Tin tức & Bài báo
Chuyên viên quan hệ khách hàng Ann Ton - Chia sẻ câu chuyện của cô với các bệnh nhân ung thư
Quan điểm mới về cuộc sống
Cảm động bởi nghị lực của những người bệnh, chuyên viên quan hệ khách hàng Ann Ton cố gắng sẻ chia sức mạnh, sự lạc quan và hi vọng tới những người cô chăm sóc.
Một cặp vợ chồng trung niên tới bệnh viện, chuyên viên chăm sóc khách hàng Ann Ton dù không giúp được gì nhiều nhưng cô lại có ấn tượng rất sâu sắc khi thấy cách người chồng đối xử với vợ mình, một bệnh nhân đang điều trị ung thư.
Người chồng là một người ít nói, nhưng cô có thể nói rằng anh ấy rất yêu vợ mình qua cách anh ấy nhìn vợ, nắm tay và cười với cô ấy.
Người chồng dành hầu hết thời gian bên vợ, đảm bảo rằng cô ấy nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Mỗi khi cô ấy tỏ ra lo lắng, anh lại bảo: “Em không phải lo lắng gì cả, cứ để anh lo hết. Sức khỏe của em là điều quan trọng nhất. Mọi người sẽ luôn bên em.”
Lời nói và hành động của người đàn ông này để lại một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí cô gái 27 tuổi. “Cái suy nghĩ về việc có người thân yêu luôn ở bên trong những giây phút mà mình cần nhất mang lại cảm xúc ấm áp về sự lạc quan trong cuộc sống,” cô nói.
Điều này, cùng với nhiều bệnh nhân khác mà cô chăm sóc, đã thay đổi cách nhìn nhận của cô về cuộc sống. “Chứng kiến nhiều nỗi đau thương và mất mát đã mang lại cho tôi cách nhìn thật khác về việc sắp xếp các ưu tiên trong cuộc sống,” cô cho biết.
“Trước đây, tôi hay lo lắng về những điều tôi không thể kiểm soát, như về tương lai và các mối quan hệ. Giờ đây, tôi nhận ra rằng không gì quan trọng hơn sự kết nối với những con người mà tôi quan tâm. Tôi gọi cho bố mẹ mỗi ngày để nghe giọng nói của họ và để cho họ thấy rằng tôi yêu họ.”
Ann, cô gái đến từ Việt Nam, cũng áp dụng những bài học cuộc sống vào công việc. Trong vai trò là một chuyên viên quan hệ khách hàng, Ann hỗ trợ những bệnh nhân tới khám tại Trung tâm Ung thư Parkway (PCC) để điều trị, đặc biệt là những bệnh nhân đến từ Việt Nam, Ann luôn tạo sự thoải mái tối đa và niềm động viên khích lệ mỗi khi tương tác với họ.
Dù là cố gắng giải quyết các nhu cầu về thể chất và mặt hành chính, chuẩn bị cho việc điều trị tại Việt Nam, phiên dịch, hay giúp họ trong thời gian lưu trú tại Singapore, Ann luôn cố gắng hết sức làm họ yên tâm bằng sự hiện diện và hỗ trợ của cô.
“Quả là không dễ dàng cho bệnh nhân chấp nhận kết quả chẩn đoán, nên tôi luôn cố gắng ở đó khi tâm trạng của họ đi xuống,” Ann nói. “Đôi khi, tôi không cần phải nói quá nhiều, tôi chỉ muốn họ biết rằng chúng tôi luôn ở đó cùng họ.”
Vào bất kể thời điểm nào trong ngày, Ann cũng sẽ không ngần ngại nghe điện thoại hay dành thời gian với bệnh nhân, kể cả sau giờ làm việc hoặc cuối tuần. “Giúp đỡ bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi, nên tôi luôn cố gắng sẵn sàng khi họ cần,” cô cho biết.
Lạ thay, Ann chưa bao giờ nghĩ rằng cô sẽ làm một công việc có ý nghĩa nhường này sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân khoa học (Danh dự) về Quản lí Dược vào năm 2013.
Bị thu hút bởi quảng cáo việc làm của PCC, nhận thấy kinh nghiệm và triển vọng nghề nghiệp phù hợp, cô đã gia nhập PCC vào tháng 11 năm 2013. Điều đó, theo những gì cô nhận định, là một sự kiện “thay đổi cuộc sống” của cô.
Là một người Việt Nam, Ann nhận thấy rằng cô có thể kết nối với những người bệnh đến từ quê hương mình và hiểu về những lo lắng của họ. Cô cho biết rất nhiều người lo lắng về tác dụng phụ của việc điều trị, họ cần phải làm gì, và việc điều trị hiệu quả đến đâu. Một số khác tìm kiếm những phương pháp điều trị khác hoặc muốn tìm hiểu thông tin về chế độ ăn phù hợp.
“Chúng tôi cố gắng hết sức để bệnh nhân yên tâm rằng việc điều trị đáng với những rủi ro và không gì quan trọng hơn sức khỏe của họ,” Ann cho biết. “Chúng tôi khích lệ người bệnh sử dụng sức mạnh bên trong của họ và vượt qua tác dụng phụ của việc điều trị, từng bước một.”
Ann cũng cố gắng làm bệnh nhân và người nhà cảm thấy thoải mái trong quá trình điều trị tại Singapore. Có thể là gợi ý chỗ ở, đồ ăn, và các hoạt động để tham gia – bất cứ điều gì giúp họ vui lên. “Khi bệnh nhân kết thúc việc điều trị, chúng tôi thường làm họ bất ngờ bằng những món quả nhỏ để ăn mừng chiến thắng,” cô chia sẻ. “Hoặc chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho bệnh nhân và người thân vào ngày sinh nhật của họ.”
Trong khi những giây phút đó mang lại niềm vui cho cô, Ann cũng thừa nhận rằng có những thời điểm cô phải trở nên cứng rắn để giúp bệnh nhân vượt qua khi nhận những tin xấu hay những kết quả không mong đợi, và xoa dịu cũng như giúp đỡ khi họ cần.
“Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng không được phép để cảm xúc của bản thân ảnh hưởng tiêu cực tới bệnh nhân,” cô nói. “Thật không công bằng cho bệnh nhân nếu như tôi không thể quản lí tốt cảm xúc của mình. Bởi vậy, tôi học cách kiềm chế cảm xúc.”
Mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi bệnh nhân không thể chiến thắng căn bệnh ung thư. “Không bao giờ là dễ dàng để đối phó với những cảm xúc nặng nề tới từ sự mất mát,” cô nói. “Bạn chẳng thể làm gì nhiều trong hoàn cảnh ấy, bên cạnh việc bảo đảm rằng bạn đã làm điều tốt nhất để giúp đỡ họ. Có nhiều bệnh nhân tôi biết họ từ lâu, và chúng tôi đã cùng trải qua nhiều điều. Tôi vẫn nhớ mọi chuyện và nhớ họ.”
Đó là lý do tại sao Ann tin vào việc dành thời gian chất lượng với mọi người. “Không ai sống mãi và tất cả mọi người đều tuân theo vòng tròn cuộc sống”., cô nói.
“Dành thời gian bên mọi người một cách chất lượng sẽ giúp cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa hơn.”
Để tiếp tục công việc, Ann đảm bảo rằng cô cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, điều mà cô cho rằng “là tuyệt đối”.
“Tôi không thể mang đến cho bệnh nhân những điều tốt nhất nếu như tôi chẳng còn chút sức lực nào,” Ann nói.
Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, Ann cũng luyện tập thể thao, bơi lội và tập các môn thể thao và các hoạt động mới như quần vợt hay leo núi, cô cũng “nuông chiều” bằng việc đọc sách du lịch và ăn quà vặt yêu thích. Cô ấy “chưa kết hôn nhưng hi vọng là có trong tương lai gần”, Ann vừa nói vừa cười.
Điều gì khiến cô tiếp tục?
“Tôi tin rằng tôi mang lại những thay đổi tích cực tới cuộc sống của mọi người với công việc của mình,” Ann thường giúp bệnh nhân tự tạo nên động lực từ chính bản thân họ. “Bệnh nhân ung thư là những người dũng cảm nhất. Họ chiến đấu cho cuộc sống của mình trong những hoàn cảnh áp lực, và cần tất cả những sự trợ giúp họ có. Tôi muốn được ở đó vì họ.”
Ann sẽ luôn nhớ tới một trong những bệnh nhân của cô, một thanh niên trẻ mắc ung thư với độ ác tính cao và phải điều trị tấn công mà thường đi kèm các đau đớn, mệt mỏi và các tác dụng phục khác.
Dù như vậy, cô nhớ lại, cậu ấy chưa bao giờ ngừng hi vọng. “Có 1 lần cậu ấy nhắn tin cho tôi, “Chị An à, em vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Nếu em có thể thành công, tương lai phía trước sẽ rất rực rỡ. Em cần chị giúp em để đạt được.”
Những tin nhắn và câu chuyện như vậy khiến công việc của Ann trở nên tràn đầy ý nghĩa và là động lực thúc đẩy cô vượt qua những thách thức trong công việc. “Tôi không làm được gì nhiều cho cậu ấy, nhưng tôi nghĩ rằng những cuộc trò chuyện hàng ngày và sự hiện diện của tôi là sự khích lệ dành cho cậu trong suốt cuộc hành trình khó khăn.”
Lời khuyên của cô ấy dành cho bệnh nhân? “Đừng bao giờ từ bỏ hi vọng. Cuộc sống không có gì là chắc chắn và bạn sẽ chẳng bao giờ biết điều gì đang đợi bạn phía trước. Vậy nên hãy mạnh mẽ và trân trọng từng giây phút bên những người thân yêu.”
Kok Bee Eng
GẮN THẺ | kinh nghiệm với bệnh nhân ung thư, quản lý cảm xúc, suy nghĩ tích cực về ung thư |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 02 Tháng Giêng 2019 |