Làm sáng tỏ bệnh ung thư sinh sản nam (tuyến tiền liệt, tinh hoàn, dương vật)

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Tanujaa Rajasekaran

Là một vấn đề sức khỏe thường bị ngó lơ, ung thư sinh sản ở nam giới là những bệnh gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe nam giới. 

CĂN BỆNH NÀY VẪN CÒN NHIỀU QUAN NIỆM SAI LẦM — chẳng hạn như: tin rằng bệnh chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi, hoặc các triệu chứng luôn xuất hiện rõ ràng; về định nghĩa, ung thư sinh sản ở nam giới là một nhóm bệnh lý bắt nguồn từ cơ quan sinh sản của nam. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ1 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ những quan niệm sai lầm này, cung cấp thông tin chính xác và hữu ích giúp phát hiện bệnh sớm và nâng cao hiệu quả điều trị vì đây là căn bệnh không xuất hiện triệu chứng cho đến khi đi vào giai đoạn cuối.

UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư bắt nguồn từ tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ hình dáng giống quả óc chó có chức năng sản xuất tinh dịch, nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng ở nam giới.

Mức độ phổ biến của ung thư tuyến tiền liệt?

Ung thư tuyến tiền liệt hiện là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Singapore.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh?

Các yếu tố gây bệnh phổ biến nhất ở người châu Á bao gồm:

  • Tuổi tác. Nguy cơ tăng cao khi nam giới già đi. Các đối tượng trên 50 tuổi là những người có nguy cơ cao chẩn đoán ung thư. Khoảng 60% ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt đều là những bệnh nhân trên 65 tuổi.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 2-3 lần nếu có thành viên trong gia đình mắc căn bệnh này.
  • Gen di truyền. Nam giới có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư nếu mắc phải hội chứng Lynch, hoặc nếu có di truyền các gen đột biến làm tăng nguy cơ ung thư vú (BRCA1 và BRCA2).

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh?

Ung thư tuyến tiền liệt thường không xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi bước vào giai đoạn tiến triển, bệnh có thể có các dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Khó tiểu
  • Dòng tiểu yếu
  • Máu trong nước tiểu
  • Máu trong tinh dịch
  • Đau xương
  • Sụt cân bất thường
  • Rối loạn cương dương

Tôi có thể khám tầm soát ung thư tuyến tiền liệt không?

Mục tiêu của tầm soát là tìm ra các bệnh ung thư có nguy cơ xâm lấn cao nếu không được điều trị và phát hiện sớm trước khi bệnh lan rộng.

Chúng ta có một loại xét nghiệm máu được gọi là xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) dùng để đo nồng độ PSA trong máu. PSA là một chất được tạo ra bởi tuyến tiền liệt. Nồng độ PSA trong máu có thể tăng cao ở nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt. PSA cũng tăng cao trong các trường hợp bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt. Theo nguyên tắc, nồng độ PSA trong máu càng cao thì càng có nhiều khả năng tuyến tiền liệt đang có vấn đề bất thường. Nhưng nhiều yếu tố như tuổi tác và chủng tộc có thể ảnh hưởng đến việc phân tích nồng độ PSA. Ngoài ra, một số người lại có tuyến tiền liệt tạo ra nhiều PSA hơn những người bình thường khác. Vì chúng ta có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ PSA nên bác sĩ sẽ là người phân tích và giải thích kết quả xét nghiệm PSA cho bệnh nhân tốt nhất. Nếu xét nghiệm PSA có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết để tìm hiểu xem bệnh nhân có mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt hay không.

Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về ưu và nhược điểm của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

Ung thư tuyến tiền liệt được điều trị như thế nào?

Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng quát và lựa chọn cá nhân của bệnh nhân.

Đối với ung thư tuyến tiền liệt khu trú, các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Theo dõi tích cực - Theo dõi quá trình tiến triển của ung thư mà không cần điều trị ngay lập tức.
  • Phẫu thuật - Cắt bỏ tuyến tiền liệt (phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt) áp dụng các kỹ thuật: mổ mở hoặc xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật robot.
  • Xạ trị - Sử dụng tia xạ cường độ cao để tiêu diệt tế bào ung thư, bao gồm các phương pháp xạ trị chiếu ngoài và xạ trị áp sát (xạ trị trong).
  • Liệu pháp áp lạnh - Làm lạnh tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.
  • Siêu âm tập trung cường độ cao (HIFU) - Sử dụng sóng siêu âm để tiêu diệt tế bào ung thư.

Đối với ung thư tuyến tiền liệt tiến triển và di căn, các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Liệu pháp hormon - Giảm nồng độ testosteron để làm chậm sự phát triển của ung thư.
  • Hóa trị - Dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp miễn dịch - Kích thích hệ thống miễn dịch chống lại ung thư.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu - Thuốc nhắm mục tiêu vào các phân tử cụ thể liên quan đến sự phát triển của ung thư.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng bệnh nhân và thường có thể kết hợp các liệu pháp cùng nhau. Cần phải trao đổi các lựa chọn kỹ lưỡng với bác sĩ ung thư nội khoa.

UNG THƯ TINH HOÀN

Ung thư tinh hoàn là bệnh có sự phát triển của các tế bào ung thư bắt nguồn ở tinh hoàn. Tinh hoàn là cơ quan nằm trong bìu - là túi da lỏng bên dưới dương vật. Tinh hoàn có chức năng tạo ra tinh trùng và hormon testosteron.

Mức độ phổ biến của ung thư tinh hoàn?

Ung thư tinh hoàn không phải là một bệnh phổ biến nhưng là loại ung thư phổ biến nhất ở đối tượng thanh thiếu niên nam từ 15-35 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ là gì?

Các yếu tố nguy cơ không gây ra ung thư tinh hoàn nhưng chúng có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh.

  • Tinh hoàn ẩn. Tinh hoàn hình thành trong bụng thai nhi khi mang thai và sẽ di chuyển đến bìu trước khi sinh. Trường hợp tinh hoàn còn lạc trong ổ bụng được gọi là tinh hoàn ẩn và bệnh nhân cần phẫu thuật để xử lý tình trạng này. Những đối tượng gặp phải tinh hoàn ẩn khi sinh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tinh hoàn ngay cả khi đã phẫu thuật để điều trị.
  • Tiền sử cá nhân hoặc trong gia đình. Nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư tinh hoàn nếu cha mẹ ruột hoặc anh/em ruột từng mắc loại bệnh này. Yếu tố di truyền như Hội chứng Klinefelter cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Bị ung thư tinh hoàn ở một bên tinh hoàn làm tăng khả năng phát triển ung thư thứ hai ở bên tinh hoàn còn lại.

Các dấu hiệu và triệu chứng là gì?

Dấu hiệu phổ biến nhất là xuất hiện khối u không đau ở tinh hoàn. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Sưng hoặc tụ dịch đột ngột ở bìu
  • U cục hoặc sưng một trong hai tinh hoàn
  • Cảm giác nặng nề ở bìu
  • Đau âm ỉ ở háng hoặc bụng dưới
  • Đau hoặc khó chịu vùng bìu hoặc tinh hoàn

Phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn?

Điều trị ung thư tinh hoàn gồm có phương pháp phẫu thuật và hóa trị. Lựa chọn điều trị nào là tốt nhất cho bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào phân loại ung thư tinh hoàn và giai đoạn bệnh.

Ung thư tinh hoàn có thể chữa khỏi bệnh không?

Ung thư tinh hoàn có thể chữa khỏi. Mặc dù ung thư là một bệnh hiểm nghèo nhưng căn bệnh này có thể điều trị thành công với tỷ lệ là 95% ca bệnh. Nếu điều trị bệnh càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi sẽ lên đến 98%.

Ung thư tinh hoàn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?

Bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị. Tình trạng sinh sản của bệnh nhân bị ảnh hưởng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào phương pháp điều trị được chỉ định.

Phần đông nam giới thường bị ung thư ở một bên tinh hoàn. Bệnh nhân sau đó sẽ phải phẫu thuật để cắt bỏ tinh hoàn. Phẫu thuật thường không ảnh hưởng đến khả năng có con trong tương lai. Nhưng trong vài trường hợp thì bên tinh hoàn còn lại không hoạt động hiệu quả và làm suy giảm khả năng sinh sản.

Hóa trị ung thư tinh hoàn sẽ gây vô sinh tạm thời cho phần đông nam giới. Thông thường khả năng sinh sản sẽ trở lại bình thường sau khi kết thúc hóa trị vài tháng. Nhưng sẽ có vài nam giới không hồi phục lại được.

Bác sĩ sẽ trao đổi về việc lưu trữ tinh trùng trong ngân hàng trước khi bệnh nhân bắt đầu điều trị.

UNG THƯ DƯƠNG VẬT

Ung thư dương vật xuất hiện khi các tế bào bất thường trong dương vật bắt đầu phân chia và phát triển một cách không kiểm soát.

Mức độ phổ biến của ung thư dương vật?

Ung thư dương vật rất hiếm khi xuất hiện tại Singapore, bệnh chiếm chưa đến 1% số ca bệnh ung thư nam giới.

Các yếu tố nguy cơ là gì?

Hầu hết nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dương vật đều nằm trong nhóm trên 50 tuổi. Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư dương vật hiện vẫn chưa tìm ra, nhưng chúng ta có một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Vi-rút u nhú ở người (HPV). Đây là một bệnh nhiễm trùng phổ biến nhưng không hoàn tìan gây ra bệnh ung thư dương vật. HPV loại 16 và 18 là các loại virus phổ biến nhất tìm thấy trong bệnh ung thư dương vật.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu. Ung thư dương vật thường phổ biến hơn ở những đối tượng bị nhiễm HIV.
  • Hút thuốc lá. Thành phần độc hại trong thuốc lá sẽ làm tổn thương các tế bào bên trong dương vật.
  • Hẹp bao quy đầu (phimosis). Tình trạng thắt hẹp bao da quy đầu và không thể kéo tuột hoàn toàn để lộ ra quy đầu dương vật được.

Các dấu hiệu và triệu chứng là gì?

Không phải tất cả các bệnh ung thư đều xuất hiện triệu chứng rõ ràng, nhưng ung thư dương vật thường biểu hiện các dấu hiệu bất thường quan sát thấy trên dương vật. Vùng da trên dương vật bị đổi màu và phát hiện có khối u lạ đang phát triển. Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm:

  • Mọc u hoặc vết lở loét trên dương vật 
  • Dương vật chảy máu hoặc tiết dịch có mùi hôi
  • Dương vật có nốt phát ban
  • Không thể kéo tuột để lộ quy đầu dương vật được
  • Dương vật hoặc bao quy đầu thay đổi màu sắc
  • Mọc u vùng háng

Ung thư dương vật có lây lan không?

Ung thư dương vật là bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, virus HPV - một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư dương vật, thường lây truyền qua đường quan hệ tình dục không biện pháp bảo vệ. Virus HPV còn lây lan khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, quan hệ tình dục bằng miệng và quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Phương pháp điều trị ung thư dương vật?

Nếu phát hiện sớm, ung thư dương vật có thể điều trị thành công và có nguy cơ tái phát bệnh thấp. Nếu khối u nằm trên da thì sẽ được điều trị bằng kem bôi da. Loại kem này có ít tác dụng phụ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Xạ trị chiếu ngoài cũng là một liệu pháp điều trị xử lý các tổn thương kích thước nhỏ.

Nếu tổn thương lớn hơn nhưng vẫn có kích thước bằng hạt đậu thì có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ cục bộ hoặc làm “phẫu thuật Mohs”. Phẫu thuật Mohs là kỹ thuật cắt bỏ từng lớp mô ung thư cho đến khi chỉ còn lại các phần mô bình thường. Khi điều trị bằng hai phương pháp này, dương vật được bảo toàn hình dáng và chức năng hoạt động bình thường. Nhưng bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe để kịp phát hiện dấu hiệu tái phát bệnh. Trường hợp tổn thương ung thư có kích thước nhỏ thì sẽ ít có khả năng di căn hạch bạch huyết. Vì lý do này, chỉ định điều trị thường không cần thiết phải nạo vét các hạch bạch huyết.

Với những tổn thương lớn hơn thì cần phải loại bỏ nhiều mô hơn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét phương án cắt bỏ hoặc dẫn lưu hạch bạch huyết vùng háng. Có thể cần phải kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị để điều trị hiệu quả. Trong trường hợp ung thư đang trong giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể cần phải cắt bỏ toàn bộ dương vật.

1Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, ‘Ung thư Tiết niệu Nam’, CDC, sửa đổi lần cuối vào ngày 17 tháng 11 năm 2020, https://www. cdc.gov/cancer/uscs/about/data-briefs/no21-male-urologic-cancers.htm.

 

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư
GẮN THẺ các quan niệm sai lầm, liệu pháp hooc môn, phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, tiền sử ung thư, ung thư di căn, ung thư hiếm gặp, ung thư ở nam giới, ung thư thường gặp
Đọc thêm Ung thư tuyến tiền liệt
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG SÁU 2024