Ung thư đại trực tràng: Thông tin cần thiết và cái nhìn về việc tầm soát

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Foo Kian Fong

Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất tại Singapore. Bạn đã bao giờ cân nhắc đến việc tầm soát ung thư qua nội soi đại tràng chưa? Hãy cùng khám phá những thông tin hữu ích được chia sẻ từ các chuyên gia.

Diễn giả cấp cao

Dr Foo Kian Fong
Chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa
Trung tâm ung thư Parkway

Bác sỹ Calvin Koh
Chuyên gia tiêu hóa và trị liệu
Phòng khám The Gastroenterology Grou”

Bác sỹ Leonard Ho
Chuyên gia tư vấn cấp cao, bác sỹ phẫu thuật đại trực tràng
Phòng khám One Surgical Clinic & Surger”

Năm 2014, ông Wong* phải đi khám do bị đầy hơi và đại tiện có dấu hiệu bất thường. Các xét nghiệm cho thấy ông bị tắc ruột do ung thư đại tràng giai đoạn 4. Trường hợp bệnh của ông không hề hiếm gặp. Ở Singapore, hơn 50% bệnh nhân ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Đây là tình trạng đáng lo ngại vì ung thư đại trực tràng không chỉ lan rộng trên khắp toàn cầu mà còn là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư tại Singapore.

Ung thư đại trực tràng ảnh hưởng đến đại tràng, ruột già và trực tràng. Ung thư bắt nguồn từ đột biến DNA, kèm theo tuổi tác là nhân tố chính gây bệnh. Các tế bào phân chia liên tục tích tụ các đột biến có hại theo thời gian. Ung thư đại trực tràng phát triển qua một chuỗi đột biến làm các mô bình thường ở niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng biến đổi thành polyp, sau đó tiến triển thành ung thư qua nhiều giai đoạn.

Để nâng cao hiểu biết về bệnh ung thư đại trực tràng, bác sỹ Calvin Koh chuyên khoa tiêu hóa đến từ phòng khám The Gastroenterology Group; bác sỹ Leonard Ho - Chuyên gia tư vấn cấp cao tại phòng khám One Surgical Clinic & Surgery; và bác sỹ Foo Kian Fong - Chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa đến từ Trung tâm Ung thư Parkway, đã cùng chia sẻ kiến thức chuyên môn tại diễn đàn cấp cao về Ung thư đại trực tràng được tổ chức vào ngày 4 tháng 5 năm 2024 tại phòng hội nghị Bệnh viện Gleneagles.

Nhận biết các triệu chứng

Bác sỹ Koh cho biết: “Ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. “Xuất hiện triệu chứng thường là dấu hiệu của bệnh trong giai đoạn tiến triển.” Các triệu chứng gồm có: tắc ruột như táo bón, đau co thắt bụng, các triệu chứng toàn thân như suy nhược, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân do thiếu máu hoặc hóa chất do ung thư tiết ra.

Bác sỹ Koh lưu ý rằng những triệu chứng này đều khá phổ biến và không đặc hiệu. Vì vậy, không phải ai gặp phải những vấn đề này cũng đều mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng về nguy cơ ung thư đại trực tràng, đặc biệt là việc ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Ví dụ, tiêu thụ thịt chế biến sẵn 10 phần/tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên khoảng 20%. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm uống nhiều rượu bia, hút thuốc, thói quen ít vận động và béo phì. Tiền sử gia đình và các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng cũng làm tăng nguy cơ ung thư đáng kể. Tuổi tác là nhân tố nguy cơ nổi bật nhất, và những người ở độ tuổi 70 có nguy cơ ung thư cao gấp bốn lần so với độ tuổi 40.

Thay đổi lối sống và ngăn ngừa

Các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình và tuổi tác là không thể thay đổi, nhưng những yếu tố khác liên quan đến lối sống đều có thể điều chỉnh. Giảm tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, ăn nhiều trái cây và rau quả, tập thể dục thường xuyên có thể giảm được một số nguy cơ. Những người có nguy cơ cao cũng nên cân nhắc tầm soát sức khỏe thường xuyên.

Tầm soát và phát hiện bệnh

Tầm soát rất quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm. Quá trình để một polyp nhỏ phát triển thành ung thư sẽ mất khoảng 10 năm. Điều này giúp cho các bác sĩ có cơ hội can thiệp. “Trong quá trình nội soi, nếu thấy polyp, chúng tôi sẽ cắt bỏ và ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển. Ung thư đại tràng là một căn bệnh có thể ngăn ngừa được”, bác sỹ Koh nhấn mạnh.

Tại Singapore, độ tuổi được khuyến nghị bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng là 50 đối với những người không có triệu chứng. Bác sỹ Ho khuyên những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thì nên cân nhắc tầm soát ở độ tuổi sớm hơn.

Các lựa chọn tầm soát bao gồm:

  • Xét nghiệm máu trong phân (FIT): Xét nghiệm đơn giản này có thể phát hiện máu trong phân. Bộ dụng cụ do Hiệp hội Ung thư Singapore cung cấp và có ở các hiệu thuốc. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì cần phải làm thêm xét nghiệm.

  • Nội soi đại tràng: Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn vàng trong việc tầm soát đại trực tràng. Trong quá trình nội soi, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa một ống sợi quang (được gọi là ống nội soi) vào hậu môn, đi qua ruột già để đến manh tràng. Sau đó rút ống nội soi ra.

    Trong quá trình rút ống nội soi, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng đại tràng và trực tràng như có polyp hay không. Nếu phát hiện thấy polyp, bác sĩ sẽ cắt bỏ polyp và gửi mẫu đi kiểm tra mô bệnh học (vi thể). Hầu hết các polyp đều loại bỏ thành công trong quá trình nội soi. Những polyp được phát hiện quá lớn hoặc trong giai đoạn tiến triển sẽ phải cắt bỏ bằng các kỹ thuật khác. Nhiều bệnh nhân sợ phải nội soi vì họ sợ cảm giác khó chịu và cần phải rửa ruột trước khi soi.

    Bác sỹ Ho giải thích rằng dưới sự chăm sóc của bác sĩ nội soi có kinh nghiệm, cảm giác khó chịu sẽ rất ít. Tuy nhiên, rửa ruột vẫn là một bước bắt buộc để chuẩn bị cho nội soi. “Bước chuẩn bị này rất cần thiết giúp chuyên gia đánh giá tình trạng chính xác hơn”. Bác sỹ Ho bổ sung thêm rằng nếu kết quả nội soi bình thường thì không cần nội soi lại trong vòng 7-10 năm.

  • Chụp CT đại tràng: Đây là một loại chụp cắt lớp (chụp cắt lớp vi tính) cung cấp hình ảnh chi tiết của đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện bất thường trên hình ảnh CT, bệnh nhân cần được nội soi. Nếu kết quả chụp CT đại tràng bình thường, bệnh nhân không cần phải đánh giá đại tràng sau 5 năm. Giống như nội soi, bệnh nhân vẫn cần rửa ruột để chụp CT đại tràng.

Phương pháp điều trị

Ung thư đại trực tràng được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trịxạ trị, các trường hợp bệnh tiến triển sẽ được điều trị kết hợp đa chuyên ngành.

Phương pháp điều trị tiêu chuẩn là phẫu thuật. Hiện nay, nhiều bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi qua vết rạch nhỏ để bệnh nhân ít đau hơn và hồi phục nhanh hơn.

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật như hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêuliệu pháp miễn dịch được điều chỉnh dựa trên tình trạng cụ thể và dấu hiệu di truyền của từng bệnh nhân. Những phương pháp điều trị này thường áp dụng cho bệnh ung thư tiến triển giai đoạn 4 nhằm kiểm soát bệnh trong thời gian dài. Bác sỹ Foo đưa ra cái nhìn chuyên sâu về các phương pháp không phẫu thuật khác nhau:

  • Hóa trị với mục đích chữa khỏi: mục đích hóa trị là chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, phương pháp điều trị này thường dành cho bệnh ung thư đại tràng hiếm gặp, có tên là u lympho đại tràng.
  • Hóa trị bổ trợ: dành cho những bệnh nhân ung thư có nguy cơ tái phát cao, đặc biệt là những bệnh nhân ở giai đoạn muộn, phương pháp điều trị này nhằm mục đích tối đa hóa cơ hội chữa khỏi bệnh.
  • Hóa trị giảm nhẹ: dành cho những bệnh nhân bị ung thư di căn và không có khả năng chữa khỏi; phương pháp này tập trung vào việc thu nhỏ khối u, giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ. Bác sỹ Foo giải thích: “Hóa trị giảm nhẹ không chỉ kéo dài khả năng sống sót mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm đáng kể cơn đau và phục hồi năng lượng, như đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.”
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Phương pháp điều trị này, hoặc dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc dạng thuốc viên, đặc biệt nhắm vào các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các tế bào bình thường, giúp kiểm soát hiệu quả hơn trong giai đoạn ung thư đại trực tràng tiến triển.
  • Liệu pháp miễn dịch: Tận dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể, phương pháp điều trị này sử dụng thành phần có nguồn gốc tự nhiên hoặc tạo ra trong phòng thí nghiệm để kích thích cơ thể chống lại ung thư. Cách tiếp cận sáng tạo này hứa hẹn sẽ điều trị được một nhóm nhỏ bệnh ung thư đại trực tràng với các dấu hiệu di truyền cụ thể, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư hiệu quả hơn.

Hiểu về ung thư đại trực tràng và tham gia khám tầm soát thường xuyên có thể làm tăng đáng kể khả năng ngăn ngừa và điều trị bệnh thành công. Với những tiến bộ trong công nghệ y học và chiến lược điều trị, bệnh nhân giờ đây có nhiều cơ hội chiến đấu để phục hồi và duy trì chất lượng cuộc sống.

Cách ngăn ngừa ung thư đại trực tràng

  • Giảm ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
  • Ăn nhiều trái cây và rau xanh
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Bỏ hút thuốc
  • Uống rượu bia có chừng mực
  • Tập thể dục đều đặn
  • Ngủ tối thiểu 6 tiếng mỗi đêm
  • Khám tầm soát định kỳ

 

* Họ tên bệnh nhân đã thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư, Phòng ngừa Ung thư
GẮN THẺ colon cancer, điều trị bổ trợ, đột biến ung thư, ngăn ngừa ung thư, Nội soi đại tràng, polyp ung thư, tiền sử ung thư, ung thư đại trực tràng, ung thư giai đoạn 4
Đọc thêm Ung thư đại trực tràng
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Bảy 2024