Làm thế nào để hiểu nhãn thực phẩm?

Đóng góp bởi: Gerard Wong

Ăn uống ngon miệng cũng quan trọng không kém việc tập thể dục. Tại buổi hội thảo được tổ chức vào tháng 6 năm 2023 ở Philippines, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Gerard Wong đã giải thích những điểm cơ bản khi đọc thông tin nhãn dán thực phẩm để giúp chúng ta lựa chọn thực phẩm phù hợp cho bữa ăn.

Chuyên gia Gerard chia sẻ: “Các nhân tố béo phì, hoạt động thể thao và ung thư đều có mối liên kết chặt chẽ tại các nước phát triển”. Trong bài chia sẻ đến các thành viên tham dự hội thảo có chủ đề Hiểu về các nhãn dán trên bao bì thực phẩm trực tiếp và trực tuyến, anh đã đề cập đến việc lối sống thành thị và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh tại Đông Nam Á và trên toàn thế giới sẽ tác động xấu đến thói quen ăn uống của mỗi người như thế nào.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một kiểm tra thường dùng để đánh giá mức độ béo phì. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là chỉ số BMI chỉ đưa ra ước tính sơ bộ về lượng mỡ trong cơ thể thông qua phép đo chiều cao và cân nặng. Mặc dù chỉ số BMI có thể giúp đánh giá các yếu tố nguy cơ sức khỏe nhất định nhưng chỉ số sẽ không thể hiện chính xác thành phần mỡ trong cơ thể vì không có tính toán các yếu tố như khối lượng cơ hoặc sự phân bổ trọng lượng trong cơ thể.

Chuyên gia Gerard tiếp tục trình bày: “Bên cạnh đó, chỉ số BMI giữa người châu Á và người da trắng thường sẽ khác biệt theo chủng tộc, vì người châu Á có tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn so với người da trắng.”

Ngoài chỉ số BMI, “cân nặng là một tấm gương phản ánh những thứ chúng ta ăn và những gì cơ thể chúng ta đốt cháy”, chuyên gia chia sẻ.

Tất cả thực phẩm đều cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức cơ thể đốt cháy có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh lý mạn tính khác.

Ngược lại, hiện tượng mất khối lượng cơ và chất xơ do lão hóa sẽ ảnh hưởng đến cân nặng của cơ thể. Trong trường hợp ung thư, tác dụng phụ của điều trị dẫn đến chán ăn cũng sẽ làm cơ thể sụt cân nhanh chóng.

Tại sao phải đọc thông tin trên bao bì thực phẩm

Theo chuyên gia Gerard, việc lựa chọn thực phẩm và tiết chế năng lượng nạp vào cơ thể cũng quan trọng không kém việc tập thể dục.

Chuyên gia giải thích rằng: “Công sức giảm cân, tập thể dục sẽ vô ích nếu chúng ta không hạn chế lượng calo nạp vào.”

Khi nói đến vấn đề tăng hoặc giảm cân, điều quan trọng là phải kết hợp thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để duy trì lâu dài. Ví dụ như thay vì cắt bỏ hoàn toàn đồ ăn nhanh hoặc giảm lượng calo nạp vào, thì có thể lựa chọn những thực phẩm có lợi hơn cho sức khỏe hoặc điều chỉnh tần suất tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn.

“Vì vậy hiểu về các thông tin trên nhãn dán thực phẩm sẽ giúp chúng ta lựa chọn thực phẩm sáng suốt hơn.”

Cách đọc thông tin trên nhãn dán thực phẩm

Có 3 mục chính trên nhãn dán cần chú ý khi lựa chọn thực phẩm:

  1. Danh sách thành phần
  2. Bảng thông tin dinh dưỡng (NIP)
  3. Công bố hàm lượng dinh dưỡng

Các thành phần liệt kê tất cả các thành phần sử dụng để tạo ra thực phẩm. Những thành phần này thường liệt kê theo thứ tự giảm dần, theo số lượng thành phần được sử dụng để sản xuất thực phẩm. Thông tin này giúp bạn biết được liều lượng và thành phần cụ thể có trong thực phẩm.

Ví dụ: nếu đường là mục đầu tiên được liệt kê thì đó là thành phần chính có trong thực phẩm.

Bảng thông tin dinh dưỡng (NIP) liệt kê giá trị dinh dưỡng thực tế của thực phẩm. Chúng ta nên lưu ý rằng bảng thông tin NIP có nhiều phương thức trình bày khác nhau, tùy thuộc vào quy định nhán dãn là của hệ thống Vương quốc Anh (Anh) hoặc hệ thống Hoa Kỳ (Mỹ).

Nhãn thực phẩm theo quy định Vương quốc Anh thường hiển thị lượng dinh dưỡng nạp vào ‘mỗi khẩu phần’ và ‘trên mỗi 100 g’ (hoặc ‘trên mỗi 100 ml’ với thực phẩm dạng lỏng). Đơn vị 'trên mỗi 100 g' giúp bạn so sánh hàm lượng dinh dưỡng của hai sản phẩm tương tự và chọn ra thực phẩm có lợi cho sức khỏe hơn.

Nhãn thực phẩm theo quy định Hoa Kỳ thì có chút khác biệt. Nhãn dán sẽ tập trung vào kích thước khẩu phần, khẩu phần trong mỗi bao bì, lượng calo trong mỗi khẩu phần và chất dinh dưỡng tính theo phần trăm giá trị hàng ngày (so với đơn vị gram trên nhãn dán của Vương quốc Anh). Danh sách các chất dinh dưỡng thường được chia theo nhóm cần hạn chế tiêu thụ (ví dụ: chất béo, cholesterol, natri, carbohydrate) và nhóm cần bổ sung (ví dụ: vitamin A, vitamin C, canxi, sắt).

Công bố hàm lượng dinh dưỡng là tuyên bố thông tin về hàm lượng trên bao bì thực phẩm mô tả mức độ dinh dưỡng trong một sản phẩm. Các thuật ngữ điển hình được sử dụng bao gồm: 'không có -', 'có hàm lượng cao -', 'có hàm lượng thấp -', 'nhiều hơn -', 'giảm -‘ ‘ít’. Tùy thuộc vào quốc gia nơi bán sản phẩm, sẽ có thêm các yêu cầu nhất định trên nhãn dán (ví dụ: tỷ lệ phần trăm cho phép tiêu thụ hàng ngày đối với chất dinh dưỡng) cần phải đạt chuẩn trước khi công bố hàm lượng chất dinh dưỡng đó trên bao bì thực phẩm.

Thay đổi tư duy tích cực

Gerard kết thúc buổi hội thảo bằng việc chia sẻ một số ví dụ về nhãn dán của các loại thực phẩm phổ biến tại siêu thị.

Chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cắt giảm lượng đường (bao gồm cả chất làm ngọt nhân tạo), chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và natri trong nhiều loại thực phẩm phổ biến như dầu, xúc xích và khoai tây chiên vì chúng góp phần dẫn đến tăng cân, béo phì, cholesterol cao, tăng đường trong máu và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính. Chuyên gia cũng mong mọi người nên cẩn thận với các nhãn dán có ghi “dầu thực vật” vì khả năng sẽ mua nhầm loại dầu không tốt cho sức khỏe như dầu cọ hoặc dầu dừa.

Chúng ta cần tăng cường bổ sung chất xơ (ví dụ: chuyển sang ăn gạo lứt, nhiều rau củ hơn) để giúp điều hòa nhu động ruột, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và các bệnh lý khác. Bạn cũng có thể lựa chọn các loại dầu tốt cho sức khỏe hơn (ví dụ: dầu ô liu, dầu hạt hướng dương) để nấu ăn. Giảm dần lượng đường và natri theo thời gian cũng giúp cơ thể và khẩu vị ăn uống dần làm quen với thay đổi.

Để có thể ăn uống lành mạnh, chúng ta cần thay đổi nhận thức về thực phẩm và duy trì lối sống lành mạnh lâu dài.

3 điều cần chú ý trên nhãn dán thực phẩm
ĐÃ ĐĂNG TRÊN Dinh dưỡng
GẮN THẺ béo phì và ung thư, chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, lối sống lành mạnh, quản lý cân nặng, ung thư và tập luyện
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Ba 2024