Sức khỏe nam giới: Tìm hiểu về sức khỏe và những thay đổi của tuyến tiền liệt

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Wong Siew Wei

Chăm sóc sức khỏe tuyến tiền liệt rất quan trọng vì bộ phận này thường phát sinh các vấn đề sức khỏe như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH) và ung thư tuyến tiền liệt. Tại Singapore, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến thứ hai được chẩn đoán ở nam giới. Trong khi đó, BPH là một trong những bệnh phổ biến nhất ảnh hưởng đến nam giới trên 50 tuổi.

Tuyến tiền liệt là gì?

anatomy of male pelvic floor

Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước bằng quả óc chó chỉ có ở nam giới. Bộ phận này nằm bên dưới bàng quang và ngay phía trước trực tràng. Tuyến tiền liệt tiết ra chất dịch tạo thành môi trường nuôi dưỡng tinh trùng trong tinh dịch.

Khi tuyến tiền liệt có xu hướng phình to hơn theo tuổi tác, nó có thể chèn ép niệu đạo và khiến việc tiểu tiện khó khăn hơn. Viêm nhiễm hoặc khối u cũng có thể làm phì đại tuyến tiền liệt. Có 3 loại bệnh lý tuyến tiền liệt phổ biến nhất bao gồm viêm (viêm tuyến tiền liệt), tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và ung thư tuyến tiền liệt.

Viêm (Viêm tuyến tiền liệt)

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm tuyến tiền liệt có thể do nhiễm vi khuẩn.

Triệu chứng

  • Khó tiểu
  • Cảm giác rát hoặc đau khi tiểu
  • Đi tiểu nhiều và thường xuyên
  • Ớn lạnh và sốt cao
  • Đau lưng hoặc đau nhức cơ thể
  • Đau ở vùng háng hoặc sau bìu
  • Chèn ép hoặc đau trực tràng
  • Đau nhói bộ phận sinh dục và trực tràng

Viêm tuyến tiền liệt không làm tăng nguy cơ mắc bất kỳ bệnh tuyến tiền liệt nào khác.

Xét nghiệm và điều trị

Có thể làm một số xét nghiệm như thăm khám trực tràng (DRE) và xét nghiệm nước tiểu để đánh giá dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt. Điều quan trọng là phải chẩn đoán chính xác loại viêm tuyến tiền liệt để có thể điều trị đúng tình trạng bệnh.

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH)

BPH, còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt ở nam giới khi có tuổi. “Lành tính” là một thuật ngữ y học dùng để mô tả tình trạng hoặc sự phát triển không gây ung thư, trong khi “tăng sản” dùng để chỉ sự phát triển tế bào bất thường. Như vậy, BPH không liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt và không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù các triệu chứng của cả hai bệnh có thể giống nhau.

Triệu chứng

  • Khó tiểu hoặc phải rặn tiểu
  • Dòng tiểu yếu hoặc chậm
  • Tiểu ngắt quãng nhiều lần
  • Cảm giác bàng quang không bao giờ rỗng hoàn toàn
  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm
  • Cảm giác mót tiểu hoặc đột ngột mắc tiểu

Xét nghiệm và điều trị

Tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm chuyên sâu để xác định chẩn đoán BPH. Các xét nghiệm bao gồm đánh giá dòng nước tiểu, thăm khám trực tràng và soi bàng quang.

BPH không thể chữa khỏi nhưng có một số lựa chọn điều trị để làm giảm triệu chứng. Trong trường hợp triệu chứng nhẹ, BPH sẽ không cần điều trị. Tuy nhiên, khi các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể, hãy tư vấn bác sĩ để có những lựa chọn điều trị.

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là khối u phát triển ở tuyến tiền liệt. Ung thư tuyến tiền liệt có xu hướng phát triển chậm và thường chỉ khu trú tại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, cũng có những loại ung thư độ ác tính cao có xu hướng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là xương và hạch bạch huyết. Các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt khá giống với các triệu chứng của BPH nêu trên; các triệu chứng khác của ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Đau vùng chậu, lưng hoặc hông
  • Đau xương dai dẳng

Điều quan trọng cần lưu ý là trong nhiều trường hợp sẽ không xuất hiện triệu chứng bất thường nào vì có thể phải mất nhiều năm khối u mới đủ to để gây ra triệu chứng.

Xét nghiệm tầm soát

Các xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bao gồm xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Xét nghiệm PSA là xét nghiệm máu đo lường chỉ số PSA - một loại protein được sản xuất bởi các tế bào trong tuyến tiền liệt. Chỉ số PSA càng cao thì càng có nhiều khả năng có tế bào ung thư. Tuy nhiên, chỉ số PSA tăng cũng có thể do các yếu tố khác gây ra.

Xét nghiệm chẩn đoán

Nếu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt, bác sỹ sẽ chỉ định làm sinh thiết tuyến tiền liệt. Xét nghiệm này sẽ thu thập mẫu mô từ tuyến tiền liệt để xác định ung thư và cấp độ ung thư.

Trong quá trình sinh thiết, siêu âm qua trực tràng thường được dùng để hướng dẫn kim chọc vào phần tuyến tiền liệt nơi nghi ngờ có khối u. Hướng dẫn cộng hưởng từ cũng có thể được dùng để nhắm mục tiêu các vị trí sinh thiết chính xác hơn trong những trường hợp khó.

Nếu ung thư tuyến tiền liệt được chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định mức độ ung thư. Ví dụ, MRI tuyến tiền liệt, còn được gọi là chụp cộng hưởng từ tuyến tiền liệt, có thể giúp xác định mức độ ung thư cục bộ, bao gồm cả mức độ lây lan của ung thư đến các hạch bạch huyết. MRI tuyến tiền liệt là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để thu thập và quan sát hình ảnh tuyến tiền liệt.

Để loại trừ nguy cơ di căn xa, có thể tiến hành chụp cắt lớp phát xạ positron kháng nguyên màng đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSMA PET) trong những trường hợp có nguy cơ cao khi nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) cao hoặc khi khối u nghi ngờ ở giai đoạn T cao (mô tả bệnh ung thư tiến triển nhanh và có khả năng xâm lấn).

Mục tiêu nâng cao sức khỏe tuyến tiền liệt

Hiểu biết thêm về sức khỏe tuyến tiền liệt và nhận thức được những thay đổi trong cơ thể là điều nam giới cần đặc biệt lưu ý. Ngoài các thay đổi là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, còn có những dấu hiệu khác báo hiệu những vấn đề tiềm ẩn cần được chú ý. Một khi nghi ngờ có bất thường, người bệnh có thể xác định các vấn đề và tìm đến bác sĩ để thăm khám khi cần thiết.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư
GẮN THẺ phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, ung thư ở nam giới
Đọc thêm Ung thư tuyến tiền liệt
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG MƯỜI HAI 2023