Ăn xanh, sống sạch

Đóng góp bởi: Gerard Wong

Trong thời đại mà mỗi bữa ăn đều có thể tác động đến hành tinh, việc sử dụng thực phẩm thân thiện với môi trường sẽ giúp cuộc sống lành mạnh hơn và một thế giới xanh sạch đẹp hơn.

Ăn uống bền vững bắt đầu từ nhận thức, những thực phẩm bị vứt bỏ có thể trở thành nguồn tài nguyên đáng giá trong tương lai. Tại Singapore, có khoảng 744.000 tấn thực phẩm bị lãng phí hàng năm - tương đương với hai bát cơm cho khẩu phần một người ăn mỗi ngày. Điều đáng chú ý hơn nữa là 6.000 tấn rác thải thực phẩm “không tiêu thụ được” bị vứt bỏ hàng ngày. Những loại rác này bao gồm vỏ trứng, vỏ tôm, rác sơ chế rau củ và vỏ trái cây, đây là những loại rác vẫn có thể tái chế.

Biến thức ăn thừa thành sản phẩm có ích

Chương trình “WellSpent Upcycling initiative” tại Học viện At-Sunrice GlobalChef đã biến các loại rác thành sản phẩm có ích. Áp dụng triết lý không bỏ phí rác thải, chương trình đặt ra mục tiêu tái sử dụng các rác thải thực phẩm vẫn còn giá trị dinh dưỡng và chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng. Phương án này không chỉ làm giảm đi lượng rác thải vứt bỏ mà còn làm bữa ăn hằng ngày phong phú hơn với đầy đủ chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất.

Tại hội thảo “Tái chế thực phẩm: Cách giảm thiểu rác thải thực phẩm” được tổ chức vào ngày 31 tháng 1 năm 2024, một đầu bếp đã trình diễn cách biến vỏ cam thành mứt cam sử dụng làm nguyên liệu cho đồ nướng và thức uống. Các bệnh nhân ung thư, những người sống sót sau ung thư và người chăm sóc bệnh khi tham gia hội thảo sẽ học được cách chế biến các loại gia vị từ vỏ trứng, điều này chứng minh rằng chỉ cần một chút sáng tạo thì chúng ta có thể làm ra được rất nhiều loại sản phẩm.

Áp dụng chế độ ăn thiên về thực vật

Sống xanh không chỉ xoay quanh vấn đề tái chế mà còn liên quan đến bữa ăn hằng ngày. Chế độ ăn sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và ít thịt không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Thay đổi thói quen ăn uống sẽ làm giảm đi lượng khí thải carbon và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bền vững hơn.

Ngoài việc tái chế thực phẩm, đây là một số cách khác để tích hợp thói quen ăn uống bền vững vào cuộc sống hàng ngày:

  • Tăng cường ăn rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Hãy bổ sung thêm rau củ chiếm khoảng 50% bữa ăn hằng ngày, giảm tiêu thụ thịt là loại thực phẩm có dấu chân sinh thái cao.
  • Chọn lựa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm nuôi trồng tại địa phương. Hạn chế sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó hãy sử dụng thực phẩm nuôi trồng tại địa phương sinh sống. Sản phẩm hữu cơ địa phương không chỉ có hương vị tươi ngon hơn mà còn giúp cắt giảm lượng khí thải sinh ra khi vận chuyển thực phẩm đường dài và góp phần ủng hộ kinh tế trong khu vực địa phương.
  • Chọn lựa những mặt hàng ít bao bì. Hãy chọn thực phẩm có ít bao bì hoặc có thể tái chế để giảm đi lượng rác thải.
  • Xây dựng kế hoạch cho bữa ăn. Chuẩn bị và chỉ mua những món đang cần để hạn chế phung phí thực phẩm và vứt bỏ thực phẩm dư thừa.
  • Tái chế thức ăn thừa. Biến thức ăn thừa thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng để nuôi trồng cây cối trong vườn, giúp giảm lượng rác thải chôn lấp và nâng cao chất lượng đất trồng cây.
  • Tự trồng trọt rau củ. Tự nuôi trồng các loại thảo mộc và rau quả tươi giúp giảm đi lượng khí thải carbon và khuyến khích chúng ta trực tiếp tự chế biến thực phẩm cho bữa ăn.

Những phương pháp này không chỉ góp phần xây dựng lối sống lành mạnh mà còn phù hợp với nỗ lực bảo vệ và giữ gìn môi trường của toàn thể cộng đồng.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Dinh dưỡng
GẮN THẺ healthy food, chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, lối sống lành mạnh, thực phẩm và nấu ăn lành mạnh
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Tư 2024