Tổng Quan

Ung thư vòm họng là gì?

Ung thư vòm họng là căn bệnh hình thành khi các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của vòm họng. Vòm họng nằm sau mũi và ngay phía trên cổ họng. Cơ quan này đóng vai trò là đường dẫn không khí đi từ mũi đến cổ họng và phần còn lại của đường hô hấp (hệ thống hô hấp). Vòm họng cũng thông nối với tai qua vòi nhĩ mở vào tai giữa.

Ung thư vòm họng thường khó phát hiện và được chẩn đoán muộn vì các lý do sau:

  • Vòm họng là vùng không dễ nhìn thấy và những bất thường nhỏ dễ bị bỏ qua.
  • Các triệu chứng của ung thư vòm họng khi xuất hiện khá mơ hồ và giống với các tình trạng bệnh lý phổ biến khác.

Các loại ung thư vòm họng

Hầu hết các bệnh ung thư vòm họng bắt đầu từ các tế bào ở niêm mạc vòm họng (được gọi là tế bào biểu mô). Ung thư được phân loại dựa trên hình thái các tế bào ung thư quan sát dưới kính hiển vi1,2:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy sừng hóa: Các tế bào ung thư trong loại ung thư vòm họng này được bao phủ bởi keratin (tương tự như protein trong tóc và móng tay), là loại ung thư phổ biến nhất ở các quốc gia hiếm xuất hiện ung thư vòm họng.

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy biệt hóa, không sừng hóa: Các tế bào ung thư không được bao phủ bởi keratin và trông giống các tế bào bình thường dưới kính hiển vi. Tế bào ung thư thường quan sát thấy với một loại vi-rút phổ biến, được gọi là vi-rút Epstein-Barr (EBV).

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy không biệt hóa, không sừng hóa: Các tế bào ung thư trông rất khác so với các tế bào khỏe mạnh dưới kính hiển vi và được gọi là tế bào kém biệt hóa/hoặc không biệt hóa, là loại ung thư phổ biến nhất tại các khu vực có ung thư vòm họng phổ biến và thường liên quan đến virut EBV. Các tế bào ung thư kém biệt hóa hoặc không biệt hóa có xu hướng phát triển và lây lan nhanh hơn.

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy đáy: là một dạng ung thư vòm họng hiếm gặp và có độ ác tính cao.

Ung thư đôi khi cũng xuất hiện ở các tế bào khác trong vòm họng như hạch bạch huyết (u lympho), mô mềm (sarcoma) và tế bào sản xuất sắc tố (u hắc tố). Những trường hợp này rất hiếm và chỉ chiếm chưa đến 10% các trường hợp ung thư vòm họng2.

Mức độ phổ biến của ung thư vòm họng?

Ung thư vòm họng tương đối hiếm gặp trên toàn thế giới, chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số các loại ung thư được chẩn đoán. Tuy nhiên, có hơn 80% các trường hợp và ca tử vong do ung thư vòm họng được báo cáo ở khu vực Châu Á và trở thành một thánh thức y tế đáng kể trong khu vực này trên thế giới 3. Tại Singapore, ung thư vòm họng là loại ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán ở nam giới trong độ tuổi từ 30 - 494.

Tin tốt là trong 50 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vòm họng (số ca bệnh trên mật độ dân số 100.000 người) đã giảm dần. Điều này được cho là do lượng tiêu thụ cá muối và thực phẩm bảo quản giảm, thói quen hút thuốc lá cũng giảm và các quốc gia đã triển khai sàng lọc vi-rút Epstein-Barr (EBV) để phát hiện bệnh sớm, như Trung Quốc nơi có tỷ lệ mắc EBV và ung thư vòm họng cao5.

Nguyên nhân & triệu chứng

Nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng?

Ung thư vòm họng xuất hiện khi có tác nhân kích hoạt các tế bào niêm mạc bề mặt vòm họng phát triển đột biến (biến đổi) trong DNA khiến chúng phát triển bất thường và hình thành khối u có thể xâm lấn các cấu trúc lân cận và lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nguyên nhân chính xác gây ra đột biến vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Các yếu tố nguy cơ ung thư vòm họng

Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ gây tổn thương DNA ở các tế bào có thể dẫn đến ung thư vòm họng bao gồm6,7,8:

  • Giới tính: Ung thư vòm họng phổ biến ở nam giới gấp 2-3 lần so với nữ giới.

  • Chủng tộc: Ung thư vòm họng thường gặp ở một số vùng của Trung Quốc, Đông Nam Á và Bắc Phi. Tại Singapore, người gốc Hoa chiếm khoảng 90% các trường hợp ung thư vòm họng được chẩn đoán9.

  • Độ tuổi: Ở những khu vực mà ung thư vòm họng không phổ biến, bệnh có nhiều khả năng được chẩn đoán ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, ở những khu vực có nguy cơ cao, những người trẻ tuổi có nhiều khả năng bị bệnh hơn.

  • Thực phẩm ướp muối: Các hóa chất (như nitrosamine, là chất gây ung thư) được giải phóng khi nấu và ăn các thực phẩm ướp muối như cá và thịt muối, rau củ muối chua, có thể xâm nhập vào đường mũi làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Một người ăn cá muối theo kiểu Trung Hoa hàng ngày có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao gấp hai mươi lần so với người hiếm khi ăn 5. Việc tiếp xúc với những hóa chất này khi còn nhỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữa. Ngược lại, chế độ ăn nhiều các loại hạt, đậu, trái cây và rau xanh, ít sản phẩm từ sữa và thịt có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vòm họng10.

  • Virus Epstein-Barr (EBV): Loại virus phổ biến này thường gây bệnh giống cúm nhẹ và bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hoặc sốt viêm tuyến. EBV có thể ở trạng thái ngủ đông (không hoạt động) trong các tế bào máu sau khi nhiễm khuẩn ban đầu. Ở một số người bị nhiễm EBV sẽ kích hoạt sự phát triển của ung thư vòm họng, hiện nay cách thức và lý do gây bệnh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Có thể gen hoặc thói quen hút thuốc của một người có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với loại virus này. EBV được tìm thấy ở 85% các trường hợp ung thư vòm họng5.

  • Virus u nhú ở người (HPV): Nhiễm một số loại HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.

  • Rượu và thuốc lá: Uống nhiều rượu bia và sử dụng thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào vảy sừng hóa11.

  • Tiền sử gia đình: Có một hoặc nhiều thành viên trong gia đình mắc ung thư vòm họng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của các thành viên còn lại. Hiện nay vẫn chưa rõ liệu nguyên nhân gây bệnh thực sự là do gen di truyền, các yếu tố môi trường sống (như cùng ăn uống hoặc sống trong cùng một nhà) hay có thể là kết hợp của những yếu tố này10.

Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn mắc bệnh ung thư vòm họng. Nhiều người tuy có yếu tố nguy cơ nhưng lại không bao giờ bị ung thư thực quản, trong khi một số người không có yếu tố nguy cơ lại mắc.

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm họng?

Bệnh ung thư này có ít hoặc không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm họng xuất hiện, bao gồm6,7:

  • Khối u không đau ở cổ do hạch bạch huyết sưng to
  • Nước bọt có lẫn máu
  • Chảy máu mũi hoặc nước mũi có lẫn máu
  • Nghẹt mũi hoặc tắc mũi
  • Ù tai
  • Đau tai hoặc nghe thấy tiếng mạch đập trong tai
  • Mất thính lực
  • Nhiễm trùng tai thường xuyên
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Nhìn mờ hoặc song thị
  • Vùng mặt bị tê hoặc yếu cơ

Hầu hết các triệu chứng trên có nhiều khả năng là do các bệnh thông thường gây ra như nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như trên, đặc biệt nếu chúng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị nếu cần.

Chẩn đoán ung thư vòm họng

Nếu bạn có các triệu chứng hoặc dấu hiệu cho thấy ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm để xác định xem bạn có bị ung thư hay không. Ung thư vòm họng có thể được phát hiện thông qua các thủ thuật và xét nghiệm sau6,7,12:

  • Tiền sử bệnh và khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình, sau đó tiến hành khám sức khỏe bao gồm sờ cổ để tìm hạch bạch huyết phì đại, khám thần kinh tại giường để kiểm tra các dây thần kinh sọ não (dây thần kinh ở đầu và cổ) và kiểm tra thính giác, thị lực.

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe tổng quát bao gồm công thức máu, chức năng thận, gan và tuyến giáp. Xét nghiệm DNA virus Epstein-Barr (EBV) là xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ điểm DNA EBV thường được tìm thấy ở trong máu của những người nhiễm EBV. Bác sĩ có thể làm lại xét nghiệm này trong và sau khi điều trị để đánh giá đáp ứng của ung thư và tiên lượng (kết quả điều trị).

  • Nội soi mũi (Nội soi mũi hoặc nội soi vòm họng): trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi (ống mềm dài có gắn máy quay và đèn ở đầu) luồn qua mũi vào phía sau họng để quan sát vòm họng và tìm kiếm dấu hiệu bất thường. Có thể lấy mẫu sinh thiết (mẫu mô) qua thiết bị nội soi nếu thấy bất kỳ vùng bất thường nào.

  • Xét nghiệm mẫu sinh thiết: Các mẫu tế bào ung thư đã lấy qua sinh thiết được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để cung cấp thông tin chuyên sâu về loại ung thư vòm họng. Ngoài ra có thể làm thêm xét nghiệm dấu ấn sinh học để tìm kiếm các gen, protein và các chất cụ thể khác (gọi là dấu ấn sinh học hoặc chỉ điểm khối u) mà các tế bào ung thư mang trên mình. Kết quả xét nghiệm dấu ấn sinh học sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị ung thư.

Tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ cũng có thể chuyển bạn đến12:

  • Kiểm tra thính lực cơ bản bởi bác sĩ thính lực.
  • Đánh giá toàn bộ mắt và thị lực bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
  • Kiểm tra răng miệng bởi bác sĩ nha khoa.
  • Đánh giá khả năng nuốt bới bác sĩ trị liệu ngôn ngữ.

Quy trình đánh giá ung thư vòm họng?

Sau khi ung thư vòm họng được chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định mức độ ung thư (giai đoạn bệnh). Đánh giá giai đoạn bệnh thường được thực hiện thông qua chụp CT, chụp PET-CT hoặc MRI để theo dõi mức độ di căn và nếu có thì di căn đến những bộ phận nào của cơ thể. Ung thư vòm họng thường di căn đến các hạch bạch huyết lân cận, xương, phổigan. Phần lớn các trường hợp ung thư vòm họng được chẩn đoán sau khi bệnh đã di căn ra ngoài vòm họng.

Các bác sĩ mô tả giai đoạn bệnh như sau1,13:

  • Giai đoạn 0: Ung thư chỉ ảnh hưởng đến lớp tế bào trên cùng bên trong vòm họng.
  • Giai đoạn I: Ung thư đã phát triển vào hầu họng (phía sau họng) hoặc khoang mũi (không gian bên trong mũi).
  • Giai đoạn II: Ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở một bên cổ hoặc sau họng ở một/hoặc cả hai bên.
  • Giai đoạn III: Ung thư đã di căn đến các mô xung quanh và hạch bạch huyết ở hai bên cổ.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn đến hộp sọ, mắt, dây thần kinh sọ, tuyến nước bọt hoặc phần dưới của cổ họng. Ung thư có thể đã di căn đến các khu vực xa hơn trong cơ thể như phổi hoặc gan.

Giai đoạn bệnh càng thấp thì cơ hội điều trị thành công và sống sót lâu dài càng cao.

Phương pháp điều trị

Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vòm họng

Khi cân nhắc kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ tính đến các yếu tố sau7:

  • Giai đoạn ung thư.
  • Kích thước, phân loại và vị trí khối u.
  • Nồng độ DNA EBV trong máu.
  • Độ tuổi và sức khỏe tổng quát.
  • Yêu cầu cá nhân.

Mục tiêu đầu tiên của điều trị ung thư vòm họng là loại bỏ ung thư. Khi không thể đạt được mục tiêu loại bỏ thì trọng tâm sẽ chuyển sang kiểm soát ung thư trong thời gian càng lâu càng tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ung thư vòm họng có thể điều trị kết hợp bằng các phương pháp sau6,14,15,16:

  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kiểm soát không cho chúng phát triển. Xạ trị thường được sử dụng để điều trị cả khối u vòm họng chính và các hạch bạch huyết lân cận vùng cổ. Đối với các trường hợp ung thư vòm họng kích thước nhỏ và giai đoạn đầu, xạ trị chính là phương pháp điều trị duy nhất. Trong các trường hợp khác, xạ trị có thể kết hợp điều trị với hóa trị. Các phương pháp xạ trị ung thư vòm họng bao gồm:

    • Xạ trị chùm tia ngoài (Xạ trị từ bên ngoài cơ thể): Xạ trị chùm tia ngoài sử dụng một máy chiếu tia bên ngoài cơ thể để truyền tia xạ đến khu vực ung thư. Đây là hình thức xạ trị phổ biến nhất trong điều trị ung thư vòm họng. Xạ trị điều biến liều (IMRT) và xạ trị lập thể định vị thân là những phương pháp mới hơn chiếu tia xạ ngoài vào khối u và gây ít tổn thương hơn cho các mô khỏe mạnh.

    • Xạ trị proton: liệu pháp proton là một hình thức xạ trị mới sử dụng các chùm tia proton (các hạt nhỏ mang điện tích dương) thay vì tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp Proton gây ít tổn thương cho các mô mà chùm tia chiếu qua và giải phóng năng lượng chủ yếu tại vùng mục tiêu. Điều này có nghĩa là liệu pháp proton có thể truyền nhiều tia xạ tới khu vực ung thư hơn với liều bức xạ thấp hơn và ít gây tổn thương hơn cho các mô khỏe mạnh liền kề.

    Xạ trị vùng đầu và cổ, đặc biệt là khi kết hợp với hóa trị, thường có thể gây lở loét nghiêm trọng ở cổ họng và miệng, dẫn đến khó ăn uống. Bác sĩ có thể chỉ định đặt ống xông để chuyển thức ăn và nước vào dạ dày duy trì calo và dinh dưỡng cho đến khi miệng và cổ họng phục hồi.

    Những tiến bộ gần đây trong công nghệ xạ trị, cùng với các kỹ thuật che chắn nâng cao để bảo vệ các mô khỏe mạnh, đã dẫn đến sự cải thiện đáng kể về độ chính xác của việc truyền tia xạ. Điều này có nghĩa là các dây thần kinh, cơ quan và mô ở mặt, mắt và não có khả năng được bảo vệ nhiều hơn, cải thiện kết quả sau khi điều trị.

  • Hóa trị:hóa trị sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phân chia. Thuốc đi vào máu và có thể ảnh hưởng đến các tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng đã lan ra ngoài vòm họng hoặc tái phát. Hóa xạ trị là hóa trị kết hợp cùng xạ trị. Phương án kết hợp này hiệu quả hơn so với điều trị riêng lẻ và hiệu quả trong trường hợp ung thư tiến triển khu trú. Tuy nhiên, phương pháp kết hợp này sẽ khó dung nạp, đặc biệt là đối với những bệnh nhân sức khỏe kém. Vài trường hợp cần phải hóa trị thêm trước/hoặc sau khi xạ trị.

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật không thường được chỉ định trong điều trị ung thư vòm họng vì khu vực này khó tiếp cận và nằm gần các dây thần kinh và mạch máu quan trọng. Phẫu thuật chỉ thích hợp cho những trường hợp ung thư kích thước nhỏ tái phát ở vòm họng hoặc ở các hạch bạch huyết ở cổ sau khi điều trị ban đầu. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi (phẫu thuật lỗ khóa) qua đường mũi.

  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Liệu pháp nhắm mục tiêu là loại thuốc ngăn chặn sự phát triển của ung thư bằng cách can thiệp vào các phân tử cụ thể liên quan đến sự phát triển và lây lan của khối u. Một số liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ có hiệu quả ở những người có đột biến gen cụ thể. Kháng thể đơn dòng là một dạng điều trị nhắm vào các protein cụ thể trên tế bào ung thư vòm họng, chẳng hạn như EGFR là một loại protein có trên bề mặt tế bào ung thư giúp chúng phát triển và phân chia. Bằng cách chặn EGFR, thuốc giúp làm chậm hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển và có thể kết hợp cùng hóa trị trong trường hợp ung thư đã lan rộng, tái phát hoặc tiếp tục phát triển sau điều trị ban đầu17.

  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là sử dụng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại ung thư bằng cách tăng cường khả năng của hệ miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư. Trong những năm gần đây, các loại thuốc liệu pháp miễn dịch như thuốc ức chế PD-1 nhắm vào một loại protein trên tế bào T để tăng cường hệ thống miễn dịch đã được chấp thuận để điều trị ung thư vòm họng tiến triển mà không thể điều trị bằng xạ trị hoặc đã tái phát hoặc tiến triển sau điều trị ban đầu (18).18.

Tỷ lệ sống sót của ung thư vòm họng

So với nhiều loại ung thư khác, ung thư vòm họng có tiên lượng điều trị tương đối tốt. Phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội chữa khỏi càng cao. Khoảng 25% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn I hoặc II, có tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm lần lượt là 93% và 87%. Điều này có nghĩa là 9 trong số 10 người mắc ung thư vòm họng giai đoạn I và II có cơ hội sống sót trong vòng 5 năm kể từ thời gian chẩn đoán. 25% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn III vẫn có tiên lượng (kết quả điều trị) tốt với tỷ lệ sống sót chỉ hơn 80%. Tuy nhiên, 50% bệnh nhân còn lại được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển (giai đoạn IV) thì tiên lượng cho nhóm này sẽ kém khả quan hơn với tỷ lệ sống sót là 64%.9

Điều đáng chú ý là tỷ lệ sống sót được nhóm lại dựa trên giai đoạn bệnh (ung thư đã lan rộng đến đâu), nhưng các yếu tố khác như tuổi tác, sức khỏe tổng quát và mức độ đáp ứng điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến tiên lượng (kết quả điều trị) . Ngay cả khi tính đến những điều này, thì tiên lượng mà bác sĩ đưa ra sẽ dựa trên ước tính số liệu thống kê những người bệnh có chẩn đoán tương tự. Trong cùng một bệnh nhưng hành trình của bạn vẫn có thể khác với những người khác.

Ngăn Ngừa & Tầm Soát Bệnh

Tầm soát ung thư vòm họng

Tầm soát là đề cập đến việc tìm kiếm dấu hiệu ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng. Hiện tại không có phương pháp tầm soát ung thư vòm họng định kỳ dành cho các đối tượng chung. Do đó điều quan trọng nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ (xem mục " Yếu tố nguy cơ ung thư vòm họng" ở trên) thì cần phải cảnh giác và đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kịp thời nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vòm họng nên được theo dõi chặt chẽ qua nội soi mũi họng định kỳ và xét nghiệm máu để phát hiện vi-rút Epstein-Barr. Những xét nghiệm này có thể phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn đầu khi ung thư còn khu trú và có nhiều khả năng chữa khỏi bằng xạ trị.

Ngăn ngừa ung thư vòm họng

Mặc dù không có cách nào đảm bảo để ngăn ngừa ung thư vòm họng, nhưng có một số biện pháp có thể thực hiện để giảm nguy cơ14:

  • Tránh hoặc bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng và nhiều loại ung thư khác. Bỏ thuốc lá sẽ rất khó vì vậy hãy tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ bao gồm các nhóm hỗ trợ, dùng thuốc và liệu pháp thay thế nicotin.

  • Hạn chế hoặc không uống rượu bia: Uống rượu bia ở mức độ vừa phải. Đối với người lớn khỏe mạnh, nữ giới ở mọi độ tuổi và nam giới trên 65 tuổi chỉ nên uống một ly/ngày và nam giới từ 65 tuổi trở xuống chỉ nên uống hai ly/ngày.

  • Ăn uống lành mạnh, cân bằng: Chế độ ăn ít chất béo, đường, thịt đỏ và thực phẩm chế biến, nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý và bệnh ung thư bao gồm cả ung thư vòm họng. Hạn chế ăn các loại thực phẩm ướp muối và bảo quản có chứa nitrosamin - là một loại chất có nguy cơ gây ung thư.

  • Duy trì hoạt động và tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần tổng thể. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn mới bắt đầu tập thể dục, hãy bắt đầu từ từ với các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ quanh công viên và tăng dần cường độ.

Các Câu Hỏi Thường Gặp

Collapse All
Expand All

Ung thư vòm họng có khả năng chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Tuy nhiên, giai đoạn bệnh sớm (giai đoạn I và một số trường hợp ở giai đoạn II) chỉ chiếm chưa đến 25% các trường hợp bệnh vì ung thư thường chỉ biểu hiện triệu chứng và dấu hiệu khi đã đi vào giai đoạn tiến triển9.

Xạ trị là phương pháp điều trị được lựa chọn cho ung thư vòm họng giai đoạn sớm và đảm bảo khả năng chữa khỏi. Ung thư giai đoạn tiến triển thường được điều trị kết hợp giữa hóa trị và xạ trị (hóa xạ trị). Bệnh vẫn còn khả năng chữa khỏi nếu ung thư chưa di căn ra ngoài vùng đầu và cổ20.

Ung thư vòm họng xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Ở những khu vực bệnh không phổ biến, ung thư vòm họng thường được chẩn đoán ở những người từ 50 tuổi trở lên. Ở những khu vực nguy cơ cao thì bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến những bệnh nhân trẻ tuổi7. Tại Singapore, ung thư vòm họng là loại ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán ở nam giới trong độ tuổi từ 30 - 49 và là loại ung thư phổ biến thứ chín ở nam giới dưới 30 tuổi4.

Ung thư vòm họng là bệnh tương đối hiếm gặp, chỉ chiếm chưa đến 1% các ca bệnh ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới (21). Tuy nhiên, khi xem xét về mặt địa lý, có hơn 80% ca bệnh ung thư vòm họng được chẩn đoán ở khu vực Châu Á và trở thành một thách thức y tế đáng kể ở khu vực này trên thế giới 3. Tỷ lệ mắc bệnh (số ca bệnh) ở các nước Đông Á và Đông Nam Á tăng cao hơn được cho là do tỷ lệ nhiễm vi-rút Epstein-Barr cao và tiêu thụ thực phẩm bảo quản bằng muối (đặc biệt là cá muối) cũng cao hơn5.

Tiên lượng điều trị ung thư vòm họng tương đối tốt so với nhiều loại ung thư khác. Tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm đối với những người mắc ung thư từ giai đoạn I đến giai đoạn III là trên 80%, nghĩa là hơn 8 trong số 10 người có cơ hội sống sót trong vòng 5 năm kể từ thời gian chẩn đoán bệnh. Những người mắc ung thư vòm họng giai đoạn IV có tỷ lệ sống sót thấp hơn là 64% nhưng đây vẫn là kết quả tốt hơn so với các loại ung thư khác.

Điều quan trọng là những số liệu thống kê này được khảo sát trên một nhóm người có cùng chẩn đoán bệnh. Mỗi cá nhân sẽ có diển biến bệnh khác nhau. Tốt nhất là bạn nên trao đổi về tiên lượng (kết quả điều trị) với bác sĩ điều trị, người có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin cụ thể hơn dựa trên tình trạng của bạn.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất mà nhiều bệnh nhân mắc ung thư vòm họng gặp phải là phát hiện một cục u ở cổ khiến họ phải đi khám bác sĩ. Cục u thường không đau hoặc mềm và là do ung thư di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ làm hạch phì đại.

Khi khối ung thư còn rất nhỏ ở vòm họng, một số người trong nước bọt có lẫn máu hoặc chảy máu mũi. Tuy nhiên, tình trạng này thường bị hiểu lầm là do "nóng trong" và điều trị bằng trà đông y của Trung Quốc. Thật không may, điều này đã làm lỡ cơ hội để điều trị ung thư giai đoạn sớm. Tốt nhất là bạn nên khám ​​bác sĩ ngay nếu có bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào.

Nguồn Tham Khảo

  1. Cleveland Clinic. Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21661-nasopharyngeal-cancer on 26 July 2024.
  2. American Cancer Society. What is Nasopharyngeal Cancer? Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/about/what-is-nasopharyngeal-cancer.html on 26 July 2024.
  3. The Global Cancer Observatory, International Agency for Research on Cancer, World Health Organization. Nasopharynx Fact Sheet. Accessed at https://gco.iarc.who.int/media/globocan/factsheets/cancers/4-nasopharynx-fact-sheet.pdf on 26 July 2024.
  4. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry Annual Report 2021. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  5. Zhang Y, Rumgay H, Li M, et al. Nasopharyngeal Cancer Incidence and Mortality in 185 Countries in 2020 and the Projected Burden in 2040: Population-Based Global Epidemiological Profiling JMIR Public Health and Surveillance 2023;9:e49968.
  6. Mayo Clinic. Nasopharyngeal Carcinoma. Accessed at https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nasopharyngeal-carcinoma/symptoms-causes/syc-20375529 on 26 July 2024.
  7. National Cancer Institute. Nasopharyngeal Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version. Accessed at https://www.cancer.gov/types/head-and-neck/patient/adult/nasopharyngeal-treatment-pdq on 26 July 2024.
  8. Health Hub. Nasopharyngeal Cancer (Nose Cancer). Accessed at. https://www.healthhub.sg/a-z/diseases-and-conditions/nasopharyngeal-cancer on 26 July 2024.
  9. National Registry of Diseases Office. Singapore Cancer Registry 50th Anniversary Monograph 1968-2017. Singapore, National Registry of Diseases Office; 2022.
  10. American Cancer Society. Risk Factors for Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html on 26 July 2024.
  11. National Cancer Institute. Nasopharyngeal Cancer Treatment (PDQ®)–Health Professional Version. Accessed at https://www.cancer.gov/types/head-and-neck/hp/adult/nasopharyngeal-treatment-pdq on 26 July 2024.
  12. American Cancer Society. Tests for Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html on 26 July 2024.
  13. Cancer Research UK. Number Stages of Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/nasopharyngeal-cancer/stages/number on 26 July 2024.
  14. SingHealth. Nasopharyngeal Cancer (Nose Cancer). Accessed at https://www.singhealth.com.sg/patient-care/conditions-treatments/nasopharyngeal-cancer on 26 July 2024.
  15. American Cancer Society. Treatment Options by Stage of Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/treating/by-stage.html on 26 July 2024.
  16. Cancer Research UK. Treatment Options for Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/nasopharyngeal-cancer/treatment/decisions on 26 July 2024.
  17. American Cancer Society. Targeted Drug Therapy for Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/treating/targeted-therapy.html on 26 July 2024.
  18. American Cancer Society. Immunotherapy for Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.cancer.org/cancer/types/nasopharyngeal-cancer/treating/immunotherapy.html on 26 July 2024.
  19. SingHealth. Nasopharyngeal Cancer in Singapore: A Primary Care Update. Accessed at https://www.singhealth.com.sg/news/defining-med/npc-singapore on 26 July 2024.
  20. NHS UK. Nasopharyngeal Cancer. Accessed at https://www.nhs.uk/conditions/nasopharyngeal-cancer/ on 26 July 2024.
  21. Sung H, Siegel RL, Laversanne M, et al. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries. CA: A Cancer Journal for Clinicians 2021; 71(3):209-49.