần đây, phẫu thuật nội soi (còn được gọi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, tiếp cận khối u qua các vết rạch nhỏ) cũng được áp dụng cho một số loại ung thư phổi nhằm giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn mà không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn khu trú cũng có thể xạ trị với mục đích chữa bệnh hoặc giảm nhẹ triệu chứng.

Bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn di căn được hóa trị để kiểm soát tế bào ung thư.

Nhiều bệnh nhân có xu hướng lo lắng về các tác dụng phụ của hóa trị, chẳng hạn như rụng tóc, buồn nôn và nôn mửa. May mắn thay, phương pháp điều trị này đã không ngừng phát triển qua nhiều năm để cho ra đời các thuốc hóa trị mới và thuốc hỗ trợ giúp bệnh nhân kiểm soát các tác dụng phụ như vậy.

Nhược điểm duy nhất của hóa trị là khi nó tác động lên các tế bào đang phân chia, có thể khiến bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Tuy nhiên, lợi ích phương pháp này mang lại vẫn nhiều hơn so với nguy cơ, và bệnh nhân có thể điều trị nhiễm trùng bằng cách sử dụng kháng sinh.

Xu hướng điều trị ung thư phổi tiếp theo

Trong hai thập kỷ qua, những tiến bộ trong điều trị đã góp phần mang đến các lựa chọn điều trị mới như liệu pháp đíchliệu pháp miễn dịch.

Việc phát hiện đột biến ở một số bệnh nhân ung thư phổi vào giữa những năm 2000 đã cho phép chúng tôi xác định loại thuốc tương ứng nhắm vào loại đột biến cụ thể để kiểm soát ung thư. Từ đột biến EGFR đến ALK, ROS, k-RAS, HER2, RET và B-RAF trong danh sách mục tiêu vẫn ngày càng tăng, các loại thuốc đích nhắm vào các đột biến này cho phép chúng tôi điều trị cho các bệnh nhân có những gen đột biến này ít gặp phải tác dụng phụ.

Sự xuất hiện của liệu pháp miễn dịch cũng mang đến cho bệnh nhân ung thư phổi một lựa chọn điều trị mới, khai thác hệ thống miễn dịch của chính mình để kiểm soát ung thư.

Bởi vì thế, hiện nay kế hoạch điều trị bệnh cần được cá nhân hóa hơn. Bác sĩ sẽ đánh giá tuổi tác, tình trạng bệnh, sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và các xét nghiệm chụp chiếu để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Bằng cách làm như vậy, các bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị hiệu quả hơn, phù hợp hơn với từng bệnh nhân.

Triển vọng

Trước đây, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối là rất thấp, với tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 6 tháng.

May mắn thay, với sự xuất hiện của những phương pháp điều trị mới, kết quả điều trị cho các bệnh nhân ung thư phổi dường như khả quan hơn.

Tỷ lệ mắc ung thư phổi đang giảm và số ca tử vong ít hơn ở cả nam và nữ. Nhờ những tiến bộ trong điều trị trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ sống sót, kiểm soát bệnh và tác dụng phụ đã được cải thiện rất nhiều và bệnh nhân nhìn chung có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Khoảng một nửa số bệnh nhân đã sống sót sau 3 đến 4 năm khi được điều trị bằng liệu pháp đích. Trong khi đó, 30–40% bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đã kiểm soát bệnh tốt sau 5 năm.

Đối với bác sĩ chuyên khoa ung thư, đây chính là thời điểm rất thú vị vì bây giờ có nhiều lựa chọn điều trị có thể tạo ra sự khác biệt tích cực cho bệnh nhân. Còn với các bệnh nhân thì viễn cảnh tươi sáng hơn này đã mang lại cho họ hy vọng được sống thêm nhiều năm có ý nghĩa, ít đau hơn và ít tác dụng phụ hơn.

Trong hai thập kỷ qua cùng chiến đấu chống lại ung thư, chúng ta cuối cùng cũng đạt được những tiến bộ vượt bậc trong y học. Dù là nam hay nữ, chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc trước trận chiến không ngừng nghỉ này.

1Singapore Cancer Registry Annual Report 2019

2Singapore Cancer Registry Annual Report 2019

3World Health Organization, Cancer Fact Sheet 2020

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư, Phòng ngừa Ung thư
GẮN THẺ surgery, các khối u, các tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, chiến thắng ung thư, điều trị đích, đột biến ung thư, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, xạ trị
Đọc thêm Ung thư phổi
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG MƯỜI MỘT 2022