Những việc cần làm để nâng cao nhận thức về ung thư vú


Tháng Nhận thức về Ung thư Vú (BCAM) là tháng toàn thế giới cùng chung tay hỗ trợ các bệnh nhân ung thư vú và những người sống sót sau căn bệnh này. Trong số HealthNews tháng này, ngoài việc đeo ruy băng màu hồng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm những hoạt động giúp nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú.

Trong tháng 10, còn được gọi là Tháng Nhận thức về Ung thư Vú (BCAM), theo truyền thống mọi người sẽ đeo ruy băng màu hồng để ủng hộ bệnh nhân và những người sống sót sau căn bệnh ung thư vú, nhưng bạn có biết vì sao ruy băng hồng được chọn làm biểu tượng cho ung thư vú không?

Lịch sử của việc đeo ruy băng để bày tỏ sự ủng hộ bắt nguồn từ bài hát nổi tiếng năm 1973, “Buộc dải ruy băng màu vàng quanh cây sồi Ole”, đã truyền cảm hứng cho các tù nhân Việt Nam trong thời kì chiến tranh. Một thời gian sau đó, nhiều dải ruy băng màu vàng được buộc quanh thân cây để tưởng nhớ các con tin người Mỹ ở Iran vào năm 1979, sau đó đã truyền cảm hứng sử dụng ruy băng màu đỏ để nâng cao nhận thức về Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Bà Charlotte Haley chính là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đeo ruy băng màu hồng để nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú – là căn bệnh mà bản thân bà, chị gái và con gái đều mắc phải. Tuy nhiên bà Susan G. Komen mới là người đã giúp dải ruy băng màu hồng trở nên phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay.

Chúng ta có thể làm gì để nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú?

Nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú không chỉ đơn thuần là đeo dải ruy băng màu hồng trong tháng BCAM; quan trọng nhất chính là kiến thức được giáo dục, xóa bỏ kỳ thị, ủng hộ công tác phòng bệnh và hỗ trợ các tổ chức nhân đạo.

  1. Giáo dục kiến thức

    Ở mức độ cá nhân, chúng ta phải tự giáo dục bản thân và nhận thức đầy đủ về sức khỏe nhũ khoa bao gồm tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư vú để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ. Những nguy cơ gây bệnh bao gồm1:

    • Tiền sử gia đình
    • Một số đột biến gen di truyền
    • Tiền sử bệnh lý nhũ khoa ác tính hoặc lành tính (không ung thư)
    • Có kinh nguyệt sớm
    • Mãn kinh muộn
    • Có con đầu lòng sau 35 tuổi
    • Có ít con cái hoặc chưa từng có con
    • Đang điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone
    • Uống quá nhiều rượu
    • Thừa cân hoặc béo phì

    Bên cạnh các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vú, điều quan trọng là phải nhận biết được các triệu chứng ung thư vú cụ thể. Để nhận biết chúng, chúng ta cần học cách tự kiểm tra vú hàng tháng (BSE) và biết khi nào nên đi khám.

    Phụ nữ trên 40 tuổi nên bắt đầu chụp nhũ ảnh hàng năm, nhưng những ai có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú thì nên sàng lọc bệnh sớm hơn2. Mặc dù chụp nhũ ảnh không phổ biến mấy với nam giới, nhưng bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm sàng lọc thường xuyên và theo dõi nếu người ấy có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc đột biến gen di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nam giới.

  2. Giảm bớt sự kỳ thị

    Xã hội hiện nay vẫn còn xu hướng kỳ thị bệnh ung thư; hành vi tiêu cực này bắt đầu ngay cả trước khi một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và còn tiếp diễn ngay cả khi chữa bệnh thành công. Lý do bệnh ung thư vú bị kỳ thị là vì sự sợ hãi bệnh tật, thông tin hoặc quan niệm sai lầm về ung thư vú. Để chống lại hành vi kỳ thị, chúng ta phải nâng cao nhận thức và bình thường hóa việc đánh giá lâm sàng, tầm soát ung thư vú và các liệu pháp điều trị.

    Sau khi đã hiểu rõ về sức khỏe nhũ khoa, chúng ta cần hướng dẫn mọi người và tuyên truyền kiến thức đúng đắn về ung thư vú như các yếu tố nguy cơ và triệu chứng bệnh. Điều này sẽ giúp bình thường hóa việc tham gia các chương trình tầm soát ung thư vú để phát hiện bệnh sớm, và góp phần xóa bỏ suy nghĩ kỳ thị đối với bệnh ung thư.

  3. Hỗ trợ các tổ chức nhân đạo

    Trong tháng BCAM, dải ruy băng màu hồng sẽ xuất hiện khắp nơi. Trên thực tế, màu hồng đã gắn liền với chiến dịch BCAM và nhiều công ty, tổ chức cũng tiến hành quảng cáo các sản phẩm màu hồng nhằm ủng hộ chiến dịch.

    Mặc dù hành động này góp phần nâng cao nhận thức nhưng nhiều công ty đã bị cáo buộc là “tẩy hồng” – đây là một thuật ngữ do Tổ chức Hành động Ung thư Vú sử dụng nhằm minh họa cách một số tổ chức tuyên bố ủng hộ ung thư vú bằng cách quảng cáo sản phẩm với hình ảnh ruy băng hồng, nhưng đồng thời lại sản xuất và kinh doanh sản phẩm có chứa hóa chất gây bệnh ung thư.

    Nhiều tổ chức cũng sử dụng màu hồng để tiếp thị sản phẩm vì lợi nhuận thay vì khuyến khích gây quỹ cho bệnh nhân ung thư vú. Chúng ta cần cảnh giác với những tổ chức này và chỉ hỗ trợ những thành viên có đóng góp tích cực cho nghiên cứu và các tổ chức phi lợi nhuận.

    Ngoài ra, chúng ta có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ do những bệnh nhân sống sót sau ung thư vú điều hành hoặc quyên góp trực tiếp cho các tổ chức nghiên cứu ung thư và các tổ chức ung thư vú phi lợi nhuận, chẳng hạn như Tổ chức Ung thư Vú (BCF). Chúng ta cũng có thể quyên góp cho tổ chức BCF tại các phòng khám của Trung tâm Ung thư Parkway (PCC) có đặt hộp quyên góp quỹ BCF trong tháng 10.

Cùng nhau tạo nên khác biệt

Mọi người đều có khả năng tạo nên khác biệt – từ những hành động nhỏ nhặt như đeo dải ruy băng hồng để nâng cao nhận thức trong chiến dịch BCAM. Điều quan trọng là mỗi cá nhân cẩn chủ động nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú. Những nỗ lực của cộng đồng không chỉ giúp giảm bớt sự kỳ thị xung quanh bệnh ung thư vú mà còn giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe nhũ khoa cho người thân, bạn bè.

1 “Breast Cancer”. PCC.
2 “Male vs Female Breast Cancer: What is the Difference?”. PCC, 2022.
GẮN THẺ nhận thức về ung thư, ung thư vú
Đọc thêm Ung thư vú
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Mười 2023