Ung Thư Gan
Tổng quan
Ung thư gan là gì?
Ung thư gan là bệnh ung thư bắt nguồn từ những tế bào phát triển bất thường trong gan.
Mức độ phổ biến của ung thư gan?
Ung thư gan nguyên phát là loại ung thư phổ biến thứ năm ở Singapore, chiếm 5,7% tổng số ca bệnh ung thư mới được chẩn đoán trên toàn quốc3. Đây là bệnh ung thư khá phổ biến tại các nước châu Á ,chủ yếu là do tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi mạn tính cao trong cộng đồng, đây là yếu tố nguy cơ chính gây ra ung thư gan. Khoảng 3/4 số người mắc bệnh viêm gan B mạn tính trên thế giới đều đang sinh sống tại Châu Á4.
Tin tốt là số ca bệnh ung thư gan ở Singapore đã giảm dần đều trong những năm gần đây. Thay đổi tích cực này phần lớn là nhờ thực hiện chương trình tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ em từ năm 1985, cùng với sự ra đời của thuốc kháng vi-rút nâng cao hiệu quả trong việc điều trị viêm gan C mạn tính5.
Phân loại ung thư gan
Ung thư gan được phân thành ung thư nguyên phát hoặc thứ phát dựa trên nguồn gốc của các tế bào ung thư1.
Ung thư gan nguyên phát xảy ra khi ung thư phát sinh từ chính các tế bào trong gan. Các dạng bệnh ung thư gan nguyên phát khác nhau được đặt tên theo loại tế bào đã sinh ra ung thư. Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) hay ung thư gan phát sinh từ các tế bào chính của gan gọi là tế bào gan, bệnh lý này chiếm hơn 80% các trường hợp ung thư gan nguyên phát2. Ngoài ra còn có một loại ung thư gan nguyên phát ít phổ biến hơn bắt nguồn từ các tế bào lót ống mật, hay còn gọi là tế bào đường mật và bệnh có tên gọi là ung thư đường mật hoặc ung thư ống mật.
Ung thư gan thứ phát (hoặc di căn) xảy ra khi ung thư bắt nguồn từ nơi khác trong cơ thể và di căn đến gan. Loại ung thư này được đặt tên theo cơ quan nguyên phát ung thư. Một ví dụ phổ biến chính là ung thư đại trực tràng di căn, là ung thư đại tràng hoặc trực tràng di căn đến gan qua đường máu.
Trong phần còn lại của bài viết này, ung thư gan sẽ là cụm từ viết tắt của ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát.
Nguyên nhân & triệu chứng
Nguyên nhân gây ung thư gan?
Ung thư gan xảy ra khi các tế bào trong gan phát triển đột biến (thay đổi) trong DNA dẫn đến sự phát triển bất thường và hình thành khối u. Đôi khi nguyên nhân đã được xác định, chẳng hạn như viêm gan mạn tính. Tuy nhiên, đôi khi, ung thư gan có thể hình thành mà không có bệnh lý tiềm ẩn và không có nguyên nhân rõ ràng6.
Yếu tố nguy cơ gây ra ung thư gan
Rất khó để giải thích tại sao người này bị ung thư gan còn người khác thì không trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng khả năng phát triển ung thư gan, bao gồm7:
Viêm gan mạn tính do virus
Nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính chiếm đến 80% số lượng ca bệnh ung thư tế bào gan (loại ung thư gan nguyên phát phổ biến nhất) trên toàn cầu2.Xơ gan do uống rượu
Uống nhiều rượu trong nhiều năm có thể dẫn đến xơ gan (sẹo gan không thể phục hồi), sau đó sẽ phát triển thành ung thư gan.Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
Tình trạng gan nhiễm mỡ đang là một vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Á do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống dẫn đến béo phì4.Tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường tuýp 2 làm tăng nguy cơ ung thư gan, đặc biệt ở những người bị viêm gan do vi rút mạn tính và uống nhiều rượu.Tiếp xúc với aflatoxin
Aflatoxin là chất gây ung thư bắt nguồn từ một loại nấm mốc làm hư hỏng các loại thực phẩm như: đậu phộng, lúa mì, đậu nành, lạc, ngô và gạo nếu bảo quản trong môi trường ấm và ẩm ướt.Rối loạn chuyển hóa di truyền
Bệnh lý bao gồm bệnh huyết sắc tố (một chứng rối loạn làm dư thừa chất sắt trong cơ thể) và bệnh Wilson (một chứng rối loạn làm dư thừa đồng trong cơ thể).
Nhiều trường hợp ung thư gan có thể ngăn ngừa bằng các biện pháp y tế công cộng làm giảm mức độ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trên.
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư gan?
Giai đoạn đầu của bệnh ung thư gan thường không xuất hiện triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của ung thư gan khá không đặc hiệu vì hầu hết triệu chứng có thể là do các tình trạng sức khỏe khác gây ra6:
- Sụt cân bất thường
- Chán ăn
- Cảm thấy no khi ăn ít
- Đau bụng trên
- Buồn nôn và nôn
- Yếu người và mệt mỏi
Ở giai đoạn tiến triển sẽ xuất hiện các dấu hiệu suy gan như sau8:
- Vàng da (da và tròng trắng mắt đổi màu vàng)
- Phân màu trắng, xám
- Nước tiểu đậm màu
- Chướng bụng do tích tụ dịch
- Chảy máu từ ruột
- Vết bầm tím bất thường
- Trạng thái tinh thần bị thay đổi
Chẩn đoán & đánh giá
Chẩn đoán ung thư gan
Các xét nghiệm sau đây được thực hiện để chẩn đoán ung thư gan9:
Khám lâm sàng
Khám vùng bụng để kiểm tra khối u cứng, cổ trướng (dịch trong bụng) và các dấu hiệu khác của bệnh gan.Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu dùng để kiểm tra chức năng gan và nồng độ alpha-fetoprotein (AFP) trong máu. AFP là một chỉ điểm khối u trong máu mà những người mắc bệnh ung thư gan sẽ có chỉ số tăng cao hơn.Siêu âm gan
Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tái tạo hình ảnh lá gan. Đây là một xét nghiệm không đau và thường mất vài phút để hoàn thành. Hình ảnh siêu âm có thể phát hiện ra khối u gan.Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp ổ bụng để quan sát hình ảnh gan ba chiều và các cơ quan xung quanh. Chụp CT giúp quan sát thấy kích thước và vị trí khối u, mạch máu và mức độ lan rộng của ung thư.Sinh thiết gan
Dùng kim lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi. Thủ thuật này thường không cần hoặc không được chỉ định trong các trường hợp ung thư gan có nguy cơ gây xuất huyết và làm lan rộng khối u.
Ung thư gan được đánh giá như thế nào?
Sau khi chẩn đoán ung thư gan, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ (giai đoạn) bệnh. Phân loại giai đoạn bệnh sẽ tiến hành thông qua chụp CT, chụp PET-CT hoặc MRI, để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư và ung thư đã lan đến bộ phận nào trong cơ thể. Ung thư gan thường lan rộng đến các hạch bạch huyết, phổi và xương. Các giai đoạn bệnh ung thư gan bao gồm10:
Giai đoạn I
Khối u nguyên phát đơn lẻ chưa xâm lấn mạch máu hay lan đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc các vị trí ở xa.Giai đoạn II
Khối u nguyên phát đơn lẻ đã xâm lấn mạch máu trong gan hoặc mọc thêm một vài khối u kích thước nhỏ hơn, nhưng ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc các vị trí ở xa.Giai đoạn III
Có nhiều khối u, trong đó có một khối u kích thước lớn hoặc ít nhất một khối u đã xâm lấn mạch máu trong gan nhưng ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết gần đó cũng như các vị trí ở xa.Giai đoạn IV
Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó và/hoặc đến các vị trí xa trong cơ thể.
Đánh giá giai đoạn ung thư gan không đơn giản như các bệnh ung thư khác. Ngoài đặc điểm khối u và mức độ lan rộng, dự đoán tiên lượng ung thư gan còn phụ thuộc vào mức độ suy gan vì tổn thương cũng ảnh hưởng đến hoạt động chức năng gan10. Ví dụ: một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn 4 và chức năng gan bình thường sẽ có khả năng sống lâu hơn một người mắc bệnh ung thư gan giai đoạn 2 nhưng lại bị suy gan giai đoạn cuối.
Điều trị ung thư gan
Các lựa chọn điều trị ung thư gan
Quyết định phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư gan sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh (đánh giá kích thước khối u và mức độ di căn của ung thư từ cơ quan nguyên phát), sức khỏe tổng quát và chức năng gan của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chính được sử dụng là phẫu thuật, cắt đốt khối u, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu và xạ trị11:
Phẫu thuật
Phẫu thuật có khả năng cao chữa khỏi bệnh và là phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn đầu2. Nếu chỉ một phần của gan bị ung thư và phần còn lại vẫn khỏe mạnh thì có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ (các) phần gan bị ảnh hưởng. Thủ thuật này được gọi là phẫu thuật cắt gan (cắt bỏ một phần gan).
Một hình thức phẫu thuật khác là ghép gan. Đó là cắt bỏ toàn bộ gan và thay bằng gan hiến tặng khỏe mạnh. Một cuộc phẫu thuật lớn như vậy có thể được thực hiện khi ung thư chỉ ở gan và có sẵn gan hiến tặng.
Nếu không thể phẫu thuật thì các phương pháp điều trị khác có thể được đưa ra để giúp kiểm soát ung thư, từ đó làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.Đốt cắt khối u
Đốt cắt khối u nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư gan nguyên phát và thủ thuật cắt bỏ sẽ sử dụng nhiệt (đốt sóng cao tần; RFA) hoặc cồn (sóng cao tần; PEI). Các thủ thuật này sẽ tiến hành tại khoa chẩn đoán hình ảnh để kết hợp hướng dẫn siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp bác sĩ đâm kim xuyên qua da và tiến vào khối u trong gan. Bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ trước khi bắt đầu.
Phương pháp RFA sử dụng tia laser hoặc sóng cao tần truyền qua kim để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách đốt cắt ở nhiệt độ rất cao. Phương pháp PEI thì sử dụng cồn tiêm qua kim vào khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nếu khối u phát triển trở lại thì sẽ đốt cắt lại.Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phân chia. Hóa trị giúp kiểm soát triệu chứng bằng cách thu nhỏ khối u và làm u chậm phát triển. Thuốc hóa trị thường được truyền tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch), đôi khi bệnh nhân có thể dùng thuốc hóa trị đường uống. Hóa trị cũng có thể được dùng như một phương pháp điều trị có tên gọi là nghẽn mạch bằng hóa chất.
Nghẽn mạch bằng hóa chất là phương pháp tiêm thuốc hóa trị trực tiếp vào khối ung thư ở gan, cùng lúc đó bơm vật liệu nút mạch như gel hoặc hạt nhựa nhỏ để ngăn chặn lưu lượng máu đi đến khối ung thư (nghẽn mạch). Không phải bệnh nhân nào cũng phù hợp với hóa trị vì phương pháp này chỉ có thể chỉ định nếu chức năng gan của bệnh nhân đủ tốt để điều trị.Liệu pháp nhắm mục tiêu
Liệu pháp nhắm mục tiêu sử dụng thuốc ngăn chặn ung thư phát triển và lan rộng bằng cách can thiệp vào các phân tử liên quan đến sự phát triển và tiến triển của ung thư.
Hiện nay đã có một số loại thuốc nhắm mục tiêu được phép sử dụng để điều trị ung thư gan. Những loại thuốc này ngăn chặn sự phát triển các mạch máu của ung thư. Vì tế bào ung thư cần nguồn cung cấp máu mang lại chất dinh dưỡng và oxy, do đó thuốc này sẽ hạn chế khả năng phát triển của ung thư. Những loại thuốc nhắm mục tiêu đã được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng rộng có khả năng kéo dài thời gian sống sót của bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển lâu hơn so với chỉ chăm sóc hỗ trợ2,12.Liệu pháp miễn dịch
Hệ thống miễn dịch có một chức năng quan trọng chính là khả năng nhận biết tế bào lạ và tế bào bình thường.
Liệu pháp miễn dịch là một hình thức điều trị tương đối mới, trong đó bệnh nhân được dùng thuốc nhắm vào thụ thể có tên là protein PD-1 (programmed death protein 1) hoặc phối tử của nó PD-L1 (programmed death ligand 1). Chúng được gọi là chất ức chế điểm kiểm soát. Những loại thuốc này kích thích các tế bào miễn dịch là các tế bào lympho T để tấn công các tế bào ung thư. Một số loại thuốc miễn dịch đã được chứng minh là hiệu quả trong điều trị ung thư gan và hiện nay nhiều thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành2,12.Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển. Xạ trị ngoài sẽ sử dụng một máy bên ngoài cơ thể chiếu tia xạ hướng tới khối u. Phương pháp điều trị này thường không sử dụng để điều trị ung thư gan vì lá gan không thể tiếp nhận tia bức xạ liều cao. Tuy nhiên, xạ trị có thể giúp giảm nhẹ cơn đau, ví dụ ở những bệnh nhân ung thư đã di căn đến xương.
Ngoài ra, xạ trong sử dụng chất phóng xạ được đưa đến ung thư một cách có chọn lọc thông qua mạch máu chính đưa máu đến gan (động mạch gan).
Tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư gan
Chẩn đoán sớm ung thư gan sẽ tăng khả năng chữa khỏi bệnh2.
Điều quan trọng cần lưu ý là những tỷ lệ này chỉ là ước tính và với những tiến bộ liên tục trong điều trị cũng như các phương pháp tầm soát, tuổi thọ của bệnh nhân ung thư gan dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện.
Phòng ngừa & tầm soát
Tầm soát ung thư gan
Tầm soát là tìm kiếm ung thư trước khi cơ thể xuất hiện triệu chứng. Việc tầm soát giúp các bác sĩ phát hiện và điều trị ung thư gan sớm khi ung thư còn khu trú và dễ dàng loại bỏ bằng phẫu thuật. Can thiệp bệnh càng sớm thì càng gia tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân13. Đối với dân chúng nói chung, việc tầm soát ung thư gan vẫn chưa cho thấy làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư gan và thường không được khuyến khích rộng rãi6.
Những người có nguy cơ mắc ung thư gan cao, chẳng hạn như những người mắc bệnh viêm gan B mạn tính và bị sẹo gan (xơ gan) do viêm gan C hoặc các bệnh lý khác gây ra thì nên thường xuyên tầm soát ung thư gan. Khám tầm soát bao gồm:
- Xét nghiệm nồng độ alpha-fetoprotein (AFP) trong máu định kì 3-6 tháng
- Siêu âm gan định kì 6-12 tháng một lần
Phòng ngừa ung thư gan
Mặc dù không có cách nào đảm bảo ngăn ngừa ung thư gan, nhưng có một số biện pháp giúp hạn chế nguy cơ ung thư, bao gồm4:
- Tiêm vắc xin ngừa virus viêm gan B
- Điều trị viêm gan B và C
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh như chế độ ăn Địa Trung Hải
- Uống rượu bia có chừng mực, nếu có uống
- Tránh tiếp xúc với aflatoxin trong ăn uống bằng cách không ăn các thực phẩm ngô, gạo, lúa mì, đậu phộng và đậu nành bị mốc hoặc bảo quản không đúng cách.
- Tích cực vận động, tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
- Khám sức khỏe định kỳ nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao
Câu hỏi thường gặp (FAQ)
Rất khó để phát hiện sớm ung thư gan vì các dấu hiệu và triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi bệnh đi vào giai đoạn tiến triển. Hiện tại vẫn chưa có xét nghiệm tầm soát nào được khuyến nghị cho người dân nói chung6.
Nếu như bạn là người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan; VD: nếu bạn bị viêm gan B mạn tính và bị sẹo gan (xơ gan) do viêm gan C hoặc các bệnh lý khác gây ra thì nên tầm soát 6 tháng một lần với xét nghiệm chỉ số alpha-fetoprotein (AFP) trong máu và siêu âm gan sẽ tăng cơ hội phát hiện bệnh sớm nếu bạn bị ung thư gan.
Ung thư gan có thể chữa khỏi bệnh nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu khi ung thư chưa lan rộng. Trong những trường hợp này, phẫu thuật cắt bỏ u (cắt bỏ toàn bộ khối u) hoặc ghép gan là lựa chọn tốt nhất để điều trị bệnh. Ung thư gan kích thước nhỏ cũng có thể chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị khác như đốt hoặc xạ trị14.
Gan là một cơ quan quan trọng giúp thanh lọc các chất thải trong máu, loại bỏ độc tố, phân hủy và lưu trữ chất dinh dưỡng, đồng thời sản xuất các chất làm đông máu. Chúng ta không thể sống nếu không có lá gan nhưng lại có thể sống với lá gan đã cắt bỏ một phần hoặc một lá gan không hoạt động bình thường.
Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể con người có cơ chế tự tái tạo. Trên thực tế, gan vẫn có thể tái tạo ngay cả khi 90% cấu trúc tạng không còn nguyên vẹn 15. Vì lý do này, nếu một người có nhu cầu ghép gan thì người hiến tặng còn sống chỉ cần hiến đi một phần gan của họ. Các phần gan còn lại của hai bên hiến và nhận sau đó sẽ dần tái tạo lại.
Tuy nhiên, quá trình tự phục hồi này có thể bị ảnh hưởng do những tổn thương như là bệnh lý gan mạn tính.
Nguồn tham khảo
- American Cancer Society. What is Liver Cancer? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/about/what-is-liver-cancer.html on 17 July 2023.
- Yang JD. et al. A Global View of Hepatocellular Carcinoma: Trends, Risk, Prevention and Management. Nature Reviews Gastroenterology & Hepatology. 2019 Oct; 16(10): 589–604.
- The Global Cancer Observatory, International Agency for Research on Cancer, World Health Organization. Singapore Fact Sheet. Accessed at https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/702-singapore-fact-sheets.pdf on 17 July 2023.
- Jafri W. et al. Hepatocellular Carcinoma in Asia: A Challenging Situation. Euroasian Journal of Hepatogastroenterology. 2019 Jan-Jun; 9(1): 27–33.
- Liu Y. et al. Changes in the Epidemiology of Hepatocellular Carcinoma in Asia. Cancers. 2022 Sep; 14(18): 4473.
- Mayo Clinic. Liver Cancer Symptoms and Causes. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659 on 17 July 2023.
- American Cancer Society. Liver Cancer Risk Factors. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html on 17 July 2023.
- American Cancer Society. Signs and Symptoms of Liver Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-symptoms.html on 17 July 2023.
- Gleneagles Hospital Singapore. Liver Cancer Diagnosis and Treatment. Accessed at https://www.gleneagles.com.sg/conditions-diseases/liver-cancer/diagnosis-treatment on 17 July 2023.
- Cancer Research UK. About staging of liver cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/liver-cancer/stages/about-staging-of-liver-cancer on 17 July 2023.
- Mayo Clinic. Liver Cancer Diagnosis. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/diagnosis-treatment/drc-20353664 on 17 July 2023.
- UpToDate. Systemic treatment for advanced hepatocellular carcinoma. Accessed at https://www.uptodate.com/contents/systemic-treatment-for-advanced-hepatocellular-carcinoma on 17 July 2023.
- National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph – Appendices. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
- American Cancer Society. Surgery for Liver Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/liver-cancer/treating/surgery.html on 17 July 2023.
- National Institutes of Health. Cells that maintain and repair the liver identified. Accessed at https://www.nih.gov/news-events/nih-research-matters/cells-maintain-repair-liver-identified on 17 July 2023.