4 điều Gen Z cần biết về ung thư đại trực tràng

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Foo Kian Fong

Mặc dù ung thư đại trực tràng là bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi1, nhưng không có nghĩa là thế hệ trẻ như Gen Z sẽ hoàn toàn miễn nhiễm với các nguy cơ ung thư. Trên thực tế, rất nhiều người đang lo lắng về tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng ngày càng tăng ở những người dưới 50 tuổi trên toàn cầu2.

Các nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng bao gồm: di truyền, béo phì, tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, uống rượu bia và hút thuốc lá. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi có thể bắt nguồn từ chế độ ăn uống và lối sống.

Tuy nhiên, nhiều người đã nghi ngờ mối liên quan giữa các yếu tố này và tỷ lệ ung thư ngày càng tăng. Điều quan trọng chính là mặc dù những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ ung thư nhưng mức độ tăng nguy cơ là tương đối nhỏ3.

Bất kể lý do đằng sau tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ngày càng tăng là gì, các bạn trẻ vẫn cần chủ động tiếp cận và tìm hiểu thêm về căn bệnh này. Dưới đây là bốn thông tin mà Gen Z cần biết về ung thư đại trực tràng.

1. Yếu tố nguy cơ và lựa chọn lối sống

Ung thư đại trực tràng thường bắt đầu từ một polyp ở đại tràng và theo thời gian, do những thay đổi trong môi trường ruột và thay đổi di truyền, nó sẽ phát triển thành ung thư.

Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm:

  1. Di truyền liên quan đến một số gen có thể truyền từ cha mẹ sang con như bệnh đa polyp tuyến và hội chứng Lynch
  2. Tiền sử cá nhân hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại tràng
  3. Bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng
  4. Béo phì
  5. Bệnh tiểu đường
  6. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
  7. Hút thuốc lá
  8. Uống quá nhiều rượu bia
  9. Các nguy cơ khác

Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng là rất quan trọng vì một số yếu tố có thể phòng ngừa bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Duy trì lối sống không lành mạnh chẳng hạn như thường xuyên ăn đồ ăn nhanh nhiều chất béo sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra còn có thể kiểm soát các yếu tố như cắt giảm đường4 và rượu bia, ăn nhiều rau củ, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc nguyên hạt5, đồng thời tăng cường thể thao để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

2. Các triệu chứng cần chú ý

Các triệu chứng cần chú ý Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng bao gồm:

  • Thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón)
  • Cảm giác đi ngoài không hết
  • Thấy máu (đỏ tươi hoặc rất sẫm màu) ẩn trong phân
  • Thấy phân nhỏ hơn bình thường
  • Đau bụng đặc biệt vào ban đêm
  • Thường xuyên bị đau bụng, chuột rút, cảm thấy no hoặc chướng bụng
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Luôn cảm thấy rất mệt mỏi
  • Buồn nôn hoặc nôn

Hầu hết các triệu chứng này thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt là những người mắc hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này trong một thời gian dài và có nguy cơ ung thư tiềm ẩn thì nên đi khám bác sĩ ngay. Tuy nhiên, cần lưu ý là những triệu chứng này thường không hoàn toàn là dấu hiệu bệnh ung thư.

Ngoài ra, ung thư giai đoạn đầu thường không gây đau đớn6. Vì vậy, bất cứ ai có những triệu chứng như trên nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

3. Xét nghiệm tầm soát

Tầm soát ung thư là làm các xét nghiệm giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ngay cả khi không xuất hiện triệu chứng.

Tại Singapore, độ tuổi được khuyến nghị tầm soát là 50 tuổi đối với những người không có triệu chứng7. Ở Mỹ, độ tuổi bắt đầu tầm soát hiện nay là 45 tuổi. Mặc dù những xét nghiệm này ít được Gen Z quan tâm nhưng cập nhật thông tin về các lựa chọn tầm soát là rất tốt. Hơn nữa, việc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị ung thư.

Các xét nghiệm tầm soát sau đây được sử dụng để phát hiện polyp, ung thư hoặc các bất thường khác8:

  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT) hoặc Xét nghiệm miễn dịch tìm máu ẩn trong phân (FIT) dùng để phát hiện lượng nhỏ máu ẩn trong phân. Nếu xét nghiệm này phát hiện ra máu thì cần làm các xét nghiệm khác để tìm ra nguồn gốc của máu. Các bệnh lý lành tính (chẳng hạn như bệnh trĩ) cũng có thể gây ra máu trong phân.
  • Nội soi đại tràng cho phép bác sĩ kiểm tra trực tràng và toàn bộ đại tràng bằng cách sử dụng ống dài có đèn (nội soi đại tràng). Nếu phát hiện thấy polyp là những khối u lành tính có thể dẫn đến ung thư thì sẽ tiến hành cắt bỏ chúng.
  • Nội soi ảo sử dụng thiết bị X-quang đặc biệt xây dựng hình ảnh đại tràng và trực tràng. Máy tính tập hợp những hình ảnh này làm hiển thị rõ polyp và các bất thường khác.

4. Các phương pháp điều trị

Mặc dù các trường hợp bệnh sẽ khác nhau nhưng phẫu thuật ung thư đại trực tràng có tỷ lệ thành công khá cao ngay cả với ung thư giai đoạn muộn. Mặc dù hầu hết bệnh nhân đều cần phẫu thuật để cắt bỏ đoạn đại tràng bị ảnh hưởng, một số bệnh nhân có thể cần hóa trịxạ trị bổ sung.

Đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn, liệu pháp nhắm mục tiêu chính một lựa chọn khả thi trong kế hoạch điều trị ung thư toàn diện.

Hướng tới tương lai

Hướng tới tương lai Khi ung thư đại trực tràng ngày càng trở nên phổ biến ở những người trẻ tuổi, chúng ta cần phải nâng cao hiểu biết của bản thân về căn bệnh này. Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ, triệu chứng, xét nghiệm tầm soát, lựa chọn điều trị và hỗ trợ là đặc biệt hữu ích trong việc chuẩn bị tinh thần nếu không may bị chẩn đoán ung thư đại trực tràng.

Điều quan trọng là duy trì lối sống lành mạnh, ăn nhiều rau củ, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc (hơn 6 tiếng mỗi đêm) để có thể ngăn ngừa nguy cơ ung thư đại trực tràng.

1“Colorectal Cancer”. World Health Organization, 2023.
2“What’s Driving the Rise of Colon Cancer in Young Adults?”. ASCO Daily News, 2023.
3“Colorectal cancer is rising among younger adults and scientists are racing to uncover why”. CNN, 2023.
4Hur J, Otegbeye E, Joh HK, et al. Sugar-sweetened beverage intake in adulthood and adolescence and risk of early-onset colorectal cancer among women. Gut. 2021.
5Vieira AR, Abar L, Chan DSM, et al. Foods and beverages and colorectal cancer risk: a systematic review and meta-analysis of cohort studies, an update of the evidence of the WCRF-AICR Continuous Update Project. Ann Oncol. 2017.
6“Colorectal Cancer”, PCC.
7“Colorectal Cancer Screening: Why It's Important”. SingHealth, 2021.
8“Colorectal Cancer”, PCC.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN Các phương pháp điều trị ung thư, Phòng ngừa Ung thư
GẮN THẺ chế độ ăn và dinh dưỡng cho người mắc ung thư, Nội soi đại tràng
Đọc thêm Ung thư đại trực tràng
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 01 Tháng Ba 2024