Tin tức & Bài báo
Tìm lại sức mạnh từ hy vọng và những điều mình thích
Hãy duy trì năng lượng tích cực, luôn năng động và dành thời gian cho bản thân trong hành trình phục hồi sau ung thư.
Thích nghi với cuộc sống sau khi được chẩn đoán bệnh ung thư sẽ là một quá trình vô cùng gian nan. Bệnh nhân phải kiểm soát tác dụng phụ của quá trình điều trị, trải qua những lần lo âu khi chụp chiếu và chiến đấu với nỗi sợ bệnh sẽ tái phát. Các cảm giác buồn bã, tức giận và lo lắng là những cảm xúc hoàn toàn tự nhiên và sẽ dần dịu đi khi chúng ta học được cách xử lý cảm xúc và thích nghi với nhịp sống mới. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn thích nghi với giai đoạn “bình thường mới”.
Hy vọng: Ánh đèn le lói trong cơn bão
Hy vọng là nhận thức đón nhận năng lượng lạc quan và không để những suy nghĩ tiêu cực kiểm soát hoàn toàn tâm trí. Niềm hy vọng thúc đẩy sức mạnh nội tại của con người, xây dựng nên tư duy tích cực để tiếp tục tiến về phía trước.
YChúng ta có thể tìm kiếm hy vọng khi tham gia hội nhóm hỗ trợ hoặc kết nối với cộng đồng tôn giáo. Việc lắng nghe câu chuyện của những bệnh nhân ung thư xung quanh ta sẽ xoa dịu đi cảm giác cô đơn, từ đó nhận ra rằng ai cũng có khó khăn và cung bậc cảm xúc như nhau. Từ những câu chuyện của bệnh nhân, chúng ta có thể được truyền cảm hứng hoặc thay đổi tư duy tích cực hơn. Hãy tận dụng cơ hội để chia sẻ cảm xúc của mình, kết nối với những người đồng cảnh ngộ và đặt ra những mục tiêu thực tế cho bản thân. Ví dụ về các mục tiêu bao gồm: tập thể dục 20 phút mỗi ngày hoặc cải thiện lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể bằng cách ăn các bữa nhỏ nhưng thường xuyên hơn.
Kỷ niệm các cột mốc quan trọng như ngày hoàn thành, hóa trị cũng là một hoạt động tích cực để ghi nhớ lòng dũng cảm, khả năng phục hồi và quyết tâm của bản thân khi chiến đấu với ung thư trong thời gian vừa qua. Những kỷ niệm này sẽ khích lệ chúng ta nhiều hơn trên hành trình phục hồi.
Vào những ngày khó khăn, hãy bình tâm và tự suy ngẫm rằng: mình có đang suy diễn mọi thứ nghiêm trọng không? Hãy xem xét lại suy nghĩ và cân bằng bản thân ở một cái nhìn thực tế hơn. Bệnh nhân ung thư cảm thấy bất lực là điều bình thường, và chúng ta có thể vượt qua được bằng cách tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát: tái khám định kỳ, cập nhật thông tin về ảnh hưởng của ung thư đến cơ thể và tìm hiểu về các triệu chứng cần theo dõi. Những hành động này có thể giúp bệnh nhân nhận thức được tình hình thực tế và xây dựng thêm hy vọng cho bản thân.
Thói quen: Tiếp tục tiến về phía trước
Duy trì sinh hoạt hàng ngày giúp tâm trí không quá tập trung vào vấn đề bệnh tật. Các tác dụng phụ thường gặp của hóa trị, chẳng hạn như tình trạng sương mù não, buồn nôn và mệt mỏi làm tinh thần bị yếu đi và tuột dốc. Tùy thuộc vào năng lượng của bệnh nhân và lời khuyên của bác sĩ, hãy cố gắng kết hợp tập thể dục trong sinh hoạt hằng ngày — đặt mục tiêu 150 phút mỗi tuần.
Chọn các hoạt động theo sở thích để dễ dàng thực hiện. Nếu bạn thích đi bộ, hãy bắt đầu đi bộ 20 phút quanh khu phố khoảng 3 lần / tuần. Vào những ngày mệt mỏi thì sẽ tạm dừng và ưu tiên việc nghỉ ngơi. Thiếu vận động thể chất có thể khiến tình trạng mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn, vì vậy hãy cố gắng hoạt động càng thường xuyên càng tốt. Tránh ngồi quá lâu; hãy đứng dậy và đi lại sau mỗi tiếng đồng hồ. Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp cơ thể xoa dịu cảm giác mệt mỏi do ung thư gây ra, cải thiện tâm trạng, năng lượng, cảm giác thèm ăn và chất lượng giấc ngủ.
Sở thích: Tìm lại niềm vui từ những điều nhỏ nhặt
Trong quá trình điều trị ung thư, vấn đề nhu cầu cảm xúc cũng rất cần được quan tâm. Tự chăm sóc bản thân giúp bệnh nhân thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực về ung thư, tập trung hơn vào nhu cầu cá nhân, ngoài ra còn giúp củng cố và phục hồi tinh thần.
Các hoạt động tự chăm sóc bản thân rất đa dạng tùy theo sơ thích cá nhân, nhưng hiệu quả nhất chính là những việc đơn giản có thể thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày. Hãy sống chậm lại và dành thời gian cho các hoạt động yêu thích, chẳng hạn như tìm lại sở thích đã lãng quên từ lâu. Liệt kê những cuốn sách luôn muốn đọc, thử các công thức nấu ăn mới, làm album ảnh, học vẽ và tô màu. Những hoạt động tự chăm sóc này có thể giúp lấy lại cảm giác kiểm soát và giảm lo lắng, đồng thời đem lại niềm vui và cảm giác thoải mái.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Cuộc sống sau điều trị ung thư |
GẮN THẺ | các chiến lược tự chăm sóc, các tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, chẩn đoán ung thư, quản lý cảm xúc |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Mười Một 2024 |