Chiến lược điều trị ung thư bằng kiến thức và tinh thần lạc quan

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Richard Quek, Chia Hui Erl

Các chuyên gia cùng nhau chia sẻ về những vấn đề phức tạp liên quan đến ung thư.

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ THƯỜNG KẾT HỢP VỚI CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN VÀ QUY TRÌNH Y TẾ CHUẨN XÁC. Tuy vậy, chúng ta cũng cần chú trọng hơn về vấn đề chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Bác sĩ Richard Quek, Chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa thuộc Trung tâm Ung thư Parkway (PCC), đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề của PCC với chủ đề: “Thích nghi với thay đổi”.

Sự kiện được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 năm 2024 nhằm hỗ trợ những bệnh nhân mới được chẩn đoán ung thư, những người sắp hoàn thành điều trị và người chăm sóc bệnh nhân. Sự kiện có sự tham gia của năm chuyên gia chăm sóc sức khỏe cùng mang đến những thông tin hữu ích để chúng ta có được cái nhìn chuyên sâu và giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến ung thư.

Sự hiểu biết là chìa khóa để kiểm soát cuộc sống toàn diện

Bà Jeyanthi Anandan, điều dưỡng trưởng tại trung tâm PCC, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị tốt cho việc điều trị, lưu ý đến các tác dụng phụ – bao gồm buồn nôn, táo bón và thay đổi tâm trạng sẽ xuất hiện và mỗi bệnh nhân sẽ có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, nhưng thường những triệu chứng này chỉ tạm thời và có thể kiểm soát được. Bà Jeyanthi khuyên rằng: “Hãy nhận biết những tác dụng phụ nào thường gặp nhất với loại hóa chất mình đang điều trị. Khi chúng ta hiểu được cách thức hoạt động của hóa trị, cũng như đặt ra những kỳ vọng rõ ràng về kết quả tích cực và đầy thách thức, sẽ giúp cho bệnh nhân cảm giác có thể kiểm soát và giúp họ chấp nhận chẩn đoán ung thư dễ dàng hơn.

Hiểu rằng cảm giác mệt mỏi là một phần của hành trình điều trị

Thiếu động lực và khó tập trung là những dấu hiệu phổ biến khi bệnh nhân bắt đầu mệt mỏi trong và sau quá trình điều trị. Bà Stella Teo, điều dưỡng cấp cao tại PCC, khuyến nghị bệnh nhân nên bổ sung thêm carbohydrate phức hợp trong bữa ăn để duy trì năng lượng, đi bộ từ 5 - 10 phút mỗi ngày và tăng dần thời gian khi sức khỏe cải thiện. Đưa liệu pháp mùi hương vào không gian sống cũng mang lại cảm giác sảng khoái, tươi trẻ cho người bệnh.

Cảm giác tội lỗi khi nghỉ ngơi suốt cả ngày là phản ứng điển hình của bệnh nhân. Chuyên gia Teo muốn động viên bệnh nhân rằng nhu cầu nghỉ ngơi là cần thiết và họ không nên tự trách bản thân. “Hãy nhớ phải thương yêu chính mình.”

Đối với những người chăm sóc bệnh nhân, chuyên gia Teo khuyên họ nên lắng nghe người thân nhiều hơn và đưa ra góp ý hữu ích khi cần thiết. Để không gây căng thẳng cho cả hai bên, người chăm sóc cũng phải học cách yêu bản thân mình.

Đôi khi, bệnh nhân sẽ không muốn ăn uống do tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến khẩu vị. Thay vì ép buộc họ ăn uống hoặc lo lắng vì đồ ăn không đủ ngon, hãy đồng cảm với cảm giác mệt mỏi mà họ đang trải qua. “Chỉ có người thân mới có thể động viên người bệnh để giúp họ hồi phục tốt hơn. Đừng bỏ cuộc.”

Hoàn thành những việc mình thích

Mệt mỏi vì ung thư thường dẫn đến suy giảm thể chất và khiến bệnh nhân trở nên tiêu cực với bản thân mình. Vì thế nên việc tập thể dục chính là hoạt động giúp tăng cường sức mạnh cơ thể và nâng cao sức khỏe tinh thần. Bà Kira Ho, chuyên gia vật lý trị liệu cấp cao tại Trung tâm phục hồi chức năng Parkway, IHH Healthcare Singapore, khuyến nghị nên kết hợp các hoạt động thú vị, dễ thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày. Những hoạt động này có thể đơn giản như đi bộ, khiêu vũ nhẹ nhàng hoặc giãn cơ tại nhà. Bà chia sẻ: “Bất kì mức độ hoạt động nào cũng đều có ích cho cơ thể”.

Đón nhận “con người mới”

Đối phó với bệnh ung thư đòi hỏi bản thân phải trải qua nhiều thay đổi và cần có thời gian cùng nỗ lực không ngừng để thích nghi. Bà Chia Hui Erl, Chuyên gia tư vấn cấp cao tại PCC, chia sẻ rằng cảm giác buồn bã và bất an là một phần cảm xúc trong hành trình điều trị ung thư. Bà khuyến khích bệnh nhân hãy làm quen và đón nhận con người “mới” của mình. Bệnh nhân được khuyến khích chủ động theo dõi quá trình chăm sóc điều trị bệnh của bản thân, chẳng hạn như ghi chép những suy nghĩ và các cột mốc quan trọng là một cách để phát triển tinh thần và cảm xúc. Chuyên gia Chia nhấn mạnh sức mạnh của việc tự tạo ra năng lượng tích cực: “Hãy lắng nghe những lời bạn tự động viên chính mình; hãy thấu hiểu cho nội tâm và tập trung vào những việc mình có thể làm để phát triển bản thân,” bà chia sẻ. “Điều này sẽ giúp bạn tìm được hướng đi mới sau khi đón nhận ‘con người mới’.”


Học cách thích nghi và kiên cường

Bà Shanice Yeow, Chuyên gia trị liệu phục hồi chức năng cấp cao tại Hiệp hội Ung thư Singapore, dẫn đầu Chương trình “Làm việc trở lại”. Chương trình này được thiết kế để hỗ trợ những người sống sót sau ung thư vượt qua những trở ngại liên quan đến công việc. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng những bệnh nhân sống sót sau ung thư thường gặp phải các vấn đề về khả năng di chuyển và sự tập trung bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và lòng tự tôn. Ngoài ra, áp lực từ cách ứng xử của đồng nghiệp cũng vô tình làm người bệnh bị tổn thương sâu sắc. Chuyên gia Yeow nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại cởi mở giữa những người sống sót sau ung thư và người sử dụng lao động, ủng hộ những kỳ vọng được hiểu lẫn nhau và điều chỉnh công việc linh hoạt.

“Trước đây, trọng tâm của chúng tôi phần lớn hướng về quá trình điều trị, sử dụng những công cụ tiên tiến nhất, những công nghệ tốt nhất. Trong những năm gần đây, phạm vi chăm sóc điều trị đã mở rộng và chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe toàn diện của bệnh nhân trong hành trình điều trị.”- Dr Richard QuekChuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa, trung tâm ung thư Parkway 

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư, Sức khỏe tâm lý
GẮN THẺ các tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, chẩn đoán ung thư, chiến thắng ung thư, đột phá mới nhất về ung thư, suy nghĩ tích cực về ung thư
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG SÁU 2024