Vắc-xin: Bước tiến tiếp theo trong điều trị ung thư

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Tanujaa Rajasekaran

Trong thập kỷ qua đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư như liệu pháp tế bào CAR T và thuốc ức chế điểm kiểm soát. Gần đây, chúng ta có thêm một trong những phát triển đầy hứa hẹn là việc sử dụng vắc-xin vào điều trị ung thư.

Mặc dù thường được sử dụng để phòng bệnh như COVID-19, nhưng giờ đây vắc-xin đang bắt đầu có động lực trong lĩnh vực điều trị ung thư. Những nỗ lực ban đầu nhằm phát triển vắc-xin ung thư đã tiến hành từ những năm 1910, nhưng phải đến năm 2010, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới chính thức phê duyệt cho loại vắc-xin điều trị ung thư đầu tiên – Sipuleucel-T. Vắc-xin này được phát triển để điều trị ung thư tuyến tiền liệt1.

Vắc-xin ung thư chính là một bước đột phá trong lĩnh vực điều trị ung thư và tận dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại các khối u ác tính. Không giống như các loại vắc xin truyền thống ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, vắc xin ung thư sẽ kích thích phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư hiện có. Cách tiếp cận sáng tạo này hứa hẹn sẽ cung cấp các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu và cá nhân hóa cho nhiều loại ung thư khác nhau.

Chúng ta còn có những loại vắc-xin ung thư giúp người khỏe mạnh phòng tránh các bệnh ung thư do vi-rút gây ra. Giống như vắc xin thủy đậu hoặc cúm, những vắc xin này bảo vệ cơ thể chống lại các vi rút mà có thể gây ra một số bệnh ung thư.

Loại vắc xin này sẽ chỉ có tác dụng nếu một người được tiêm vắc xin trước khi họ bị nhiễm vi rút. Có hai loại vắc xin ngăn ngừa ung thư đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt:

  1. Vắc xin ngừa HPV. Vắc-xin bảo vệ chống lại vi-rút u nhú ở người (HPV). Nếu loại virus này tồn tại lâu trong cơ thể thì sẽ sinh ra một số loại ung thư. FDA đã phê duyệt vắc xin HPV phòng ngừa nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ.
  2. Vắc xin viêm gan B. Vắc-xin bảo vệ chống lại vi-rút viêm gan B (HBV). Loại virus này có thể gây ung thư gan.

Ngoài ra còn có các loại vắc xin điều trị bệnh ung thư hiện có, được gọi là vắc xin điều trị hoặc liệu pháp vắc-xin. Chúng có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh ung thư. Các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm vắc xin điều trị cho những bệnh nhân đã mắc bệnh ung thư.

Vắc-xin ung thư hoạt động như thế nào?

Nhờ những tiến bộ trong liệu pháp miễn dịch giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách các tế bào ung thư ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể và cách để giải quyết chúng. Tương tự như các liệu pháp miễn dịch khác, vắc-xin ung thư cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và tiêu diệt tế bào ung thư.

Vắc-xin ung thư hoạt động bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công các tế bào ung thư một cách có chọn lọc. Chúng thường kết hợp các kháng nguyên hoặc protein đặc hiệu với ung thư và kích thích hệ thống miễn dịch nhận ra những tế bào bất thường này là mối đe dọa cần tiêu diệt.

Quá trình nhận biết miễn dịch này giúp cơ thể chủ động tấn công và chống lại bệnh ung thư, củng cố cơ chế bảo vệ tự nhiên để loại bỏ các tế bào ác tính. Cách tiếp cận này có tiềm năng mở rộng thêm các lựa chọn điều trị ung thư.

Thật không may, cấu trúc sinh học khối u khá phức tạp. Với sự đa dạng phân tử rộng lớn, việc xác định các kháng nguyên mục tiêu hiệu quả hiện vẫn là một thách thức2. Hơn nữa, yếu tố môi trường vi mô khối u (TME) có thể ảnh hưởng đến hiệu quả chống ung thư của vắc xin3.

Những phát triển tiếp theo trong lĩnh vực vắc-xin ung thư

Trong thập kỷ qua đã có một số tiến bộ trong công nghệ y học giúp ích rất nhiều cho việc phát triển vắc-xin ung thư. Những tiến bộ này bao gồm phương pháp phổ khối lượng, công nghệ 'omics' phân tích biểu hiện tế bào đơn lẻ của gen và protein, dự đoán kháng nguyên mới, sinh học tính toán và công nghệ máy học4.

Ngoài ra, tại Hội nghị chuyên đề thường niên do Viện Koch tổ chức năm 2023 5 đã tuyên bố rằng việc tạo ra vắc xin mRNA phù hợp với từng bệnh nhân dựa trên các kháng nguyên đặc hiệu dành cho bệnh ung thư thể hiện trên khối u của bệnh nhân chính là bước tiếp theo trong quá trình phát triển vắc xin ung thư. Vấn đề này mang tính khả thi nhờ quá trình phát triển vắc xin mRNA tiêu tốn ít thời gian hơn so với vắc xin dựa trên protein tái tổ hợp truyền thống.

Việc phát triển vắc xin mRNA có những thách thức riêng, nhưng những loại vắc xin cá nhân hóa này đang mang lại kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng. Hơn nữa, việc kết hợp vắc-xin ung thư với các phương pháp điều trị khác như thuốc ức chế điểm kiểm soát hoặc hóa trị truyền thống là một lĩnh vực khác khá thú vị mà các nhà nghiên cứu đang khám phá.

Hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn

Sự phát triển của vắc-xin ung thư đang dần thay đổi mô hình điều trị ung thư. Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần cải thiện nhưng những tiến bộ đạt được cho đến nay là rất đáng giá. Các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành và tiếp tục khai phá tiềm năng của vắc-xin ung thư, đây chính là hướng đi tiếp theo trong quá trình phát triển phương pháp điều trị ung thư.

Với phương pháp điều trị cá nhân hóa và tiềm năng kết hợp các liệu pháp, tương lai của việc điều trị ung thư sẽ càng hứa hẹn hơn bao giờ hết. Các bệnh nhân, bác sĩ và nhà nghiên cứu đều mong muốn đón nhận bước tiếp theo này trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư, mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư.

1 Martin A. Cheever, Celestia S. PROVENGE (Sipuleucel-T) in Prostate Cancer: The First FDA-Approved Therapeutic Cancer Vaccine. Clinical Cancer Research, 2011.
2Buonaguro L, Tagliamonte M. Selecting Target Antigens for Cancer Vaccine Development. National Library of Medicine, 2020.
3Xie YJ et. al. Overcoming Suppressive Tumor Microenvironment by Vaccines in Solid Tumor. National Library of Medicine, 2023.
4Schroeder, Bendta. A snapshot of cancer vaccine development. MIT News, 2023.
5Ibid

 

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư
GẮN THẺ các phương pháp điều trị ung thư mới, đột phá mới nhất về ung thư, liệu pháp miễn dịch, tiêm phòng, ung thư do virus u nhú ở người (HPV)
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG HAI 2024