Loại bỏ ung thư cổ tử cung: Tại sao tầm soát ung thư lại quan trọng


Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn thế giới và ung thư phổ biến thứ mười ở phụ nữ Singapore.

Ung thư cổ tử cung là ung thư bắt đầu ở cổ tử cung, là cơ quan kết nối tử cung và âm đạo.

Có nhiều loại ung thư cổ tử cung. Phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) chiếm khoảng 80 đến 85 % trong tất cả các loại ung thư cổ tử cung.

May mắn thay, với việc tầm soát thường xuyên và phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư có khả năng phòng ngừa và chữa khỏi cao nhất.

Các triệu chứng và yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng. Một số triệu chứng liên quan đến ung thư cổ tử cung khi nó tiến triển bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo
  • Đau lưng / đau vùng chậu
  • Đau khi quan hệ tình dục, chảy máu sau khi quan hệ tình dục
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Đi tiểu đau, khó hoặc nước tiểu đục
  • Táo bón mạn tính và cảm giác có phân mặc dù đã đi đại tiện hết
  • Rò nước tiểu hoặc phân từ âm đạo

Nhiễm virus Human Papilloma (HPV) là một yếu tố nguy cơ chính trong sự phát triển của bệnh ung thư này. Những vi-rút này lây truyền khi quan hệ tình dục, cũng như khi quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hậu môn.

Tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục đều có nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung. Một số hành vi tình dục, chẳng hạn như có nhiều bạn tình, bạn tình đã có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục ở độ tuổi quá sớm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:

  1. Hút thuốc lá
  2. Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài
  3. Có hệ miễn dịch suy yếu, làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng và các bệnh khác của cơ thể. Điều này có thể là do nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV) hoặc dùng thuốc để giúp chống thải ghép bộ phận sau khi ghép
  4. Sinh nhiều con.

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Tuy nhiên, nó có thể được phát hiện sớm khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Xét nghiệm Pap hay còn gọi là phết đồ âm đạo pap smear, là một xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này được thực hiện ngay tại phòng khám. Xét nghiệm được tiến hành bằng cách sử dụng một dụng cụ bằng nhựa hoặc kim loại, được gọi là mỏ vịt, để mở rộng âm đạo. Sau đó, bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra âm đạo và cổ tử cung, đồng thời lấy một ít tế bào từ cổ tử cung và khu vực xung quanh nó bằng tăm bông. Các tế bào này sau đó được phết lên lam kính và được gửi đến phòng thí nghiệm để được kiểm tra các tế bào bất thường.

Xét nghiệm HPV (hrHPV) nguy cơ cao cũng có thể được thực hiện trên các tế bào này để tìm loại vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung.

Những phụ nữ đã từng quan hệ tình dục nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung ở tuổi 25, hoặc trong vòng ba năm kể từ lần sinh hoạt tình dục đầu tiên — tùy điều kiện nào xảy ra trước.

  • Tuổi 25–29: Xét nghiệm phết đồ âm đạo 3 năm một lần
  • Từ 30 tuổi trở lên: Xét nghiệm HPV 5 năm một lần

Thực hiện các bước phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung bằng các bước sau:

  • Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV. Vắc xin ngừa HPV đã được phát triển để chống lại các chủng HPV gây ra 70 đến 85% tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung. Vắc xin ngừa HPV được sử dụng cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9–26 tuổi và có tác dụng tốt nhất trước khi bắt đầu quan hệ tình dục.
  • Làm các xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung thường xuyên, ngay cả khi đã tiêm phòng HPV. Điều này sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm các tế bào bất thường có thể chuyển thành ung thư.
  • Thay đổi hành vi tình dục. Giảm tiếp xúc với nhiễm vi rút HPV giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Sử dụng bao cao su để ngăn ngừa bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HPV.

Nhìn chung, ung thư cổ tử cung là một căn bệnh có khả năng phòng ngừa cao, có thể điều trị và chữa khỏi khi phát hiện sớm. Với nhận thức cao hơn, chúng ta có thể tiến một bước dài trong việc loại bỏ ung thư cổ tử cung.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Phòng ngừa Ung thư
GẮN THẺ giảm thiểu nguy cơ ung thư, kiểm tra ung thư, nhận thức về ung thư, ung thư cổ tử cung, ung thư do virus u nhú ở người (HPV), ung thư phụ nữ (phụ khoa), ung thư thường gặp
Đọc thêm Ung thư cổ tử cung
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Giêng 2022