BỆNH BẠCH CẦU LYMPHO MÃN TÍNH (CLL)
Bệnh bạch cầu cấp tính hay mãn tính tùy thuộc vào loại tế bào máu nào có liên quan và nó phát triển nhanh tới mức nào. Bệnh bạch cầu cấp tính phát triển nhanh chóng khi không được điều trị, trong khi bệnh bạch cầu mãn tính mất nhiều thời gian hơn để phát triển. Phần lớn bệnh nhân có thể sống với bệnh bạch cầu mãn tính trong nhiều năm.
CLL là một loại ung thư máu bắt đầu từ các tế bào bạch cầu lympho được tạo ra trong tủy xương. Khi tế bào bạch cầu bất thường sản sinh quá mức, sẽ làm dư thừa trong tủy xương và cản trở việc sản sinh các tế bào máu bình thường.
Mặc dù không có các nguyên nhân xác thực, bệnh được cho là phát sinh từ một đột biến trong các gen kiểm soát sự phát triển của tế bào máu. Những đột biến như vậy xảy ra trong suốt cuộc đời của một người và không được truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Một số yếu tố nguy cơ gây CLL được xác định:
- Tuổi tác - Nguy cơ phát triển CLL tăng theo tuổi. CLL xảy ra nhiều nhất ở những người trên 60 tuổi và hiếm khi thấy ở những người dưới 40 tuổi.
- Giới tính - CLL phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình – Người thân cận huyết (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) của người bị CLL có thể có nguy cơ mắc CLL cao hơn.
- Dân tộc - Những người có người thân là người Do Thái Đông Âu hoặc người Do Thái Nga có nguy cơ mắc CLL cao hơn.
- Tiếp xúc với các tác nhân hóa học - Những người đã tiếp xúc với chất độc màu da cam, một loại thuốc diệt cỏ được sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, có thể có nguy cơ mắc CLL cao hơn.
CLL có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và nhiều người thậm chí không gặp bất kỳ triệu chứng nào cả. CLL thậm chí có thể được phát hiện tình cờ trong một xét nghiệm máu thông thường. Tuy nhiên, đôi khi CLL có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Mệt mỏi
- Sốt
- Khó thở
- Cảm thấy mệt mỏi
- Da nhợt nhạt
- Ăn uống kém ngon miệng
- Sụt cân
- Đổ mồ hôi đêm hoặc đổ mồ hôi quá nhiều
- Chảy máu nướu rang hoặc chảy máu cam
- Dễ bị bầm tím
- Các đốm đỏ hoặc tím trên da
- Đau xương hoặc khớp
- Cảm giác đầy bụng hoặc trướng bụng
- Hạch không đau ở cổ, nách, dạ dày hoặc háng
- Hay bị nhiễm trùng
Khám lâm sàng, xét nghiệm máu và sinh thiết tủy xương sẽ giúp chẩn đoán và tiên lượng CLL.
Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu sức khỏe tổng quát và tìm kiếm dấu hiệu sưng ở gan, lách và hạch bệnh lý, chảy máu bất thường hoặc bầm tím, và các dấu hiệu nhiễm trùng.
Xét nghiệm máu, được gọi là công thức máu tổng quát, là việc lấy mẫu máu rồi gửi tới phòng xét nghiệm để phân tích. Mẫu máu sẽ được kiểm tra số lượng các tế bào máu khác nhau. Một tỷ lệ cao các tế bào lympho (hơn 5.000 tế bào lympho/mm3) cùng với lượng hồng cầu và tiểu cầu thấp có thể nghĩ tới CLL. Khi được kiểm tra dưới kính hiển vi, mẫu máu của người bị CLL cũng có thể cho thấy các tế bào bị mờ, hoặc các tế bào lympho trông bất thường.
Sinh thiết tủy xương bao gồm lấy mẫu tủy xương, thường là từ xương hông. Điều này được thực hiện khi gây tê cục bộ và mất khoảng 15 - 20 phút. Mẫu cũng sẽ được gửi đi xét nghiệm, để kiểm tra các tế bào ung thư.
Flow cytometry – Đếm dòng chảy tế bào là một xét nghiệm sử dụng máy để giúp xác định các tế bào CLL trong các mẫu máu hoặc mẫu tủy xương. Đếm dòng chảy tế bào là xét nghiệm quan trọng nhất được sử dụng để chẩn đoán CLL.
Các xét nghiệm sâu hơn, bao gồm xét nghiệm máu, phân tích nhiễm sắc thể và chẩn đoán hình ảnh (ví dụ: chụp CT) thường được thực hiện để xác định phạm vi của CLL và để giúp xác định các lựa chọn điều trị tốt nhất.
Có nhiều cách khác nhau để phân loại giai đoạn CLL. Các hệ thống phân loại cũ (cụ thể là hệ thống Rai và hệ thống Binet) chỉ dựa trên thể tích CLL trong cơ thể được đo bằng lượng tế bào CLL trong máu, số lượng hạch bệnh lý lớn, lá lách phì đại và/hoặc mức độ tủy xương bị ảnh hưởng.
Quan trọng hơn các hệ thống phân loại lâm sàng như Rai và Binet là kết quả các xét nghiệm chi tiết như phân tích nhiễm sắc thể và nghiên cứu đột biến gen. Những xét nghiệm này chỉ được phát triển trong thập kỷ vừa qua và dự đoán tiên lượng và đáp ứng điều trị tốt hơn nhiều so với các hệ thống xác định giai đoạn bệnh lâm sàng trước đây.
Hầu hết các phương pháp điều trị CLL không thể giúp khỏi hẳn bệnh. Điều trị nhằm mục đích kiểm soát CLL để bệnh nhân có thể có một cuộc sống gần như bình thường.
Trong giai đoạn đầu của CLL, nhiều người sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào và sẽ không cần điều trị. Điều này được gọi là CLL không triệu chứng. Bệnh nhân sẽ được theo dõi liên tục thông qua kiểm tra định kỳ và xét nghiệm máu. Điều trị thường chỉ bắt đầu khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và/hoặc nếu lượng máu giảm.
Các lựa chọn điều trị phổ biến hơn bao gồm các chất ức chế phân tử nhỏ (một hình thức liệu pháp đích cao), hóa trị và liệu pháp sinh học (còn gọi là kháng thể đơn dòng).
Thuốc ức chế phân tử nhỏ (Liệu pháp đích)
Trong CLL, liệu pháp đích bao gồm sử dụng thuốc uống (thuốc viên) nhắm vào các protein cụ thể trong tế bào ung thư để phá hủy hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Hình thức điều trị này đã đi đầu trong những năm gần đây với hai loại thuốc nhận được sự chấp thuận của Cơ quan Khoa học Y tế Singapore và FDA Hoa Kỳ. Những loại thuốc này cực kỳ hiệu quả và trong các thử nghiệm lâm sàng đã được chứng minh là có hiệu quả hơn so với hóa trị đơn thuần trong điều trị các loại CLL có chứa một số đột biến gen nhất định.
Hóa trị
Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chúng nhân lên. Các loại thuốc có thể được truyền tĩnh mạch (thông qua tĩnh mạch ở tay hoặc cánh tay) hoặc ở dạng viên nén. Hai hoặc nhiều loại thuốc hóa trị có thể được kết hợp. Hóa trị được thực hiện theo chu kỳ với thời gian nghỉ giữa chừng để cơ thể phục hồi sau tác dụng phụ của thuốc. Số chu kỳ hóa trị thường được cố định, ví dụ: 6 – 8 chu kỳ.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch liên quan đến việc sử dụng các kháng thể đơn dòng, là protein hệ thống miễn dịch do con người tạo ra, để giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư. Các kháng thể đơn dòng được truyền tĩnh mạch hoặc dưới dạng tiêm. Liệu pháp miễn dịch đôi khi có thể được kết hợp với hóa trị.
Xạ trị
Trong xạ trị, tia X năng lượng cao được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Xạ trị ngoài được thực hiện bởi một máy bên ngoài cơ thể. Xạ trị hiếm khi được sử dụng trong CLL.
Trong 2% đến 10% các trường hợp mắc CLL, bệnh bạch cầu có thể chuyển thành một loại ung thư hạch Không Hodgkin hoặc ung thư hạch Hodgkin. CLL cũng có thể tiến triển thành bệnh bạch cầu tăng sản. Hiếm khi, CLL có thể biến thành bệnh Bạch cầu cấp tính dòng lympho (ALL). Một số tác nhân hóa trị được sử dụng để điều trị CLL cũng có thể làm tổn thương cấu trúc di truyền của các tế bào tạo máu trong cơ thể.
Vì có rất ít yếu tố rủi ro đã biết đối với CLL, hầu hết trong số đó không thể phòng tránh được, nên không có cách nào để ngăn ngừa CLL.
CanHOPE là một dịch vụ hỗ trợ và tư vấn ung thư phi lợi nhuận do Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore cung cấp. CanHOPE bao gồm một đội ngũ hỗ trợ chăm sóc, hiểu biết và có kinh nghiệm cùng với sự tiếp cận các thông tin toàn diện về một loạt các chủ đềvề giáo dục và các hướng dẫn trong điều trị ung thư.
CanHOPE cung cấp:
- Các thông tin ung thư cập nhật cho bệnh nhân bao gồm các cách để ngăn ngừa ung thư, các triệu chứng, nguy cơ, xét nghiệm kiểm tra, chẩn đoán, các phương pháp điều trị và nghiên cứu hiện tại.
- Giới thiệu tới các dịch vụ liên quan đến ung thư, chẳng hạn như các cơ sở xét nghiệm và kiểm tra, các trung tâm điều trị và tư vấn bác sĩ phù hợp.
- Lời khuyên và tư vấn ung thư về chiến lược kiểm soát các tác dụng phụ trong quá trình điều trị, đối mặt với bệnh ung thư, chế độ ăn uống và dinh dưỡng.
- Hỗ trợ tâm lý và tinh thần cho những người bị bệnh ung thư và những người chăm sóc họ.
- Các hoạt động hỗ trợ nhóm, tập trung vào kiến thức, kỹ năng và các hoạt động hỗ trợ để giáo dục và nâng cao nhận thức cho bệnh nhân và những người chăm sóc.
- Các nguồn lực cho các dịch vụ hỗ trợ và phục hồi chức năng
- Các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ để cải thiện chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển.
Đội ngũ CanHOPE sẽ đồng hành cùng với bệnh nhân để hỗ trợ và chăm sóc cá nhân, vì họ đang cố gắng chia sẻ một chút hy vọng với tất cả những người mắc bệnh.