Nên đổi loại thực phẩm lành mạnh nào để có dinh dưỡng tốt hơn

Đóng góp bởi: Chloe Ong

Ăn uống lành mạnh thực ra không hề phức tạp hay tốn thời gian. Ta chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong chế độ ăn là có thể tạo ra khác biệt đáng kể cho sức khỏe của mình. Chuyên gia dinh dưỡng cấp cao - Chloe Ong giải thích thêm.

Nếu bạn muốn thay đổi lối sống nhằm cải thiện sức khỏe nhưng lại không hào hứng mấy khi cắt giảm những món ăn yêu thích, đừng lo vì bạn không phải là người duy nhất gặp phải rắc rối này.

May thay, bạn không cần đổi hết toàn bộ chế độ hoặc cắt giảm gia vị để ăn uống lành mạnh hơn. Chúng ta chỉ cần điều chỉnh một số thứ đơn giản trong công thức nấu ăn mà không hề cản trở việc thưởng thức các món ăn mình thích.

Dưới đây là một số cách thay thế thực phẩm hàng ngày:

Nhận biết món nào cần cắt giảm hoặc ăn nhiều hơn

Tùy thuộc vào mục tiêu sức khỏe của mỗi người, dùng thực phẩm thay thế có thể giúp bạn kiểm soát hiệu quả lượng thức ăn tổng thể và đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.

Điều này gần giống như cắt giảm các món ngọt để cải thiện lượng đường trong máu, bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe đường ruột, hoặc chỉ đơn giản là thay đổi một thành phần bằng một nguyên liệu thay thế lành mạnh hơn.

Thực phẩm cần ăn nhiều hơn:

  • Chất béo có lợi  giúp cải thiện lượng cholesterol, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện làn da, khả năng miễn dịch và sức khỏe não bộ. Một số ví dụ về chất béo có lợi bao gồm các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, những loại cá này có ít chất béo bão hòa và nhiều axit béo omega-3. Chất béo có lợi cũng được tìm thấy trong quả bơ, các loại hạt, dầu ô liu và dầu hướng dương.

  • Thịt nạc protein cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì các mô và cả những chức năng cơ bản trong cơ thể. Một số ví dụ bao gồm ức gà không lấy da, gà tây, thịt nạc, cá và động vật nhuyễn thể, trứng, các sản phẩm từ sữa ít chất béo, đậu phụ và các loại đậu.

  • Chất xơ giúp duy trì đường ruột và hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cholesterol. Một số ví dụ về chất xơ là các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả.

Thực phẩm cần ăn ít hơn:

  • Thịt đỏ và thịt chế biến sẵnChỉ nên ăn 500 gram thịt đỏ nấu chín mỗi tuần và tránh ăn thịt chế biến sẵn càng nhiều càng tốt.

  • Đường. Cố gắng tránh hoặc hạn chế thêm đường vào các món ăn và đồ uống đã ngọt sẵn.

  • Chất béo bão hòa như bơ, kem, dầu cọ, dầu dừa, chất béo có trong thịt và da động vật. Cần thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo và dầu không bão hòa như dầu hạt cải, dầu đậu nành hoặc dầu ô liu vì chúng có lợi hơn cho sức khỏe của bạn.

So sánh thực phẩm để lựa chọn lành mạnh hơn

Bạn đang không biết lựa chọn sản phẩm nào phù hợp hơn với sức khỏe? Lần tới khi mua hàng, bạn có thể thử so sánh các thực phẩm để giúp bạn chọn sản phẩm hoặc nhãn hiệu đáp ứng nhu cầu sức khỏe của mình.

So sánh hàm lượng dinh dưỡng trên các món thực phẩm tương tự sẽ giúp bạn lựa chọn các thực phẩm thay thế lành mạnh hơn. Lưu ý so sánh các chỉ số có cùng một đơn vị trọng lượng. Tìm hiểu thông tin khẩu phần ăn cũng giúp bạn kiểm soát lượng thức ăn.

Chọn phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn

Cách chuẩn bị thức ăn cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Chọn các phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn như luộc, hấp, chưng, xào, hầm hoặc nướng có thể cải thiện các món ăn lành mạnh mà không cần thay đổi công thức nấu ăn quá nhiều.

Chọn gia vị làm từ nguyên liệu tự nhiên

Ăn uống lành mạnh không phải là nhạt nhẽo và vô vị. Kết hợp nước sốt, các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên vào bữa ăn sẽ giúp tạo nên hương vị thơm ngon hơn cho món ăn. Bên cạnh đó, một số nguyên liệu còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Tuy nhiên không nên dùng gia vị, nước sốt thuộc loại “siêu chế biến” hoặc có thành phần phụ gia nhân tạo, chứa nhiều muối, đường. Thay vào đó, hãy sử dụng gừng, nghệ, chanh, cà chua, ớt, ngò, tiêu và quế để nêm nếm món ăn tự nhiên hơn.

Tóm lại, có nhiều cách đơn giản để thay đổi thói quen ăn uống và nấu nướng để cải thiện tích cực sức khỏe hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng ta cần lưu ý là chỉ thay thế thực phẩm thôi thì không đủ để duy trì lối sống lành mạnh và cân bằng.

Việc duy trì sức khỏe bằng chế độ ăn uống đòi hỏi chúng ta phải thu thập kiến thức về các loại thực phẩm, duy trì chế độ ăn cân bằng, ăn uống điều độ và đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn cho lối sống tổng thể. Hãy bắt đầu với những thay đổi nhỏ, tích cực có thể dần có thêm động lực để duy trì lối sống lành mạnh về lầu dài.

7 loại thực phẩm thay thế có thể thử tại nhà

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Dinh dưỡng, Phòng ngừa Ung thư
GẮN THẺ chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, lối sống lành mạnh, thực phẩm và nấu ăn lành mạnh
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Mười Hai 2022