Tin tức & Bài báo

Lời khuyên về dinh dưỡng để phục hồi và tăng cường sức khỏe sau ung thư

TThực phẩm phù hợp có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, cải thiện năng lượng và hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi điều trị ung thư.
UNG THƯ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA CƠ THỂ. Khi bạn hoàn thành chu kỳ hóa trị hoặc điều trị cuối cùng, việc ăn uống lành mạnh là rất cần thiết để hồi phục sức khỏe, tái tạo trương lực cơ và nâng cao sức khỏe tổng quát.
Trong quá trình điều trị, một số tác dụng phụ phổ biến như suy giảm nồng độ sắt sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi. Ngoài ra, chỉ số bạch cầu thấp cũng làm suy yếu chức năng miễn dịch và khiến cơ thể dễ bị viêm nhiễm hơn.
Do đó, bổ sung dinh dưỡng rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư, vì tiêu thụ đúng loại thực phẩm có thể tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung năng lượng và thúc đẩy quá trình cơ thể phục hồi.
Sau đây là một số mẹo giúp bệnh nhân ung thư xây dựng chế độ ăn tập trung vào quá trình phục hồi để hành trình điều trị trở nên dễ chịu và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
THỰC PHẨM GIÀU DINH DƯỠNG HỖ TRỢ MIỄN DỊCH
Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của bệnh nhân ung thư. Kết hợp các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể:
Trái cây và rau xanh tăng cường miễn dịch
Trái cây và rau xanh chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa thiết yếu giúp chống viêm và tăng cường khả năng miễn dịch.
Nên ăn gì:
- Trái cây họ cam quýt giàu vitamin C như cam và chanh, quả kiwi.
- Các loại quả mọng như việt quất và dâu tây để bổ sung chất chống oxy hóa.
- Rau lá xanh đậm như rau bina và cải xoăn để bổ sung chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch.
Mẹo: Nếu khó nhai, hãy xay trái cây thành sinh tố hoặc luộc để rau mềm hơn.
Thực phẩm giàu protein bổ sung sắt, tăng cường sức khỏe và khả năng phục hồi
Protein rất cần thiết cho quá trình phục hồi và sửa chữa mô, đặc biệt là sau khi cơ thể trải qua phương pháp điều trị như hóa trị. Thực phẩm giàu protein như thịt cũng có thể giúp cải thiện nồng độ sắt.
Nên ăn gì:
- Các loại thịt nạc như thịt gà, cá, trứng, đậu phụ và đậu.
- Các món ăn mềm như trứng rán hoặc cá luộc để dễ tiêu hóa hơn.
- Nếu bạn áp dụng chế độ ăn chay thì nên dùng thêm các loại đậu để tăng cường lượng protein và sắt.
Mẹo: Kết hợp cả protein từ động vật và thực vật như đậu trong mỗi bữa ăn để duy trì khối lượng cơ và mức năng lượng.
Thực phẩm probiotic và prebiotic hỗ trợ sức khỏe đường ruột
Sức khỏe đường ruột rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch. Lợi khuẩn (Probiotic) cung cấp nguồn vi khuẩn có lợi vào trong cơ thể, và chất xơ hòa tan (Prebiotic) sẽ nuôi dưỡng những vi khuẩn này.
Nên ăn gì:
- Probiotics: sữa chua, dưa cải và kim chi.
- Prebiotics: chuối, tỏi và măng tây.
Mẹo: Chọn sữa chua nguyên chất không đường để bổ sung dinh dưỡng hiệu quả nhất.
Chất béo omega-3 giảm viêm
Chất béo lành mạnh đóng vai trò làm giảm viêm và hỗ trợ phục hồi.
Nên ăn gì: Cá hồi, cá thu, quả óc chó, hạt lanh và hạt chia.
Mẹo: Rắc một ít hạt chia lên sữa chua hoặc yến mạch nấu chín để tăng cường omega-3 nhanh chóng.
Bù nước cho cơ thể
Uống đủ nước giúp không bị khô miệng, táo bón và mệt mỏi khi điều trị bệnh.
Nên uống gì: Nước lọc, trà thảo mộc hoặc trà hoa không chứa caffein, canh hầm trong và các loại trái cây mọng nước như dưa hấu.
Mẹo: Uống từng ngụm nước nhỏ trong ngày nếu bạn không thể uống quá nhiều nước.
HƯỚNG DẪN TỪNG BỆNH NHÂN ĐỂ BỔ SUNG DINH DƯỠNG TỐT HƠN
Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bệnh nhân ung thư là khác nhau. Nên tư vấn với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng được một chế độ ăn uống phù hợp với kế hoạch điều trị và tác dụng phụ mà mỗi bệnh nhân gặp phải. Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bệnh nhân bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để dần hồi phục sau thời gian điều trị.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Dinh dưỡng |
GẮN THẺ | healthy food, các tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, lối sống lành mạnh, thực phẩm và nấu ăn lành mạnh |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Hai 2025 |