Sarcoma: 5 điều cần biết về căn bệnh ung thư hiếm gặp này

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Richard Quek

Bác sĩ Richard Quek, Chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa, giải thích 5 điều cần biết về sarcoma, một trong những dạng ung thư hiếm gặp nhất.

Sarcoma là một dạng ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến xương, mô liên kết của cơ thể và các khu vực như mạch máu, cơ, dây thần kinh và mỡ. Đây là một dạng bênh phức tạp và đa dạng phân thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau.

Nguồn gốc tế bào của Sarcomas có khác biệt so với các dạng ung thư khác. Hầu hết các dạng ung thư khác phát triển từ mô biểu bì (lớp da ngoài cùng trên cơ thể), sarcoma thường phát triển từ mô trung bì (hệ cơ-xương, hệ tim mạch, các mô liên kết).

Dưới đây là 5 điều chúng ta cần biết thêm về căn bệnh ung thư hiếm gặp này:

  1. Sarcoma chỉ chiếm 1% chẩn đoán ung thư ở người trưởng thành
  2. Sarcoma là một trong những dạng ung thư hiếm gặp nhất. Các phân nhóm hiếm gặp của sarcomas có tỷ lệ mắc bệnh là 1 trên 1.000.000 người1.

    Hiện tại, sarcoma chỉ chiếm 1% số ca chẩn đoán ung thư ở người trưởng thành và khoảng 15% số ca chẩn đoán ung thư ở trẻ em ở Hoa Kỳ.2. Trong số này có khoảng 12.000 trường hợp sarcoma mô mềm và 3.000 trường hợp sarcoma xương được chẩn đoán mỗi năm3.

  3. Có hơn 70 loại sarcoma
  4. Sarcoma là một bệnh đa dạng và không đồng nhất với hơn 70 phân nhóm khác nhau. Sarcoma có thể chia thành 2 loại chính: sarcoma mô mềm và sarcoma xương.

    Sarcoma mô mềm ảnh hưởng đến các mô mềm của cơ thể. Chúng có thể được phân loại chuyên sâu hơn theo loại mô hoặc khu vực cụ thể. Các phân nhóm sarcoma mô mềm phổ biến bao gồm:

    • Sarcoma cơ trơn (Leimyosarcoma) - sarcoma phát sinh từ các cơ trơn của tử cung hoặc tĩnh mạch
    • Sarcoma mỡ (Liposarcoma) - sarcoma phát sinh từ mô mỡ, thường ở thân và tay chân
    • Sarcoma mạch (Angiosarcoma) - sarcoma phát sinh từ mạch máu

    Sarcoma xương hình thành trong xương và thường xuất hiện ở đùi, cánh tay trên hoặc ống chân. Các phân nhóm sarcoma xương phổ biến bao gồm:

    • Sarcoma xương (Osteosarcoma) - ung thư xương phát sinh từ xương dài
    • Ewing sarcoma - sarcoma ảnh hưởng đến xương hoặc mô mềm
    • Sarcoma sụn (Chondrosarcoma) - sarcoma ảnh hưởng đến sụn

    Khối u mô đệm đường tiêu hóa (GIST) là một trong những dạng sarcoma phổ biến nhất phát sinh từ đường tiêu hóa. Dạng này có đặc trưng là đột biến gen KIT hoặc PDGFRA.

  5. Hầu hết các phân nhóm sarcoma đều không xác định được nguyên nhân gây bệnh
  6. Nguy cơ phát triển ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác, di truyền, lối sống và các yếu tố môi trường.

    Hầu hết các phân nhóm sarcoma không biết nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

    Các yếu tố nguy cơ gây bệnh sarcoma phổ biến bao gồm:

    • Tiếp xúc với hóa chất - tiếp xúc với hóa chất gây ung thư và các chất độc hại khác như monome vinyl clorua, dioxin hoặc asen
    • Phơi nhiễm vi rút - phơi nhiễm với một số loại vi rút như Human Herpesvirus 8 (HHV8), còn được gọi là Kaposi Sarcoma Herpesvirus (KSHV), có thể làm phát triển của một loại sarcoma nhóm phụ gọi là Kaposi's sarcoma ở những người có khả năng miễn dịch thấp
    • Phơi nhiễm tia xạ - tiếp xúc với tia xạ, thường là sau khi điều trị xạ các bệnh ung thư khác, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma liên quan đến tia xạ
    • Rối loạn di truyền - các bệnh di truyền như hội chứng Li-Fraumeni, bệnh u xơ thần kinh loại 1 và hội chứng đa polyp gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma
    • Sưng viêm lâu dài - Các bệnh phù mạch bạch huyết, sưng viêm dai dẳng, tắc nghẽn hệ thống bạch huyết có thể làm tăng nguy cơ phát triển một loại sarcoma nhóm phụ gọi là sarcoma bạch huyết (lymphangiosarcoma)
  7. Các dấu hiệu và triệu chứng của sarcoma khác nhau theo phân nhóm bệnh
  8. Các dấu hiệu và triệu chứng của sarcoma tùy thuộc vào phân nhóm bệnh và vị trí tái phát bệnh:

      Sarcoma mô mềm
    • Có cục u và vùng sưng tấy không đau
    • Đau bụng dai dẳng
    • Đi ngoài ra phân đen
    • Máu trong phân hoặc nôn mửa
    • Tổn thương da
    • Sưng dai dẳng
      Sarcoma xương
    • Đau xương dai dẳng, đặc biệt về đêm
    • Sưng tấy xương
    • Gãy xương do chấn thương nhẹ hoặc không có nguyên nhân rõ ràng
    • Khối u đau và sưng khi bệnh ở giai đoạn sau
    • Di chuyển khó khăn
    • Cảm giác tê, ngứa ran hoặc đuối sức (trong trường hợp ung thư cột sống)
  9. Sarcoma rất phức tạp và khó điều trị
  10. Vì sarcoma là bệnh rất hiếm và không đồng nhất nên việc điều trị vô cùng khó khăn.

    Nhìn chung thì việc điều trị sẽ dựa trên phân loại sarcoma cụ thể, đặc điểm khối u (ví dụ: vị trí, cấp độ và kích thước), tuổi và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Bác sĩ có thể đưa ra các lựa chọn điều trị cụ thể như sau:

    • Phẫu thuật – Cắt bỏ khối u cùng với các mô khỏe mạnh xung quanh. Một số loại ung thư nhóm phụ như sarcoma sụn chỉ có thể điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật
    • Xạ trị – Sử dụng tia xạ hoặc các hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư
    • Hóa trị – Một thủ thuật can thiệp vào khả năng phát triển và phân chia của tế bào ung thư. Các loại Sarcoma nhạy cảm với hóa chất gồm có sarcoma Ewing và sarcoma cơ vân
    • Liệu pháp nhắm mục tiêu – Dùng thuốc hoặc kháng thể nhân tạo để ngăn chặn sự phát triển của tế bào sarcoma

Nếu bạn hoặc thành viên gia đình đang gặp phải bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh sarcoma, hãy nhanh chóng thăm khám với bác sĩ. Tìm ra cách điều trị sớm là rất quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi căn bệnh hiếm gặp này.

1 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8319065/
2 https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17934-sarcoma
3 https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/sarcoma
ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư
GẮN THẺ điều trị đích, xạ trị
Đọc thêm Sarcoma
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Tám 2023