Tin tức & Bài báo
Sức khỏe răng miệng và căn bệnh ung thư: Chăm sóc sức khỏe khoang miệng toàn diện
Đánh răng hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên chính là khởi đầu của quá trình chăm sóc răng miệng hiệu quả. Tập làm quen với các thói quen mới sẽ giúp việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ hơn.
Vệ sinh răng miệng đúng cách rất quan trọng không chỉ cho sức khỏe răng miệng mà còn cho sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu1 đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng kém với việc tăng nguy cơ ung thư thực quản và dạ dày. Hơn nữa, việc giữ cho miệng, răng và nướu sạch sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong và sau khi điều trị ung thư. Hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng đến niêm mạc miệng và tuyến nước bọt, phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn có lợi. Điều này có khả năng dẫn đến các biến chứng như lở miệng, nhiễm trùng và sâu răng.
Bằng cách thực hiện các bước chủ động để bảo vệ và nâng cao sức khỏe răng miệng, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể những nguy cơ này. Dưới đây là sáu cách để cải thiện chế độ chăm sóc răng miệng.
Dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng. Dùng chỉ nha khoa trước để loại bỏ mảng bám thức ăn giữa các kẽ răng để đánh răng sạch hơn.
Chú ý vệ sinh lưỡi. Giữ cho lưỡi sạch sẽ góp phần duy trì môi trường răng miệng khỏe mạnh vì vi khuẩn gây hôi miệng, sâu răng và bệnh về nướu thường cư trú và ẩn náu trên lưỡi. Hãy thường xuyên vệ sinh lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi để loại bỏ vi khuẩn tích tụ, ngăn ngừa nguy cơ viêm nướu và sâu răng.
Dùng nước súc miệng để có thêm lớp bảo vệ. Kết hợp đánh răng, dùng chỉ nha khoa thường xuyên và dùng nước súc miệng có fluoride giúp loại trừ mảng bám thức ăn, mà nếu không được lấy ra có thể dẫn đến các bệnh răng miệng nghiêm trọng hơn. Nếu bạn đang bị viêm nhiễm trong khoang miệng, lở miệng hoặc bệnh về nướu, hãy cân nhắc sử dụng nước súc miệng có chứa chlorhexidin. Loại nước súc miệng này thường được bác sĩ hoặc nha sĩ kê để diệt vi khuẩn trong miệng và làm giảm tình trạng viêm nướu.
Chú ý ăn uống. Ngoài việc hạn chế thực phẩm có đường và axit làm mòn men răng và dẫn đến sâu răng, hãy bổ sung các thựa phẩm có lợi cho sức khỏe răng miệng. Các loại trái cây giòn, nhiều chất xơ như táo và lê có tác dụng như những chiếc bàn chải đánh răng tự nhiên. Khi nhai những trái cây này trong miệng sẽ kích thích sản xuất nước bọt giúp trung hòa axit có hại và giữ gìn răng sạch sẽ.
Uống đủ nước. Nước uống giúp làm sạch miệng, loại bỏ các mảnh vụn thức ăn và làm loãng axit có hại để ngăn ngừa sâu răng. Uống nước đầy đủ cũng thúc đẩy quá trình sản xuất nước bọt cần thiết cho quá trình tiêu hóa và bảo vệ men răng.
Khám nha khoa ít nhất hai lần một năm. Mặc dù đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày giúp bảo vệ răng và nướu khỏe mạnh, nhưng chúng ta vẫn cần phải đến nha khoa để kiểm tra và chăm sóc toàn diện. Đặt mục tiêu khám răng ít nhất hai lần một năm. Những lần thăm khám này sẽ làm sạch chuyên nghiệp loại bỏ cao răng mà đánh răng không chạm tới và kiểm tra kỹ lưỡng để xác định sâu răng. Quan trọng hơn là nha sĩ sẽ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường trong khoang miệng, bao gồm cả những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư để có thể can thiệp điều trị kịp thời.
1Trường y tế công cộng Harvard T.H. Chan. (2020). ‘Bệnh nướu răng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa cao hơn.’ Harvard T.H. Chan School of Public Health News. Lấy từ www.hsph.harvard.edu/news/hsph-in-the-news/gum-disease-gastrointestinal-cancer-risk/
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Phòng ngừa Ung thư |
GẮN THẺ | ung thư miệng |
Đọc thêm | Ung thư dạ dày , Ung thư thực quản |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Tư 2024 |