Lời khuyên của một bệnh nhân sống sót sau ung thư vú: Tự làm chủ cuộc đời


Hành trình chiến đấu với ung thư vú của bà Choo Siew Tiang cho thấy rằng: sức mạnh tinh thần và tình thân là ánh sáng dẫn lối trong thời khắc đen tối nhất cuộc đời.

Có 3 khối u to bằng hạt lạc được phát hiện ở vú trái. Trải qua 3 cuộc phẫu thuật ở các năm khác nhau. Một lần phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú. Năm tuần xạ trị. Hai tháng rưỡi hóa trị. Tái khám nhiều vô số kể. Uống nhiều loại thuốc cho đến bây giờ.

Không thể phủ nhận rằng bà Choo Siew Tiang, 69 tuổi, đã trải qua một hành trình hao mòn thể chất và tinh thần để cố gắng duy trì tình trạng thuyên giảm bệnh ung thư vú không có đột biến gen giai đoạn 2.

Là một người nội trợ, mẹ của hai người con đã trưởng thành và là một người đam mê bộ môn cầu lông, bà Choo đặc biệt rất chú trọng đến việc tự kiểm tra vú (BSE), có lẽ là do ảnh hưởng từ mẹ bà - người có tiền sử u vú và đã phẫu thuật cắt bỏ u. "Có lẽ đó là lý do tại sao tôi luôn đặc biệt chú ý kiểm tra vú khi tắm", bà Choo hiện đang làm việc bán thời gian tại một cửa hàng Đan Mạch chuyên về đồ nội thất trẻ em.

Thao tác đơn giản này, chỉ mất vài giây, đã giúp bà phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm. Theo Cơ quan đăng ký ung thư Singapore, các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2 có tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm là 80%.

Bắt đầu cuộc chiến gian nan

Bà Choo phát hiện khối u đầu tiên vào năm 1994. Sau đó, phát hiện thêm khối u thứ hai có kích thước tương tự vào năm 2004 khi tự kiểm tra vú. Bà đã được phẫu thuật cắt bỏ u tại hai bệnh viện tư khác nhau và kết quả sinh thiết là lành tính.

Năm 2009, bà phát hiện khối u thứ ba khi đang tắm. Thật không may, lần này, kết quả sinh thiết là dương tính với bệnh lý ác tính. Bà Choo được chuyển đến Trung tâm Ung thư Parkway (PCC) để điều trị dưới sự chăm sóc của Bác sĩ See Hui Ti - chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa.

“Tôi đã hy vọng rằng kết quả sinh thiết là bình thường và khối u không phải là ung thư. Nhưng khi nhận được kết quả, tôi đã rất sốc”, bà Choo nhớ lại. “Tôi tự hỏi, ‘Tại sao lại là tôi? Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?’”

Mặc dù rất đau buồn khi nhận chẩn đoán bệnh, bà vẫn lấy hết can đảm và đặt tất cả niềm tin vào chuyên môn của bác sĩ. “Lúc đó, tôi không biết gì khác ngoài việc phải tin vào lời khuyên của bác sĩ.”

Năm 2010, ở tuổi 56, bà đã làm phẫu thuật cắt bỏ vú trái. Chồng và hai người con của bà lo sợ rằng ung thư có thể đã di căn. May mắn thay, nỗi lo sợ của họ đã không xảy ra. Khoảng thời gian đó đặc biệt khó khăn đối với bà Choo vì em gái bà đúng lúc bị tái phát bệnh .ung thư buồng trứng sau 10 năm. Mặc dù phải điều trị bệnh, bà Choo vẫn thường xuyên đến thăm em gái tại bệnh viện.

Bà nhớ lại: “Lúc đó, em gái tôi đi lại khó khăn, nhưng em ấy đã đến thăm khi tôi vừa làm xong phẫu thuật. Hai chị em chúng tôi rất thân thiết và chúng tôi nương tựa vào nhau trong suốt hành trình chữa bệnh”.

Một thời gian sau, em gái của bà Choo không may đã qua đời.

Sau khi chụp CT, bà Choo bắt đầu hóa trị và hoàn thành chu kỳ cuối cùng vào năm 2012. Một năm sau, bà bị tái phát. Quá trình điều trị tiếp theo cần phải xạ trị hàng ngày trong 5 tuần, mỗi buổi xạ trị kéo dài từ 5-8 phút.

“Xạ trị vô cùng đau đớn và các tác dụng phụ làm phồng rộp da và khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Cơ thể tôi dường như không chịu nổi; Tôi đã khóc rất nhiều mỗi lần xạ trị.”

Bà Choo cho biết 4 chu kỳ hóa trị mà bà đã trải qua “dễ chịu hơn nhiều”. Tuy nhiên, hóa trị cũng gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau: ăn uống dần nhạt nhẽo, rụng tóc và liên tục cảm thấy đầy hơi. Bà phải mất 30 phút chỉ để uống một cốc nước lọc. Cảm giác bứt rứt khó chịu khiến bà cứ thường xuyên quẩn quanh trong nhà mình hơn nửa giờ đồng hồ.

Sức mạnh tinh thần của con người

Điều khiến bà Choo tiếp tục cố gắng chính là quyết tâm có được một cuộc sống khỏe mạnh và năng động, một cuộc sống mà bà có thể làm những điều mình thích. Bà chia sẻ: “Gia đình luôn ủng hộ tôi trên mọi bước đường. Sau mỗi đợt hóa trị, tôi sẽ có một bữa tiệc nhỏ để ăn mừng, đôi khi là với gia đình hoặc chỉ mình tôi và con trai”. “Tôi cũng tìm thấy được sức mạnh khi tập thể dục, đó chính là niềm đam mê của tôi”.

Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bà Choo thỉnh thoảng vẫn đi leo núi, bơi và chạy bộ. Bà chia sẻ: “Tôi thậm chí còn leo núi Kinabalu”. Tuy nhiên, trong thời gian hóa trị, bà không thể tiếp tục các môn thể thao này. Bác sĩ See khuyên bà nên chuyển sang đi bộ nhanh, và bà đã làm theo.

Một tác dụng phụ khác của hóa trị ảnh hưởng đến bà Choo chính là chứng mất ngủ; bà không thể ngủ được nhiều hơn 1-2 giờ mỗi đêm. Bà chia sẻ: “Tôi thức dậy vào sáng sớm, vươn vai và ra ngoài lúc 5:30 sáng để đi bộ dọc theo công viên gần nhà. Một giờ sau, tôi quay về, nấu bữa sáng và làm việc nhà”.

Bên cạnh việc tập thể dục, bà Choo còn thích nấu ăn và ăn uống. Bà luôn cố gắng nấu ăn trong bếp bất cứ khi nào có thể và luôn sẵn sàng thử các công thức nấu ăn mới. Là một người gốc Triều Châu, bà thích các món ăn truyền thống sử dụng rau củ, gừng và tỏi.

“Tôi hạn chế đồ ngọt, đồ chiên và thịt đỏ. Tôi có thể ăn súp cá và các loại cá hàng ngày. Tôi tin rằng điều này đã giúp ích cho quá trình phục hồi.”

Chiến thắng ung thư

Bà Choo vẫn luôn là một người năng động và tràn đầy sức sống mỗi ngày. Trong suốt quá trình điều trị, bà không quá dựa dẫm vào người chăm sóc. Bà vẫn là một người phụ nữ độc lập, luôn nỗ lực từng ngày và chăm sóc gia đình để mọi người không phải quá lo lắng cho bà.

Cho đến hiện tại, quá trình điều trị của bà vẫn tiếp tục duy trì tình trạng bệnh thuyên giảm. Bà dùng nhiều loại thuốc khác nhau và đến bệnh viện 2 tuần 1 lần hoặc hàng tuần để kiểm tra, xét nghiệm máu và tiêm thuốc 3 tuần 1 lần. “Bác sĩ See chăm sóc tôi rất tốt. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm ý kiến thứ hai; tôi hoàn toàn tin tưởng bác sĩ.”

Để tăng cường khả năng miễn dịch, bà Choo ăn các món súp nhẹ bụng và dùng thực phẩm bổ sung giàu chất chống oxy hóa. Trong 9 năm qua, bà đã dùng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng từ thương hiệu USANA của Mỹ, cung cấp các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cần thiết cho cơ thể. Bà Choo luôn đảm bảo phải được bác sĩ kiểm tra và đồng ý trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào.

Bà Choo cũng rất thích chơi cầu lông. Bà thường họp mặt với 3 nhóm cầu lông khác nhau: một nhóm vào thứ Hai, một nhóm vào thứ Tư và thứ Sáu, và một nhóm bà đã chơi cùng mọi người đến tận bây giờ là 22 năm vào thứ Bảy.

“Tôi rất ngạc nhiên khi bệnh tình đã thuyên giảm trong thời gian dài như vậy. Bác sĩ See nói rằng tôi có tinh thần chiến đấu rất mãnh liệt. Tôi đã cố gắng không suy nghĩ quá nhiều về bệnh tình của bản thân.”

Lời khuyên của bà dành cho các bệnh nhân ung thư vú chính là: “Điều trị ung thư không phải là một hành trình dễ dàng, nhưng hãy mạnh mẽ để đối mặt với thực tế. Đừng suy nghĩ quá nhiều. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta chính là tìm kiếm một bác sĩ giỏi để điều trị bệnh. Hãy lắng nghe họ và thảo luận về phương pháp điều trị của mỗi người.”

“Hành trình điều trị của mỗi bệnh nhân sẽ rất khác nhau. Đừng ngại đặt câu hỏi và quan trọng nhất là hãy luôn lạc quan. Ngay cả trong thời khắc khó khăn nhất cuộc đời, khi chúng ta quá đau đớn và muốn từ bỏ, lòng dũng cảm sẽ giúp ta vượt qua mọi thứ.”

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Cuộc sống sau điều trị ung thư, Gặp gỡ và Trò chuyện
GẮN THẺ life after cancer, các tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, chiến thắng ung thư, chụp nhũ ảnh vú, lối sống lành mạnh, phẫu thuật cắt bỏ vú, tự kiểm tra ung thư, ung thư tái phát, ung thư vú
Đọc thêm Ung thư vú
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Mười 2024