Ung thư vú: Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bệnh nhân như thế nào?


Tại chương trình “Members Pink Talk’' do Quỹ ung thư vú tổ chức, chuyên gia tư vấn Jaime Yeo thuộc Trung tâm Ung thư Parkway đã chia sẻ một số phương pháp nhằm xoa dịu tổn thất tinh thần do ung thư vú – một loại ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Singapore gây ra.

Khi nhận được chẩn đoán ung thư vú và trải qua điều trị ung thư vú là những sự kiện tác động rất mạnh mẽ đến tâm lý phái nữ. Nhiều phụ nữ mắc bệnh ung thư vú thường đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý, ngay cả sau khi hoàn tất điều trị bệnh.

Để hiểu được tác động của bệnh ung thư vú đối với sức khỏe tâm lý phái nữ, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu tác động vật lý của việc điều trị ung thư vú lên cơ thể. Việc trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc điều trị các tác dụng phụ như rụng tóc, thay đổi cân nặng, mãn kinh và các vấn đề về sinh sản có thể tác động đến cảm xúc, tâm lý và cuộc sống của người phụ nữ. Ung thư vú sẽ ảnh hưởng đến:

  • Chất lượng cuộc sống
  • Hình dáng cơ thể và lòng tự trọng
  • Giá trị bản thân
  • Kế hoạch hóa gia đình
  • Các mối quan hệ xung quanh

Hoặc dẫn đến:

  • Đau buồn và mất mát
  • Căng thẳng
  • Rối loạn cảm xúc
  • Nỗi sợ ung thư tái phát
  • Trầm cảm
  • Lo âu

Việc nhận thức được thay đổi trên cơ thể có ảnh hưởng đến tâm lý sẽ giúp chúng ta thấu hiểu vì sao một người mắc bệnh ung thư không chỉ kiệt quệ về thể chất mà còn về mặt cảm xúc, tâm lý và xã hội.

Ung thư vú và sự thay đổi

Trải qua hành trình điều trị ung thư thường mang lại nhiều thay đổi, đi qua mất mát hữu hình, vô hình và trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Những biến đổi bên trong cơ thể do điều trị cũng làm thay đổi hình dáng bên ngoài của phụ nữ và một số chức năng cơ quan như khả năng tình dục và sinh sản. Ngoài ra, thái độ bên ngoài xã hội đối với cơ thể và ngoại hình của phụ nữ góp phần tạo thêm gánh nặng tâm lý cho họ, làm họ đau khổ vì cơ thể không lành lặn của mình và chán ghét bản thân. Nhiều người sống sót sau ung thư vú phải vật lộn để thích nghi với cơ thể nay đã không còn như xưa, điều này gây nên tác động tâm lý và làm họ hoài nghi mục đích sống của mình; VD như: nhận thức bản thân và cách người khác phán xét về sự tồn tại, lòng tự trọng của một người.

6 lời khuyên để xoa dịu tâm lý và sống lạc quan hơn

Tuy ung thư là một căn bệnh hiểm nghèo nhưng đâu đó vẫn còn một tia hy vọng le lói. Các bệnh nhân ung thư vú—ngay cả những người ở giai đoạn nặng, nếu vẫn còn niềm tin vào cuôc sống sẽ cải thiện tình trạng tâm lý tích cực, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và giá trị tồn tại của bản thân.

Những gợi ý sau đây là các bước giúp kiểm soát sức khỏe tâm lý hiệu quả hơn để cuộc sống tràn đầy niềm tin và hy vọng hơn:

  1. Chấp nhận nỗi đau mất mát

    Lựa chọn trốn tránh hiện thực sẽ càng làm tâm lý, tâm trạng và chất lượng cuộc sống của chúng ta ngày càng tiêu cực hơn. Bằng cách chấp nhận nỗi đau mình phải trải qua (ví dụ: cú sốc, tức giận, đau buồn), chúng ta sẽ định hình được và diễn đạt rõ hơn những cảm xúc đang trải qua.

  2. Chú ý đến cảm xúc bản thân

    Vì xã hội đã áp đặt nhiều thứ lên con người khiến chúng ta khó mà bày tỏ được cảm xúc bản thân. Nhưng cảm xúc chính là một phần tự nhiên của con người và cho chúng ta biết điều gì là quan trọng với bản thân.

    Việc chú ý đến cảm xúc bắt đầu bằng cách nhận biết và mô tả những gì chúng ta thấy, tự hỏi bản thân cảm xúc đến từ đâu và điều chỉnh chúng bằng cách nói chuyện với ai đó, đi dạo hoặc thiền định, v.v.

  3. Nuôi dưỡng các mối quan hệ

    Các mối quan hệ và sự hỗ trợ xã hội là những yếu tố bảo vệ tốt trước những sự kiện căng thẳng và góp phần mang lại hy vọng thông qua sự kết nối vượt qua ngoài bản thân. Đồng thời, chúng ta cần nhận ra những ranh giới trong các mối quan hệ và chúng ta cũng có quyền lựa chọn và tìm kiếm những mối quan hệ lành mạnh và có ích cho mình.

  4. Chăm sóc cơ thể

    Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe tâm lý tích cực. Các nghiên cứu cho thấy những người sống sót sau ung thư vú nếu có lối sống năng động thì sẽ có tâm lý tích cực hơn và biết yêu thương bản thân nhiều hơn, đồng thời ít cảm thấy mệt mỏi và trầm cảm.

    Ngoài ra, tập thể dục còn giúp chúng ta cảm thấy tự tin và độc lập hơn. Bên cạnh các bài tập tim mạch, các hoạt động khiêu vũ và vận động cũng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.

  5. Sống trọng vẹn từng phút giây

    Đừng để quá khứ hay tương lai cướp đi khoảnh khắc vui vẻ hiện tại. Hãy cố gắng sống trọn vẹn trong hiện tại và biết ơn cuộc sống hàng ngày. Liệt kê những điều bạn biết ơn mỗi ngày để nhận thức tâm lý hàng ngày tích cực hơn và có thêm động lực để kiểm soát và cân bằng bản thân.

  6. Tìm kiếm mục đích sống và hy vọng

    Ý nghĩa và hy vọng trong cuộc sống vẫn còn đấy trong chúng ta, hãy tìm ra những điều có ý nghĩa với cá nhân bạn và dần chấp nhận và yêu thương bản thân hơn khi trải qua đau khổ. Từ đó sẽ giúp ta vượt qua được bi kịch, nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh, phát triển sức mạnh cá nhân và khám phá những chân trời mới trong cuộc sống.

Những thay đổi do điều trị ung thư có thể dẫn đến mất mát và một loạt cung bậc cảm xúc khác nhau. May mắn thay, chúng ta vẫn còn có hy vọng, vẫn học được cách chấp nhận nỗi đau, chăm sóc cơ thể và cảm xúc của mình, bày tỏ lòng biết ơn và trắc ẩn, đồng thời tích cực tìm kiếm động lực mới trong cuộc sống.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN Cuộc sống sau điều trị ung thư, Sức khỏe tâm lý, Tập thể dục
GẮN THẺ ung thư vú
Đọc thêm Ung thư vú
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 THÁNG MƯỜI 2023