Tin tức & Bài báo
Kem chống nắng: Mỹ phẩm làm đẹp hay sản phẩm chăm sóc sức khỏe?
Kem chống nắng chỉ đơn thuần là một sản phẩm làm đẹp hay còn có giá trị gì cho sức khỏe? Bác sĩ Richard Quek, chuyên gia tư vấn cấp cao, bác sỹ ung thư nội khoa giải thích về lợi ích sức khỏe của kem chống nắng và vai trò làm giảm nguy cơ ung thư da.
Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, kem chống nắng là một sản phẩm được quảng bá với công hiệu ngăn chặn quá trình lão hóa do tiếp xúc lâu dài với ánh nắng.
Tuy nhiên, kem chống nắng không chỉ đơn thuần là một sản phẩm làm đẹp; kem chống nắng còn có nhiều lợi ích đa dạng bên cạnh công dụng ngăn ngừa nếp nhăn, đồi mồi và khô da. Thực tế, nó còn là một phương pháp bảo vệ quan trọng cho làn da chống lại bức xạ tia cực tím (UV) có hại từ mặt trời vá góp phần ngăn ngừa nguy cơ ung thư da.
Thật không may, phần lớn dân số Singapore thường không bảo vệ làn da kỹ càng trước tia cực tím có hại. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Singapore và Trung tâm Da Quốc gia, chỉ có khoảng 23,9% cư dân Singapore có sử dụng kem chống nắng11.
Con số đáng lo ngại này là do việc thiếu nhận thức về tác hại của việc tiếp xúc với ánh mặt trời. Do đó hiểu được những nguy cơ liên quan đến tia cực tím có hại và lợi ích của kem chống nắng có thể giúp ích rất nhiều trong việc khuyến khích người dân biết cách chăm sóc và bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời trong sinh hoạt hằng ngày.
Kem chống nắng là gì?
Kem chống nắng Sunscreen, còn được gọi là kem chống nắng Sunblock hoặc kem dưỡng chống nắng, là một sản phẩm bôi ngoài da có khả năng phản xạ, hấp thụ và phân tán bức xạ tia cực tím có hại từ mặt trời nhằm bảo vệ da khỏi hai loại bức xạ. Thoa kem chống nắng hoặc các sản phẩm có chứa chất chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như cháy nắng, lão hóa do tiếp xúc với nắng và ung thư da.
Kem chống nắng lần đầu tiên được phát minh tại Úc vào năm 1932 do nhà hóa học H.A. Milton Blake nghiên cứu và chế tạo. Tuy vậy, các nền văn minh sơ khai từ cách đây 4.000 năm trước Công nguyên đã biết sử dụng nhiều loại sản phẩm từ dầu ô liu đến các chất chiết xuất từ gạo, gia vị và thảo mộc để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời2.
Ngày nay, kem chống nắng có đa dạng loại sản phẩm như dạng thoa, dạng xịt hoặc dạng thoa thành nhiều lớp. Kem chống nắng có lớp kem mỏng nhẹ, không dính tạo cảm giác thông thoáng hơn cho những ai sợ bết dính hoặc khó chịu. Kem chống nắng chống nước thì chống thấm mồ hôi hiệu quả với những ai sống ở vùng khí hậu ẩm ướt. Kem dưỡng ẩm và kem nền 2 trong 1 có thành phần chống nắng giúp tiết kiệm thời gian làm đẹp, thoa kem nhưng vẫn bảo vệ làn da hiệu quả.
Các nguy cơ liên quan đến tia cực tím có hại
Không bôi kem chống nắng khiến làn da tiếp xúc với tia cực tím có hại.
Tiếp xúc quá mức với tia cực tím trong thời gian ngắn sẽ làm da bị cháy nắng. Cháy nắng là tình trạng da bị viêm, nóng rát và đau khi chạm vào. Vùng da cháy sẽ gây ngứa ngáy, bong tróc thành vảy hoặc lột da sau vài ngày. May mắn thay, chúng ta có thể xử lý da cháy nắng bằng cách giảm viêm và bù nước cho da.
Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá mức với tia cực tím trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư da.
Hầu hết các bệnh ung thư da phát triển trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời3. Ung thư cũng có thể phát triển ở những vùng cơ thể không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như bộ phận sinh dục.
Ung thư da được phân thành hai dạng chính: U hắc sắc tố và ung thư da không sắc tố. Các loại ung thư da phổ biến nhất ở Singapore bao gồm cả ung thư da không sắc tố như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc sắc tố dưới da4. Ung thư da hiện là loại ung thư phổ biến thứ sáu và thứ bảy ở cả nam và nữ tại Singapore5.
Bất cứ ai cũng có thể tiếp xúc với tia cực tím có hại. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây thường có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư da:
- Người có tiền sử gia đình và cá nhân mắc bệnh ung thư da
- Người lớn tuổi
- Có đột biến di truyền hiếm gặp
- Tiếp xúc tia cực tím trong thời gian dài
- Người có màu da sáng
- Thường xuyên bị cháy nắng
Tin tốt là hầu hết các loại ung thư da đều có khả năng điều trị cao khi được phát hiện sớm. Các triệu chứng khác liên quan tới việc tiếp xúc quá mức với tia cực tím cũng có thể phòng ngừa được.
Thực hành thói quen chống nắng an toàn
Mặc dù làn da của chúng ta có cơ chế bảo vệ bẩm sinh, nhưng nó không đủ để ngăn chặn tác hại do tia cực tím có hại gây ra. Cái gọi là ‘làn da rám nắng khỏe mạnh’ thực ra là một dấu hiệu của tổn thương do ánh nắng mặt trời gây ra. Do đó ta cần chú ý bảo vệ da để ngăn ngừa ánh nắng mặt trời xâm nhập vào các lớp mô sâu hơn dưới da.
Bôi kem chống nắng là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để giảm nguy cơ liên quan đến tia cực tím có hại, bao gồm ung thư da.
Chỉ số Sun Protection Factor (SPF) là một chỉ số biểu thị mức độ bảo vệ da khỏi bức xạ UVB, một loại bức xạ UV có khả năng cao gây cháy nắng. Chỉ số SPF cao thì thời gian bảo vệ sẽ lâu hơn. Tại Singapore, kem chống nắng thường có chỉ số SPF tối thiểu là 30 hoặc cao hơn để duy trì khả năng bảo vệ chống lại bức xạ tia cực tím6.
Thực hiện các bước để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời cần duy trì quanh năm. Dưới đây là một số thói quen bạn nên cân nhắc thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày:
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên và cần nhớ thoa thêm khi cần. Nên duy trì sử dụng kem mặc dù thời tiết không nắng gắt hoặc u ám vì tia cực tím có thể xuyên qua các đám mây.
- Mặc quần áo chống nắng. VD: mũ, kính râm, giày che kín.
- Ở trong bóng râm hoặc sử dụng ô, đặc biệt là vào giữa trưa.
Với những bước đơn giản như trên, bạn có thể bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và phòng tránh được nguy cơ ung thư da.
1 “Local survey: Sun safety habits not widely practised in Singapore”, 2020, sph.nus.edu.sg/2020/03/local-survey-sun-safety-habits-not-widely-practised-in-singapore
2 Nadim S (2005). "Sunscreen Evolution". In Shaath N (ed.). Sunscreens : regulations and commercial development (3 ed.). Boca Raton, Fl.: Taylor & Francis.
3 NCI Dictionary of Cancer Terms, 2023
4 National University Cancer Institute Singapore, 2023 ncis.com.sg/Cancer-Information/About-Cancer/Pages/Skin-Cancer.aspx
5 Singapore Cancer Registry Annual Report 2020
6 “Sunscreens”, 2023, healthhub.sg/a-z/medications/471/Sunscreens
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Phòng ngừa Ung thư |
GẮN THẺ | ngăn ngừa ung thư, ung thư da |
Đọc thêm | Ung thư hắc tố |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Năm 2023 |