Tin tức & Bài báo
Tác động bị lãng quên của bệnh ung thư đối với sức khỏe tinh thần
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến kết hợp với Great Eastern, cô Chia Hui Erl - Chuyên viên tư vấn cấp cao, Y tế tương cận, đã giải thích những tác động ít ai biết của bệnh ung thư đối với sức khỏe tâm lý và vai trò quan trọng của quá trình phục hồi tâm lý.
Ung thư thường được coi là một căn bệnh đe dọa tính mạng và đả kích tinh thần người bệnh. Bệnh nhân ung thư thường phải đối mặt với những thách thức về thể chất, tâm lý, xã hội, niềm tin vào sự sống và tín ngưỡng, về lâu dài sẽ nảy sinh tâm lý tiêu cực như đau khổ dày vò, trầm cảm, lo âu, khó ngủ, mệt mỏi và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Theo nghiên cứu, cứ 10 bệnh nhân ung thư thì có khoảng 4 người mắc chứng trầm cảm và lo âu, khoảng 1/10 triệu chứng ghi nhận gồm có rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Phần lớn bệnh nhân cũng gặp phải chứng sợ hãi tái phát ung thư (FCR), đây là một hội chứng phổ biến có thể kéo dài dai dẳng cho đến khi bệnh nhân sống sót sau điều trị1.
Mặc dù vấn đề sức khỏe tâm lý ở bệnh nhân ung thư rất phổ biến nhưng lại ít khi được chú ý vì bệnh nhân chủ yếu tập trung nhiều vào việc theo dõi sức khỏe thể chất.
Hơn nữa, hầu hết mọi người vẫn còn thiếu nhận thức về sức khỏe tâm lý, thiếu sự hỗ trợ, thiếu bằng chứng xung quang việc điều trị hiệu quả, sự kỳ thị đối với bệnh ung thư (đặc biệt đối với một số bệnh như ung thư phổi), và cả tâm lý bệnh nhân thường không tìm kiếm giúp đỡ khi gặp phải vấn đề tâm lý.
Vì vậy quan trọng nhất chính là phải hiểu biết về những tác động của ung thư đối với sức khỏe tâm lý để giúp bệnh nhân nhận thức được tình hình của họ và tìm ra cách hiệu quả để kiểm soát và theo dõi tâm lý.
Tác động của ung thư đối với sức khỏe tâm lý
Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, chẩn đoán và điều trị ung thư sẽ làm gián đoạn cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Vấn đề này phát sinh từ 2 tác nhân: (1) mất mát và (2) sợ hãi lo âu.
Mức độ đả kích bệnh nhân thường gặp bao gồm:
- Mất đi niềm tin
- Suy giảm chức năng và chất lượng cuộc sống
- Mất đi vai trò và mục đích tồn tại
- Mất đi khả năng tự chủ cá nhân
Những tổn thương này dần sinh ra các triệu chứng trầm cảm và lo âu, thường bắt nguồn từ cảm giác sợ hãi và lo lắng về một tương lai vô định, người bệnh khi đó không ngừng nghĩ về cái chết trước mắt, nguy cơ tái phát ung thư hay tác dụng phụ.
Tuy vậy những cảm giác sợ hãi và lo lắng không phải lúc nào cũng có tác động tiêu cực; bệnh nhân khi đó sẽ qua giai đoạn phát triển tâm lý và sẽ dần thích nghi với ung thư. Họ sẽ có thay đổi như biết trân trọng cuộc sống hơn, biết đồng cảm với mọi người xung quanh, xây dựng nhiều mối quan hệ tốt đẹp, có sự tăng trưởng tâm linh, thay đổi thứ tự ưu tiên trong cuộc sống và trải nghiệm bắt đầu cuộc sống mới.
Hỗ trợ phục hồi
Tăng trưởng tâm lý thường có thể đạt được trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe thông qua khả năng phục hồi: đó là khả năng thích nghi và chữa lành khi đối mặt với nghịch cảnh.
Khả năng phục hồi chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố trong và ngoài.
Các yếu tố bên trong là nguồn lực xuất phát từ nội tâm chúng ta, chẳng hạn như suy nghĩ tích cực về bản thân và mọi người xung quanh, khả năng kiểm soát cảm xúc mạnh mẽ, tinh thần lạc quan và chấp nhận thực tế, linh hoạt và thích ứng nhanh, sáng tạo và tự tin, và khả năng thiết lập mục tiêu cho tương lai.
Các yếu tố bên ngoài bao gồm các nguồn lực xã hội và cá nhân, chẳng hạn như có các mối quan hệ thân thuộc và tổ chức xã hội, cũng như nhu cầu tìm kiếm giúp đỡ để vực dậy bản thân.
Khả năng phục hồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong cuộc sống, từ gia đình đến xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe và cấp cứu. Các yếu tố này cần phối hợp với nhau để giúp người bệnh thích ứng với những yếu tố đe dọa đến tính mạng và cuộc sống về sau của họ.
Đối phó với tác động của ung thư
Tất cả chúng ta đều bị căng thẳng do nhiều yếu tố khác nhau. Một số người có thể làm chủ căng thẳng rất tốt, nhưng nhiều người khác lại không thể kiểm soát được.
Điều quan trọng là phải nhận thức và chấp nhận những cảm xúc mà chúng ta phải trải qua. Ta cũng nên tự hỏi liệu nguồn gốc của mối lo này có phải là thứ kiểm soát được hay không. Điều này giúp xác định ra cách kiểm soát căng thẳng một cách hiệu quả.
Ứng phó tập trung vào vấn đề là việc kiểm soát các tác nhân căng thẳng bằng cách tìm cách giải quyết những tình huống có thể kiểm soát được. Một số bước chúng ta có thể thực hiện để giải quyết vấn đề chính là:
- Tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát
- Duy trì một thói quen đều đặn
- Đặt mục tiêu thực tế và có thể đạt được
- Tập thể dục trong phạm vi sức khỏe cho phép
- Nhận thức những trải nghiệm mình đã nếm trải
- Biết khi nào cần đến giúp đỡ và chấp nhận sự giúp đỡ của mọi người
Ứng phó tập trung vào cảm xúc là việc giải quyết các tình huống không thể kiểm soát bằng cách thúc đẩy cảm xúc tích cực, từ đó giúp điều chỉnh các phản ứng tâm lý và cảm xúc với những tình thuống ấy bao gồm:
- Học cách chấp nhận
- Tỉnh thức
- Nuôi dưỡng đức tin. VD: cầu nguyện
- Viết nhật ký
- Thực hành biết ơn cuộc sống hàng ngày
- Học cách thương yêu bản thân
Cả hai phương pháp đều có điểm mạnh riêng, nhưng quan trọng là phải hiểu rằng mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau dựa trên phương pháp áp dụng, tình huống gặp phải. Nếu bạn thấy mình đang mệt mỏi vì ung thư và không biết phải làm sao để vượt qua thì nên trao đổi với bác sĩ và chuyên viên tâm lý để tìm ra phương pháp hiệu quả cho bản thân.
Để biết thêm thông tin về Great Eastern, vui lòng truy cập www.greateasternlife.com
1 “Trầm cảm và lo âu ở những người sống chung với ung thư và các vấn đề liên quan tới ung thư”, Niedzwieds et al., 2019
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Sức khỏe tâm lý |
GẮN THẺ | căng thẳng và ung thư, chất lượng sống của bệnh nhân ung thư, chiến thắng ung thư, quản lý cảm xúc, quản lý cơn đau cho ung thư, ung thư tái phát |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Hai 2023 |