Tin tức & Bài báo
Những đột phá và tiến bộ về sức khỏe phổi
"Hội thảo thường niên về phổi do O2 Healthcare Group tổ chức" quy tụ các chuyên gia y tế cùng thảo luận về những tiến bộ mới nhất và các phương pháp điều trị bệnh phổi.
Hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi và các tình trạng bệnh lý phổi khác là trọng tâm của Hội thảo thường niên về phổi do O2 Healthcare Group tổ chức. Sự kiện này mang đến cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cơ hội hiểu sâu hơn về các bệnh lý phổi và các lựa chọn điều trị, với 8 diễn giả là các chuyên gia cùng nhau chia sẻ chuyên môn trong phiên họp kéo dài 4 giờ đồng hồ.
Hô hấp ký: Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn
Bác sĩ Steve Yang – Chuyên gia tư vấn cấp cao về hô hấp và chăm sóc tích cực thuộc O2 Healthcare Group, mở đầu hội thảo với bài thuyết trình về hô hấp ký. Xét nghiệm chức năng hô hấp phổ biến này đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lý phổi, đánh giá tình trạng nghiêm trọng và theo dõi tiến triển bệnh hoặc mức độ đáp ứng điều trị.
Bác sĩ Yang nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm tra này, đồng thời cũng lưu ý rằng một số bệnh nhân có thể bị chóng mặt hoặc tức ngực trong quá trình kiểm tra. Bác sĩ giải thích rằng: hô hấp ký có thể không phù hợp với người có tình trạng như tăng nhãn áp nặng, bệnh lao đang hoạt động, nhiễm vi-rút như COVID-19, phẫu thuật xoang hoặc tai giữa gần đây. Bác sĩ Yang cũng đưa ra tổng quan về cách đọc kết quả hô hấp ký, nhấn mạnh rằng những kết quả này có thể thay đổi theo thời gian trong ngày do hiệu ứng ngày đêm tác động.
Hướng dẫn điều trị hen suyễn trong cộng đồng theo GINA
Trong bài thuyết trình của mình, bác sĩ Tan Aik Hau– Chuyên gia tư vấn cấp cao về hô hấp và chăm sóc tích cực thuộc O2 Healthcare Group, đã ủng hộ việc áp dụng hướng dẫn của tổ chức “Sáng kiến Toàn cầu về Hen phế quản (GINA)” thiết lập để kiểm soát và ngăn ngừa hen suyễn hiệu quả hơn.
Bác sĩ Tan cũng giải thích chi tiết về sơ đồ chẩn đoán GINA, sơ đồ này hướng dẫn các bác sĩ xây dựng phương án điều trị phù hợp dựa trên triệu chứng và tiền sử điều trị của bệnh nhân. Bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng những bệnh nhân bị hen suyễn dai dẳng hoặc không kiểm soát được, những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do hen suyễn nên được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa để được chăm sóc đúng trọng tâm hơn.
Liệu pháp bộ ba: Niềm hy vọng mới trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bác sĩ Adrian Chan – Chuyên gia tư vấn cấp cao về hô hấp và chăm sóc tích cực thuộc O2 Healthcare Group, đã thảo luận về những tiến bộ trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bao gồm cả các bệnh như khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính, là tình trạng bệnh lý phổi đặc trưng bởi các bất thường ở đường thở và phế nang. Bác sĩ tiếp tục giải thích về liệu pháp bộ ba, đây là một phương pháp điều trị kết hợp ba loại thuốc đang dần trở nên phổ biến và hứa hẹn có để kiểm soát được tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Bác sĩ Chan cũng chia sẻ các bằng chứng nghiên cứu cho thấy thuốc dạng hít có bộ ba thành phần thuốc giúp cải thiện thời gian tuân thủ điều trị ở bệnh nhân COPD, mang lại thêm hy vọng kiểm soát bệnh tốt hơn.
Hen suyễn nặng: Khi nào nên sử dụng chế phẩm sinh học
Bác sĩ Lim Hui Fang – Chuyên gia tư vấn cấp cao về hô hấp và chăm sóc tích cực thuộc O2 Healthcare Group, trình bày về hen suyễn nghiêm trọng. Bác sĩ giải thích sự khác biệt giữa hen suyễn khó điều trị có thể được kiểm soát thông qua chăm sóc cơ bản, và hen suyễn nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Bác sĩ Lim tiếp tục giải thích về chế phẩm sinh học nhắm vào các kháng thể, phân tử hoặc tế bào cụ thể, đặc biệt hiệu quả trong điều trị tình trạng hen suyễn tăng bạch cầu ái toan nặng. Bác sĩ đã minh họa các lợi ích của thuốc sinh học thông qua các nghiên cứu ca bệnh điển hình, nêu bật những kết quả tích cực đạt được khi dùng các loại thuốc như dupilumab và benralizumab ở những bệnh nhân bị hen suyễn lâu năm và các tình trạng bệnh lý liên quan khác.
Chụp CT tầm soát để phát hiện ung thư phổi giai đoạn đầu
Bác sĩ Jim Teo – Chuyên gia tư vấn cấp cao về hô hấp và chăm sóc tích cực thuộc O2 Healthcare Group, đã thuyết trình về tầm quan trọng của việc phát hiện ung thư sớm. Bác sĩ cho biết Châu Á là khu vực có gánh nặng ung thư phổi cao nhất trên toàn cầu; tại Singapore, phần lớn các trường hợp ung thư phổi đều được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển.
Bác sĩ Teo nhấn mạnh giá trị của việc tầm soát thông qua chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp dành cho những người có nguy cơ cao, đặc biệt là những người nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài, độ tuổi từ 50 - 80 tuổi. Tuy nhiên, ông đã chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi ở Singapore lại chủ yếu là những người không bao giờ hút thuốc, và các hướng dẫn tầm soát hiện tại không bao quát toàn bộ các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, ô nhiễm không khí và vấn đề tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Bác sĩ Teo ủng hộ việc mở rộng khuyến nghị tầm soát bao gồm cả người không bao giờ hút thuốc có nguy cơ cao, trích dẫn Báo cáo đồng thuận của chuyên gia về tầm soát ung thư phổi ở Châu Á. Một ủy ban gồm 18 chuyên gia ung thư phổi đa chuyên ngành đến từ 11 quốc gia Châu Á đã khuyến nghị nên mở rộng tầm soát CT liều thấp dành cho người có nguy cơ cao theo độ tuổi, tình trạng hút thuốc và tiền sử gia đình mắc ung thư phổi. Việc tầm soát nên được thực hiện ít nhất 2 năm/lần và theo dõi các dấu hiệu bất thường 6-12 tháng một lần.
Bác sĩ Teo kết luận bằng việc nhấn mạnh rằng việc chụp CT tầm soát không chỉ phát hiện sớm ung thư phổi mà còn xác định được các bệnh phổi mạn tính khác để có được cơ hội điều trị thành công cao hơn.
Ung thư phổi ở người không hút thuốc: Chúng ta biết được bao nhiêu?
Bác sĩ Richard Quek – Chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa thuộc Trung tâm Ung thư Parkway (PCC), đã cung cấp thông tin chi tiết về tỷ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở những người không hút thuốc. Ông đã trao đổi về mức độ phức tạp của ung thư phổi ở những người không hút thuốc, trong đó một đột biến gen đơn lẻ có thể gây ra căn bệnh này. Ông cũng đề cập đến những nguyên nhân tiềm ẩn, bao gồm phơi nhiễm radon (một loại khí phóng xạ tự nhiên), yếu tố di truyền và ô nhiễm môi trường. Ông còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu về các yếu tố di truyền gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc giúp bác sĩ điều chỉnh các phương pháp điều trị mà có thể chuyển bệnh ung thư thành bệnh mạn tính có thể kiểm soát.
Bác sĩ Quek cũng cung cấp thông tin về việc các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra ô nhiễm không khí có thể gây ra ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc, và các hạt nhỏ liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu có thể kích thích hình thành ung thư ở các tế bào đường thở. Bác sĩ mong muốn có thể mở rộng kiểm tra tầm soát ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc và xây dựng các hướng dẫn cụ thể theo từng khu vực dựa trên dữ liệu khu vực Châu Á, vì các hướng dẫn hiện tại chủ yếu tập trung vào các quốc gia phương Tây.
Các nghiên cứu về ung thư phổi
Bác sĩ Chin Tan Min – Chuyên gia tư vấn cấp cao, Ung thư nội khoa thuộc Trung tâm Ung thư Parkway (PCC), tập trung vào những tiến bộ đạt được trong điều trị ung thư phổi giai đoạn từ 15-20 năm vừa qua. Bác sĩ nhấn mạnh vai trò của y học chính xác và cá nhân hóa góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và kết quả điều trị cho bệnh nhân, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của phương pháp kết hợp đa ngành.
Bác sĩ Chin cũng nhấn mạnh về những tiến bộ trong điều trị nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch và sự ra đời của thuốc kháng thể đơn dòng liên hợp – một cải tiến mới nhất trong liệu pháp điều trị ung thư phổi cung cấp cho các bác sĩ ung thư nhiều lựa chọn điều trị hơn trước.
Phẫu thuật: Điều trị chữa khỏi ung thư phổi giai đoạn đầu
Bác sĩ Su Jang Wen – Chuyên gia tư vấn cấp cao về Phẫu thuật tim và lồng ngực thuộc O2 Healthcare Group, đã cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề phẫu thuật ung thư phổi. Bác sĩ giải thích rằng hiện nay vẫn có nhiều loại nốt phổi không được chẩn đoán, tuy vậy các nốt càng có kích thước nhỏ thì nguy cơ ung thư càng thấp.
Bác sĩ Su nhấn mạnh tầm quan trọng của can thiệp phẫu thuật sớm, lưu ý rằng ở giai đoạn 0, tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm là 99,7% khi cắt bỏ một phần nhỏ của phổi. Và ở giai đoạn 1A1, tuy phải cắt bỏ một phần phổi lớn hơn nhưng tỷ lệ sống sót vẫn đạt được khoảng 92%. Bác sĩ ủng hộ việc cắt bỏ các nốt nhỏ được phát hiện trong quá trình chụp CT thay vì chờ đợi và theo dõi tình trạng, mong muốn hướng đến mục tiêu tầm soát là phát hiện khối u sớm để đạt được kết quả điều trị tốt hơn.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN | Các phương pháp điều trị ung thư |
GẮN THẺ | lung cancer, chiến thắng ung thư, nhiễm trùng phổi |
Đọc thêm | Ung thư phổi |
ĐƯỢC PHÁT HÀNH | 01 Tháng Mười Một 2024 |