Đồng cảm và kiên trì vượt qua căn bệnh ung thư

Đóng góp bởi: Chia Hui Erl

khi ung thư xuất hiện trong gia đình, bệnh sẽ tác động đến tất cả các thành viên trong gia đình. Hãy cùng nhau tìm hiểu cách đối mặt với bệnh tật bằng sự đoàn kết và sức mạnh.

Chẩn đoán ung thư không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xung quanh họ. Trải nghiệm khá choáng ngợp vì việc điều trị ung thư thường cần một loạt những thay đổi phức tạp về chế độ sinh hoạt và phản ứng cảm xúc. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát, xử lý cảm xúc.

Bệnh nhân và người thân cũng sẽ trải qua cảm giác vô định khi suy nghĩ về tương lai phía trước. Nhưng đây chính là một giai đoạn giúp xây dựng tình cảm gia đình cùng yêu thương, đồng cảm và kiên trì bên nhau.

Khi hiểu được những thay đổi bệnh nhân gặp phải sau khi chẩn đoán bệnh, mọi người từ đó chung tay để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, hỗ trợ bệnh nhân trong hành trình đầy thử thách này.

Dưới đây là một số thay đổi mà bệnh nhân và gia đình có thể trải qua và cách để cùng nhau vượt qua thử thách:

THÍCH ỨNG VÀ ĐÓN NHẬN THAY ĐỔI

Ung thư sẽ làm thay đổi vai trò, trách nhiệm trong gia đình và các mối quan hệ. Bệnh nhân dường như mất đi khả năng hoạt động như ngày trước, và các thành viên trong gia đình phải gánh vác thêm trách nhiệm mới, thay đổi này đôi khi lại quá sức và dần sinh ra cảm giác thất vọng, oán giận. Về phía bệnh nhân thì sẽ nảy sinh cảm giác tội lỗi hoặc đau buồn khi phải để người khác chăm sóc mình. Điều quan trọng là chúng ta cần phải biết được những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến tất cả mọi người. Khi phải tập trung nhiều hơn vào sức khỏe thì những ưu tiên khác trong cuộc sống sẽ thay đổi. Vì thế bệnh nhân cần thẳng thắn trao đổi vấn đề này với người thân. Khi bày tỏ được nhu cầu và mối quan tâm hiện tại, gia đình sẽ thấu hiểu và đồng cảm hơn cho tình cảnh của bệnh nhân.

THAY ĐỔI NHU CẦU THỂ CHẤT VÀ CẢM XÚC

Ung thư và quá trình điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến các nhu cầu thể chất như khẩu vị ăn uống và mức năng lượng của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ không còn cảm giác vui vẻ khi ăn món ăn hoặc làm những hoạt động ưa thích của ngày trước. Đây là một số thay đổi xuất hiện khi chẩn đoán ung thư làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý.

Bệnh nhân còn phải chống chọi với cảm xúc buồn bã, lo lắng, tức giận hoặc thậm chí là tuyệt vọng. Họ và người thân trong gia đình đều cần thời gian thích nghi với thay đổi cảm xúc trong thời gian trị bệnh. Người thân sẽ gặp khó khăn khi đọc vị cảm xúc hoặc tìm cách giúp đỡ cho người bệnh. Vì thế các thành viên cần cân nhắc trò chuyện cởi mở và bày tỏ rõ ràng về nhu cầu hiện tại của bản thân.

KHUYẾN KHÍCH GIẢI BÀY TÂM SỰ

Thay vì né tránh (để không gây tổn thương hoặc khơi mào xung đột) khi đối mặt với bệnh ung thư, bạn nên tìm cách nói chuyện cởi mở với người thân. Trò chuyện về cảm xúc, nỗi sợ và mối quan tâm của bản thân có thể giúp giảm bớt gánh nặng cảm xúc và thắt chặt tình cảm gia đình. Chủ động bày tỏ suy nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng. Hãy khuyến khích gia đình và bạn bè cùng chia sẻ suy nghĩ của họ, từ đó các bên sẽ cởi mở và hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn.

TRÒ CHUYỆN CÙNG CON CÁI

Khi cha mẹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, phản ứng đầu tiên thường là muốn giấu con cái về bệnh tình của mình hoặc chần chừ không thông báo. Nói sự thật với con về bệnh ung thư là một thử thách lớn vì con trẻ có thể chưa hiểu biết về căn bệnh này. Mặc dù đây là một quyết định khó khăn nhưng nghiên cứu cho thấy rằng trò chuyện cởi mở sẽ giúp trẻ đối phó và thích nghi tốt hơn. Do đó phụ huynh cần cân nhắc giao tiếp cởi mở với trẻ để chúng hiểu rõ hơn tình trạng hiện tại của bố mẹ mình. Điều chỉnh nội dung trò chuyện phù hợp với độ tuổi của trẻ và chuẩn bị những tình huống mà chúng có thể trải qua - ví dụ: thay đổi về ngoại hình của bố mẹ. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn khi đón nhận tin buồn.

THAY ĐỔI MỤC TIÊU TRƯỚC MẮT

Chẩn đoán ung thư thường làm thay đổi hy vọng và ước mơ mà bệnh nhân và gia đình họ ấp ủ. Kế hoạch phát triển sự nghiệp, nghỉ hưu hoặc thậm chí làm cha mẹ thay đổi có thể dẫn đến cảm xúc buồn bã, tuyệt vọng hoặc thậm chí tức giận. Vì thế việc chuyển hướng và xây dựng mục tiêu lại từ đầu sẽ giúp người bệnh và gia đình vượt qua cảm xúc tiêu cực (ví dụ: mục tiêu hoàn thành điều trị ung thư). Những điều tưởng chừng như quan trọng trước khi chẩn đoán ung thư giờ đây sẽ nhường chỗ cho kế hoạch mới như là dành nhiều thời gian cho gia đình. Tạm dừng một số dự định thay vì gạch bỏ chúng hoàn toàn có thể giúp bạn từ từ tiến lên và vẫn giữ vững tinh thần lạc quan.

THẮT CHẶT TÌNH CẢM GIA ĐÌNH

Điều trị ung thư sẽ làm xáo trộn quỹ thời gian và thói quen sinh hoạt trong gia đình. Các hoạt động hằng ngày cần phải nhẹ nhàng, yên tĩnh hơn hoặc chỉ xoay quanh khu vực gần nhà. Hãy tận dụng thời gian này để nuôi dưỡng các mối quan hệ xung quanh, tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Dành thêm thời gian bên nhau, chia sẻ kỷ niệm hay chỉ đơn giản là biết ơn sự quan tâm chăm sóc của mọi người dành cho mình cũng góp phần làm tình cảm các bên thêm sâu đậm.

Đặt ra giới hạn bản thân trong chăm sóc ung thư Hướng dẫn những người giúp đỡ quá nhiệt tình:

Việc đặt ra ranh giới rõ ràng rất quan trọng khi bạn bè hoặc người thân có thiện chí đang cố gắng quá mức để giúp đỡ và kiểm soát cuộc sống người bệnh. Chúng ta cần thẳng thắn kiên quyết nhưng phải nhẹ nhàng khi nói về những cách người khác có thể giúp mình. Ví dụ, có thể nói, “Được mọi người giúp đỡ có ý nghĩa rất lớn đối với mình, nhưng mình vẫn cần có không gian riêng hoặc chỉ cần hỗ trợ một vài việc”. Hãy truyền đạt rõ ràng nhu cầu của bạn và của gia đình để tránh hiểu lầm.

Giải thích nguyên nhân né tránh xã hội:

Bạn bè hoặc thành viên trong gia đình có thể tỏ ra xa cách sau khi người bệnh được chẩn đoán ung thư vì họ không biết phải nói gì hoặc phản ứng như thế nào. Tuy là rất đau khổ nhưng chúng ta hãy thông cảm rằng hành vi của họ có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi hoặc trải nghiệm đau đớn trong quá khứ dẫn đến hành động lạnh nhạt này. Một số người sẽ chọn rút lui, nhưng vẫn còn những người khác quyết định hỗ trợ người bệnh trong suốt thời gian bị bệnh.

Thoát khỏi những lời sáo rỗng:

Câu nói “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi” đôi khi làm bệnh nhân và gia đình khá khó chịu. Hãy khuyến khích trò chuyện cởi mở, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hiện diện và thấu hiểu của người thân. Và việc tâm sự về những lo lắng và sợ hãi là hoàn toàn bình thường.

Khuyến khích giao tiếp:

Thiếu đi kết nối và giao tiếp thường khiến người bệnh cảm giác cô lập, thất vọng và hiểu lầm. Duy trì việc giao tiếp rất quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa bệnh nhân ung thư và những người quan tâm đến họ, giúp các bên thấu hiểu và đồng cảm tốt hơn, điều cần thiết để giúp bệnh nhân và gia đình họ vượt qua trải nghiệm ung thư.

 

“Cùng nhau trò chuyện thẳng thắn về cảm xúc, nỗi sợ và mối quan tâm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cảm xúc và củng cố các mối quan hệ xung quanh.”
Ms Chia Hui Erl,
Chuyên gia tư vấn cấp cao, Y tế tương cận, Trung tâm Ung thư Parkway

 

Nguồn tham khảo


ĐÃ ĐĂNG TRÊN Sức khỏe tâm lý
GẮN THẺ chẩn đoán ung thư, người chăm sóc cho bệnh nhân ung thư, quản lý cảm xúc
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Tư 2024