Tin tức & Bài báo
Chiến đấu với tình trạng thiếu cơ: Chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng thiếu cơ
Lựa chọn dinh dưỡng phù hợp có thể làm chắc khỏe cơ và đảo ngược tác động của tình trạng thiếu cơ.
Thiếu cơ là tình trạng thoái hóa làm mất đi khối cơ và độ chắc khỏe cơ bắp, là một tác dụng phụ phổ biến do bệnh ung thư gây ra và một phần tự nhiên của quá trình lão hóa.Tình trạng này có xu hướng rõ hơn ở bệnh nhân ung thư do giảm hoạt động thể chất đi kèm với chứng chán ăn. Tình trạng teo cơ không chỉ tệ hơn do ung thư mà còn ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư. Các nghiên cứu1 đã chỉ ra rằng thiếu cơ sẽ làm suy giảm khả năng dung nạp với các phương pháp điều trị và gia tăng nguy cơ phát sinh biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng và tác dụng phụ của hóa trị
Chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa tình trạng thiếu cơ
Chế độ ăn giàu protein kết hợp cùng các bài tập tăng sức đề kháng (xem trang 4) sẽ giúp bệnh nhân bị thiếu cơ tái tạo lại cơ bắp và cải thiện độ chắc khỏe. Đối với người trưởng thành trung bình, lượng protein khuyến nghị trong chế độ ăn là 0,8 gam (g) trên một kilôgam (kg) trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ, một người nặng 60kg sẽ cần khoảng 48g protein mỗi ngày, hoặc một người nặng 70kg sẽ cần 56g protein. Những thông số này tăng theo độ tuổi và thậm chí sẽ cần nhiều hơn đối với những bệnh nhân đang chiến đấu với tình trạng thiếu cơ, người mà nên ăn từ 1-1,2g protein trên một kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
So sánh hàm lượng protein
Protein không chỉ có nguồn gốc từ động vật; thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu, đậu phụ, gạo và các loại hạt cũng đều có thành phần protein. Tuy nhiên, những người ăn chay và những người chỉ tiêu thụ protein thực vật sẽ cần hấp thụ nhiều protein vào cơ thể hơn vì thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường có ít protein hơn so với thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm khác nhau và số lượng tiêu thụ tương đương với 10g protein:
ĐỘNG VẬT | THỰC VẬT |
30-35g thịt bò/gà đã nấu chín | 2 phần cơm |
50g cá đã nấu chín | 120g đậu phụ |
2 quả trứng cỡ vừa | 2 lát bánh mì |
300ml sữa | 90g ngũ cốc ăn sáng |
40g phô mai | 220g đậu nướng |
200mlsữa chua | 50 g hạt |
70g phô mai tươi | 150 g đậu lăng đã nấu chín |
Protein từ động vật và thực vật có công thức khác nhau, và protein động vật thường sẽ là phiên bản "hoàn chỉnh" hơn thực vật. Chúng ta nên kết hợp các loại protein thực vật khác nhau để đảm bảo hấp thụ cân bằng các chất dinh dưỡng thiết yếu. Để đạt được lượng protein đúng chuẩn, nguyên tắc cơ bản chính là tiêu thụ ít nhất một món trong Nhóm 1 và một món từ các nhóm 2A, 2B hoặc 2C.
Nhóm 1: Đậu nướng, đậu lăng, đậu nành, đậu gà, đậu Hà Lan tách đôi
Nhóm 2A: Gạo, mì pasta, bánh mì
Nhóm 2B: Hạnh nhân, óc chó, hạt điều
Nhóm 2C: Hạt bí ngô, hạt vừng, hạt hướng dương
Mất khối cơ có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt độc lập và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế hãy bắt đầu phát triển cơ bắp càng sớm càng tốt bằng cách kết hợp chế độ ăn uống cân bằng và các bài tập luyện hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Dinh dưỡng |
GẮN THẺ | chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, thực phẩm và nấu ăn lành mạnh, ung thư và tập luyện |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Chín 2024 |